Nhận diện thủ thuật “làm đẹp” báo cáo tài chính

Details Category: Phân tích tài chính

0
inShare
Share on Thumblr




Các doanh nghiệp niêm yết đang đồng loạt công bố kết quả kinh doanh quý 3 và 9 tháng đầu năm 2010. Nhiều thống kê cho thấy, những giai đoạn khó khăn cũng là lúc các thủ thuật kế toán được các doanh nghiệp sử dụng thường xuyên hơn nhằm “làm đẹp” báo cáo tài chính.
Các thủ thuật này được biết đến nhiều hơn với tên gọi “Làm đẹp cửa sổ” (Window dressing) hay “Xào nấu sổ sách” (Cook the books).
Chúng ta đã từng thấy những khác biệt lớn đến kinh ngạc giữa kết quả kinh doanh trước và sau kiểm toán. Việc nhận diện các thủ thuật “làm đẹp” báo cáo tài chính sẽ giúp nhà đầu tư có cái nhìn thận trọng và toàn diện hơn về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi báo cáo tài chính quý 3 và 9 tháng đầu năm là báo cáo chưa được soát xét.
Đây là bài viết của Ông Lê Ngô Luân (MBA, ACCA), hiện đang làm việc tại Quỹ Đầu tư Aureos Capital Vietnam, một quỹ đầu tư private equity, về các thủ thuật phổ biến mà các doanh nghiệp áp dụng để “làm đẹp” báo cáo tài chính.

Cung cấp thêm tín dụng cho khách hàng

Thông thường, giai đoạn cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh doanh thu nhằm đạt được kế hoạch lợi nhuận mà Đại hội đồng Cổ đông đã thông qua. Một trong những cách để thực hiện điều này là nới lỏng chính sách bán hàng trả chậm (credit policy). Ví dụ, thời hạn thanh toán (trả chậm) được tăng từ 30 ngày lên 60 ngày kể từ ngày xuất hóa đơn. Khi mà việc tiếp cận nguồn vốn lưu động đang khó khăn như hiện nay, khách hàng sẽ dễ dàng đón nhận ưu đãi này và doanh nghiệp sẽ có cơ hội thúc đẩy doanh thu bán hàng.

Thế nhưng, hệ quả của cách làm này thể hiện ở việc dư nợ phải thu tăng lên và rủi ro các khoản nợ xấu/nợ khó đòi cũng tăng theo. Điều này cũng sẽ buộc các doanh nghiệp phải trích lập các khoản dự phòng vào cuối năm theo chuẩn mực kế toán Việt Nam.

Bên cạnh đó, với thủ thuật này, dù doanh thu có tăng trưởng thì dòng tiền của doanh nghiệp ít nhiều cũng sẽ bị ảnh hưởng. Ước lượng khối lượng công việc hoàn thành để ghi nhận doanh thu
Với các doanh nghiệp liên quan đến hoạt động xây dựng, san lấp hoặc EPC (Engineering, Procurement and Construction), một trong những thủ thuật phổ biến nhất có lẽ là ước lượng phần trăm hoàn thành công việc trong ghi nhận doanh thu.

Ước lượng phần trăm hoàn thành công việc phụ thuộc nhiều vào nhận định, kinh nghiệm và thực tế tiến độ hoàn thành công việc. Dù việc ước lượng phải dựa trên cơ sở hợp lý, nhưng doanh nghệp vẫn có đủ lý lẽ để chứng minh việc ghi nhận doanh thu của mình là đáng tin cậy để giải trình với kiểm toán.

Ví dụ: Một công ty chuyên cung cấp dịch vụ M&E cho các công trình ở TPHCM. Hợp đồng quy định khách hàng thanh toán dựa trên phần trăm tiến hộ hoàn thành công việc. Các công trình A, B và C (trị giá 10 tỷ đồng/công trình) phải được hoàn thành và bàn giao vào tháng 4/2011.

Có thể thấy, một sự thay đổi nào trong phần trăm tiến độ hoàn thành công việc đều ảnh hưởng đến doanh thu dự kiến của doanh nghiệp.

Không hợp nhất công ty con khi kết quả bất lợi

Gần đây, nhiều doanh nghiệp cấu trúc lại hoạt động kinh doanh theo mô hình công ty mẹ-con để trở thành tập đoàn đa ngành nghề. Với mô hình này, hoạt động mua bán nội bộ lòng vòng của công ty mẹ và các công ty con là không tránh khỏi.

Khi hợp nhất báo cáo tài chính, các giao dịch nội bộ này phải được loại trừ khỏi doanh thu hợp nhất và giá vốn hàng bán phải được đều chỉnh tương ứng.

Thế nhưng, vì nhiều lý do khác nhau doanh nghiệp (tập đoàn) lại không tiến hành hợp nhất (consolidation) kết quả kinh doanh của công ty con vào công ty mẹ và như thế doanh thu của tập đoàn có thể bị ‘thổi phồng’.

Ví dụ: Tập đoàn ABC chuyên sản xuất bếp gas và đang sở hữu 90% công ty XYZ kinh doanh cùng ngành nghề. Ngày 25/12/2010, ABC bán cho XYZ một lô hàng trị giá trên hợp đồng là 200 tỷ đồng. Đến thời điểm 31/12/2010, lô hàng đó vẫn còn nằm trong kho của XYZ.

