Phân tích cơ bản - Chọn cổ phiếu theo phương pháp ĐẦU CƠ GIÁ LÊN CANSLIM
  • Thông báo


    Kết quả 1 đến 4 của 4

    Threaded View

    1. #1
      Ngày tham gia
      Aug 2011
      Bài viết
      154
      Được cám ơn 42 lần trong 30 bài gởi

      Mặc định Phân tích cơ bản - Chọn cổ phiếu theo phương pháp ĐẦU CƠ GIÁ LÊN CANSLIM

      Phân tích cơ bản - Chọn cổ phiếu theo phương pháp ĐẦU CƠ GIÁ LÊN CANSLIM


      Phương pháp này giúp bạn chọn cổ phiếu để đầu cơ khi thị trường đang lên giá, dùng để đầu cơ trong ngắn hạn tại thị trường VN hiện nay (1-3 tháng, 3-6 tháng), phương pháp này chỉ hiệu quả khi thị trường đang trong xu hướng UPTREND.

      William J. ONeil là một mẫu nhà đầu tư chứng khoán thành công tại Mỹ. Khởi nghiệp bằng nghề kế toán viên, ông nhanh chóng bị cuốn vào cơn sốt cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, để rồi với những công thức đầu tư của riêng mình, ông đã trở thành một nhà “phù thuỷ” tại Wall Street khi thu về hàng triệu USD lợi nhuận mỗi năm từ cổ phiếu. Hiện William là chủ tịch kiêm giám đốc điều hành hãng nghiên cứu đầu tư William J. ONeil & Company do chính ông thành lập.
      300 USD là khoản tiền đầu tiên William “rót” vào thị trường chứng khoán với cổ phiếu của Procter & Gamble khi còn phục vụ trong Không lực hoàng gia. Có trong tay tấm bằng cử nhân tài chính của Đại học Southern Methodist, William khởi động sự nghiệp đầu tư của mình trên cương vị một nhà môi giới chứng khoán tại Los Angeles. Biết kinh nghiệm còn ít ỏi, William đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu về thành công của các “bậc tiền bối” trên thị trường chứng khoán. Và rồi, nỗ lực của ông đã được đền đáp. William nghiên cứu và đúc kết được 7 yếu tố cần thiết để nhận dạng những cổ phiếu hiện còn ít được giới đầu tư chú ý nhưng lại chính là những tài sản sinh lời lớn trong tương lai. Bảy yếu tố đó được biết đến với cái tên CANSLIM.
      Nhận định của William hoàn toàn phù hợp với một thực tế hiện nay là rất nhiều nhà đầu tư không biết các công ty niêm yết cổ phiếu trên TTCK đang hoạt động như thế nào và đầu tư vào cổ phiếu của các công ty nào sẽ có lãi? Dưới tác động của “hiệu ứng đám đông”, họ bắt chước nhau, cùng đổ xô đi mua những cổ phiếu đang tăng giá. Nhiều người mua cổ phiếu rồi mà vẫn chưa có trong tay những tài liệu và phương pháp cần thiết để tìm hiểu về mức độ sinh lời của cổ phiếu đó.
      Là cha đẻ của phương pháp phân tích và lựa chọn cổ phiếu hiệu quả CANSLIM, William J. ONeil đã mang lại tốc độ tăng trưởng bình quân 40%/năm cho các tài khoản đầu tư cá nhân được ông tư vấn. Nhiều chuyên gia đánh giá đây là một trong những phương pháp hiệu quả nhất trong vô vàn các công cụ phân tích chứng khoán hiện nay. “CANSLIM thể hiện sự kết hợp hài hoà giữa phương pháp phân tích cơ bản với phương pháp phân tích kỹ thuật đầu tư chứng khoán”, John Neff, một cây đại thụ của phố Wall, cho biết.
      CANSLIM là tập hợp bảy chữ cái đầu tiên của bảy yếu tố mà theo William là rất hiệu quả khi đánh giá cổ phiếu:
      C: Current Quaterly Earnings Per Share (lãi ròng trên mỗi cổ phiếu của quý gần nhất)
      William nhận định rằng, hầu hết các cổ phiếu tốt đều có sự gia tăng lợi nhuận so với cùng quý năm trước đó và tỷ lệ tăng càng cao thì chứng tỏ cổ phiếu càng có nhiều triển vọng. Theo ông, các nhà đầu tư trước khi bỏ tiền ra mua cổ phiếu cần xem xét tới sự gia tăng mạnh mẽ lợi nhuận của cổ phiếu đó, cụ thể là mức tăng trưởng của lãi ròng trên mỗi cổ phiếu trong 3 tháng gần nhất.
      Nhưng phải tìm hiểu sự gia tăng lợi nhuận này ở đâu và như thế nào? William cho rằng nhà đầu tư có thể nghiên cứu các báo cáo tài chính có kiểm toán của công ty niêm yết, cùng với việc thăm dò các các kênh thông tin khác như báo chí, người quen... Điều quan trọng là các nhà đầu tư cần coi trọng độ tin cậy và tính đồng nhất của thông tin, chẳng hạn có thể có điều gì đó không đúng, nếu doanh thu của công ty tăng 20%, trong khi lãi ròng chỉ tăng 5%.
      A: Annual Earnings Increases (sự gia tăng lãi ròng hàng năm)
      Theo ONeil, cổ phiếu tốt là cổ phiếu có mức gia tăng lợi nhuận đều đặn trong vòng 5 năm trước đó. Các nhà đầu tư cần đặc biệt lưu ý tới các cổ phiếu có mức gia tăng lợi nhuận hàng năm ổn định và đạt trên 25%, tuy nhiên nên chú ý tới chu kỳ kinh doanh của từng ngành, từng công ty. Theo ONeil, tiêu chí này có thể giúp bạn loại bỏ khoảng 80% các cổ phiếu tồi.
      Để có được sự chính xác về mức gia tăng lợi nhuận, nhà đầu tư cần nghiên cứu tất cả các thông tin liên quan đến công ty mà họ muốn đầu tư. Các thông tin này bao gồm lịch sử và đặc điểm của công ty, tình hình tài chính, các chi tiết của đợt phát hành cổ phiếu và tổ chức bảo lãnh phát hành cổ phiếu. Nhà đầu tư có thể tìm các thông tin này trong Bản thông cáo phát hành, trong Báo cáo tài chính của công ty hoặc từ các công ty dịch vụ tư vấn đầu tư. Các quyết định đầu tư chỉ nên đưa ra khi bạn đã có đủ cơ sở thông tin về cổ phiếu cũng như về mức tăng trưởng lãi ròng hàng năm.
      N: New Products, New Management, New Highs (sản phẩm mới, sự quản lý mới, mức giá trần mới)
      Những nghiên cứu của William chỉ ra rằng giá cổ phiếu tăng sẽ bắt nguồn từ một số nhân tố nội tại nào đó. Những nhân tố này thường là sản phẩm mới của công ty, ban giám đốc mới, phương thức quản lý mới hay mức giá trần mới của cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
