Nhìn thị trường đọc lại thông tin đã được post trước đó mà nghiệm thôi

360o CTCK: Thảm họa giải chấp và cứu giá

Với margin đan xen như mạng nhện xuyên qua tài khoản và cổ phiếu, và số tiền margin có lúc lên đến gần trăm nghìn tỷ đồng, nỗi lo lắng về giải chấp trở nên thường trực trong giấc ngủ của NĐT, của CTCK và của cả ngân hàng khi TTCK năm 2010 có dấu hiệu đuối nước.

Mỗi lần margin bị giải chấp là một lần TTCK lại bị rúng động, lòng tin và tài sản của NĐT bị bào mòn đi một ít và cơ hội phục hồi của TTCK mong manh hơn. Những lần bật lại của TTCK sau khi bị giải chấp đều yếu hơn lần trước, thời gian bật cũng ngắn dần.


Tình hình vĩ mô suy yếu, chân đế thị trường lung lay thì margin quả là gánh nặng.


Do hiệu ứng tuyết lở, việc giải chấp vì margin không chỉ làm các cổ phiếu có margin bị giải chấp mà nó còn ảnh hưởng đến các cổ phiếu và dịch vụ khác của thị trường, đặc biệt là việc repo khối lượng lớn các cổ phiếu do HĐQT và đại cổ đông nắm giữ mà em hi vọng có dịp phân tích sau này.


Trong điều kiện bình thường, chơi margin là lời ăn lỗ chịu, đối với NĐT hay đối với CTCK, ngân hàng đều vậy. Nhưng nếu TTCK suy yếu dài hạn và có người chơi liều thì lại khác.


NĐT chơi liều thì để lại tài khoản cháy cho CTCK, CTCK chơi liều thì để lại nợ khó đòi cho ngân hàng, ngân hàng chơi liều thì...



Nếu có ngân hàng hoặc công ty tài chính liều và cho vay lớn để CTCK làm margin, CTCK lại liều nên áp tỷ lệ margin cao, cho margin đủ thể loại cổ phiếu mà lại không cương quyết xử lý tài sản đúng theo quy trình. Các CTCK này sẽ thường là điểm đến của những NĐT ưa thích mạo hiểm và sẵn sàng bỏ tài khoản cháy khi cần.


TTCK đi xuống, nguồn thu của CTCK giảm trong khi chi phí tăng lên do tự doanh bị kẹp, tiền mặt cạn dần không được bổ sung.


Nếu nhiều NĐT bỏ chạy không bù tài khoản thì tài chính của CTCK dần hao hụt. Hơn nữa, do thị giá cổ phiếu suy giảm nên các khoản vay của CTCK đối với ngân hàng sẽ bị giảm dần tài sản thế chấp. Ngoài ra các khoản vay chứng khoán này đa phần là ngắn hạn. Nếu ngân hàng hạ đánh giá thị trường và tín nhiệm của CTCK thì khả năng không đáo hạn khoản vay sẽ cao dần lên. Cộng thêm chính sách thắt chặt tiền tệ dần của NHNN thì tín dụng dành cho chứng khoán ngày càng nhức nhối.


Hãy tưởng tượng nếu đồng thời tất cả mọi chuyện đó xảy ra, thị trường bị rơi vào vùng giải chấp, tự doanh kẹp hết tiền, ngân hàng rút tiền trong khi NĐT lại bỏ của chạy lấy người. Nhẹ thì CTCK sẽ gánh một khoản lỗ và suy giảm tiền mặt nghiêm trọng, nặng thì mất thanh khoản tạm thời đối với thu chi của CTCK, và nặng hơn nữa thì mất thanh khoản với NĐT.
Một số CTCK do vay margin trên tài khoản tổng (thực chất là vác tài sản của chính NĐT đi cầm cố lấy tiền cho NĐT vay) nên số nợ lớn hơn vốn chủ sở hữu nhiều lần. Nếu số vốn này âm mạnh do nhiều NĐT cùng lúc cháy tài khoản thì không loại trừ CTCK có thể làm âm vốn của NĐT và có lúc NĐT sẽ không thể rút tiền mặt trong tài khoản của mình, mặc dù đó là tiền mình.


Điều này sẽ làm mất niềm tin trầm trọng và NĐT sẽ tăng cường rút vốn mạnh ở khắp mọi nơi, gây ra một cuộc xáo xào chả khác gì một cú “bank run” ở ngân hàng. NĐT vốn đã thua lỗ triền miên và bây giờ họ lại nhận ra một rủi ro khác là tiền của họ ở CTCK không hề được bảo hiểm.


Thế nên, đến mỗi đợt margin, nếu mức độ tuyết lở rất mạnh thì thông thường các CTCK sẽ ngồi lại để bàn thảo cách ứng cứu. Lúc đó không mạnh ai nấy làm mà thường có sự liên kết để giảm nhẹ tác động của giải chấp.


Cộng thêm lực bắt đáy mua hàng giá rẻ, TTCK sẽ có một đoạn phục hồi ấn tượng đủ để cho các CTCK thoát khỏi vùng rủi ro và các tay chơi bắt đáy sẽ hưởng lợi nhờ đu tàu đúng điểm.


Giải chấp cũng có cái giá của nó các bác nhỉ, và có phần thưởng cho ai biết dũng cảm đúng lúc.



--------------------------------------------------
Đọc thêm:
* Nhân sự và quy trình
* Tự doanh – Từ dễ như ăn kẹo đến mắc nạn
* Tự doanh - Con đường từ lướt sóng đến làm giá!
* Lâm nạn tập 2 và thoái trào của tự doanh chứng khoán
* Nghề môi giới chứng khoán
* Môi giới, đội lái và công nghệ làm hàng
* Khi tài khoản khách hàng trong tay môi giới
* Ma lực margin
* Rủi ro hàng nóng và hàng nguội
* Margin và kẹp tài khoản


Nguyên Quân (Vietstock)
(Nick Nguyên Quân đã có chuỗi bài viết về nhiều khía cạnh trong hoạt động của công ty chứng khoán, đăng trên Diễn đàn Vietstock từ quý 3/2011. Chuỗi bài viết hay và đầy ý nghĩa được dẫn lại trên Vietstock Blog với sự đồng ý của tác giả)