Bài này được viết cho hailuamientay (hình như cùng người quê như nhaque vậy) và kiencuong, thuộc dạng biết đâu nói đó, với thông tin được trích từ các Website VIETSTOCK, BSC, VIR và VINAMILK. Mong mọi người khi đọc thì thông cảm vì có lắm chỗ ngô nghê.

1. Hãy lắng nghe VNM giới thiệu:
Trước hết, xin mạo muội được copy nguyên văn lời giới thiệu về VNM (ở Website: http://www.vinamilk.com.vn) để mở đầu câu chuyện:
* “Được hình thành từ năm 1976, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (VINAMILK) đã lớn mạnh và trở thành doanh nghiệp hàng đầu của ngành công nghiệp chế biến sữa, hiện chiếm lĩnh 75% thị phần sữa tại Việt Nam. Ngoài việc phân phối mạnh trong nước với mạng lưới 1.400 đại lý phủ đều 64/64 tỉnh thành, sản phẩm Vinamilk còn được xuất khẩu sang nhiều nước Mỹ, Pháp, Canada, Ba Lan, Đức, khu vực Trung Đông, Đông Nam Á…

VINAMILK luôn mang đến cho bạn những sản phẩm chất lượng, bổ dưỡng và ngon miệng nhất cho sức khoẻ của bạn. Bạn sẽ không phải lo lắng khi dùng sản phẩm của Vinamilk. Mọi lứa tuổi, đối tượng đều phù hợp với Vinamilk.

Trang thiết bị hàng đầu, phòng thí nghiệm hiện đại bậc nhất, Vinamilk tự hào cùng các chuyên gia danh tiếng trong và ngoài nước đồng tâm hợp lực làm hết sức mình để mang lại những sản phẩm dinh dưỡng tốt nhất, hoàn hảo nhất.

Biết bao con người làm việc ngày đêm. Biết bao tâm huyết và trách nhiệm chắt chiu, gửi gắm trong từng sản phẩm. Tất cả vì ước nguyện chăm sóc sức khỏe cộng đồng, cho tương lai thế hệ mai sau, bằng tất cả tấm lòng. Đó cũng là cam kết của Vinamilk.
Sau 28 năm ra mắt người tiêu dùng, đến nay Vinamilk đã xây dựng được 9 nhà máy và 1 xí nghiệp, với sự đa dạng về sản phẩm, Vinamilk hiện có trên 200 mặt hàng sữa và các sản phẩm từ sữa.

Các danh hiệu đạt được:
- Danh hiệu Anh hùng lao động
- Huân chương lao động hạng Nhất, Nhì, Ba.
- Đứng đầu Topten Hàng Việt Nam chất lượng cao 8 năm liền từ 1997-2004 (Báo Sài Gòn Tiếp Thị)
- Topten Hàng Việt Nam yêu thích nhất. (Báo Đại Đoàn Kết)”

2. Liếc sơ một cái xem nào:
·Vốn điều lệ: 1.590.000.000.000 VNĐ
·Tỷ lệ cổ đông NNước: 60,47%
·Tỷ lệ cổ đông NNgoài: 15,05%
·Thị trường xuất khẩu: Trung Quốc, Trung Đông, Mỹ, Úc, Canada, ...
·KQKD 2004: * Doanh thu 3.746 tỷ, * LNTT: 464 tỷ, * Cổ tức 15%, EPS thực tế (gồm cổ tức và lợi nhuận giữ lại cho phát triển): 2.198 VNĐ
·KH 2005: * Doanh thu 4.323 tỷ, * LNTT: 527 tỷ, * Cổ tức 15%, EPS kỳ vọng (gồm cổ tức và lợi nhuận giữ lại cho phát triển): 2.486 VNĐ
·Giá OTC hiện nay: ~ 28,000 VNĐ/CP (lưu ý giá và mệnh giá được quy về chuẩn 10.000 VNĐ/CP)
·Ý định niêm yết: Lên TTCK VN năm 2006 hoặc lên SGX (không biết khi mô)
·Các dự án trọng điểm của VNM trong 2005:

STTKế hoạch đầu tưTổng mức đầu tư (tỷ)KH 2005 (Tỷ)
1Đầu tư chiều sâu Máy móc thiết bị cho các nhà máy94.70479.117
2Nhà máy cà phê Sài Gòn288.738150.786
3Nhà máy Bia Hương Việt298.300250.799
4Nhà máy sữa Đà Nẵng264.60042.600
5Trang trại bò sữa Lâm Đồng35.1852.000
6Nhà máy sữa Nghệ An74.97450.429
7Dây chuyền lon lắp nhà máy Thống Nhất71.16733.427
8Tổng kho nguyên liệu thành phẩm18.96416.164
9Tòa nhà Horizon42.52542.525
10Hệ thống ERP47.25047.250
11Nhà máy sữa Tiên Sơn - Bắc Ninh154.063
12Nhà máy sữa Tuyên Quang34.810
Tổng mức đầu tư1.425.280715.097

*** Nhìn vào các số liệu trên, chúng ta có thể thấy rằng VNM là một công ty mạnh, có thể được xem là niềm tự hào của nền công nghiệp thực phẩm của Việt Nam.

2. Các thế mạnh của VNM
a. Vị trí và thị phần
·Còn phải nói, VNM là con cưng của Bộ Công Nghiệp, đang ở trong ngành được xem là ưu tiên vì trên không chỉ liên quan đến chương trình dinh dưỡng quốc gia (chống suy dinh dưỡng), mà dưới cơ sở là một chương trình xóa đói giảm nghèo trọng điểm (nuôi bò sữa);
·Thương hiệu VNM có thể được hình thành từ lâu và được công nhận là thương hiệu mạnh;
·VNM là công ty to nhất, chiếm thị phần lớn nhất trong thị trường sữa của Việt Nam, đến 75% thị phần
·VNM có mạng lưới phân phối lớn nhất, phủ đều nhất ở Việt Nam.

b. Thị trường và sản phẩm
·Thị trường sữa đang phát triển nhanh chóng do đời sống của người dân cao hơn, tăng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm có chất lượng, đặc biệt là sữa (mai mốt ăn nhiều sữa quá, người Việt Nam ta sẽ trắng trẻo, to cao như Tây và đặc biệt là cũng sẽ ... hôi mùi sữa và phó mát như Tây!)
·Do chị em ta ngày càng bận rộn nên việc nuôi con bằng sữa mẹ giảm đi, và nhu cầu đối với sữa dinh dưỡng trẻ em chất lượng cao ngày càng tăng vọt
·Các sản phẩm khác của VNM cũng đều rất hợp mốt và có thị trường phát triển, như bia, cà phê, bánh, kem, ....
·Sản phẩm của VNM đã quen thuộc, nhiều loại sản phẩm chủ lực hợp với túi tiền và thị hiếu người tiêu dùng
·VNM đang ngày càng đa dạng hóa sản phẩm, chất lượng hóa sản phẩm và thương hiệu hóa sản phẩm, đó là một bước đi cực kỳ đúng đắn.

c. Chiến lược, thương hiệu và R&D
·VNM đang có chiến lược trở thành tập đoàn sữa có thể cạnh tranh với các nhãn hiệu lớn trên thế giới
·Hồi này VNM quảng cáo rất dữ, từ những scene quảng cáo trên truyền hình (như Milk trước đã! ở ngay sau mục thời sự!) cho đến việc bỏ ra hàng tỷ làm giải thưởng khuyến mại, chăm sóc khách hàng và đại lý, cũng như tài trợ hàng tỷ cho các học bổng học sinh nghèo, .... Phải nói là các pha quảng cáo của VNM cải thiện hơn rất nhiều so với trước đây
·VNM đã tìm ra một khẩu hiệu riêng cho mình: “Chất lượng quốc tế, chất lượng Vi-na-milk!”. 9 âm, số đẹp đó nghe
·VNM đang đầu tư rất nhiều cho R&D từ việc ra sản phẩm mới, đến nghiên cứu thị hiéu tiêu dùng, nhu cầu dinh và sức khỏe của người dân
·VNM cũng đang hợp tác với các tập đoàn sữa danh tiếng để từng bước thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường sữa cao cấp.