Báo cáo kết quả kinh doanh của ABC và XYZ như sau:

Vì nhiều lý do khác nhau, báo cáo kết quả kinh doanh của XYZ không được hợp nhất vào ABC. Rõ ràng là nếu làm điều này thì doanh thu hợp nhất của Tập đoàn ABC sẽ là 1,010 tỷ đồng (thay vì 1,200 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế có thể sẽ thấp hơn mức công bố.

Làm giảm chi phí bằng cách “vốn hóa”

Để cải thiện chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế, ngoài vài thủ thuật trong ghi nhận doanh thu như vừa đề cập, doanh nghiệp còn có thể sử dụng những thủ thuật làm giảm chi phí kinh doanh trong kỳ bằng cách “vốn hóa” (capitalization). Với thủ thuật này, chi phí kinh doanh được ghi nhận trên
Bảng cân đối kế toán thay vì được đưa vào Kết quả hoạt động kinh doanh một cách hợp lý.

Ví dụ: Chi phí lãi vay trong các dự án đầu tư xây dựng cơ bản được đưa vào vận hành trong kỳ.
Thông thường các chi phí lãi vay ngân hàng của giai đoạn trước khi công trình đi vào hoạt động sẽ được vốn hóa vào giá trị công trình. Chi phí lãi vay sau thời điểm này phải được ghi nhận vào chi phí kinh doanh trong kỳ.

Để công trình đi vào hoạt động chính thức, doanh nghiệp phải trải qua nhiều công đoạn kiểm nghiệm, chạy thử và bàn giao. Bằng nhiều lập luận khác nhau, doanh nghiệp có thể vốn hóa một phần chi phí lãi vay vào giá trị công trình, thay vì ghi nhận chi phí này vào kết quả kinh doanh trong kỳ theo đúng bản chất của nó. Cách làm này sẽ giảm được chi phí hoạt động và tăng lợi nhuận sau thuế.

Tuỳ thuộc vào mục tiêu của doanh nghiệp, việc vốn hóa chi phí chỉ có ý nghĩa rất nhỏ, như: (i) Doanh nghiệp cần đạt chỉ tiêu lợi nhuận, đẹp hồ sơ doanh nghiệp để tham gia đấu thầu; (ii) Ban điều hành báo cáo nhằm đạt chỉ tiêu lợi nhuận cấp trên giao;...

Tuy nhiên, việc vốn hóa chi phí rất tiêu cực bởi các lý do sau:

1. Số liệu báo cáo một số chỉ tiêu trong Báo cáo Tài chính không đảm bảo các yêu cầu về cung cấp thông tin kế toán, như: Chính xác, đầy đủ, kịp thời .. đặc biệt là số liệu chưa trung thực sẽ ảnh hưởng lớn đến công tác quản trị, điều hành.

2. Doanh nghiệp phải nộp "thêm trước" thuế thu nhập doanh nghiệp và đẩy rủi ro việc thu hồi vốn, tăng giá thành và giảm khả năng cạnh tranh trong tương lai;

3. Liệu nguồn vốn đầu tư cho dự án có đảm bảo khoản chi phí bị kế toán vốn hóa thêm?
Kết luận: Kế toán vừa là khoa học vừa là nghệ thuật, nhưng nghệ thuật phải khoa học và ngược lại, mới hữu ích.

Trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính
Một vài doanh nghiệp, ngoài hoạt động kinh doanh cốt lõi còn mở rộng sang lĩnh vực đầu tư tài chính thông qua việc mua cổ phiếu. Trường hợp doanh nghiệp đầu tư vào các cổ phiếu đang niêm yết trên sàn thì các khoản đầu tư này tất nhiên phải được đánh giá lại theo giá thị trường vào thời điểm cuối năm.

Thế nhưng, đối với những cổ phiếu chưa niêm yết và/hoặc thanh khoản thấp thì việc đánh giá lại các khoản đầu tư này xem ra không dễ dàng. Trước nhiều sự lựa chọn, doanh nghiệp có thể chọn cách an toàn nhất thông qua tham vấn từ các công ty chứng khoán để tránh phải ghi nhận dự phòng giảm giá đầu tư tài chính.

Cũng bằng phương thức tương tự, doanh nghiệp có thể chỉ trích lập dự phòng ít hơn mức cần thiết để giảm bớt mức thua lỗ ghi nhận trong Báo cáo kết quả kinh doanh.

Tóm lại, các thủ thuật kế toán trong việc ghi nhận doanh thu và chi phí kinh doanh để “làm đẹp” báo cáo tài chính thường được các doanh nghiệp sử dụng để thỏa mãn kỳ vọng của nhà đầu tư trong điều kiện kinh doanh không thuận lợi. Vì thế, nhà đầu tư cần phải thận trọng nhận định hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tìm hiểu thêm thông tin và so sánh các chỉ số tài chính của các doanh nghiệp hoạt động trong ngành để có cái nhìn toàn diện và hợp lý hơn.