      Do vậy, sẽ không bao giờ thừa nếu các nhà đầu tư quan tâm đến những nhân tố nội tại này. Nếu xét thấy những nhân tố này có sự ổn định, không có biểu hiện đột biến theo chiều hướng xấu, thì đó sẽ là một cổ phiếu có nhiều triển vọng tăng trưởng trên thị trường chứng khoán.
      S: Supply and Demand (nguồn cung và cầu)
      Trong kinh doanh, quy luật cung cầu luôn có ảnh hưởng rất lớn đến giá thành sản phẩm, và đầu tư chứng khoán cũng không phải là một ngoại lệ. Giá cổ phiếu cũng chịu tác động từ quy luật cung cầu. William cho rằng cổ phiếu của các công ty đại chúng, có quy mô lớn, sản phẩm chất lượng không phải lúc nào cũng đáng để mua, bởi lượng cầu của những cổ phiếu này khá lớn, trong khi nguồn cung lại ít nên giá thường bị đẩy lên cao giả tạo, không phản ánh đúng giá trị thực tế của cổ phiếu cũng như rất khó sinh lợi nhuận lớn.
      Chính những cổ phiếu có số lượng lưu hành thấp trên thị trường mới có nhiều triển vọng và có khả năng tăng giá hơn so với các cổ phiếu có số lượng lưu hành lớn. Từ đó suy ra, cổ phiếu được các nhà quản trị hàng đầu nắm giữ với tỷ lệ lớn thường là những cổ phiếu có độ an toàn cao. William đặc biệt lưu ý tới các cổ phiếu được công ty mua lại và cổ phiếu của các công ty có tỷ lệ nợ dài hạn trên vốn tự có vừa phải, bởi theo ông thì tỷ lệ này càng cao bao nhiêu công ty sẽ càng phải đương đầu với áp lực trả lãi trong tương lai nhiều bấy nhiêu. Các nhà đầu tư nên so sánh tỷ số này ở công ty mình dự định đầu tư với tỷ số nợ bình quân ở các công ty trong cùng ngành, đồng thời phân tích thêm khả năng thanh toán để có đánh giá xác thực hơn về mức độ nợ của công ty.
      L: Leader and Laggard (cổ phiếu đầu bảng và cổ phiếu tụt hậu)
      Theo ONeil, nhà đầu tư trên thị trường chỉ nên mua 2 hay 3 cổ phiếu tốt nhất trong nhóm những cổ phiếu đầu bảng hiện tại, còn lại nên dành tiền cho những cổ phiếu có khả năng sinh lời trong tương lai. Ðặc biệt, các nhà đầu tư cần tránh mua những cổ phiếu có mức tăng trưởng cao nhưng không bền vững, chẳng hạn như cổ phiếu lên giá theo trào lưu, theo sự kiện nổi bật… bởi vì các cổ phiếu này được đánh giá là những cổ phiếu tụt hậu, không sớm thì muộn cũng mất giá.
      I: Institutional Sponsorship (sự ủng hộ của các định chế tài chính và đầu tư)
      Định chế tài chính đầu tư ở đây thường là các cơ quan chức năng, các cơ quan chính phủ chuyên về tài chính đầu tư. Các cơ quan này có thể nắm giữ một số lượng cổ phiếu nhất định của các công ty nào đó, nhờ vậy mà công ty sẽ có sự ủng hộ và trợ giúp mạnh mẽ từ những cơ quan này, một điều kiện vô cùng thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, khiến giá cổ phiếu tăng mạnh. Tuy nhiên, một số lượng quá lớn các định chế tài chính đầu tư nắm giữ cổ phiếu lại trở thành yếu tố bất lợi, vì điều đó đồng nghĩa với việc nguồn cung sẽ hạn chế bởi các cơ quan ít khi muốn bán từng phần cổ phiếu của mình, đẩy tính thanh khoản của cổ phiếu xuống thấp.
      M: Market Direction (định hướng thị trường)
      Cho dù bạn hoàn toàn chính xác khi nhận định về cả 6 tiêu chí kể trên, nhưng đến tiêu chí định hướng thị trường bạn mắc phải sai lầm thì sẽ có đến 5 trong số 7 cổ phiếu bạn mua sẽ mất giá và khiến bạn thua lỗ. Yếu tố thị trường là rất quan trọng bởi nó ảnh hưởng mạnh mẽ đến giá cổ phiếu. Khi hàng loạt các cổ phiếu cùng ngành trên thị trường bị mất giá, thì giá cổ phiếu của công ty mà bạn lựa chọn chắc chắn cũng sẽ sụt giảm theo. Ngược lại, nếu giá cổ phiếu của các công ty này tăng theo sự phát triển của thị trường thì cổ phiếu bạn mua vào cũng được “ăn theo” những chỉ số tích cực đó. Do đó, William nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc nghiên cứu các đồ thị biến động giá chứng khoán theo ngày, theo tuần và theo tháng trước mỗi quyết định đầu tư cổ phiếu.
      Một trong những thành công lớn nhất của William là đầu tư vào cổ phiếu của hãng dược phẩm Syntex. Đây là hành động táo bạo và liều lĩnh, theo đánh giá của các nhà đầu tư chuyên nghiệp lúc bấy giờ, bởi Syntex là hãng sản xuất thuốc tránh thai đầu tiên trên thế giới. Nhưng rồi kết quả đã chứng minh quyết định của William là đúng. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, Syntex đã công bố doanh thu hàng quý tăng trưởng trên 300% và cổ phiếu của Syntex từ chỗ còn “ẩn danh” với mức giá 100 USD/cổ phiếu đã trở thành cổ phiếu tăng trưởng mạnh mẽ với mức giá 550 USD/cổ phiếu trong vòng chưa đầy sáu tháng. Chính nhờ khoản lợi nhuận kếch sù từ Syntex mà William đã có tiền để thành lập công ty William J. ONeil & Company của riêng mình.
      Goerge Soros, một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại phố Wall, đúc kết rằng: “Không có lĩnh vực nào đem lại lợi nhuận nhanh và lớn bằng đầu tư chứng khoán”. Có khá nhiều người xem việc đầu tư chứng khoán là cuộc chơi ngẫu hứng với hy vọng sẽ kiếm được nhiều tiền một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, lĩnh vực đầu tư đầy hấp dẫn này dường như không có chỗ cho những quyết định theo cảm tính. Đối với William ONeil cũng như nhiều “cây đại thụ” khác tại phố Wall, các quyết định lựa chọn cổ phiếu cần được dựa trên sự phân tích và phối kết hợp giữa các yếu tố định lượng và định tính. Chìa khoá phân tích trong đầu tư cổ phiếu là tìm ra những cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng lớn nhất trong thời điểm bạn mua chúng. Nói cách khác, bạn phải có kỹ năng phán đoán, xem xét và phân tích vấn đề cùng với việc hoạch định một kế hoạch đầu tư thích hợp để xác định thời điểm mua vào những cổ phiếu mạnh và bán đi những cổ phiếu yếu.

