Giá điện sẽ được “thả”

Giá điện sẽ được điều chỉnh theo tỉ giá ngoại tệ và giá nhiên liệu




Ngày 22-9, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM kết hợp với Tổng Công ty Điện lực TPHCM tổ chức hội thảo “Chính sách tiết kiệm điện và phát triển năng lượng tái tạo ở TPHCM”. Theo báo cáo, tình hình tiết kiệm điện đã được triển khai nhiều năm nhưng hiệu quả chưa cao. Đầu tư ứng dụng năng lượng tái tạo cũng chưa được quan tâm đúng mức.

Con đường 706B ở TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận sử dụng điện từ năng lượng mặt trời để chiếu sáng công cộng. Ảnh: XUÂN THẢO
Điều chỉnh giá theo thị trường

Theo Tổng Công ty Điện lực TPHCM, giá điện ở VN còn thấp so với các nước nên nhà đầu tư nước ngoài chọn VN xây dựng nhà máy sản xuất để hưởng lợi. Thiết bị, máy móc của họ chủ yếu là công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng lớn. Còn theo Bộ Công Thương, các nhà máy sản xuất có công nghệ thấp tiêu tốn điện nhiều như xi măng, sắt thép, hóa chất từ các nước đang chuyển sang Việt Nam ngày càng nhiều.

Ông Trần Tuệ Quang, đại diện Cục Điều tiết Điện lực - Bộ Công Thương, cho biết sắp tới giá điện sẽ được điều chỉnh theo cơ chế thị trường. Giá điện sẽ được tách bạch thành giá của các khâu phát điện, truyền tải, điều hành - quản lý và cả dịch vụ phụ trợ, phân phối... Giá mua bán điện của các nhà máy điện được thực hiện theo cơ chế đàm phán giá minh bạch trong phạm vi khung giá của Bộ Công Thương ban hành hằng năm. Sắp tới, giá điện không chỉ điều chỉnh theo năm mà trong năm cũng sẽ được điều chỉnh giá nhiều lần khi có biến động về tỉ giá ngoại tệ, nhiên liệu. Cũng theo ông Quang, theo cơ chế thị trường, các tổng công ty điện lực của các địa phương được quyền tính toán giá bán điện tại địa bàn của mình. Trong cơ chế giá điện mới, bậc thang đầu tiên cho giá điện sinh hoạt sẽ được giảm còn 50 KWh/tháng bảo đảm bù chéo đúng cho các đối tượng hộ nghèo, thu nhập thấp.

Tiết kiệm điện: Thiếu thực tế

Nhiều đại biểu cho rằng hiện giá điện vẫn còn thấp nên các đối tượng sử dụng điện vẫn chưa có ý thức tiết kiệm, nhiều người sẵn sàng bỏ ra 3 triệu đồng mỗi tháng để được xài điện thoải mái.

Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, cho rằng Nhà nước đã có nhiều văn bản pháp lý về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Khung pháp lý có nhiều nhưng khi triển khai vào thực tế thì chưa có quy trình cụ thể. Một số chính sách, giải pháp hỗ trợ còn quá ít, chưa đủ để khuyến khích các nhà đầu tư và người dân tham gia. Chẳng hạn, các doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất năng lượng sạch sẽ được hưởng mức ưu đãi cao nhất nhưng ưu đãi đó là gì thì không được nêu cụ thể như thuế, phí sử dụng đất, vốn vay... Với biểu giá năng lượng chưa phù hợp, các doanh nghiệp sẽ không quan tâm. Tiết kiệm điện và giá điện phải song hành, nếu không chỉ có lợi cho người giàu.

Còn theo Bộ Công Thương, Nhà nước đã có chủ trương phát triển ngành điện theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, cơ chế thị trường sẽ không bảo đảm phát triển năng lượng tái tạo thành công do đầu tư lớn, khó thu hồi vốn. Ở các nước, việc phát triển năng lượng tái tạo được hỗ trợ từ chính phủ. Theo GS-TS Phan Đình Tuấn, Trường ĐH Bách khoa TPHCM, tạo ra năng lượng sinh học với khối lượng lớn để có giá thành tốt nhất cũng không đơn giản do nguồn nguyên liệu không đủ đáp ứng. Đơn cử một loại nguyên liệu dồi dào là mỡ cá tra, ba sa (mỗi năm có đến 300.000 tấn) cũng xuất khẩu hết. Do đó, cần phải có chính sách về xây dựng nguồn nguyên liệu, bảo đảm nguồn hàng cho sản xuất.