KSA: Bước đi mới, cổ phiếu có trở lại thời hoàng kim?

Có yếu tố "Đông Âu" trong cơ cấu cổ đông, cùng những chuyển biến tái cơ cấu hoạt động lẫn nhân sự, đề ra những con số kế hoạch kinh doanh mới ấn tượng thay vì chuỗi ngày ảm đạm trước đây; liệu sự thay đổi này có đưa cổ phiếu KSA của CTCP Công nghiệp Khoáng sản Bình Thuận trở lại thời hoàng kim?

KSA chào sàn ngày 27/07/2010 với giá kết phiên ngày chào sàn đứng ở mức 60,000 đồng. Nhưng đây cũng chính là mức giá cao nhất mà cổ phiếu này có thể đạt được. Biến động giá tại KSA là một chuỗi đi xuống đều với đáy là mức giá dưới 4,000 đồng trong những phiên cuối năm 2011 và đầu năm 2012. Tuy nhiên điểm nhấn đáng chú ý tại KSA là khối lượng giao dịch luôn duy trì ở mức khá và thậm chí có phiên cổ phiếu này được giao dịch gần 5 triệu đơn vị.

Xét riêng trong năm 2014, giá cổ phiếu KSA tại thời điểm kết năm đã giảm 10% so với đầu năm khi đứng ở mức giá 9,000 đồng/cp. Tuy nhiên xét về biến động tại mức giá thấp nhất trong năm (6,700 đồng/cp ngày 13/05) và mức giá cao nhất (13,900 đồng/cp ngày 06/11) thì biên độ dao động rộng với 108%, kèm theo đó là khối lượng giao dịch bình quân ở mức cao khi đạt hơn 1 triệu đơn vị/phiên. Đặc biệt, trong hai ngày khởi đầu năm 2015, cổ phiếu KSA cho tín hiệu tích cực hơn khi tăng trần lên mức 9,600 đồng/cp với bối cảnh toàn thị trường không mấy hấp dẫn cả về điểm số và thanh khoản.
Diễn biến giá của cổ phiếu KSA 1 năm gần nhất


Hoạt động kinh doanh không có nhiều khởi sắc


Mặc dù vẫn được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm giao dịch nhưng diễn biến hoạt động kinh doanh của KSA không có nhiều đột biến hay thậm chí còn đi xuống sau giai đoạn lình xình.

Ngoại trừ kết quả kinh doanh năm 2010 ở mức cao với hơn 61.5 tỷ đồng thì các năm 2011, 2012 và 2013 không mấy khởi sắc. Tương tự đó, kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2014 cũng chỉ lình xình khi doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt ở mức 58.3 tỷ đồng và 19.3 tỷ đồng, cùng tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2013 nhưng chỉ thực hiện được lần lượt 32% kế hoạch doanh thu và 64% kế hoạch lãi.

Xét riêng trong quý gần nhất, quý 3/2014, doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính là khai khoáng chỉ là con số 0, còn toàn bộ doanh thu quý 3 đến từ hoạt động tài chính. Việc không có doanh thu chính đưa vị thế của KSA (một trong những công ty lớn và có uy tín trong mảng khai thác titanum) lung lay và là đòn giáng mạnh vào tham vọng trở thành một trong những công ty hàng đầu ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á trong lĩnh vực sản xuất chế biến sâu các sản phẩm Titan và xuất khẩu khoáng sản đã qua chế biến.

Giải trình cho kết quả này, KSA cho biết là do đang trong giai đoạn tiến hành tái cấu trúc toàn diện để đón các nhà đầu tư chiến lược từ Đông Âu nên chỉ tiêu doanh thu quý 3 năm nay không có.

Cũng theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2014, tính đến 30/09, tổng tài sản ngắn hạn của KSA ở mức 263.5 tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt chỉ khoảng 8.7 tỷ đồng và hàng tồn kho gần 25 tỷ đồng, đều suy giảm so với đầu năm. Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn tăng 19% lên 141 tỷ đồng và đều là khoản tiền cho cá nhân vay.

Nợ phải trả của KSA tính đến 30/09 tăng hơn 21% lên 45 tỷ đồng, trong đó gần như toàn bộ đều là các khoản nợ vay ngắn hạn.
Bảng kết quả kinh doanh của KSA từ năm 2010 đến 2014


Việt kiều Đông Âu xuất hiện


Các nhà đầu tư chiến lược từ Đông Âu được KSA nhắc đến cùng với kế hoạch phát hành thêm cổ phần cho đối tác chiến lược, đã được ĐHĐCĐ bất thường giữa tháng 11/2014 thông qua.

