Cổ phiếu mất thanh khoản bởi nhiều lý do: ảnh hưởng từ thị trường chung, bởi đội lái hoặc bởi chính bản thân doanh nghiệp.


Mất thanh khoản vì DN
CTCP Đầu tư BĐS Việt Nam (mã VNI) chính thức giao dịch trên sàn HoSE trong ngày trùng cửu (09/09/2010) với giá tham chiếu 25.000 đồng/cp. May mắn chào sàn trong ngày đẹp cộng với thời điểm TTCK đang khởi sắc nên mã VNI đã liên tục được kéo trần lên 6x vào thời điểm cuối tháng 09/2009. Tuy nhiên sau mức giá khủng này, VNI đã đảo chiều giảm mạnh xuống dưới mức giá chào sàn. Hiện giá VNI chỉ dao động quanh mốc 2x, nhưng cùng với giảm giá là sự sụt giảm thê thảm về thanh khoản, trừ một vài phiên giao dịch có khối lượng đáng kể (trên 10 nghìn cp).
Thanh khoản của VNI kể từ thời điểm tụt dốc thường chỉ dao động dưới 10.000 cp, thạm chí có phiên chỉ vỏn vẹn 200 cp. Riêng những phiên có KLGD đáng kể của VNI, nhiều khả năng đây chỉ là những lệnh mua với khối lượng lớn vào cuối phiên để giữ giá của một số NĐT lớn.
Sự sụt giảm về thanh khoản cổ phiếu cho thấy kỳ vọng của NĐT về cổ phiếu đã không còn, thay vào đó là nỗi thất vọng về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Đối với VNI, mang tiếng là DN bất động sản nhưng hoạt động của VNI chỉ quanh quẩn trong việc môi giới BĐS, trong khi các lĩnh vực đầu tư xây dựng mang lại nguồn thu và lợi nhuận lớn lại rất hiếm.
Điều đáng nói là trong bảng cáo bạch trước khi niêm yết, VNI đã công bố DN này hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực như: Đầu tư vào các dự án mua, tạo lập công trình xây dựng để bán và cho thuê, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đầu tư công trình hạ tầng để chuyển nhượng và cho thuê, xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp giao thông, thủy lợi, bến cảng, sân bay.
Cũng chính vì chỉ môi giới nên dù vốn điều lệ lên đến 105 tỷ đồng nhưng doanh thu và lợi nhuận của VNI rất thấp (LNST năm 2009 là 1,5 tỷ; quý I lỗ 723 triệu; quý II lãi 1,89 tỷ đồng). Nghị quyết HĐQT của VNI đặt chỉ tiêu doanh thu năm 2010 là 25 tỷ đồng và LNST là 1 tỷ đồng.
Mất thanh khoản vì thị trường
VFMVFA của CTCP Quản lý quỹ đầu tư năng động Việt Nam chào sàn HoSE trong phiên giao dịch ngày 09/08/1010. Tuy nhiên từ mức giá chào sàn là 10.000 đồng/ccq, giá VFA đã liên tục giảm, hiện trong khoảng từ 7 – 8 nghìn đồng/ccq. Đặc biệt dù mới lên sàn, lãnh đạo của VFA đã phải giải trình vì có 5 phiên giảm sàn liên tục. Nguyên nhân khiến chứng chỉ quỹ này dao động trong biên độ hẹp một phần do thanh khoản kém. Nếu so sánh với 4 chứng chỉ quỹ còn lại là MAFPF1, PRUBF1, VF1 và VF4, thanh khoản của VFA kém hơn hẳn.
Kể từ khi chào sàn đến nay, duy nhất phiên ngày 20/09 chứng chỉ quỹ này giao dịch hơn 1 triệu đơn vị, các phiên còn lại khoảng vài trăm hoặc vài ngàn đơn vị khớp lệnh, thậm chí có 2 phiên không giao dịch do không có người mua.