d. Tài chính và kế hoạch
·Tài chính của VNM cực kỳ hùng hậu, nhớ hồi mới cổ phần hóa 2003, bà Mai Kiều Liên, TGĐ của VNM bảo là còn dư đến 500 tỷ chưa biết làm gì nữa cơ đấy
·Tài chính của VNM cho phép VNM dư sức thực hiện bất kỳ một dự án nào trong kế hoạch
·VNM đang có tham vọng xây dựng một chuỗi các nhà máy khắp đất nước, 3 miền Bắc – Trung – Nam đều có dự án sữa của VNM
·Ngoài ra, VNM đang chú trọng tập trung xây dựng vùng nguyên liệu sữa, tài trợ cho các dự án nuôi bò của người dân để phấn đấu trong thời gian tới cố gắng bảo đảm 50% nguyên liệu trong nước
·Thêm vào đó, với tiền bạc dư dả, VNM đang ngó sang lĩnh vực bia bọt (nếu tốt thì lời đậm), cà phê và cả BĐS nữa.

e. Khả năng lãnh đạo
·Ban lãnh đạo của VNM được xem là mạnh. Madame Kiều Liên rất được kính trọng. Ngoài ra có mấy ông Tây như ông Dominic Scriven (dân tài chính) và ông Huang Hong Peng (dân thực phẩm/giải khát)
·Thêm vào đó, Ban Kiểm Soát toàn là dân tài chính và đầu tư không hà, điều này nhấn mạnh đến quyết tâm biến VNM thành một tập đoàn.

f. Khả năng vươn ra thế giới
·VNM đang cố gắng vươn ra thị trường thế giới thông qua việc đẩy mạnh xuất khẩu, có đủ Á, Âu, Úc, Mỹ (không biết có Phi không vì không thấy nói!)
·Nghe nói, VNM còn nhăm nhe định niêm yết ở SGX cho rạng danh thương hiệu VNM nữa

3. Cũng nên ngó thử xem VNM có chỗ nào còn hạn chế
a. Vị thế và hạn chế về hành chính
·Chỗ mà nhiều người không thích về VNM chính là tỷ lệ 60% sở hữu của Nhà Nước. Thứ nhất là khó có khả năng tác động vào chính sách của VNM, vì không đủ CP chi phối, thứ hai là nỗi lo thay người, hoặc đang yên đang lành thì xếp VNM có thể được thay đi chỗ khác, hoặc là nếu xếp VNM nổi hứng bất tử làm cái gì đó mà cổ đông không ưa, trong khi Bộ lại không chịu đổi người thì cũng mệt
·Vì đa số là của Nhà Nước, nên VNM có thể phải thực thi một số hoạt động mà chưa chắc đã có hiệu quả về kinh doanh (hay kinh tế). Ví dụ, việc nâng giá sữa lên 9% là một chính sách xã hội, trong khi giá bán không đổi (do tác động của cạnh tranh) khiến cho VNM giảm lợi nhuận trong vụ này không ít
·Thêm nữa, vấn đề lương thưởng ở VNM cũng khó mà phân tích và kỳ vọng chính xác được. Nếu VNM cứ phải theo mô hình của công ty nhà nước, tức là trả lương thấp, chi phí có thấp thực đấy, nhưng nhân viên sẽ buồn mà bỏ đi (giống như các NHTMQD hiện nay ấy!), VNM sẽ mất nhân tài và không thể thực hiện được tham vọng của mình. Còn với 60% được kiểm soát, ban lãnh đạo VNM đủ khả năng thông qua các quyết định có thể làm cổ đông buồn chút đỉnh, tỷ dụ như chia thưởng nhiều, tài trợ nhân đạo nhiều, ....

