Blog: Perochan - PVD
Threaded View
-
20-09-2010 10:27 AM #1
Perochan - PVD
Tôi thấy ở đây nhiều người bàn luận về dầu khí và đặt nhiều kỳ vọng vào nó. Thế nhưng ít thất ai nhắc đến những rủi ro trong ngành này. Nếu là người ngoài ngành thì lâu nay bà con ta vẫn cứ nghĩ rằng dầu khí là ngành chỉ biết hút dầu dưới biển lên rồi bán là ra tiền, họ đâu biết rằng để làm được điều đó thì cần phải có những gì, có trình độ, công nghệ ra sao, rủi ro như thế nào v.v. Nếu chỉ đơn giản như vậy thì VN đã có thể xây nhà máy lọc dầu trong nháy mắt rồi. Mà lọc dầu không phải là lĩnh vực khó khăn nhất trong ngành dầu khí.02-07-2006, 2:38
Ở đây tôi sẽ bàn một chút đến những rủi ro của nghề khoan dầu. Có lẽ chỉ một chút vì rủi ro của ngành này có rất nhiều.
Ví dụ rõ nhất của rủi ro trong dầu khí là TOTAL, bỏ ra gần 200 triệu $ để khoan thăm dò trên vùng biển Việt Nam mà không thấy dầu, giờ khăn gói một đi không trở lại rồi. Còn BP, lúc đầu khi phát hiện ra mỏ Đại Hùng, tưởng trữ lượng lớn lắm, hơn cả Bạch Hổ, đầu tư bao tiền của để rồi chạy tháo thân. Tặng lại cho VN cái giàn Đại Hùng với giá tượng trưng là 1$. Họ thà làm như vậy còn rẻ hơn là chi phí tháo dỡ giàn, kéo đi sửa chữa nâng cấp v.v.v
PV Drilling không phải là công ty thăm dò, khai thác dầu nên không gặp những rủi ro trên. PVD là công ty làm dịch vụ khoan thuê cho các công ty thăm dò khai thác nên những kiểu rủi ro như TOTAL hay BP thì các hãng chủ sẽ gánh. Có điều PVD rất dễ gặp phải rủi ro kiểu như ENSCO 107 vừa rồi.
Rủi ro dễ gặp nhất đối với các giàn tự nâng 3 chân là các trường hợp cố định giàn và rút chân sau khi khoan. Chỉ cần một sai sót nhỏ hoặc thiếu kinh nghiệm điều hành cũng khiến cho giàn bị sự cố và lại phải mang đi sửa chữa, đầy tốn kém. Cả Việt Nam hiện nay mới chỉ có 2 giàn khoan jack-up, đều thuộc VSP (cái sắp tới của PVD là cái thứ 3). Ngoài ra các dịch vụ khoan thuê khác đều là giàn từ nước ngoài kéo đến, thường là của các công ty Global Santa Fe, Transocean hoặc ENSCO... Bọn tư bản thì nó điều hành các giàn khoan từ lâu rồi nên có kinh nghiệm. Còn 2 cái giàn của VSP thì cũng may là có mấy chú Nga ngố ngày trước kinh nghiệm đầy mình sang điều hành, sau này người Việt cứ bắt chước thôi chứ trình độ điều hành giàn jack-up là chưa có đâu. Tháng 3/2007 thì giàn của PVD về và PVD gần đây có tuyển 1 số bác của VSP nhưng kinh nghiệm điều hành giàn này là con số 0. Vì thế nói thực các bác, cầm cái công trình cả nghìn tỷ đồng, ra giữa biển khơi nó chỉ nhỏ như que tăm, chỉ một sai lầm nhỏ thôi là cũng có thể khiến đống tiền này đi tong. Giàn ENSCO 107 vừa rồi bị nạn tại vùng biển VN là một dẫn chứng. ENSCO 107 thuộc dòng giàn xịn nhất hiện nay của công ty chuyên cho thuê giàn là ENSCO, mới đóng xong tháng 3/2006, và có lẽ do chưa có kinh nghiệm sử dụng loại dàn này hoặc như nào đó mà nó gặp nạn trong khi đang làm việc ở VN. (Tôi biết lý do nó gặp nạn, nhưng nguyên nhân thì ko rõ vì mình ko làm ở đó, mà cái này liên quan nhiều đến kỹ thuật nên ko post ở đây). Phải kéo sang cảng của KFels bên Sing để sửa, chi phí cho kéo đi kéo về khoảng 100 tỷ VN. Còn chi phí sửa giàn và các chi phí bồi thường hợp đồng trong thời gian ít nhất 2 tháng đó chưa tính vào. Vậy thì với PVD, khi sử dụng cái jack-up lần đầu tiên như này, nhân lực cho giàn chưa có, thế thì sự cố như ENSCO 107 vừa rồi, liệu có phá sản ko?
