VN-Index đã quay đầu giảm điểm trở lại trong phiên hôm nay với mức giảm 0.38%, đứng tại 498.22 điểm. HNX-Index giảm mạnh hơn ở mức 0.58% xuống 61.81 điểm.

Với tín hiệu lạc quan hơn từ thanh khoản trong các phiên giao dịch trước, thị trường tiếp tục tăng điểm ngay từ đầu phiên giao dịch. Trước sự dẫn dắt của MSN, BVH, VCB, HAG, DPM... chỉ số VN-Index đã bật tăng khá mạnh. Tuy nhiên, giao dịch vẫn hết sức trầm lắng khi bên mua vẫn khá thận trọng trong việc đẩy mạnh mua vào ở mức giá cao. Điều này khiến cho bên bán lo lắng và thúc đẩy hoạt động chốt lời ở nhóm bluechip về phía cuối phiên giao dịch và kéo chỉ số VN-Index giảm điểm trở lại.

Dòng tiền đầu cơ cũng tháo chạy khỏi thị trường. Điển hình nhất là nhóm cổ phiếu Bất động sản và Xây dựng khi các mã cổ phiếu như ITA, FLC, HQC, HAR...đều sụt giảm khá mạnh.

Đà giảm lan rộng ra hầu hết các nhóm Market Cap trong phiên giao dịch hôm nay. Không quá bất ngờ khi dẫn đầu đà giảm là nhóm VS-Mid Cap với 0.85%, tiếp theo là nhóm VS-Micro Cap giảm 0.47%, VS-Small Cap giảm 0.4% và VS-Large Cap giảm 0.02%.

Thanh khoản trên cả hai sàn đã sụt giảm trở lại khi khối lượng giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE giảm 20.71% xuống 28 triệu đơn vị. Trên sàn HNX, khối lượng giao dịch cũng sụt giảm 31.91% đạt 13.3 triệu đơn vị. Sự không ổn định của thanh khoản cho thấy giới đầu tư vẫn đang khá thận trọng với xu hướng thị trường.

Chỉ số VN-Index thất bại trong việc duy trì ngưỡng 500 điểm cùng với việc thanh khoản tụt dốc trở lại khiến cho tâm lý giới đầu tư tiếp tục hoang mang. Điểm tích cực đó là thống kê lệnh cho thấy bên mua vẫn chiếm ưu thế trong phiên giao dịch hôm nay.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên cả hai sàn trong phiên hôm nay, tuy vậy áp lực bán ra đã giảm đáng kể so với các phiên trước đó. Cụ thể, trên sàn HOSE khối ngoại bán ròng với giá trị 3.7 tỷ đồng. Họ bán ròng mạnh nhất ở EIB với giá trị 4.5 tỷ đồng, CTG với 2.4 tỷ, PACPHR với cùng giá trị xấp xỉ 2.1 tỷ. Ở chiều ngược lại, khối ngoại mua ròng mạnh nhất ở VIC với giá trị 3.4 tỷ đồng, HAG (3.4 tỷ), HQC (2.3 tỷ) và MSN (1.7 tỷ).

Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng với 8 tỷ đồng, giá trị bán ròng mạnh nhất ở PVS với 2.2 tỷ, PGS (2.1 tỷ), VCG (1.1 tỷ).

Về Phân tích kỹ thuật: VN-Index – MACD cho tín hiệu tốt. Sự bứt phá của giá trong những tuần gần đây đã cho thấy những dấu hiệu tích cực. Cụ thể là MACD đã cho tín hiệu mua trở lại và vượt lên trên đường zero-base. Điều này cho thấy nguy cơ giảm sâu bất ngờ (thrust down) trong ngắn hạn không còn quá lớn.

Mặt khác, SMA 100 đã bị phá vỡ hoàn toàn cho thấy triển vọng của VN-Index đang trở nên lạc quan hơn. Hiện tượng throwback có thể sẽ xuất hiện nhưng giới phân tích kỹ thuật cho rằng xu thế tăng trưởng và hồi phục đã được khẳng định.

Điểm duy nhất còn cần phải cải thiện chính là thanh khoản. Khối lượng khớp lệnh phiên ngày 08/08/2013 vẫn chưa vượt qua được mức trung bình 20 phiên gần nhất (tương đương 35 triệu đơn vị/phiên) cho thấy lực cầu chưa thực sự mạnh.

Việc mua vào có thể tiếp tục nếu như thanh khoản vượt lên trên mức 35 triệu đơn vị/phiên và vùng 480 – 490 điểm không bị phá vỡ.

HNX-Index – Cung cầu cân bằng. EMA 5 ngày của chỉ số VS-Arms HNX đang duy trì mức 1.01. Đây là mức trung bình của chỉ số này và cho thấy cung cầu cân bằng trên sàn này.

Tình trạng rung lắc của HNX-Index vẫn chưa chấm dứt. Hiện tại, HNX-Index vẫn chưa phá vỡ hoàn toàn được 3 đường MA: SMA100, EMA 20, EMA 10 nên nguy cơ giảm sâu trở lại vẫn còn khá lớn. Bên cạnh đó, thanh khoản đã rớt xuống dưới mức trung bình 20 phiên gần nhất (tương đương mức 16 triệu đơn vị) trong phiên giao dịch ngày 08/08/2013.

Theo giới phân tích kỹ thuật nếu kịch bản bi quan diễn ra thì HNX-Index sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của ngưỡng Fibonacci Retracement 38.2% (tương đương vùng 60.8 – 61 điểm). Dự kiến ngưỡng này sẽ khó có thể bị thủng do số lần test thành công nhiều và khối lượng tích lũy khá lớn.