      Phần 5: Hầu hết các cổ phiếu đều tồi tệ, chỉ một số ít trong chúng có thể tăng giá mạnh mẽ
      Hàng ngày đọc các bản tin, nghe các bình luận của các chuyên gia, tôi vẫn thường được nghe những câu: “đó là cổ phiếu Blue chip, yên tâm đi”, “bạn là NB à, cứ Bluechip là mua thôi, yên tâm cuối năm kiểu gì cũng lãi”, “A là cổ phiếu Blue chip hàng đầu và luôn được mọi người săn đón”, “Tài khoản của tôi toàn Blue Chip – tôi không sợ gì cả”, “Cổ phiếu B này tôi đã nhờ một người ở CTCK phân tích, nó tốt lắm”….
      Khi mới tham gia trên thị trường tôi cũng luôn luôn nhìn những cổ phiếu như FPT, REE, SAM, v.v... một cách đầy ngưỡng mộ và hy vọng sẽ có ngày mình được sở hữu những cổ phiếu quý tộc đó.
      Tham gia khóa học chứng khoán cùng tôi có một vài người bạn. Sau vài buổi ngượng nghịu ban đầu mọi người bắt đầu thân mật với nhau hơn và cởi mở giãi bày mọi thất bại, thành công của mình trên thị trường. Họ đều là những người mới thực sự tham gia vào TTCK từ đầu 2007, một số có những thắng lợi lớn ở năm 2006 nhưng khi hỏi kinh nghiệm thì hoàn toàn lắc đầu vì đó là do vận may đột nhiên đến. Khác với mọi người, thay vì để ý đến các lần thành công của họ tôi lại đặc biệt chú ý đến các lần họ gặp thất bại! Thật ngạc nhiên, có đến 80% các vụ thua lỗ đã làm cho họ mất đi khá nhiều thành tựu của năm 2006 (là năm mà không có ai thua lỗ vì chứng khoán cả) thuộc thành phần các cổ phiếu hạng “Thương gia” trên. Hóa ra không có CP nào là loại tốt trên thị trường cả. Hãy xem nếu ai đầu tư vào FPT, SAM, REE, GMD, NTP, ABC, PPC… từ đầu năm 2007 đến nay, họ thu được thành tựu như thế nào?
      Tìm hiểu việc tư vấn và danh mục đầu tư của các quỹ lớn lại mang lại cho tôi một điều ngạc nhiên không kém, danh sách CP tốt họ đưa ra cho khách hàng lựa chọn gần như giống hệt nhau. Làm nghề tư vấn đầu tư lại dễ dàng như thế ư?
      Tìm hiểu sâu hơn thì tôi được biết hầu hết các Quỹ đầu tư đều sử dụng các phần mềm mô hình hóa và chọn lọc cổ phiếu tương tự như nhau. Chính vì vậy đáp số của các chương trình này đưa ra ở mười quỹ khác nhau là một bản giống nhau. Do có quá nhiều nhà đầu tư lớn cùng mua các mã cổ phiếu này mà giá của chúng luôn cao một cách đáng ngờ!
      Một số người lại bảo thủ ngây thơ, họ có những cảm tình đặc biệt với một vài mã CP, và dù thời cuộc xoay vần ra sao, họ vẫn luôn trung thành một cách mù quáng. Một số khác do thắng lợi một lần ở một mã CP nào đó, và lần phục hồi sau của thị trường họ lại lao vào các cổ phiếu này rất hào hứng. Tuy nhiên kết quả thu được thường thảm hại hơn cả mức trung bình của cả thị trường. CŨng giống như trong chính trị, mỗi một giai đoạn mới khác nhau, thị trường CP luôn chọn ra các gương mặt mới khác nhau đứng lên dẫn dắt nó đi tiếp.
      Là một nhà đầu cơ chờ giá lên, bạn cần công bình và lạnh lẽo, hãy nhớ tất cả các cổ phiếu đều tồi tệ và bình đẳng như nhau, chỉ một số ít ỏi trong chúng có thể mang lại lợi nhuận lớn hơn 25%. Dù ít ỏi và khó chọn, nhưng hãy yên tâm vì chắc chắn là có các cổ phiếu mạnh mẽ kiểu đó đang ở ngoài kia chờ bạn !