- Bây giờ sang rủi ro khác, là khi khoan thì xuất hiện phun trào dầu khí, PVD có kinh nghiệm xử lý việc đó chưa? Nó là cháy cả cái giàn thì tính sao?
Tất nhiên là nếu cứ nói như vậy thì chả ai dám làm gì nữa. Nhưng đó là tôi muốn nói đến những rủi ro của việc vận hành giàn mà nhiều bác ở đây không rõ.
- Nhìn chung để 1 cái giàn jack-up vận hành ít rủi ro hơn thì có lẽ phải thuê hầu hết các anh bạn Tây sang, từ thợ khoan cho tới quản lý giàn.
Bây giờ nói qua chi phí thuê người đó. Cách đây vài năm, 1 anh thợ khoan Tây có mức lương 200.000 $/ năm. Bây giờ dầu khí thiếu nhân lực trầm trọng, giá thuê 1 anh thợ khoan Tây là 35.000 $/ tháng, tức là khoảng 400.000 $/năm. Mà một cái giàn thì ko thể chỉ có 1 anh thợ khoan làm việc 24/24 được. Cứ cho PVD tiết kiệm nhất thì 1 kíp khoan cũng phải 3-4 chú, 1 ngày 2 kíp khoan thành 1 đội, 1 tháng 2 đội khoan như vậy. Tính toán sơ bộ thì cả giàn cần 16 chú thợ khoan chẳng hạn, khi đó tiền lương cho họ chắc cũng khoảng 6-7 triệu USD/năm. Mà đó là chỉ về khaon thôi, còn bao nhiêu thợ nữa, về máy, về cơ khí, về điện, về chống cháy nổ v.v.v. Biên chế của giàn chắc cũng đã có kế hoạch rồi, nhưng tôi nghĩ chắc ko dưới 40-50 người đâu. Cứ thế mà tính ra chi phí cho nhân lực để hoạt động trên giàn.
Rồi giá dầu tăng vài năm gần đây khiến hàng loạt thứ tăng theo. Ống khoan, mùn khoan tăng giá gấp 2-5 lần. Chi phí tàu dịch vụ chở vật tư cho giàn để khoan cũng tăng mạnh. Một tàu dịch vụ nhỏ trước chỉ có 5-7000 $/ ngày, giờ đã lên thành 8-10.000 $/ngày. Còn tàu to chở vật tư thì trước đây giá thuê là 35.000 $/ ngày, giờ thành 50.000$/ngày. Một cái giàn đứng giữa biển khơi, tiêu thụ hàng chục tấn dầu diesel mỗi ngày, phải thuê tàu chở nhiên liệu tiếp tê liên tục...Hàng trăm thứ hầm bà lằng ăn theo cái dịch vụ dầu khí.
Nhiều bác cứ tưởng cái Jack up của PVD cho thuê >200k/ ngày là nó cứ thế thu tiền về mà đâu biết rằng nó phải bỏ ra hàng đống tiền để thuê những công việc khác. Cái giàn jack up đó chỉ đứng yên giữa biển khoan giếng thôi, còn những hoạt động phục vụ cho nó thì phải trả tiền phục vụ đó. Sau này khi không khoan chỗ đó nữa, lại phải thuê tàu kéo nó đến chỗ khác, trong thời gian đó ko có tiền thu vào mà vẫn phải trả tiền thuê kéo, rồi đủ các loại dịch vụ khác.