b. Thị phần và cạnh tranh
·Tôi không rõ VNM lấy con số 75% thị phần này ở đâu vì không có đủ số liệu. Nhưng nếu chúng ta tính toán một chút thì sẽ thấy là hình như nói vậy mà không phải vậy. VNM có doanh thu 3.746 tỷ, nếu ta thử loại bớt doanh thu xuất khẩu và doanh thu từ các sản phẩm khác thì doanh thu từ sữa sẽ giảm xuống, ví dụ là 3000 tỷ, suy ra doanh số của toàn ngành sữa của Việt Nam năm 2004 chỉ xấp xỉ 4000 tỷ cho đủ loại sữa từ sữa tươi đến sữa đặc, từ sữa chua đến sữa ngọt, từ sữa bà mẹ đến sữa trẻ em. Nếu vậy thì quá ít nhỉ?
·Phân tích các dòng sản phẩm chủ lực của VNM, chúng ta sẽ thấy rằng VNM có thể gặp cạnh tranh khốc liệt ở bất kỳ sản phẩm nào. Chúng ta hãy xem thử thị trường ở Huế nhé:
-Sữa đặc: Dutch Lady nào có kém gì VNM. Tôi đã thử điều tra bỏ túi một chút, trên con đường tôi ở (thuộc loại khá ở một thành phố trung bình khá), có 7 quầy hàng xén có bán sữa và 1 quầy bán chuyên sữa, có 7 bảng hiệu của Dutch Lady và 1 bảng hiệu của NutiFood, tịnh không có bảng hiệu nào của VNM. Láo chết!
-Sữa bột: Cầm lon Dielac và Enfalac lên, thấy thành phần dinh dưỡng là muốn mua ngay Enfalac cho con uống rồi. Hì, hì, nhaque chưa có con (vì chưa có vợ), nhưng mà nếu có con thì lại thích cho con uống sữa mẹ hơn: chất lượng tuyệt hảo, vệ sinh tuyệt vời và ... cái bình tuyệt đẹp (ThanhNga và các chị em đại xá cho cái tội ăn nói bừa bãi nghe!). Ở đây có lẽ VNM nhường chỗ cho các đại gia Mead Johnson hay Abbott ...
-Sữa tươi: Có Vixumilk, Dutch Lady. Ở đây chưa tính là VNM khó mà cạnh tranh được những nhà pha chế sữa tươi đóng chai (cực kỳ năng động nhưng cũng hơi ghê) đang phân phối khắp hang cùng ngõ hẻm của Sài Gòn chẳng hạn với giá 1500 – 2000 VNĐ/chai thì phải? Mấy bạn tôi bảo là uống sữa của Vixumilk và Dutch Lady ngon hơn, tôi thì không biết, vì thích uống bia hơn. Hehe!
-Bột dinh dưỡng: NutiFood đang rất được ưa chuộng vì chất lượng tốt mà giá cả bình dân. Cao cấp hơn (đắt hơn) thì có Neslé, Meiji, Maeil hay Gerber, hay mấy thứ khác của Hàn Quốc. Ridielac của VNM chỉ đứng hàng trung bình
-Sữa chua uống: Tôi không nghĩ Yomilk có thể hay hơn Yomost được, nếu không nói là kém hơn một chút về khẩu vị và quảng cáo ấy chứ
-Sữa chua ăn: Cái này thì được, Huda Huế có ra thử Hubifa, giá rẻ hơn một chút nhưng VNM vẫn được chuộng hơn
-Nước ép trái cây và sữa đậu nành: Không có gì nổi bật
-Kem, phô mi và bánh: Cũng như trên
-Nước uống đóng chai: Chìm lấp dưới La Vie, Aquafina, ... như là một phần tất yếu của cuộc sống
-Cà phê và trà: Chắc còn lâu mới nổi lên được. Cứ nghĩ đến việc cà phê và trà của một anh chuyên sữa là thấy đầy sữa phát ớn, dân ghiền thứ thiệt (như nhaque) đâu có khoái đâu. Chỗ này nên nhường đường cho Trung Nguyên thì hay hơn.

c. KQKD hơi suy giảm:
Tôi xin trích ở đây câu hỏi và câu trả lời của Madame Liên tại buổi Roadshow trước khi đấu giá và mời các bạn bình luận:
“- Đa số các nhà đầu tư quan tâm đến vấn đề tại sao tổng doanh thu của Vinamilk năm 2004 lại sụt mạnh so với năm 2002 và tiếp tục giảm so với năm 2003? Tại sao lợi nhuận năm 2004 sụt gần một nửa so với năm 2003? Vì sao công ty chi trả cổ tức năm 2004 chỉ có 15%?”

“-Bà Mai Kiều Liên cho biết, tổng doanh thu của Vinamilk năm 2002 đạt gần 4.732 tỷ đồng, năm 2003 giảm còn 3.809 tỷ đồng (giảm 20% so năm 2002), năm 2004 giảm xuống 3.742 tỷ đồng, giảm 1,8% so năm 2003. Lợi nhuận trước thuế của Vinamilk năm 2002 đạt 653 tỷ đồng (tăng 2,2 lần so năm 2001), năm 2003 tiếp tục tăng lên 822 tỷ đồng (tăng hơn 1,2 lần) nhưng năm 2004 đột ngột sụt mạnh, xuống còn 464,6 tỷ đồng, giảm 43% so năm 2003.”