Đặc thù của VFA là đầu tư vào rổ cp đại diện cho VN-Index, cơ cấu danh mục đầu tư theo ngành nghề của quỹ, chủ yếu dựa trên cơ cấu ngành nghề của các CP có vốn hóa thị trường lớn. Trong quy chế hoạt động của mình, VFA có quyền bán cắt lỗ trong các trường hợp giá CP xuống thấp. Tuy nhiên hoạt động của VFA đang đứng trước rủi ro do sự giảm giá của các loại cổ phiếu niêm yết trên TTCK mà VFA đầu tư. Khi đó, NAV của quỹ này sẽ bị giảm sút và ảnh hưởng trực tiếp đến thị giá của CCQ trên thị trường.
Thực tế, rủi ro có thể được giảm thiểu với cơ chế cắt lỗ trước khi thị trường giảm quá sâu; nhưng với thanh khoản đang ngày càng sụt giảm như hiện nay, việc thoát khỏi thị trường đúng thời điểm của quỹ này rất khó khăn. Với những gì diễn ra trên TTCK, từ sự sa sút điểm số cho đến thanh khoản, tính năng động trong chiến lược đầu tư của VFA sẽ khó phát huy hiệu quả. Do đó, VFMVFA đang trở thành nỗi thất vọng của NĐT, đồng nghĩa với việc thanh khoản ngày càng đi xuống.
Mất thanh khoản dây chuyền
Liên tục trong 4 phiên gần đây, mã IMF của CTCP Dược phẩm Imexpharm không có giao dịch. Tính trong 1 tháng, IMP giao dịch hơn 25.000 cp. Đây là con số hết sức bất ngờ đối với giới đầu tư bởi IMP là một trong những biểu tượng thành công của các DN dược trong nước.
Đây là tình trạng chung của các DN dược khi thanh khoản của các mã như DHG của Dược Hậu Giang, DCL của Dược Cửu Long, OPC của Dược phẩm OPC cũng không sáng sủa hơn. Việc các mã cổ phiếu ngành dược không còn được ưa chuộng như trước có thể đến từ lý do tỷ giá USD/VND tăng.
Hiện phần lớn nguồn nguyên liệu sản xuất của các DN dược là nhập khẩu nên việc trượt giá tiền đồng khiến chi phí của các DN tăng cao và lợi nhuận cũng vì thế giảm đi. Ngoài yếu tố này, lợi thế cạnh tranh của các DN trong nước so với các DN nước ngoài sẽ không còn khi sự bảo hộ của Nhà nước đối với ngành dược sắp đi vào hồi kết (sau 5 năm gia nhập WTO, Nhà nước sẽ không còn bảo hộ cho các DN dược).
Mất thanh khoản cấp tính
Ngoài những mã CP có thanh khoản kém bởi sự thất vọng của NĐT, thị trường còn xuất hiện những mã CP bỗng dưng bị mất thanh khoản do sự xuất hiện của các “đội lái”, như trường hợp HTV của CTCP Vận tải Hà Tiên.
Với sự xuất hiện của các “đội lái”, mã CP này bất ngờ có chuỗi tăng trần liên tục từ 3x lên 45 nghìn đồng/cp trong tháng 9, buộc DN phải giải trình vì sao giá CP tăng trần 5 phiên liên tục trong bối cảnh thị trường chung ảm đạm.
Theo giải trình của HTV, hoạt động của DN vẫn bình thường không có gì đột biến, và việc cổ phiếu tăng trần nằm ngoài tầm kiểm soát của DN. Sau đợt đánh lên, giá HTV liên tục giảm sàn, thanh khoản cũng suy giảm mạnh. Trong 3 phiên gần đây chỉ có hơn 100 cp HTV được giao dịch trong khi các phiên trước giao dịch hàng trăm nghìn cp. Tuy nhiên việc mất thanh khoản của HTV là cấp tính chứ không mãn tính như các mã nêu trên.