Chắc sẽ có bác gì bảo là làm FS với giá thuê cũ là 75k, giờ tự nhiên cho thuê giá 200k/ngày, thế thì lãi quá. Nếu bác nói vậy thì bác ko phải là người trực tiếp đến khoan hoặc không rõ lắm các công việc của khoan dầu khí. Nếu nói như thế thì các công ty chuyên cho thuê giàn khoan như ENSCO, GSF, TRANSOCEAN nó sẽ lãi đến mức nào. Giá giàn 1 năm trước mà các công ty đó cho thuê ở vịnh Mexico vào khoảng 40-50.000 $/ngày, giờ đây ở vịnh Mexico cũng tăng lên tới 160.000-170.000 $/ngày, tức là gấp hơn 3 lần. Thế thì CP của nó phải tăng giá lắm vì mỗi công ty sở hữu tới hàng chục giàn jack-up và cả chục cái tàu khoan. (Giá thuê tàu khoan còn lên tới 500k/ngày cơ). Vậy thì mời các bác vào xem bảng giá CP của Transocean, hoặc Ensco chẳng hạn, trong vòng 1 năm qua xem nó lên được mấy đồng? Thôi nói luôn cho các bác rõ nhé, cách đây 1 năm, CP của ENSCO là 36$, giờ thì nó là 46$, còn Transocean là từ 55$ lên thành 80$. Tức là mấy anh Tây quản lý cực tốt thế mà chỉ tăng được có 30% thôi, dù giá cho thuê giàn của các anh đó đắt gấp 3 lần cơ.
Những điều tôi phân tích trên đây chắc sẽ có nhiều bác vào ném đá tôi, bảo là muốn hạ giá PVD. Tôi chỉ muốn phân tích để nhiều bác hiểu rõ hơn một số rủi ro của nó mà thôi. Đó là chỉ nói 1 số rủi ro thôi đấy, còn nhiều nữa lắm.
Từ đó, giá PVD có lên hay có xuống thì tôi nghĩ nó cũng là giá thật hơn so với hiện nay vì nhiều bác đã đánh giá được các rủi ro của PVD.
Thôi xem đá bóng trận tiếp theo đã.
…..
Chào các bác,
Mấy hôm nay thấy các bác vào khen chê bài viết của tôi mà tiếc là tôi không có thời gian reply ngay lập tức các ý kiến của các bác. Hôm nọ tôi ngồi đọc topic này và lúc đó cũng rảnh giữa 2 trận đấu, vào viết để các bác có thêm thông tin. Thêm nữa là tính tôi ngại viết 1 vài dòng vì nhiều khi không diễn đạt được hết ý của mình. Hôm nay sẽ trả lời các bác và có lẽ nếu bài viết này mà quote hết ý của các bác thì sẽ rất dài. Cho nên tôi sẽ trả lời một số ý chính của các bác vnstockmp, heroin, boomboomchat, small_and_ great.
Có thể một số điều tôi trả lời nó liên quan đến kỹ thuật, làm nhiều bác không hài lòng nhưng tôi nghĩ rằng phải nói đến như vậy thì mọi ý kiến nó mới rõ hơn.
To vnstockmp:
Bác hỏi về định lượng rủi ro, tôi trả lời thẳng luôn với bác là hiện nay chưa có nghiên cứu và thống kê nào đầy đủ về % rủi ro (theo đủ các loại tài liệu mà tôi có được) của giàn jack-up cả. Lý do là vì mỗi công ty kinh doanh ở một khu vực khác nhau, họ có những chính sách khác nhau và không có 1 quy định chung nào về thống kê các rủi ro cả. Nếu là nơi nghiêm túc về thống kê như ở Vịnh Mexico (Mỹ) thì ở đó họ thống kê được. Còn nếu khoan dầu ở các nước như Vietnam, Nigeria, Myanmar v.v. thì khẳng định với bác là ko thể thống kê được.
Có điều, cái rủi ro khi ở Vietnam nó rất khác.
