o TCM là doanh nghiệp lớn nhất trong các doanh nghiệp dệt may niêm yết về tổng tài sản và doanh thu. Doanh thu liên tục tăng trong giai đoạn 2008-2012 với tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 24,5%/năm. Từ năm 2010, với sự điều hành của cổ đông chiến lược E-Land, hiệu quả kinh doanh và giá trị xuất khẩu của TCM đã cải thiện rõ rệt. Năm 2010, tốc độ tăng trưởng doanh thu đạt 68,1%; trong đó, doanh thu xuất khẩu tăng 127% so với năm 2009.

o Cổ đông lớn nhất là tập đoàn hàng đầu về thời trang, bán lẻ và có tiềm lực tài chính mạnh. E-Land Asia Holdings Pte, Ltd (nắm giữ 43,3% vốn cổ phần) không chỉ tham gia điều hành mà còn hỗ trợ về mặt đầu ra cho sản phẩm và các chuyển giao công nghệ, quy trình khác như ERP, BSC,...

o TCM là một trong số ít các doanh nghiệp dệt may Việt Nam có chu trình sản xuất khép kín (xe sợi à dệt, đan à nhuộm, hoàn tất à cắt, may). Điều này giúp công ty giảm sự phụ thuộc vào biến động nguồn nguyên liệu, đảm bảo chất lượng sản phẩm và biên lợi nhuận. Việc đáp ứng yêu cầu “từ sợi trở đi” cũng sẽ giúp TCM hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế nhập khẩu khi Hiệp định TPP được thông qua.

o Theo đại diện công ty, TCM đang có kế hoạch đầu tư nâng cấp công suất các nhà máy may, đan và nhuộm trong giai đoạn 2014-2017 với tổng vốn đầu tư khoảng 30 triệu USD. Hiện tại, công ty đang làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Long để hoàn thành thủ tục xin giấy phép đầu tư.

o Chúng tôi ước tính doanh thu năm 2014 đạt 2.810 tỷ VND, tăng 9,4% so với năm 2013. Lợi nhuận sau thuế đạt 158 tỷ VND, tương ứng EPS forward 2014 là 3.215 VND/cổ phiếu.

o Biên lợi nhuận thuần năm 2014 sẽ cao hơn năm 2013 và đạt khoảng 5,8% do công ty kỳ vọng vào việc giảm giá bông do chính phủ Trung Quốc sẽ giảm lượng bông dự trữ bắt đầu từ năm 2014 và hiệu quả sản xuất tăng do hệ thống ERP được đưa vào vận hành.

o Hiện tại công ty có 4 dự án bất động sản với tổng vốn đầu tư tại thời điểm 30/09/2013 là 119 tỷ đồng. TCM đang đầu tư vào 2 công ty con và 4 công ty liên kết hoạt động trong các lĩnh vực y tế, chứng khoán, bất động sản, vật liệu xây dựng, giải trí,…Trong đó, giá trị đầu tư vào công ty liên kết tại thời điểm 30/09/2013 là 121 tỷ đồng.

Khuyến nghị

o Ước tính lợi nhuận sau thuế năm 2013 đạt khoảng 128,2 tỷ đồng tương ứng với EPS 2.610 VND/cổ phiếu. Cùng với kết quả kinh doanh tốt, TCM đang kỳ vọng rất lớn vào hiệp định TPP nếu được thông qua trong thời gian tới, các sản phẩm dệt may của TCM có thể xuất sang các nước thành viên TPP, đặc biệt là Hoa Kỳ với thuế suất nhập khẩu giảm từ 17% về 0%.

o Về dài hạn, dựa trên cơ sở định giá FCFF, với giả định Hiệp định TPP được thông qua và có hiệu lực bắt đầu từ năm 2015, mức giá mục tiêu cho 12 tháng tới là 30.500 VND, cao hơn giá thị trường hiện tại 41,86%. Trong trường hợp Hiệp định TPP không được ký kết, mức giá mục tiêu cho 12 tháng tới là 23.700 VND, cao hơn giá thị trường hiện tại 10,23%. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị MUA đầu tư dài hạn đối với cổ phiếu này. Rủi ro chính của TCM là biến động giá bông và tỷ giá USD/VND. Chi phí nguyên liệu bông chiếm khoảng 40% giá vốn hàng bán nên giá bông tăng sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp của công ty. Hầu hết các khoản vay của công ty bằng USD nên biến động tỷ giá USD/VND sẽ dẫn đến lỗ chênh lệch tỷ giá và ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty.