Chuyện giá vàng:
Năm ngoái khi nhà nước ta chưa độc quyền sản xuất vàng miếng, chênh lệch giá vàng của Việt Nam so với thế giới khoảng 2-3tr. sang đến năm nay sau khi nhà nước quyết định độc quyền sản xuất vàng miếng nhằm bình ổn giá vàng kéo giá vàng về sát với giá thế giới (ở mức chênh lệch 500k/ lượng là hợp lí - theo lời vàng ngọc của 1 vị bộ trưởng vịt nào đó phát biểu 1 cách tự tin) thì kết quả là cho đến hôm nay giá chênh lệch đã được kéo dãn thành 6tr5
PS: sau này vị bộ trưởng này đã phát biểu lại là vàng không phải là mặt hàng thiết yếu cần bình ổn giá nên có tăng cũng không sao nhé
_____________________________________________



Chuyện 03 bát phở:
Bát phở đầu năm 2013, thật lạ, vẫn giữ nguyên giá của đầu năm 2011. Vẫn 30.000 đồng. Đây là một chuyện hiếm có, vì suốt nhiều năm trước đó, tốc độ tăng giá của các dịch vụ ăn uống thiết yếu là tương đối ổn định. Không phải giá ổn định, mà là tốc độ tăng giá ổn định.
Dễ nhìn thấy nhất có lẽ là ở các loại quà sáng ở Hà Nội, thành phố nổi tiếng với các món đặc sản điểm tâm sáng, phong phú, tuy bình dân nhưng lại cầu kỳ có "gu", như chính những người thích thưởng thức các món ăn đó.
Trong nhiều năm, ở nhiều báo cáo của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, hay UNDP, và tất nhiên, của kha khá các bộ, ngành, Việt Nam luôn được coi là một trong những quốc gia đạt thành tích thần kỳ về giảm nghèo. Ở hội nghị các nhà tài trợ cuối cùng sau 20 năm tổ chức dưới thể thức này (tháng 12-2012), một con số so sánh được đưa ra là mức thu nhập bình quân đầu người đã tăng từ khoảng 200 đô la Mỹ những năm 1990, lên 1.600 đô la vào năm 2012. Tăng trưởng thu nhập tám lần ấy quả là một điều mừng.
Gần hơn một chút, tính từ thời điểm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thu nhập bình quân đầu người đã tăng thêm ngót 1.000 đô la Mỹ, từ hơn 700 đô la Mỹ vào năm 2006. Sau sáu năm hội nhập một cách chính thức vào nền thương mại toàn cầu, đó là một sự gia tăng đáng kể, hứa hẹn một tiềm năng nâng cao mức sống và tích lũy của cải.
Với mức thu nhập tăng thêm, suy diễn máy móc bằng lý thuyết, giả định rằng người lao động bình thường của năm 2012 có thể nhân khả năng chi trả cho sinh hoạt và các tiện nghi cuộc sống của mình lên tương ứng tám lần so với chính họ khoảng 15 năm trước? Rất tiếc mọi sự lại không đơn giản như thế. Nhất là với những người có thu nhập thấp, chiếm tầng đáy của tháp thu nhập trong xã hội, nơi trung hòa những thành quả về vật chất của nhóm thu nhập trung bình và thu nhập cao.


