TỔNG HỢP GIAO DỊCH TUẦN 25-29.10.2010

Tuần qua, thị trường chứng khoán tiếp tục phải "đối mặt" với vấn đề thanh khoản khi VN-Index và HNX-Index cùng tăng, nhưng dòng tiền sụt giảm so với tuần trước. Và sự dẫn dắt bởi dòng tiền đầu cơ vào nhóm cổ phiếu penny-stocks tái diễn. Còn trong cả tháng 10, VN-Index đã ghi nhận mức tăng nhẹ 0,92 điểm, tương đương 0,2%, giá trị giao dịch chỉ tăng hơn 8% so với đầu tháng; trong khi đó, HNX-Index giảm đến 12,95 điểm, tương đương 10,29%, với tâm lý bắt đáy, thanh khoản trên sàn này tăng trên 36,75%.

HOSE: Thanh khoản lại đi xuống nhưng VN-Index vẫn tăng gần 2%

Đây là tuần giao dịch khá thành công của VN-Index, nếu so với mức giảm hơn 13 điểm trong tuần trước. Với 4 phiên tăng và 1 phiên giảm điểm trong tuần này, tổng số điểm chỉ số này có được là 7,42 điểm, tương đương 1,66% so với mức đóng cửa phiên thứ sáu tuần trước và dừng ở mức 452,63 điểm. Thanh khoản giảm nhẹ so với tuần trước, khối lượng giao dịch chỉ đạt 29,8 triệu đơn vị, tương đương giá trị 776 tỷ đồng.

Tuần qua, khối ngoại trên sàn Tp.HCM đã mua vào hơn 25 triệu đơn vị, trị giá 1.053 tỷ đồng và bán ra 18 triệu đơn vị, trị giá 770 tỷ đồng. Như vậy, NĐTNN đã có tuần mua ròng thứ 12 liên tiếp, với gần 7 triệu đơn vị, trị giá trên 283 tỷ đồng. Còn tính tổng giá trị mua ròng của khối ngoại trong cả tháng 10 trên HoSE thì đạt mức khá cao là 1,470 tỷ đồng

HNX: HNX-Index chấm dứt chuỗi 5 tuần giảm dù thanh khoản giảm kỷ lục

Chốt tuần giao dịch đã qua, HNX-Index đã tăng 1,54 điểm, tương đương 1,38%, đứng ở mức 112,86 điểm. Khối lượng giao dịch tiếp tục đi xuống khi chỉ đạt 22,26 đơn vị, trị giá 443 tỷ đồng.

Tính trong cả tháng 10, sàn HNX đã mất đi 14,43 điểm, tương ứng với mức giảm 11,34% so với tháng 9, và dừng tại mức 112,86 điểm. Khối lượng giao dịch toàn thị trường giảm 34,54% so với tháng trước, còn 506,62 triệu CP, giá trị giao dịch tương ứng đạt 10.814 tỷ đồng, cũng đã giảm tới 43%) so với tháng 9.

Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 10 cũng giảm 27% so với tháng trước, đạt 11,8 triệu CP, giá trị giao dịch tương ứng đạt 269,06 tỷ đồng, trong đó NĐTNN thực hiện mua vào là chủ yếu với 7,75 triệu CP trong khi chỉ bán ra 4,05 triệu CP.

TÌNH HÌNH KINH TẾ THẾ GIỚI:

* Mỹ:


- Người dân Mỹ đang kỳ vọng FED sẽ tung ra ít nhất 500 tỷ USD mua trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ trong 5 tháng tới để kích thích tín dụng tăng trưởng và hỗ trợ cho đà phục hồi kinh tế hiện vẫn còn quá yếu. Theo Wall Street Journal, trong tuần sau, nhiều khả năng FED sẽ công bố chương trình mua trái phiếu Bộ Tài chính trị giá khoảng vài trăm tỷ USD áp dụng trong vài tháng tới.

- Số người lần đầu nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần giảm mạnh 21,000 người so với tuần trước đó xuống còn 434,000 người, mức thấp trong vòng 3 tháng gần đây.

- Bộ Thương mại Mỹ cho biết số đơn đặt hàng lâu bền tháng 9/2010 tăng 6.3 tỷ USD, tương đương 3.3%. Doanh số bán nhà mới tháng 9/2010 cũng tăng 6.6% lên 307,000 đơn vị, cao hơn dự báo 299,000 đơn vị của các nhà kinh tế và mức 288,000 đơn vị trong tháng trước.

* Châu Âu:

- Số đơn đặt hàng công nghiệp tháng 8/2010 của 16 quốc gia Eurozone tăng 5.3% so với tháng trước và 24.4% so với cùng kỳ năm ngoái.

- Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết tất cả 27 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đều thâm hụt ngân sách trong năm 2009 do nguồn tài chính công bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính. Các biện pháp thắt chặt chi tiêu công được thực hiện đồng loạt trên khu vực này cũng gây ra nhiều tranh cãi.

- Anh: GDP quý 3/2010 của Anh tăng trưởng 0.8%, cao gấp hai lần so với mức dự báo 0.4%. Kết quả này giúp xoa dịu mối quan ngại về đà phục hồi yếu ớt và làm hạ thấp khả năng NHTW Anh (BOE) sẽ thực hiện thêm các biện pháp nới lỏng tín dụng.

* Châu Á:

- Nhật Bản: Ngân hàng Trung ương cho biết, nền kinh tế Nhật Bản đang có dấu hiệu cân bằng nhưng tốc độ đã chậm lại bởi tăng trưởng xuất khẩu và sản xuất đang giảm tốc, có khả năng giảm hơn nữa bởi sự giảm sút của các nền kinh tề nước ngoài. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm tài khóa 2010 này xuống còn 2,1 % so với dự báo trước đó là 2,6%.

- Ấn độ: Chính phủ Ấn Độ kỳ vọng kinh tế nước này sẽ tăng trưởng với tốc độ từ 8.25 đến 8.75% trong năm 2010 và sớm tăng tốc lên 9% nhờ sự phục hồi của các ngành công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp.

- Hàn Quốc: Kinh tế Hàn Quốc quý 3/2010 tăng trưởng chậm lại bởi đồng won tăng giá quá nhanh ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế toàn cầu chững lại. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã công bố GDP quý 3/2010 tăng trưởng 0,7% so với quý trước đó khi GDP tăng trưởng 1,4%. Mức tăng trưởng này thấp hơn dự báo 0,8% của các chuyên gia. (So với cùng kỳ năm trước, GDP tăng trưởng 4,5%.)

* Thông tin vĩ mô trong nước:

- Ngày 27/10, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Quyết số 2561/QĐ-NHNN về mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước quy định mức lãi suất cơ bản của đồng Việt Nam là 8%/năm và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2010. Quyết định này thay thế Quyết định số 2281/QĐ-NHNN ngày 27/9/2010 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam.

- 28/10, Ngân hàng Nhà nước bất ngờ công bố Thông tư 22/TT-NHNN về quản lý huy động và cho vay bằng vàng đối với tổ chức tín dụng theo hướng thu hẹp đối tượng và hoạt động kinh doanh. Thông tư quy định tổ chức tín dụng được huy động vốn bằng vàng dưới hình thức phát hành giấy tờ có giá, được cho vay vốn bằng vàng để sản xuất, chế tác, kinh doanh vàng trang sức, không được cho vay để sản xuất và kinh doanh vàng miếng.

- Kim ngạch xuất khẩu tháng 10 ước tính đạt 6.25 tỷ USD, tăng 23.2% so với cùng kỳ 2009, trong khi đó nhập khẩu đạt 7.35 tỷ USD, tăng 8.7%. Tính tổng cộng trong 10 tháng kim ngạch xuất khẩu đạt 57.65 tỷ USD tăng 23% so với cùng kỳ năm trước, còn nhập khẩu đạt 67.26 tỷ USD tăng 20.73%.

- Đối với vốn đầu tư FDI, vốn đăng ký chỉ đạt 604 triệu USD, trong khi đó vốn giải ngân lại đạt 950 triệu USD, đưa số vốn giải ngân 10 tháng lên mức 8.95 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo lĩnh vực đầu tư, khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với 4.06 tỷ USD đăng ký. Tiếp theo là sản xuất, phân phối điện, nước, điều hòa với tổng vốn đăng ký đạt 2.94 tỷ USD. Kinh doanh bất động sản đứng vị trí thứ ba với 2.85 tỷ USD vốn đăng ký.

NHẬN ĐỊNH VÀ KHUYẾN NGHỊ:

* Nhận định:

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục khép lại một tuần giao dịch trầm lắng, khi khối lượng giao dịch vẫn ở mức thấp và biến động của cả 2 chỉ số cũng không nhiều. Nếu tính trong cả tháng 10 thì VN-Index đã giảm 0.42%, trong khi đó chỉ số HNX-Index lại mất tới hơn 11%. Đây thực sự là một sự chênh lệch khá lớn. Điều này khẳng quan điểm của CPLS cách đây 1 tháng là các nhà tạo lập sẽ thay nhau giữ trụ trên HOSE để đỡ chỉ số VN-Index, qua đó xả ra cổ phiếu pennys vốn tiềm ẩn khá nhiều rủi ro qua các lần đẩy giá (Bên HNX tập trung chủ yếu các cổ phiếu tầm nhỏ và trung nên thời gian qua chỉ số này đã bị sụt giá khá nhiều.)

