Điểm chung của hầu hết các đơn vị thuộc tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) là kết quả kinh doanh bết bát sau 6 tháng đầu năm.
Công ty cổ phần xây dựng số 7 (Vinaconex 7), trong giải trình kết quả hoạt động kinh doanh quý II năm nay gửi lên Ủy ban chứng khoán Nhà nước và sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, cho thấy lợi nhuận sau thuế quý II năm nay âm 3,7 tỷ đồng. Mức này giảm mạnh so với con số hơn 185 triệu đồng báo lãi của Vinaconex 7 vào quý II/2012. Theo giải trình từ lãnh đạo đơn vị này, lợi nhuận sau thuế giảm mạnh do hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý này gặp nhiều khó khăn hơn so với cùng kỳ 2012. Ngoài ra, theo ông Nguyễn Xuân Sơn - Tổng giám đốc Vinaconex 7, thị trường bất động sản tiếp tục đóng băng, doanh nghiệp phải hạ giá bán căn hộ nên lợi nhuận từ kinh doanh bất động sản sụt giảm, khiến cho hoạt động chung của đơn vị bị ảnh hưởng.
Tương tự, nhiều công ty khác thuộc “họ” Vinaconex cũng có kết quả kinh doanh không mấy “đẹp” sau 2 quý đầu năm. Vinaconex 1 tuyên bố lợi nhuận trước thuế quý II/2013 giảm hơn 10% so với cùng kỳ 2012, từ hơn 7,9 tỷ đồng giảm còn hơn 2,8 tỷ đồng, khiến cho lãi sau thuế cũng giảm từ hơn 6,3 tỷ đồng về hơn 2,1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khác với Vinaconex 7 cho biết lãi giảm do tình hình kinh doanh và khó khăn chung của thị trường, Vinaconex 1 bị giảm lợi nhuận do ảnh hưởng của việc trích chi phí bảo hành công trình dự án nhà ở cao cấp Vinaconex 1 đang trong giai đoạn bàn giao.

Tại Vinaconex 2, tất cả các chỉ tiêu đều có kết quả kinh doanh bị âm so với quý II/2012. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế âm 51%, từ hơn 5,6 tỷ đồng quý II/2012 còn hơn 2,7 tỷ đồng, do thị trường xây lắp và bất động sản vẫn trong giai đoạn khó khăn về vốn và đầu ra. Lý giải về mức giảm 43% của doanh thu, Vinaconex 2 cho biết không ký được các hợp đồng xây lắp mới mà thay vào đó là các hợp đồng cung cấp nhân công, khiến sản lượng giảm mạnh kéo theo doanh thu giảm.

Trong “họ” Vinaconex, tính đến hết ngày 30/6 năm nay, chỉ duy nhất Vinaconex 6 báo lãi, với mức lợi nhuận trước thuế lũy kế trong nửa đầu năm là hơn 4,2 tỷ đồng so với mốc hơn 3,2 tỷ đồng cùng kỳ 2012. Còn lại, thị trường vẫn chờ đợi các thông tin về kết quả kinh doanh của Vinaconex 3, 5 và 9.
Một trong những điểm đặc biệt của công ty cổ phần xây dựng số 2 (Vinaconex 2) - đơn vị có mức lỗ tương đối lớn trong quý II, là chi phí quản lý không hề giảm. Tại đơn vị này, chi phí cho nhân viên thậm chí còn tăng sau 6 tháng hoạt động, từ hơn 9,6 tỷ đồng lên hơn 9,9 tỷ đồng.

Cũng trong nhóm những doanh nghiệp lớn kinh doanh xây dựng, bất động sản “họ” HUD, công ty cổ phần đầu tư và phát triển bất động sản HUDLand vừa đưa thông tin hoạt động 6 tháng. Sau nửa đầu năm, tổng tài sản của HUDLand gồm tài sản ngắn hạn và dài hạn cũng giảm mạnh, từ mức hơn 779 tỷ đồng đầu năm về hơn 644 tỷ đồng tại ngày 30/6, mà nguyên nhân chính là các khoản phải thu khác tăng đột biến, từ hơn 846 triệu đồng vào đầu năm lên mức hơn 1,64 tỷ đồng.

Trong 6 tháng, quỹ khen thưởng phúc lợi của HUDLand cũng tăng mạnh, từ hơn 3,57 tỷ đồng lên hơn 5,37 tỷ đồng. Trong khi đó phần phải trả người lao động ổn định hơn 3 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế giảm từ hơn 56,8 tỷ đồng về 45,4 tỷ đồng, còn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối giảm mạnh, từ hơn 97,6 tỷ đồng về hơn 34 tỷ, tổng nguồn vốn cũng rớt từ hơn 779 tỷ đồng về hơn 644 tỷ đồng.