Nhóm thu nhập ở đáy
Công bằng mà nói, sau ngót một thập kỷ hội nhập kinh tế quốc tế, đánh dấu bằng Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ đầu những năm 2000, rồi gia nhập WTO, mức sống của nhóm người nghèo đã có sự cải thiện nhất định về nhiều mặt. Cơ hội việc làm mở ra nhiều hướng mới, có lẽ sẽ giúp họ những kỹ năng mới để vật lộn trong một thị trường lao động của tương lai, thay vì những ngành nghề tay chân xưa kia như thợ hồ, buôn gánh bán bưng hay làm nông. Đô thị hóa bùng nổ cũng mang lại cho họ sự tiếp cận nhanh chóng những tiện nghi hiện đại như công nghệ liên lạc di động cùng các phương tiện giải trí tiên tiến.
Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ vào tương quan thu nhập và chi tiêu đối với những nhu cầu thiết thân thì có lẽ cuộc sống trong những năm gần đây chưa cho phép người nghèo mơ tưởng tới những điều kiện sinh hoạt "xông xênh" hơn trước.
Quay lại với chuyện bát phở, sở dĩ dùng chuyện này để minh họa cho mức sống, là bởi thông thường người ta chỉ ăn "phở" khi đã đủ, hoặc đã thừa "cơm".
Hơn chục năm trước, số tiền làm được trong ngày của một người thợ hồ là khoảng 15.000 đồng, bằng khoảng ba bát phở. Công việc thợ hồ trung bình ở thời điểm hiện tại được trả khoảng 90.000-100.000 đồng/ngày. Nói cách khác, tiền công giờ đây của anh ta cũng vẫn chỉ cho phép anh ăn được ba bát phở, không hơn.
Chắc người thợ hồ sẽ không lý giải được hết những nguyên nhân dích dắc của điều đó. Chỉ biết rằng, với thu nhập ba-bát-phở, trong lúc còn bao nhiêu các chi phí khác chực chờ bòn rút túi tiền eo hẹp, dễ hiểu anh ta sẽ không được chọn phở làm món quà sáng hàng ngày, dẫu có yêu thích "phở" đến mấy.
Trớ trêu, trong khi Việt Nam liên tục đứng trong hàng ngũ những nước tăng trưởng vượt bậc về xuất khẩu nông sản và thủy hải sản, chi phí dành cho lương thực và thực phẩm lại đã và đang trở thành gánh nặng cơ bản cho cuộc sống người dân. Tăng giá các nhu yếu phẩm hàng ngày tất yếu sẽ tác động tới các nhu cầu khác như đi lại, học hành, vui chơi giải trí, và cuối cùng là khả năng tích lũy của cải. Người nghèo và người thu nhập thấp tất nhiên sẽ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Bản thân thu nhập và mức sống của người nghèo cũng có chênh lệch giữa các vùng miền, và đặc biệt là giữa đô thị và nông thôn. Dù sao người nghèo đô thị vẫn còn được hưởng những tiện ích mang tính "công cộng", chẳng hạn như dịch vụ giải trí, còn người nghèo nông thôn và miền núi vẫn còn chịu những thiếu thốn rất lớn. Theo nhận định của UNDP nhân dịp còn lại 1.000 ngày của thời hạn thực hiện mục tiêu thiên kỷ, có tới một nửa số người ở nông thôn còn chưa được tiếp cận những dịch vụ thiết yếu như nước sạch hay nhà vệ sinh. Bát phở đối với nhóm người này còn là giấc mơ xa vời hơn người thợ hồ ở thành phố.
Bài toán thu - chi và giấc mơ ăn phở
Thực ra, không dễ để phân tích tương quan tuyệt đối giữa việc tăng thu nhập quốc dân theo bình quân đầu người với khả năng cải thiện chất lượng sống của quảng đại quần chúng. Sự so sánh nào cũng là tương đối, và giấc mơ được ăn "phở" (với ý nghĩa là một món ăn được ưa thích) đôi khi cũng là điều hiện hữu ở cả những nước giàu.
Tuy là vậy, nếu tạm coi thu nhập ở cấp độ cá nhân tương ứng xuất khẩu tầm quốc gia và chi tiêu tương ứng với nhập khẩu, thì số liệu xuất - nhập khẩu được trích từ tổng kết về kinh tế Việt Nam sau năm năm gia nhập WTO vừa qua rất đáng suy nghĩ. Theo đó, trong cả giai đoạn 2007-2011, xuất khẩu đã tăng 2,4 lần, từ 39,8 tỉ đô la Mỹ lên 96,9 tỉ đô la Mỹ. Nhập khẩu cũng tăng đúng 2,4 lần, từ 44,9 tỉ đô la lên 106,7 tỉ đô la. Tạm hiểu là triền miên nhập siêu. Nếu ở một gia đình, đã có thể nghe thấy tiếng người vợ văng vẳng một giọng xót ruột: "Làm sao mà thu bao nhiêu chi hết bấy nhiêu thế này".
Chưa nói tới việc nhìn sâu vào con số nhập siêu còn thể hiện sự lệch lạc giữa các mặt hàng xuất khẩu và nhập khẩu. Xuất khẩu trong sáu năm vừa qua vẫn dựa trên các mặt hàng chưa chế biến, hoặc chế biến sơ sài, giá trị gia tăng thấp, điển hình là khoáng sản, nông lâm thủy hải sản, dệt may. Còn nhập khẩu lại là những sản phẩm đắt đỏ như máy móc, thiết bị, hay dược phẩm.
Phải chăng vì thế mà câu thơ loại Bút Tre sau đây ngày càng phổ biến, dù có nhiều dị bản:
Sáu năm Vê-kép-Tê-Ô
Xuất siêu thì ít, (vì) xuất thô thì nhiều


(Theo Bảo Bảo
Thời báo Kinh tế Sài Gòn)