Theo đó, ĐHĐCĐ bất thường đã thông qua việc phát hành thêm 30 triệu cổ phiếu với giá 10,000 đồng/cp cho đối tác chiến lược là các Việt kiều Đông Âu, tương ứng chiếm hơn 80% vốn hiện tại và 44.53% vốn sau phát hành (tăng vốn lên hơn 673.7 tỷ đồng, tương ứng hơn 67.37 triệu cổ phiếu).


Cùng với sự tham gia của nhóm cổ đông mới chiếm tỷ lệ sở hữu lớn, KSA đã tiến hành thay Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc mới. Theo đó, ông Hoàng Đức Hải là người đại diện nhóm cổ đông Đông Âu (được Ban chủ tọa tiết lộ tại ĐHĐCĐ bất thường) sẽ thay thế ông Nguyễn Văn Dũng tại vị trí Chủ tịch HĐQT. Còn ông Nguyễn Văn Phú sẽ chuyển về làm thành viên HĐQT kiêm chức Tổng giám đốc công ty.

Chưa dừng lại ở đó, cổ đông sáng lập Nguyễn Văn Dũng (nguyên chủ tịch HĐQT KSA) đã bán ra hơn 6 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 16.2% vốn hiện tại của KSA và chỉ còn nắm giữ 3.62% vốn cho thấy việc rút lui dần của Ban lãnh đạo cũ.

Hiện chưa biết 16.2% vốn bán ra rơi vào tay ai vì chưa có nhà đầu tư nào công bố thông tin đã là cổ đông lớn của KSA. Giả sử 6 triệu cổ phiếu được chính nhóm Việt kiều Đông Âu trên mua vào, kết hợp với 30 triệu cổ phiếu nhận được từ phát hành thì nhóm này sẽ nắm giữ trên 51% vốn KSA, qua đó nắm quyền chi phối KSA. Ngoài ra, với số lượng cổ phiếu trôi nổi ngoài thị trường khá nhiều thì nếu muốn, nhóm cổ đông trên cũng dễ dàng có thể gom thêm trên sàn niêm yết để nắm quyền tại KSA.

Bước đi mới tại KSA

Với cơ cấu cổ đông lớn mới, ban lãnh đạo cũng đề ra kế hoạch táo bạo trong thời gian còn lại của năm 2014 và dự kiến cho năm 2015. Theo đó, KSA tăng chỉ tiêu lãi ròng 2014 từ 21.5 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng, đồng thời đặt kế hoạch doanh thu 2014 lên mức 1,000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 100 tỷ đồng, tăng lần lượt hơn 4.5 lần và hơn 2.3 lần so với kế hoạch 2014 đã điều chỉnh.
Bảng kế hoạch điều chỉnh 2014 và dự kiến 2015


Lý giải về sự điều chỉnh này tại ĐHĐCĐ bất thường, Ban chủ tọa cho biết, toàn bộ nguồn vốn thu được từ đợt phát hành sẽ được dùng để tái cơ cấu và đầu tư các dự án. Hiện tại các sự án của KSA khá khả quan nên hoàn toàn có khả năng thực hiện được mục tiêu đề ra.

KSA sẽ dành 100 tỷ hợp tác kinh doanh với CTCP Xuất nhập khẩu Đạt Anh tiến hành khai thác khoáng sản than tại khu vực Đồi Đá Cửa, 150 tỷ đồng hợp tác kinh doanh với CTCP Xây dựng và hợp tác đầu tư Đất Việt tiến hành khai thác mỏ đá tại khu vực thung Cọ xa Liên Hợp và thung Điểm xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp tỉnh Nghệ An và 50 tỷ đồng còn lại hợp tác với Công ty TNHH Khai thác Khoáng sản Hòa Bình THT.

Giữa tháng 12 vừa qua, KSA chính thức nhận quyết định bổ sung quy hoạch chế biến titan từ Thủ tướng Chính phủ và đơn vị này cũng tiến hành mời thầu dự án nhà máy Xỉ titan 30,000 tấn giai đoạn 1. Bên cạnh đó, ngày 31/12/2014, HĐQT của KSA thông qua việc thoái vốn các công ty ngoài ngành để tập trung nguồn lực cho nhà máy sản xuất titan.

Link gốc http://vietstock.vn/2015/01/ksa-buoc...737-398507.htm