Khi thiết kế, làm FS cho giàn này thì người ta đều tính toán đến rủi ro mà nó gặp phải. Đó là rủi ro về thiên tai, môi trường. Cụ thể thì đối với giàn jack-up, nó phân ra làm 5 loại rủi ro về khí hậu môi trường, từ A đến E. Ví dụ, khi thiết kế, bác tính rủi ro rằng sẽ có cơn bão (với tần suất là 12 năm/ lần) quét ngang qua giàn thì hệ số rủi ro nhỏ. Nhưng mà bác tính rằng giàn của bác sẽ gặp phải cơn bão mà tần suất của nó là 100 năm/ lần (tức là những cơn bão cực kỳ kinh khủng, 100 năm mới xuất hiện 1 lần thôi) thì hệ số rủi ro cực cao. Từ những thông tin như vậy và nhiều kiểu rủi ro thiên nhiên khác, người ta lập nên ma trận rủi ro và sẽ phân loại các hạng của rủi ro đó. Bác chọn rủi ro nào thì nó sẽ đi kèm với giá tiền đóng giàn của PVD. Bác càng muốn nâng cao hệ số an toàn tức là hệ số rủi ro nhỏ thì bác phải trả nhiều tiền hơn cho chi phí đóng giàn. Đó là chi phí ban đầu.
Vậy thì nếu bác đặt 1 cái giàn của Transocean cạnh giàn của PVD và có cơn bão đi qua thì về cơ bản, hệ số rủi ro của 2 cái giàn là như nhau. Nhưng rủi ro thiên nhiên kiểu đó thì cả đời hoạt động của giàn, chắc cũng chỉ gặp 1 vài lần.
Còn các rủi ro vì vận hành thì nó có từng giờ từng phút bác ạ. Tôi liệt kê ra thì các bác bảo tôi ko tính được % của nó mà cũng liệt kê. Như tôi nói ở trên, cái đó không ai tính được, nhưng người ta có thể hạn chế được nó bằng cách đưa những người biết vận hành, có kinh nghiệm vào làm việc. Rõ ràng nó sẽ đỡ rủi ro hơn rất nhiều.
Không phải vô cớ mà tất cả các công ty dầu khí tư bản khi tuyển người đều yêu cầu phải có kinh nghiệm, thường là 10-12 năm tối thiểu cho lĩnh vực sản xuất (trong đó có khoan, khai thác, vận chuyển...), 4-5 năm cho lĩnh vực thiết kế. Một người quản lý khi nhìn thấy trong sơ đồ vận hành có dấu hiệu trục trặc là kinh nghiệm của họ cho biết cần phải biết xử lý như nào. Còn người không có kinh nghiệm thì sẽ phải cân nhắc, suy tính, vận dụng kiến thức sách vở. Thế nhưng với ngọn lửa, chỉ chậm 1 giây thôi là nó có thể dẫn đến cháy nổ và đi tong cả cái giàn rồi.
Dầu khí là ngành mà trên thế giới họ đánh giá rằng trình độ kỹ thuật của nó đứng thứ 3, chỉ sau hàng không vũ trụ và quân sự mà thôi. Các bác nhìn xem, một cái giàn khoan, diện tích khoảng 20m mỗi chiều, cao khoảng 10m, gồm thêm 3 cái chân bằng sắt dài 90m, nặng tổng cộng khoảng 1500-2000 tấn, thế mà giá tới 114 triệu USD. (Tức là đắt gấp đôi giá của tòa nhà Bitexco 60 tầng ở SG đấy-hình như thế). Giá 114 triệu là thời điểm đó thôi, bây giờ giàn của PVD khoảng 160 triệu rồi, tức là ngang với cái Boeing 787ER đời mới nhất. Như thế để thấy rằng trang thiết bị kỹ thuật của nó rất cao và rất tinh vi, không phải ai cũng có thể điều hành được. Chi phí đào tạo cho 1 ông vận hành ngoài giàn, đúng như 1 hãng tư bản làm thì phải tới >150.000 USD. PVD hiện chưa có nên phải đi thuê. Nhưng mà bác gì bảo là chỉ thuê 5 ông Tây thôi thì tôi thấy rất làm lo lắng. Tôi rất quan tâm tới việc nhân lực quản lý giàn. Nếu giải quyết được điều đó thì thực sự PVD sẽ có tương lai sáng lạn. Tuy nhiên nếu để đảm bảo an toàn cho giàn mà thuê nhiều Tây thì chi phí vận hành đó sẽ cực cao, ảnh hưởng tới lợi nhuận của công ty. Đây là bài toán mà PVD phải lựa chọn.