Chúng ta có thể thấy rằng giá các cổ phiếu Bluechips từ cuối năm 2009 đến thời điểm đầu tháng 10 gần như chỉ có xuống và xuống. Vì vậy việc đỡ các Bluechips với các nhà tạo lập thời điểm này có thể nói rủi ro là không lớn. Chính vì thế nếu NĐT nhìn vào chỉ số VN-Index trong tháng 10 này để đưa ra quyết định đầu tư thì không còn tính chính xác nữa khi trong tháng 10 này đã có đến 90% mã giảm giá, và cũng đã có rất nhiều mã đã giảm quá mức đáy cách đây 1 năm, mặc dù chỉ số chung lại gần như không hề giảm.

Trong tuần qua Ngân hàng Nhà nước cũng đã ra thông báo là giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 8%, như vậy đây là tháng thứ 11 liên tiếp LSCB được giữ nguyên. Thông thường đây là thông tin tích cực với TTCK bởi dòng tiền vẫn không bị hút khỏi lưu thông. Tuy nhiên trong thực tế thì ngay từ đầu năm LSCB đã không còn nhiều ý nghĩa khi nó không phản ánh đúng quan hệ cung cầu trên thị trường vốn mà chỉ là một con số mang tính tham khảo nhiều hơn. Với việc chỉ số CPI 10 tháng đã gần chạm mức 8%, đi kèm với đó là việc giá vàng, đô la liên tục tăng giá, thì việc tiền đồng bị hút về ngân hàng theo đúng Chỉ thị của chính phủ ngày 12/10 là điều không khó đoán định, nhất là khi mục tiêu GDP 2010 đã gần như được hoàn thành. Chính vì thế dù giá các cổ phiếu penny đã ở mức khá hợp lý nhưng cũng không khiến các tổ chức mạnh tay giải ngân nữa, vì điều TTCKVN thời điểm này đang thực sự cần là được khơi thông dòng tiền rồi mới có thể nghĩ đến xu hướng tăng điểm của các chỉ số chứng khoán trong tương lai.

* Khuyến nghị:

Với diễn biến của TTCKVN trong suốt tháng 9 và tháng 10 đã qua, cùng những thông tin vĩ mô đã xuất hiện có thể khẳng định tình trạng lình xình và giao dịch nhàm chán sẽ còn tiếp diễn. Những kỳ vọng vào con đường đi tìm chân lý của VN-Index sẽ lại được các NĐT dồn vào tháng 11, nhưng điều đó theo tôi khó trở thành hiện thực. CPLS tin rằng cơ hội nếu có sẽ chỉ xuất hiện trong tháng 12 nếu không có gì quá đột biến trong thời gian tới đây. Và một sự khởi đầu tăng trong thời gian tới đây có lẽ cũng sẽ lại bắt đầu từ các Pennys chứ không phải là Bluechips như nhiều người kỳ vọng.

Chính vì thế khuyến nghị với các NĐT lướt sóng lúc này là giữ nguyên trạng thái (nếu có nắm giữ cũng chỉ là 1 phần nhỏ) và chỉ xem xét khởi đầu cho một chu kỳ mua lướt sóng mới khi và chỉ khi thị trường sụt giảm ngược về vùng 440 điểm. Khi ấy giá cổ phiếu penny từng loại sẽ rẻ hơn thời điểm hiện tại được cỡ tầm 10%, đó là thời điểm được coi là an toàn hơn để có thể giải ngân lướt sóng.

Dự đoán: Tuần giao dịch từ ngày 01-05.11.2010 VN-Index giao động trong biên độ từ 440-460 điểm.

Link gốc: http://cophieuluotsong.com/nhandinh....&maDM=1&ID=353

Chúc mọi người một tuần giao dịch mới may mắn và thành công.

CỔ PHIẾU CÓ LỰC CẦU MẠNH:

* SÀN HOSE: AGD, CTG, FPT, KAC, PGD, PTC, VNG.

* SÀN HNX: BVG, PHH, PSI, SCL, SD5.

CỔ PHIẾU CÓ LỰC BÁN MẠNH:

* SÀN HOSE: AGF, CLG, DCT, DHG, DSN, KDH, LIX.

* SÀN HNX: SDH, SHN.

DANH SÁCH CỔ PHIẾU THEO DÕI:

* SÀN HOSE: ASM, CTG, DRH, PTC, QCG.

* SÀN HNX: ACB, PHH, PSI.

CỔ PHIẾU CÓ KHẢ NĂNG ĐẢO CHIỀU NGẮN HẠN:

* Đảo chiều giảm:

- Sàn HOSE: FDC, VFC.

- Sàn HNX: N/A.

* Đảo chiều tăng:

- Sàn HOSE: DRH, SAM, VHG.

- Sàn HNX: NET, PSI, QNC, SHS.



Nguyễn Trung Kiên