Nguyên nhân theo như giải thích là sự sút giảm mạnh của thị trường xuất khẩu vào Iraq, nhưng theo thiển kiến của tôi, thì một phần cũng là do việc gia tăng cạnh tranh ở trong nước.

d. Thương hiệu VNM:
-Không biết mấy cái vụ khác thế nào, chứ cái slogan của VNM làm tôi lo quá. “Chất lượng quốc tế, chất lượng VNM!”: câu này ra nước ngoài mà nói nghe rất sến và mắt cười lắm cơ, nó chẳng có gì độc đáo hay ấn tượng hay có cơ sở hay cả.
-Loại câu này chỉ có chút ít ấn tượng cho dân quê như tôi thôi, chứ để thuyết phục dân Úc hay dân Mỹ xài VNM thì còn phải xem lại
-Nhân tiện đây, tôi muốn đề cập đến một câu khẩu hiệu nữa: Biti’s nâng niu bàn chân Việt! Ôi, chẳng bao giờ có thể tiến ra ngoài được, vì người khác đeo vào sợ nó hất cẳng mà!
-Cứ so với các khẩu hiệu của Nestlé, tôi lại cảm thấy lo lắng cho khả năng marketing của VNM quá chừng. Nestlé: Good food, good life! Có gì bàn cãi nữa không?
-Ngoài ra, lúc vào Website của VNM, tôi thú vị nhận ra rằng Website của VNM không dùng vào chức năng kinh doanh, chủ yếu là giới thiệu về công ty và tư vấn sức khỏe cho khách hàng, tịnh không có lấy một dòng về đối tác, đầu tư hay nếu muốn mua hàng với tư cách chiến lược thì sẽ mua như thế nào??!!
e. Các dự án của VNM
-Tôi cảm thấy hai dự án nhà máy bia và cà phê không ổn chút nào. Bia thì có thời gian hoàn vốn quá dài, mà thị trường bia thì như đã định hình với các nhãn hiệu có sẵn. Muốn nhảy vào thì phải có chút gì độc đáo vượt qua cái thông thường cơ, hay bia Hương Việt sẽ có hương vị Việt Nam nhỉ? Mà hương vị Việt Nam là thế nào? Mỗi vùng ở Việt Nam đã có một hương vị bia riêng rẻ rồi đấy thôi
-Tôi không được biết số liệu chính xác của nhà máy xay rang cà fê, nhưng tôi lại cứ nghĩ con số hoàn vốn trong 5 năm 11 tháng thì hơi lạc quan nhỉ? Và tôi không nghĩ VNM nhảy qua cà phê là tốt đẹp, hay là VNM nghĩ rằng sữa là thành phần quan trọng trong việc pha cà fê đủ để VNM có lợi thế sản phẩm?
-Một trong những vấn đề về tài chính của VNMVNM thừa tiền quá, mà khi người ta thừa tiền thì người ta có xu hướng đầu tư thoải mái, vào cả những dự án có suất sinh lời thấp hơn cả ROE hiện nay. Tôi rất tâm đắc quan điểm của bậc thầy Warren Buffet rằng ông đánh giá cao những công ty có dư dả tiền mặt và chưa thấy có dự án nào có mức sinh lời tốt thì trả nhiều cổ tức cho cổ đông. Mong các công ty Việt Nam cũng như vậy lắm thay!
-Mặc dù tôi rất khoái các dự án về nhà máy sữa, nhưng tôi thấy rằng các nhà máy này cần có một thời gian dài để có thể tạo ra lợi nhuận, vì phụ thuộc vào thị trường và vùng nguyên liệu
-Nhân việc đề cập đến vùng nguyên liệu, tôi cũng xin có đôi lời về vấn đề nguyên liệu sữa hiện nay:

f. Nguyên liệu sữa của Việt Nam:
-Nhaque thử lên mạng để tìm hiểu về chi phí sản xuất sữa và nhận thấy rằng nếu quy đổi về đồng Việt Nam, lấy con số tuyệt đối thì có thể xem chi phí sản xuất sữa ở Việt Nam là thấp, nhưng nếu tính ngang giá sức mua (purchasing power parity), chất lượng sữa (đặc biệt là vệ sinh) thì chi phí ở Việt Nam chí ít cũng phải gấp 2 đấy
-Nguyên liệu sữa chắc từ bò sữa mà ra nhỉ (dê sữa và trâu sữa thì cũng có đấy nhưng mà để chơi thôi), mà nuôi bò sữa thì nhaque không dám nuôi: đầu tư lớn, kỹ thuật cao, kinh doanh phải tốt, đồng thời phụ thuộc rất nhiều vào việc thu mua sữa của các công ty sữa
-Trong khi đó, các dự án nuôi bò sữa lại đưa về cho người nông dân vốn thường không có đủ các yếu tố trên nên bò sữa ở Việt Nam thì cho ít sữa, chăn nuôi thì chi phí cao, vệ sinh thì không đảm bảo, thu mua thì không đồng bộ, nguồn cung thì không ổn định. Các yếu tố này góp phần tạo ra sự bấp bênh trong nguồn cung nguyên liệu sữa cho các công ty, khiến đa phần là nhập sữa bột về chế biến lại. Có lẽ đó là một trong những lý do khiến con bò sữa một thời được đầu tư rầm rộ nay đã xẹp lại và nhường đường cho bò thịt của nhaque chăng?
-Việc tập trung xây dựng các trang trại bò sữa quy mô của VNM là một hướng đúng đắn. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhanh chóng thấy rằng VNM khó có thể xây dựng được nhiều trang trại lớn đủ cung cấp sữa chất lượng cao được vì khó kiếm đủ nhiều đất đai để tạo thành lợi thế theo quy mô, đủ sức nghiên cứu cả giống và nhiều thứ khác hầu cạnh tranh ngang ngửa với bên ngoài. Vụ đất đai là một điều tế nhị mà nhaque không tiện nêu ra đây
-Còn cứ tiếp tục phát triển chăn nuôi theo kiểu hộ gia đình này thì suốt đời chúng ta vẫn không có được giống bò tốt, chất lượng sữa cao mà giá đủ rẻ để cạnh tranh được, và điều đó có nghĩa là VNM vẫn phải phụ thuộc nhiều vào nguồn sữa bột nhập mà thôi
-Theo sự hiểu biết hữu hạn của nhaque, mặc dù có sự biến động tăng giá đối với sữa nguyên liệu nhập ngoại trong thời gian qua, nhưng xét về lâu dài, đây vẫn là thị trường có nguồn cung dồi dào, được các nước ưu tiên xuất khẩu nên giá sẽ rẻ tương đối so với Việt Nam, như vậy sữa nguyên liệu nhập ngoại vẫn là chủ lực trong thời gian tới.

f. Khả năng vươn ra thị trường:
-Từ các phân tích trên mà nói, việc tiến bước ra thị trường thế giới của VNM chẳng phải dễ dàng gì
-Nếu cứ cạnh tranh ở các sản phẩm bình thường như hiện nay, e rằng VNM khó có cửa, chẳng qua là một số sản phẩm giá trị thấp người ta sản xuất không hiệu quả thì thuê mình làm, để còn nhờ giá gia công thấp, sản phẩm nào giá trị gia tăng cao thì quên đi
-Trừ phi VNM tìm kiếm được đột phá khẩu, tìm ra loại sản phẩm độc đáo để cạnh tranh, chứ nhập bột sữa của họ về để sản xuất ra sản phẩm xuất khẩu thì chẳng khác gì dệt may đi gia công xuất khẩu (và dệt may đang chết ngắc ngoải đấy).

4. Giá của VNM:
-Xét năng lực của VNM, thương hiệu của VNM và tiềm năng phát triển, tôi nghĩ VNM xứng đáng được P/E = 12 trong hoàn cảnh TTCK như hiện nay, do đó, giá VNM có thể được tính như sau (sử dụng KH 2005): 12 x 2486 = 29.832 ~ 30.000 VNĐ/CP

VNM chưa lên sàn, thanh khoản hơi thấp một chút nên chiết khấu đi 10%, vậy giá nó ở OTC nên mua vào là 27.120 VNĐ/CP.

Chúc các bạn may mắn, và lại một lần nữa tha cho kẻ ăn nói ngông cuồng.