NHỮNG RỦI RO VÀ THUẬN LỢI CỦA PVD
Tôi chỉ ví dụ tại sao việc thuê 5 ông tây làm tôi lo ngại? Một cái giàn ngoài biển, thuê rất đắt tiền, nên nó hoạt động 24/24, tức là quanh năm các bác ạ. Không nghỉ 1 phút nào. Chính vì yếu tố họat động suốt ngày đêm mà độ rủi ro của nó rất cao, máy móc trục trặc cái là dẫn đến sự cố. 1 cái quạt ở nhà bác, bật 24/24 liên tục 1 tuần xem nó có nóng ko, có hỏng ko? Thế mà máy khoan cho đến điện lạnh, mọi thứ khác ở giàn nó hoạt động liên tục như vậy đấy. Bây giờ 1 ông Tây họ chỉ có thể làm việc trên giàn 12h/ ngày. Làm ca sáng, rồi nghỉ, đến người khác thay thế, làm ca đêm. Tức là trong 1 ngày, phải có ít nhất 2 ông Tây làm quản lý giàn. Nhưng mà họ cũng chỉ làm ở giàn 15 ngày, rồi sau đó về bờ nghỉ ngơi 2 tuần. Và 15 ngày còn lại là 2 ông khác ra thay, tức là tổng cộng 4 ông. Vây thì nếu thuê 5 anh bạn tây thì ko hiểu các bác PVD bố trí như nào? Rồi thêm nữa là PVD mà thuê như vậy thì tức là PVD chỉ thuê mỗi người phụ trách chung của giàn thôi, còn các nhân lực khác ở đâu?
Tại sao phải cần nhân lực khác? Tôi ví dụ để các bác rõ, năm ngoái ở VSP khoan 1 cái giếng, đến ca 1 người Việt phụ trách đội khoan, bác này ko hiểu là ko có kiến thức hay là ko kinh nhiệm, để đội khoan của mình khoan phải tầng đá móng mà ko chịu có biện pháp. Mũi khoan bị mắc kẹt ko khoan tiếp đc, khi rút ra thì bị gãy, phải khoan cắt nhánh sang giếng khác. Thế là mất toi 20 triệu USD cho mũi khoan đó và hiện giờ nó vẫn đang nằm trong lòng đất ấy các bác ạ. Có điều rủi ro kiểu này trong nghề khoan ai cũng gặp phải nên chuyện đó chả ai phải chịu trách nhiệm hết. Công ty nhà nước nên nhà nước mất tiền, lo gì. Nhưng nếu là người có kinh nghiệm, họ am hiểu địa chất và cảm nhận được độ an toàn của khoan (để có kinh nghiệm này thì phải làm nhiều năm) thì công ty đã không mất toi 1 số tiền như vậy. Câu chuyện tôi kể trên xảy ra ở xí nghiệp Khoan của VSP và ở đây đội ngũ khoan của họ đã đi làm bao năm nay rồi đấy. Chỉ 1 chút như vậy là cả 1 đống tiền đi tong. Nếu năm sau, giàn của PVD không thấy dầu thì bọn Hoàn Vũ chịu rủi ro. Còn khoan mà hỏng mũi khoan của mình thì PVD chịu. (1 mũi khoan cũng là 20 triệu USD đấy).
Còn lý do tai nạn của giàn Ensco 107 ở ngoài khơi Việt Nam gần đây, tôi giải thích luôn để bác boomboomchat bảo là cái giàn to thế mà sai sót nhỏ là phải mang đi sửa?
Thềm lục địa VN hiện nay có khoảng 30 giàn, nhưng đa số là giàn cố định. Tức là các giàn đó như cái tháp, hạ xuống đáy biển rồi đóng hàng trăm tấn cọc nhồi, chốt các chân giàn đó luôn, nó sẽ giống như tòa nhà cao tầng xây ngòai biển, để khoan và khai thác dầu. SAu này hết dầu thì sẽ nổ mìn, phá hủy cái chân đế đó, rồi kéo giàn về bờ. Đó là giàn cố định. Rất an tòan.
