Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục giữ nguyên quy mô của gói nới lỏng tiền tệ sang năm tới sau khi bản báo cáo việc làm tháng 9 cho thấy tác động của đà giảm tốc kinh tế đối với thị trường lao động.

Theo báo cáo hôm 22/10 của Bộ Lao động Mỹ, hoạt động tuyển dụng đã suy yếu trong tháng 9. Cụ thể, nền kinh tế có thêm 148,000 việc làm, thấp hơn so mức kỳ vọng là 180,000 và mức đã được điều chỉnh trong tháng 8 là 193,000.


Tuy nhiên, thông tin tích cực từ bản báo cáo này là tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 7.3% xuống 7.2%, mức thấp nhất trong 5 năm khi 133,000 người cho biết họ đã tìm được việc làm và có thêm 73,000 tham gia lực lượng lao động. Đây là một thông tin khá khích lệ vì trong các tháng trước đó, có hàng ngàn người Mỹ rời khỏi lực lượng lao động. Dù vậy, hiện vẫn còn 11.3 triệu người tiếp tục tìm kiếm việc làm.

Được công bố trễ hơn so thường lệ 18 ngày do Chính phủ đóng cửa, báo cáo cho thấy tốc độ tăng trưởng chậm đến bất ngờ của lĩnh vực tư nhân với chỉ 129,000 việc làm và xu hướng ngày càng yếu kém trong các tháng vừa qua. Trong khi số lượng việc làm của tháng 8 được điều chỉnh tăng từ 169,000 lên 193,000 thì số lượng việc làm của tháng 7 lại bị điều chỉnh giảm từ 104,000 xuống 89,000.

Báo cáo cho thấy kinh tế Mỹ vẫn còn tăng trưởng chậm, bối cảnh có thể khiến Fed chưa sớm cắt giảm chương trình mua 85 tỷ USD trái phiếu/tháng (QE3). Theo dự báo Fed có thể cắt giảm QE3 trong mùa thu năm nay nhưng sau khi Chính phủ ngừng hoạt động, giới quan sát Fed lại kỳ vọng động thái của Fed sẽ diễn ra sớm nhất là vào tháng 12.

Nhà đầu tư mua vào cổ phiếu và trái phiếu kho bạc vì kỳ vọng báo cáo sẽ là tín hiệu cho thấy Fed sẽ tiếp tục kích thích kinh tế trong các tháng tới. S&P 500 tăng phiên thứ 4 liên tiếp và đóng cửa tại mức cao kỷ lục trong khi đồng USD suy yếu so với các đồng tiền chủ chốt khác.


Nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody's Analytics nhận định: “Tôi cho rằng các quan chức Fed sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ cho tới tháng 3 trước khi có thêm các thông tin kinh tế mới”. Ông cho biết thêm: “Có vẻ như nền kinh tế đã suy yếu trong mùa hè vừa qua và do tình trạng đóng cửa cũng như nguy cơ vỡ nợ, nền kinh tế sẽ tiếp tục suy yếu trong năm tới”.

Fed từng khiến các thị trường bất ngờ khi tuyên bố không cắt giảm quy mô của chương trình mua trái phiếu như kỳ vọng sau cuộc họp chính sách tháng 9. Nguyên nhân theo Fed tại thời điểm đó là các điều kiện tài chính và các khó khăn về tài khóa.

Số liệu cho bản báo cáo việc làm tháng 9 có trước khi Chính phủ bắt đầu đóng cửa vào ngày 01/10 và không phản ánh tác động lên nền kinh tế của sự kiện kéo dài 16 ngày này. Dự kiến được công bố vào ngày 04/10, báo cáo được xem là thông tin kinh tế quan trọng nhất cho quyết định của Fed tại cuộc họp vào ngày thứ Ba (29/10) và thứ Tư (30/10) tới. Tuy nhiên tại thời điểm này, báo cáo được xem là quá cũ thậm chí khi số liệu cho thấy xu hướng ngày càng yếu kém của thị trường việc làm.

Tình hình ảm đạm này khó có thể sáng sủa trở lại trong một sớm một chiều và tác động của việc đóng cửa Chính phủ đối với nền kinh tế có thể thể hiện rõ trong bản báo cáo tháng 10 dự kiến được công bố vào ngày 08/11.

Fed sẽ nhóm họp vào tuần tới để đánh giá lại kế hoạch thu hồi chương trình mua trái phiếu và các nhà kinh tế tại Goldman Sachs, Barclays, Credit Suisse, BNP Paribas, Deutsche Bank và Capital Economics đều đồng ý rằng Fed sẽ không làm chậm chương trình mua tài sản cho đến tháng 1 hoặc tháng 3/2014.