Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán: Linh cảm của Soros

Sinh trưởng ở Hungary, mang dòng máu Do Thái và là con của một tù binh chiến tranh, George Soros chạy sang Anh lánh nạn phát xít và vào học tại Học viện Kinh tế London.



Sau khi tốt nghiệp, Soros xin được một việc làm trong khu tài chính London, kiếm được 5000 USD rồi sang New York.

Vào lúc đó, nhà đầu tư Mỹ ít chú ý đến thị trường châu Âu, trong khi Soros biết rõ về nó. Ông thấy rằng hãng bảo hiểm Allianz của Đức có giá trị hơn nhiều so với mức mọi người nghĩ. Ông viết một bản kiến nghị mua. Hai khách hàng của công ty môi giới nơi ông làm việc ở Wall Street tỏ ý quan tâm.

Tuy vậy, ban giám đốc của Allianz nổi giận vì bản kiến nghị của Soros như chứng tỏ rằng họ chẳng đánh giá đúng được giá trị tài sản riêng của mình. Họ viết một lá thư dài phản bác lại nhận định của Soros, nhưng rốt cuộc Soros đúng. Khách hàng của ông mua cổ phiếu của Allianz và thu lợi lớn.

Chiến thắng này làm tiếng tăm của Soros nổi lên. Ông thành lập quỹ đầu tư của mình năm 1969, nhưng sau khi đã trở nên giàu có, ông lại tập trung vào việc gây quỹ ở Hungary cho các mục tiêu dân chủ và xã hội.

Khi nghiên cứu tư tưởng của Soros, cần nhớ Soros là một người sống sót trong bàn tay của phát xít và là con của một tù binh. Vì vậy, Soros dường như mạo hiểm hơn Warren Buffett. Không phải ngẫu nhiên mà Soros sẵn sàng đánh bạc, lăn vào các cơn xáo động, “giết” đối thủ, và rút lui. Phương châm đối mặt với rủi ro cao này cũng có nghĩa là Soros từng bị thua lỗ lớn nhiều. Điều này trái ngược với phương châm của Buffett là giảm thiểu thua lỗ về vốn.

Chiến lược của Soros cũng phản ánh các ý tưởng tâm lý học và xã hội học của nơi ông tốt nghiệp, Học viện Kinh tế London. Ông cho rằng điều trọng yếu là không đánh giá giá trị của cổ phiếu hay hàng hóa, mà đánh giá các quan niệm về một tài sản và nhận ra được thời điểm khi tài sản đó và các quan niệm thay đổi.

Ông cũng cho rằng thị trường giúp định hình giá trị và quan niệm. Giá trị không phải là một cái gì đó mà một kế toán viên lành nghề trong một công ty có thể xác định được, mà là một thực thể thay đổi, linh động hơn nhiều.

Tóm tắt lại tư tưởng của mình, Soros tin rằng có 6 giai đoạn trong quá trình phát triển của một trạng thái đầu tư.

Giai đoạn thứ nhất là một xu hướng chưa được nhận ra trên thị trường.

Giai đoạn hai là khi xu hướng trở nên rõ nét hơn. Sự sụt giá mạnh của American Express năm 1982 từ 62 USD xuống 35 USD là một ví dụ điển hình của chuyện này. Thị trường trong trạng thái lo sợ làm trầm trọng thêm xu hướng giảm giá.

Giai đoạn thứ ba là một cái test (phép thử) thành công trên thị trường. Đó có thể là một sự kiện tương tự đã xảy ra trước, với kết cục khẳng định thêm xu hướng quan sát được.

Giai đoạn thứ tư là sự phân hóa ngày càng lớn giữa thực tại và quan niệm. Ví dụ, với những người đã chót “ôm” cổ phiếu đang có chiều hướng mất giá, họ thường tự trấn an bằng cách tìm kiếm những thông tin để củng cố quan niệm của mình (rằng cổ phiếu đang giữ sẽ lên giá).

Cao trào là giai đoạn thứ năm, ví dụ, là những ngày “đen tối” - xảy ra hoảng loạn với cao trào bán tháo trên thị trường, và là thời cơ vàng của những nhà đầu cơ tấn công thị trường như Soros trong cuộc khủng hoảng tỷ giá bảng Anh năm 1992.

Giai đoạn cuối cùng được Soros gọi là “hình phản chiếu ngược qua gương”, khi mà xu hướng thị trường quay ngược trở lại và giá cả phục hồi.

Như vậy, trung tâm trong nguyên tắc của Soros là sự khác biệt giữa hình ảnh và thực tại. Sự khác biệt lớn giữa Soros và Buffett là ở chỗ Buffett, theo đúng nguyên tắc của Graham trước đây 40 năm, tính toán - hay vẫn nói rằng ông tính toán - trên cơ sở các giá trị ẩn tàng của các tài sản, còn Soros thì đúng hơn là một nhà buôn bằng trực quan, linh cảm.