      Phần 6: Lăn xả vào thị trường và chỉ nên tin vào chính bạn
      Khi nghiên cứu và tìm hiểu những phẩm chất để trở thành một nhà đầu cơ thắng lợi trên thị trường, tôi sa vào một ma trận của các chân lý và các học thuyết, nó làm tôi bối rối, lúng túng, và không tự tin vào bản thân mình nữa. Thật lạ, vì trước khi tham gia TTCK tôi vốn là một người chỉ biết tin vào chính bản thân mình. Càng tìm hiểu tôi càng hoang mang, hóa ra việc sưu tập các lời khuyên tưởng là khôn ngoan lại làm cho gánh nặng nghi ngờ trên vai tôi tăng lên nhanh chóng.
      “Hãy kiên nhẫn, hãy lạnh lùng vì kể cả thua lỗ đến -40% đi nữa thì những ai đầu tư từ 2001 đến nay cũng đều lời 1000% cả”, “hãy mua và quên đi”, “phải dũng cảm và liều lĩnh mới thắng được”, “phải có nhiều thông tin nội gián”, “ phải am hiểu về tài chính và kế toán, phải đi học vài khóa về đầu tư”, “phải tham lam khi mọi người sợ hãi, phải sợ hãi khi mọi người tham lam”, “phải nghe các chuyên gia đầu tư tư vấn”, “phải dựa theo thị trường”, “phải chia đôi tài khoản ra, một nửa để lướt sóng, một nửa để dài hạn”, “phải có trái tim nóng và cái đầu lạnh”, “phải ngày nào cũng lên sàn”…, rất nhiều và rất nhiều các lý thuyết, kỹ năng, tiểu xảo.
      Đột nhiên tôi nhận ra quanh mình có quá nhiều nguồn tư vấn miễn phí về chứng khoán, một trào lưu mới của giới truyền thông trong việc đưa tin, bình luận, tư vấn. Thậm chí một số tổ chức tài chính quốc tế nổi tiếng cũng nhiệt tình biếu không các bản cảnh báo về TTCKVN. Tôi thử làm theo vài lời khuyên và cũng đã có dịp hành xử kiểu bày đàn. Kết quả là tôi luôn được một chữ LỖ. Cuối cùng tôi nhận ra rằng: chỉ có tin vào chính tôi thì mới có thể có những thành tựu từ thị trường được, những bài học nửa vời luôn làm vơi đi túi tiền của tôi.
      Để hiểu được thị trường bạn phải "chinh chiến" thực sự trên thị trường. Thị trường vốn đầy bất trắc và phức tạp vô cùng, nhưng những hiện tượng của nó thì ai để ý cũng đều nhận ra. Vấn đề là chúng ta có đủ sự chăm chỉ và kiến thức để tổng hợp các hiện tượng của nó và ra quyết định cho phù hợp với nó không.
      Hàng ngày tôi dành 4 đến 6 tiếng để đọc các biểu đồ và xem xét số liệu êề kết quả giao dịch cuối ngày của những cổ phiếu trong danh sách quan tâm của tôi, một công việc nhàm chán và tẻ nhạt vô cùng, nhưng bù lại khi có một sự hiểu biết về một mã CPp nào đó trên bảng điện tử. Tôi luôn tìm được những thông tin khá đầy đủ về CP đó và hoàn toàn có đủ tự tin để viết 1 lệnh mua hoặc bán. Tôi cũng đã gặp vô số các thất bại và thua lỗ, nhưng cũng nhờ đó mà kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng của tôi được cải thiện rất nhiều.
      Và như tôi đã trình bày trong phần đầu, chỉ cần 50% số lần quyết định của tôi là đúng đắn, tôi đã có những thành tựu đáng kể. Hãy lăn xả vào thị trường, bạn chỉ có thể bơi giỏi với điệu kiện bạn phải vật lộn hàng ngày với nước trong bể bơi. Hãy trau dồi kiến thức và tích lũy thông tin, hãy tự tin vào các quyết định của bạn và chỉ của chính bạn mà thôi. Tôi chưa từng thấy một nhà tư vấn nào phải bồi thường thua lỗ cho nhà đầu tư cả, nhưng nhà đầu tư mất tiền thì hàng ngày tôi gặp rất nhiều.
      Nếu bạn coi đầu cơ chứng khoán là “chơi chứng khoán” thì tôi khuyên bạn nên dừng lại. Cũng giống như mọi ngành nghề khác, để thành công cần rất nhiều mồ hôi, công sức, và cả nước mắt nữa. Và hãy nhớ: cơ hội như 2006 thì hàng trăm năm chỉ xuất hiện được một lần, hãy quên đi các tấm gương “làm giàu cực dễ”!