Còn cả VN hiện nay, mới có 3 giàn jack-up (tính cả của PVD), tức là giàn làm dịch vụ khoan. Nay khoan chỗ này xong, thì chở đến chỗ khác để khoan. Vì thế người ta ko cố định chân nó vào đáy biển được. Nó chỉ hạ 3 cái chân xuống nền cát rồi đứng ngất ngư đó mà khoan. Khoan xong thì co chân lên, đi chỗ khác, hạ chân xuống, khoan tiếp. Nên đó là sự nguy hiểm của giàn jack-up.
Bác nào đứng ra bờ biển thử cho sóng đánh từ nửa người trở xuống thôi, xem có ngã ko? Đằng này ngoài biển gặp những con sóng 10m, cao như nhà 3 tầng, thử hỏi có nguy hiểm ko? Chẳng thà cái jack up nó nổi hẳn, cho sóng đánh dạt lung tung như con tàu thì ko sao, chứ đằng này nó không nổi trên mặt nước như tàu, mà cũng không gắn cố định hẳn như 30 loại giàn kia. Nó giống hệt như 1 người đặt chân xuống cát, chỉ dùng trọng lực của mình mà chống chọi lại sóng biển mà ko cần bám vào đâu cả.
Vừa rồi cái Ensco bị tai nạn là do nó thuê phải đội khảo sát đáy biển rất là dỏm. Bây giờ hai bên đang còn tìm hiểu, nhưng mà những người có kinh nghiệm thừa biết rằng tai nạn positioning đó là do công ty khảo sát đáy biển nghiên cứu lớp cát ở đó ko chuẩn. Bọn thợ lặn làm việc ko chu đáo. Khi hạ thủy 1 cái giàn, các công ty khoan phải thuê những công ty làm dịch vụ lặn biển (khoảng vài trăm ngàn $) để nó khảo sát đáy biển tìm hiểu tính chất của cát, độ lún. Vì khi hạ 3 cái chân xuống và nâng cả cái giàn hàng nghìn tấn lên trên 3 cái chân đó, lớp cát dưới đáy biển sẽ bị lún và nếu lún ko đều 1 chút thôi thì nó sẽ dẫn đến đổ giàn, cong chân... Các bác cứ hình dung cái bếp kiềng 3 chân ở nhà ngày xưa, bây giờ cho 3 cái chân đó dài lên thành 5m chẳng hạn, rồi cho nó đứng chênh vênh trên đống cát, xem nó có đứng thẳng đc ko? Đằng này là cái giàn 90m, sóng đánh ầm ỹ quanh năm.
Vẫn biết rằng nhà đầu tư khi đầu tư vào PVD, họ không quan tâm đến rủi ro này. Đó là công việc của anh. Chúng tôi đầu tư tiền, chúng tôi chỉ quan tâm đến nhân lực và khả năng của anh, rủi ro thì là trong phạm vi công việc của anh rồi. Tiềm năng thì anh có rồi, còn nhân lực và trình độ của PVD thì còn phải xét vì tôi biết rằng điều hành cái giàn ko đơn giản đâu mà rất nhiều bác cứ bảo là dễ thì tôi cũng chịu.
Còn về nhân lực của PVD, tôi sẽ có bài viết tiếp về những sự cố xảy ra và muốn hỏi PVD đã giải quyết như nào?
Thông tin của chủ đề
Users Browsing this Thread
Có 2 thành viên đang xem chủ đề này. (0 thành viên và 2 khách vãng lai)
Similar Articles
-
Perochan - CDS - bảo hiểm trái phiếu
By ProDuck in forum BlogTrả lời: 1Bài viết cuối: 23-08-2017, 04:47 PM -
Nhaque + Perochan - Phân tích HAX
By ProDuck in forum BlogTrả lời: 0Bài viết cuối: 20-09-2010, 10:05 AM -
Perochan - Mạn bàn về kinh tế Việt Nam
By ProDuck in forum BlogTrả lời: 0Bài viết cuối: 20-09-2010, 08:24 AM -
Perochan - Nhận định thị trường Vàng! 16:21 - 20/05/2008
By ProDuck in forum BlogTrả lời: 0Bài viết cuối: 17-09-2010, 10:41 AM -
Góc bình loạn - Perochan
By damphumy4u in forum CLB Chứng khoánTrả lời: 630Bài viết cuối: 01-11-2009, 09:21 PM
Bookmarks