      Phần 7:Cái cần tìm trong báo cáo bạch & báo cáo tài chính
      Thời niên thiếu và sinh viên, tôi đặc biết có ác cảm với những người làm trong lĩnh vực kế toán tài chính. Thế nhưng người con gái dịu dàng bên cạnh tôi bây giờ lại tốt nghiệp Học viện ngân hàng và hành nghề kế toán.
      Trong suốt 7 năm đi làm việc cho người khác, tôi cũng đặc biệt dị ứng với các sự vụ liên quan đến tài chính vì trong mắt tôi hình dung: cứ dính đến tài chính là có vẻ thiếu trong sạch. Sau này do đặc thù công việc, tôi buộc phải đối diện với các bản báo cáo tài chính đầy ma thuật, và tôi cũng chỉ thường xem lướt qua lấy lệ, may thay phần việc đó sau này có người tin cậy gánh đỡ hòan toàn.
      Khi tham gia trên TTCK, tôi bị buộc phải đọc các BCTC và các bản báo cáo bạch, bản nào cũng dài dòng, rắc rối và đầy vẻ phức tạp. Phải chăng những người lập ra nó càng muốn ít người hiểu được nó càng tốt? Và tôi đã dành thời gian 6 tháng của mình chỉ để học cách đọc các BCTC và các bản báo cáo bạch. Tôi đã phát hiện ra rất nhiều điều thú vị trong các báo cáo này. Và tôi lại càng thấy rằng: chỉ có tin vào chính bản thân thì mới có thể trụ vững trên thị trường.
      Rất phức tạp để nói để các bạn hiểu làm cách nào để hiểu toàn bộ một bản BCTC hoặc một báo cáo bạch, nhưng vì khoản đầu tư của chúng ta, chúng ta buộc phải nghiên cứu chúng Tôi sẽ liệt kê một số kinh nghiệm đơn giản, không đòi hỏi bạn phải là một chuyên gia tài chính mà vẫn nắm được những cái quan trọng và cốt lõi nhất của DN:
      - Khi đọc báo cáo bạch: phần thông tin về tăng trưởng, doanh số, lợi nhuận, lợi thế nghành, bạn có thể bỏ qua, phần này công ty nào cũng ca hay, múa giỏi nhưng đa phần các thông tin đều lạc hậu, hãy bỏ qua nó.
      - Bạn đặc biệt chú ý đến phần danh sách cổ đông chiến lược, những công ty mà không có các cổ đông chiến lược là các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư tầm cỡ. Bạn hãy bỏ qua, đừng thương tiếc gì cả.
      - Hãy xem “tổng số người lao động” và phần chi phí “quản lý doanh nghiệp”, bạn có thể võ đoán tiền lương trung bình của người lao động trong công ty bằng cách lấy hai con số này chia cho nhau, tránh xa các công ty có mức lương trung bình dưới 2 triệu. (Bạn hãy xem lương của người lao động tại TAICERA, HANOI MILK hoặc thậm chí RANG DONG là bao nhiêu?)
      - Hãy đặc biệt chú ý đến sự tương xứng giữa con số “doanh thu” và “lợi nhuận sau thuế”, chúng phải tăng tương ứng với nhau, nếu doanh thu tăng không đáng kể mà lợi nhuận lại tăng vọt, hãy cảnh giác bởi các trò tiểu xảo của các nhân viên lập báo cáo, rất có thể họ được miễn thuế thu nhập trong kỳ vừa rồi hoặc thậm chí được đền bù đất, hoặc họ hạch toán cả lợi nhuận (từ tháng nào đó) do họ đầu tư các cổ phiếu mà có thể CP này đang rất tệ hại vào thời điểm bạn đang đọc báo cáo, hoặc họ chỉ đưa ra con số lợi nhuận trước chi phí, nếu bạn có ý định đầu cơ dài hơn 6 tháng, hãy cực kỳ cảnh giác với các công ty có thông tin chênh lệch bất thường này.
      - Đừng chú ý đến tên công ty, thường các công ty yếu kém luôn chọn cho mình những cái tên đặc biệt hay.
      - Hãy xem phần nợ/tổng tài sản của họ, cẩn thận với các công ty có tỷ lệ nợ thấp hơn 25% và cao hơn 75%.
      - Chỉ chú ý đến con số “lợi nhuận sau thuế” thôi nhé, nhiều công ty có cách hạch toán rất hay cho chính họ: doanh thu rất cao và giá vốn rất thấp, nhưng chi phí còn cao hơn nữa, và cái cuối cùng thuộc về bạn là “lợi nhuận sau thuế” lại bé xíu hoặc tăng không đáng kể (TAICERA là một ví dụ điển hình về kỹ năng này trên sàn HOSC).
      - Thường các công ty có bề dày về thương hiệu và tài sản lớn lại đạt được các chỉ số tài chính rất tầm thường, nhưng thực ra những BCTC của họ đa phần là rất trung thực đấy, hãy đặc biệt chú ý đến các công ty này, chỉ cần có một nhân tố mới (sản phẩm, lãnh đạo, dự án, đối tác…) là họ sẽ lột xác ngay, và các cổ phiếu này sẽ là những khoản đầu cơ rất tốt của bạn.
      - Những công ty chậm nộp BCTC hoặc rất sốt sắng đưa thông tin về tình hình kinh doanh của họ, đừng vội hấp tấp với các công ty kiểu như vậy. Họ đều có dụng ý cả đó, và đa phần là các dụng ý đó mang thiệt hại đến khoản đầu tư của bạn.
      - Nhiều công ty vẽ ra được rất nhiều dự án và đặc biệt là đều rất hấp dẫn. Nhưng bạn hãy cẩn thận và kiên nhẫn, kinh doanh không dễ đến mức cứ nói được là làm được. Cái mà chúng ta cần là người thật, việc thật, dự án thật đang triển khai.
      - Các công ty có cơ cấu và nghành nghề kinh doanh đơn giản thường là những công ty có lợi nhuận cao nhất (BMC, TCT). Bất cứ ai chuyên tâm vào việc gì họ đều chuyên nghiệp và ít thất bại và thành tựu họ đạt được cũng lớn hơn những kẻ đa năng khác. Kinh nghiệm của tôi là hãy tránh xa những công ty kiêu ngạo và có ý định trở thành người số 1 trong ngành nghề của mình
      P/S: trong bài viết có nhắc đến một số CP, đây chỉ là các ý kiến mang tính chủ quan cá nhân và chia sẻ của tác giả, không hề có ý định PR hay nói xấu một mã CP nào
      Phần 8: Xu thế thị trường quyết định 80% khoản đầu tư của bạn
      Có đến 80% các cổ phiếu đều tuân theo xu hướng của thị trường (nếu không muốn nói là 100%), trong mô hình CANSLIM, O-neil cũng chỉ cho chúng ta biết rằng: xu hướng thị trường là điểm quan trọng nhất quyết định thành bại việc đầu cơ của bạn.
      Nếu ai đã từng đầu cơ chứng khoán từ 2006 thì sẽ hiểu điều này. Có những thời điểm 100% các cổ phiếu trên thị trường đều tăng giá đến hàng tuần hoặc ngược lại, đó là một sự cào bằng đến ngớ ngẩn của các chuyên gia. Mọi sự phân tích chỉ số đối với các CP là vô nghĩa, hiệu quả đầu tư vào các CP là như nhau, bất kể đó là một cổ phiếu BCs hàng đầu hay một PNs mạt hạng.
      Mới vừa đây thôi, trong đợt phục hồi của thị trường vào nửa cuối tháng 5, khi Vn-Index tăng từ 950 lên 1100 điểm thì có đến 80% các CP đều tăng gía trên 20%. Như vậy nếu là một nhà đầu cơ dù tư chất có kém cỏi bao nhiêu nhưng nếu bạn cứ nhắm mắt mua bừa các CP vào thời điểm tuần 20/5 tới 26/5 và bán ra vào thời điểm 5/6 thì chắc chắn số lãi của bạn cũng có khoảng 20%.
      Gần như 100% các nhà đầu cơ khôn ngoan đều chỉ giao dịch khi thị trường có xu thế rõ ràng, phần lớn trong số họ chỉ giao dịch khi thị trường đang có xu hướng giá lên (UPTREN), một số ít khác lại đặc biệt ưa thích việc bán khống khi thị trường giá xuống (DOWNTREND). Với thị trường tại VN, khi mà việc "bán khống" chưa có điều kiện để thực thi, thì chúng ta phải dùng một lựa chọn duy nhất: chỉ giao dịch khi nắm rõ được xu hướng thị trường khi chúng đang lên giá.
      Vậy khi thị trường không rõ xu hướng (lình xình) thì chúng ta làm gì, tất nhiên là không làm gì cả, lựa chọn tốt nhất là thu hồi tiền mặt và rời xa thị trường. Hãy làm những gì mà bạn thích thú miễn là đừng liên quan đến TTCK. Với những mã CP trót mua cao ở đỉnh chúng ta buộc phải CUT LOSS, với các mã CP mà bạn đã chọn điểm mua đúng và cũng lình xình giá thì hãy để chúng yên.
      Vâng, nói đơn giản như vậy nhưng không phải ai cũng làm được, có rất nhiều người (trong đó có cả tôi) thường xuyên có cảm giác bất an khi trong tài khỏan của mình không có một mã CP nào hoặc có quá ít cổ phiếu mà toàn tiền mặt, hoặc lo sợ một cách vô lý rằng người khác đang cướp hết cơ hội của mình. Với tôi, nếu có bị buộc phải rời xa thị trường thì thấy cuộc sống đột nhiên trở nên nhàm chán và vô vị đến mức tự bản thân tôi cũng cảm thấy rất ngạc nhiên, dù biết rất rõ rằng việc theo dõi bảng điện tử hàng ngày hoặc bàn luận liên miên về các cổ phiếu mà tôi ưa thích nào đó không mảy may tác động gì đến giá của chúng.
      Xu hướng của thị trường đa phần mọi người đều có thể cảm nhận được, tuy nhiên do tình cảm lấn áp và đôi khi vì tự tin thái quá hoặc mềm yếu quá đáng đã đẩy chúng ta đến những tình huống rất khó xử và phải lựa chọn sự hy sinh không cần thiết. Tuy nhiên đó cũng là điều thú vị của cuộc sống mà nhiều người thích thú lựa chọn, nhưng trong lĩnh vực tài chính thì những chiến binh mang tên “cảm tính” luôn là kẻ được mai táng rất sớm.
      Người Đức và người Nhật có thể có những thành tựu kinh đêển là do họ chỉ sử dụng một phẩm chất rất đơn giản, đó là tính “KỶ LUẬT”.
      Giảm nhanh chóng số lượng cổ phiếu khi thị trường đang đi xuống hoặc đã đi lên gần đỉnh, hãy luôn sử dụng CUT LOSS để giữ mình, hãy sử dụng quy tắc 3x7=21 để hiện thực hóa lợi nhuận. Hãy tuyệt đối giữ kỷ luật với bản thân khi giao dịch, chỉ mua vào khi thị trường đang lên giá, hiện thực hóa ngay lợi nhuận khi thị trường đang lên đỉnh hoặc vừa qua đỉnh và đang nỗ lực phục hồi, bắt buộc phải CUT LOSS khi thị trường đang xuống giá
      Và cùng với quá trình giao dịch bạn sẽ nhận thấy rằng thành tựu mà bạn đạt được gần như tỷ lệ nghịch với số lượng lần giao dịch của bạn.
      Phần 9: Đầu cơ kiểu đấu súng cao bồi miền TÂY
      Các cao thủ cao bồi miền tây khi đối mặt đấu súng, khả năng rút súng nhanh và bắn chính xác chỉ hơn kém nhau vài phần trăm giây là phải trả giá mạng sống của chính họ. Trong đầu cơ chứng khoán có một kỹ năng nguy hiểm và hồi hộp gần giống như vậy, đó là một kinh nghiệm đầu cơ cực kỳ nguy hiểm nhưng cơ may về lợi nhuận lại rất cao, điều mà ai ai cũng sợ hãi. (phần này chỉ mang tính chia sẻ của tác giả, không mang tính học thuật)
      Khi tôi lang thang qua vài sạp sách cũ ở vỉa hè, thật tình cờ và may mắn thấy có hai cuốn của Oneil do các tác giả người Việt biên dịch lại, tuy việc dịch thuật không được tốt lắm nhưng cũng có rất nhiều điều thú vị mà tôi tìm thấy từ hai cuốn của nhà đầu cơ danh tiếng nhất mọi thời đại này.
      Trong các hồi tưởng của ông về các phi vụ đầu cơ của mình, tôi đặc biệt chú ý đến một chi tiết là vào một ngày của năm 1962 khi ông đi ngang qua phố Wall và nhìn lên bảng điện tử thấy hầu hết cả thị trường đều đi xuống thảm hại thì có một cổ phiếu lại CE một cách mạnh mẽ khác thường, và không hề do dự cũng như phân tích chi cả, ông gọi cho người môi giới và đặt lệnh mua cổ phiếu này ngay lập tức, phi vụ đó mang lại cho ông 250% lợi nhuận. Sau này ông mô hình hóa các cổ phiếu loại này trong các cuốn sách mà ông viết, và tên ông đặt cho chúng là "hiện tượng cổ phiếu cường tráng bất ngờ", nôm na tại thị trường VN chúng ta gọi là "HÀNG NÓNG".
      Với đa phần các mã cổ phiếu này mà nói, việc phân tích kỹ thuật cũng như cơ bản giá trị là vô nghĩa bởi sự biến động quá lớn về khối lượng giao dịch và tâm lý qua từng phiên. Nhiều khi nó thăng tiến bất kể đến dư luận và tình hình chung của thị trường, và thông thường chu kỳ thành công của nó cũng rất ngắn ngủi kèm theo rủi ro lớn.
      Oneil có đưa ra một định lý mà tôi rất tâm đắc là: "Các cổ phiếu quá đắt luôn tăng giá mạnh mạnh nữa và các cổ phiếu quá rẻ thì luôn giảm và giảm mạnh nữa !!!", như vậy phân tích và cảm giác của bạn là vô nghĩa trong thị trường chứng khoán này !
      Khi TCT tăng từ mặt bằng 90 tới 150 là mọi người đều đánh giá đã quá đắt. Thậm chí có rất nhiều bài viết phân tích hết sức giá trị và thuyết phục khẳng định mức cản 180 và mức kiệt sức là 220, nhưng hiện giờ TCT đang dao động ở 400.
      Cảm giác của bạn như thế nào khi gặp một cổ phiếu đã tăng trần liên tục cỡ 3 phiên? Làm gì có cổ phiếu nào tăng trần đến 7-8 phiên để mà mình kịp bán? Làm sao lệnh mua của bạn được khớp khi dư mua trần toàn mấy trăm nghìn? Nắm giữ một cổ phiếu mà khả năng FL của nó là hiển nhiên?...
      Đây là kinh nghiệm của một nhà đầu tư:
      - Khi một cổ phiếu đang lình xình đột nhiên CE hoặc đang đi xuống đột nhiên quay đầu CE, phải mua NGAY LẬP TỨC, đừng mất 1-2 ngày tìm thông tin và phân tích xong thì quá muộn, không thể tranh mua được nữa.
      - Khi một cổ phiếu đang CE liên tục đột nhiên chững lại, hoặc tăng nhẹ không CE, hoặc quay đầu điều chỉnh: BÁN NGAY LẬP TỨC, và phải LUÔN BÁN GIÁ SÀN để tranh bán.
      - CUT LOSS ngay lập tức và không khoan nhượng, thậm chí khi cổ phiếu vừa về tài khoản T+4 mà đang lỗ cũng đặt lệnh bán NGAY LẬP TỨC.
      - Có thể mạo hiểm đuổi theo cổ phiếu đang CE khoảng 3 phiên, không có ngoại lệ khi CUT LOSS, cũng đừng quá tham lam đuổi theo cổ phiếu khi nó đã tăng qúa mạnh và cả thị trường đang trầm trồ nhìn nó.
      Như vậy với các hàng nóng kiểu này, khả năng mua được là rất thấp, khả năng thua lỗ lại rất lớn, nhưng lợi nhuận cũng rất cao, thông thường nó đạt đến con số 20-30% chỉ trong vòng 1 tuần lễ.
      Và đặc biệt bạn phải tuân theo quy tắc 3 x 7 = 21 và CUT LOSS kịp thời.
      Phần 10: Thời gian chờ đợi mới sinh ra tiền bạc
      Bài học vỡ lòng khi tôi tham gia vào TTCK là “buy and hold’, hãy mua và nắm giữ dài hạn, càng dài càng tốt! Và người ta phân chia thời gian đầu tư ra ngắn hạn, trung hạn, dài hạn tương đương với thời gian 3 năm, 5 đến 10 năm, 20 năm. Toàn bộ bí quyết chỉ gói gọn trong 1 từ “Chờ đợi”.
      Thật chí lý và an toàn biết bao, chân lý rất đơn giản mà chúng ta lại hay bỏ qua nó, và chân lý này được lặp lại ở hầu hết tất cả các cuốn sách mà tôi đã đọc về chứng khoán. Hóa ra đi tìm chân lý thậm chí là viết sách về chân lý là việc dễ làm đấy chứ, làm theo chân lý cũng đâu có khó gì? Vậy thì hãy mua và giữ. Vậy mà tôi cứ tốn công tìm những cuốn sách rất phức tạp đọc cả ngày không hiểu nổi một trang.
      Và với một nhà đầu tư kiên định, chân chính, giỏi giang thường đạt được kết quả tăng gấp đôi số vốn của mình trong thời gian từ 5 tới 6 năm. Và 80% các quỹ đầu tư cũng nằm trong số này.
      Vào tháng 2/2007 khi cuốn sách của Oneil lần đầu được dịch và bán ở VN (tôi vốn chỉ biết đọc và viết thành thạo tiếng Việt), tôi có tò mò đọc lướt qua (vì trước đó tôi vốn không ưa những gã đầu cơ - cơ hội như Oneil). Trong phần căn bản ông có viết một đoạn khuyên các nhà đầu cơ mới tập tành mua bán cổ phiếu như tôi phải nên đặt cho mình một mục tiêu khiêm tốn là “tăng gấp đôi số vốn của mình lên trong khoảng thời gian từ 6-15 tháng.
      Thật không thể tin được khi mà trên đời này còn có những phương pháp mà mục tiêu khiêm tốn của nó là lợi nhuận phải đạt được cỡ 20 tới 30% /tháng.
      Và bí quyết để đạt được nó là gì? Vẫn là từ ngữ mà tôi rất quen thuộc: “Chờ đợi”. Đúng, chỉ một từ thôi: “Chờ đợi”. Vâng, đúng là “Chờ đợi”, “Chờ đời” chứ không phải “Tê liệt”.
      “Chờ đợi” luôn sinh ra tiền bạc:
      - Khi chưa mua được cổ phiếu, và không phát hiện được cổ phiếu nào đáng để mua, hãy kiên trì giữ gìn tiền mặt và chờ đợi vì chí ít lãi ngân hàng theo tỷ lệ dù thấp cũng sinh ra lợi nhuân cho bạn.
      - Khi chưa xác định được xu hướng của thị trường, hãy kiên trì chờ đợi xu hướng thị trường xác lập rõ rệt và không giao dịch gì cả. Đừng lo sợ bị mất cơ hội. Khi một thị trường đang lên giá thường nó sẽ kéo dài đến hàng tháng. Nếu thị trường giảm giá thì tiền vẫn sinh ra cho bạn do cổ phiểu rẻ đi và bạn sẽ mua được nhiều hơn công với lãi tiền gửi.
      - Khi thị trường giảm giá thì đương nhiên phải bảo tồn tiền mặt và chờ đợi. Trong cơn lũ thì phải lo giữ mình còn sống, đừng nghĩ đến chuyện vừa bơi giữa dòng lũ vừa nhặt của rơi thu lợi.
      - Khi nắm giữ cổ phiếu tốt trong tay, hãy kiên trì chờ đợi để nó có đủ thời gian tăng giá đến đỉnh hoặc gần đỉnh. Hãy nhớ “chờ đợi” ở đây không có nghĩa là “không làm gì cả”. Khi một cổ phiếu của bạn đang tăng giá mạnh mẽ, hãy bám sát nó từng phiên và quyết đoán ra quyết định bán ra thu lợi nhuận về.
      - Việc chờ đợi trong kinh doanh chứng khoán giống hệt như một người làm vườn gieo hạt và chăm sóc cây, chờ đợi ngày thu quả, họ cần chờ đợi đúng thời vụ để gieo hạt, cần chờ đợi cho cái cây lớn, đơm hoa, kết trái và hái quả đúng lúc quả đang chín (lên gần đỉnh hoặc đang ở đỉnh), hái sớm quá sẽ chỉ được quản non xanh (lợi nhuận thấp), hái muộn quá có khi quả đã rụng rồi (cổ phiếu qua đỉnh và đang phi xuống), trong khi chờ đợi và chăm sóc vườn cây cần loại bỏ thẳng cánh các cây gẫy, chột, cỏ dại (cổ phiếu tồi tệ-đang xuống giá, cần CUT LOSS), đừng chờ đợi và hy vọng các loài cỏ dại đó có thể lại ra được quả ngọt, thà trong vườn thưa cây nhưng cây nào cũng ra được quả (tuy ít) còn hơn là vườn toàn cỏ và không ra được quả nào.
      - Như vậy là bạn phải làm việc với một chuỗi dài sự “Chờ đợi”: Chờ đợi thị trường xác lập xu thế lên giá rõ ràng để từ đó lựa chọn các cổ phiếu tốt, chờ đợi tín hiệu bùng nổ để mua cổ phiếu vào đúng thời điểm, chờ đợi quá trình tăng giá và quyết đoán bán ra thu lợi nhuận, chờ đợi tiền vốn và lãi về tài khoản.
      Và trong lúc chờ đợi thì bạn nên làm gì? Hãy liên tục học hỏi, nghiên cứu và tinh lọc một danh sách các cổ phiếu “đáp ứng một số tiêu chuẩn tốt” cần quan tâm trong danh sách. Một công việc mệt mỏi và khô cứng vô cùng, nhưng may thay, công việc đầu cơ cổ phiếu lại đem lại cho các nhà đầu cơ nhỏ một niềm đam mê đắm say và rất sâu lắng !

    2. Có 6 thành viên đã cám ơn Ngheo Doi :
      daosang0890 (19-07-2014), dungstock78 (31-03-2014), fullheart (19-07-2014), quynhhuong2015 (05-07-2015), sunpalace (09-05-2017), TienTuoiThocThat (04-08-2014)

    Thông tin của chủ đề

    Users Browsing this Thread

    Có 2 thành viên đang xem chủ đề này. (0 thành viên và 2 khách vãng lai)

       

    Similar Threads

    1. Trả lời: 0
      Bài viết cuối: 17-08-2013, 08:06 AM
    2. Phân tích kỹ thuật, phân tìch cơ bản và chiến lược đầu tư cổ phiếu SHB
      By tradingpro8x in forum Nhận định thị trường bằng Phân tích kỹ thuật
      Trả lời: 2
      Bài viết cuối: 08-07-2013, 08:03 AM
    3. Trả lời: 0
      Bài viết cuối: 17-09-2012, 11:04 PM
    4. Trả lời: 5
      Bài viết cuối: 19-04-2010, 03:04 PM
    5. Hỏi về phương pháp định giá chứng khoán theo phương pháp DCF
      By michelford in forum Kiến thức Chứng khoán
      Trả lời: 3
      Bài viết cuối: 22-09-2009, 11:16 PM

    Bookmarks

    Quyền viết bài

    • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
    • Bạn Không thể Gửi trả lời
    • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
    • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình