1. Quant - mô hình đầu tư năng động



Quant - mô hình đầu tư năng động

Dựa trên các thuật toán tiên tiến, mô hình phân tích định lượng Quant tìm kiếm chính xác và xử lý nhanh chóng các thông tin thị trường, xác định dấu hiệu mua - bán và đưa ra chiến lược phân bổ đầu tư hợp lý.

Trên TTCK Việt Nam hiện nay, NĐT vẫn quen thuộc với hai phương pháp đầu tư truyền thống, đó là phân tích cơ bản (do hai nhà kinh tế học Gram và Dodd khởi xướng năm 1930) và phân tích kỹ thuật (khởi xướng bởi Edwards và Magee năm 1940).

Mô hình phân tích định lượng - Quant mà ông Micheal Kokalari, Cố vấn cao cấp CTCP Quản lý quỹ Việt Nam (VFM) đã đề cập trong số báo ĐTCK số 120 là sự kết tinh ưu việt của cả hai phương pháp trên kết hợp với việc phân tích số liệu thống kê, khác với các quỹ đầu tư truyền thống tập trung vào chiến lược mua/giữ và hướng đến sự tăng trưởng trong dài hạn, mô hình Quant tìm kiếm các cơ hội đầu tư dựa trên sự biến động thị trường.

Nhiều quỹ đầu tư chuyên nghiệp đang hướng đến việc sử dụng Quant như một công cụ đầu tư tối ưu tạo ra lợi nhuận vượt trội. Trong giai đoạn hậu khủng hoảng, các thị trường mới nổi như Việt Nam thường dao động rất mạnh – đây là mảnh đất lý tưởng để mô hình Quant phát huy hiệu quả. Nhằm giúp NĐT hiểu rõ về loại hình mới mẻ này, ĐTCK xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết của nhóm nghiên cứu Quant tại VFM.

Quá trình hình thành và phát triển

Ngay từ khi ra đời vào năm 1980, Quant đã tạo ra được sự chú ý của giới đầu tư bởi tính ưu việt, sau đó nó được nhân rộng tại TTCK nhiều nước. Cho đến nay, Quant đã trở thành phương thức đầu tư phổ biến không chỉ ở những thị trường phát triển. Những thông tin sau sẽ cho chúng ta thấy rõ điều đó :

Trung bình 51% tài sản được quản lý bởi 11 quỹ đầu tư lớn nhất trên thế giới đang sử dụng Quant.

Tất cả những ngân hàng đầu tư lớn trên thế giới đều có bộ phận giao dịch và phân tích đầu tư sử dụng Quant.

Hơn một nửa các lệnh giao dịch chứng khoán tại TTCK các nước phát triển được quyết định tự động bởi mô hình đầu tư Quant.

Cộng đồng các nhà nghiên cứu và sử dụng Quant họp bàn thường xuyên tại các trường đại học danh tiếng trên thế giới như Harvard. Các chuyên viên mô hình Quant thường trao đổi kinh nghiệm và giao lưu trên diễn đàn trang web
www.wilmott.com.

Một nghiên cứu về thu nhập của các chuyên viên đầu tư cho thấy, các chuyên gia sử dụng Quant đang có mức lương trung bình cao nhất tại Phố Wall.

Có 3 lý do chính khiến Quant được tín nhiệm

Một là sự phát triển nhanh chóng của công nghệ máy tính - công cụ xử lý số liệu, máy tính đã trở nên rẻ hơn vào những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước.

Hai là lý thuyết toán kinh tế ứng dụng trong lĩnh vực đầu tư được đề xuất vào những năm 60 - 70 là cơ sở lý luận cho việc xây dựng các thuật toán trong mô hình Quant.

Ba là kết quả kinh doanh thuyết phục của hầu hết các quỹ đầu tư năng động tiên phong áp dụng mô hình Quant vào đầu thập niên 80.

Sự ưu việt so với phương pháp đầu tư truyền thống

Như đã nói ở trên, mô hình Quant có tầm bao quát hơn các phương pháp đầu tư truyền thống, khi nó vận dụng các ưu điểm của phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật và phân tích thống kê . Đồng thời dựa trên các thuật toán tiên tiến, Quant tìm kiếm chính xác và xử lý nhanh chóng các thông tin thị trường, xác định dấu hiệu mua - bán và đưa ra chiến lược phân bổ đầu tư hợp lý cho từng khoản đầu tư riêng lẻ, nhằm tối ưu hóa lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro cho toàn bộ danh mục. Quá trình này sử dụng nhiều thuật toán phức tạp và tinh vi đòi hỏi có sự hỗ trợ của phần mềm máy tính.

Quant bao gồm 4 “trường phái” chính:

- Đầu tư theo xu hướng thị trường (Trend following).

- Đầu tư vào các sản phẩm chứng khoán phái sinh (Derivatives).

- Đầu tư thống kê dựa vào chênh lệch giá trị (Statistical Arbitrage).

- Đầu tư ngắn hạn (Hight frequency/Algorithmic trading).

Hiệu quả đầu tư khi ứng dụng mô hình Quant

Qua nghiên cứu về hoạt động của các quỹ đầu tư áp dụng mô hình Quant trong vòng 20 năm qua cho thấy, lợi nhuận các quỹ đạt từ 15% đến 35%/năm, tỷ lệ trung bình khoảng 20%. Trong đó nổi tiếng là Quỹ Renaissance Technologies (Ren Tech) (nguồn: Bloomberg), có tài sản 20 tỷ USD, được điều hành bởi James Simmons - giáo sư toán Trường Harvard.

25 năm qua, quỹ này luôn đạt lợi nhuận (sau phí) trung bình 35%/năm. Mặc dù các quỹ thường ít công bố chi tiết hoạt động, nhưng chúng ta có thể nhận thấy khối lượng tài sản đầu tư sử dụng mô hình Quant đang ngày càng tăng lên. Biểu hiện bên ngoài của việc này là hoạt động tuyển dụng chuyên viên Quant của các ngân hàng và quỹ đầu tư ngày càng ráo riết hơn.

Tuy nhiên, tấm huy chương nào cũng có mặt trái. Mô hình Quant cũng có những rủi ro tiềm ẩn mà khi áp dụng chúng ta cần phải chú ý như rủi ro về việc chọn lựa mô hình, rủi ro về chất lượng thông tin đầu vào và đặc biệt là rủi ro về tính thanh khoản của thị trường.

Điển hình là trường hợp thất bại của Quỹ LTCM vào năm 1998, được điều hành bởi giáo sư Myron Scholes, đoạt giải Nobel về khoa học kinh tế năm 1997. Theo đánh giá của các chuyên gia thì lý do chính yếu nhất gây ra thất bại của LTCM là do có quá nhiều quỹ đầu tư sử dụng Quant vào thời điểm đó.

Tại Việt Nam, mô hình Quant hiện nay vẫn hoàn toàn mới mẻ. Vì vậy, đây là thời điểm thích hợp cho việc đưa một mô hình đầu tư ưu việt áp dụng vào một TTCK trẻ trung. Cơ hội càng lớn hơn khi nền kinh tế toàn cầu vừa mới chớm vượt qua cuộc khủng hoảng.

Ưu điểm của mô hình Quant

Triết lý đầu tư xuyên suốt của mô hình Quant là việc sử dụng các nguyên lý khoa học chính xác để đầu tư, tránh được tối đa rủi ro của việc dự báo theo cảm tính. Góp phần vào sự thành công đó có vai trò phần mềm máy tính thông minh và các công cụ toán học phức tạp, bao gồm:

- Thuật toán trí tuệ nhân tao (Machine Learning).

- Lý thuyết thông tin (Information Theory).

- Máy học thống kê (Statistical Learning).

- Lý thuyết điều khiển tối ưu (Optimal control Theory).

- Phương trình vi phân ngẫu nhiên (Stochastic Differential Equations).

Vì sao máy tính và công cụ toán học lại đóng vai trò quan trọng đến như vậy? Có hai lý do chính:

Thứ nhất, máy tính ưu việt hơn con người khi có thể xử lý khối lượng thông tin khổng lồ ngay lập tức để dò tìm các dấu hiệu mua - bán. Quan trọng hơn, máy tính không bị chi phối bởi cảm tính thông thường - đơn giản con người khó lòng vượt qua được “lòng tham và nỗi sợ hãi” trong hoạt động đầu tư.

Thứ hai, công cụ toán học có thể nhanh chóng kiểm tra mức độ tin cậy của dấu hiệu mua - bán trên thị trường mà máy tính đã phát hiện, đồng thời quyết định phân bổ khối lượng đầu tư cho từng khoản đầu tư riêng lẻ một cách hợp lý, tối ưu hóa hiệu quả đầu tư và kiểm soát rủi ro của toàn bộ danh mục. Máy móc đã hỗ trợ tối đa cho con người.

Theo các cuộc nghiên cứu và thăm dò thị trường của VFM, chúng tôi thấy tại TTCK Việt Nam giai đoạn hậu khủng hoảng, việc ứng dụng mô hình Quant trong đầu tư hoàn toàn khả thi. TTCK Việt Nam mang đặc tính cố hữu của các thị trường mới nổi: biến động mạnh do yếu tố tâm lý của các NĐT cá nhân chi phối nhưng thị trường có tiềm năng tăng trưởng dài hạn dựa trên yếu tố cơ bản như kinh tế vĩ mô, đặc biệt ở TTCK Việt Nam chưa có sự cạnh tranh cao trong việc sử dụng mô hình Quant. Tại VFM, chúng tôi mong muốn là người tiên phong ứng dụng các mô hình đầu tư tiên tiến này vào thực tiễn.

Quant – mô hình đầu tư năng động

Mô hình đầu tư phân tích định lượng Quant thực sự đã trở thành công cụ đầu tư chiến lược tại các trung tâm tài chính lớn như ở Lon don, New York, Singapore, Hong Kong và Tokyo. Nắm bắt xu thế này, VFM đã sớm trang bị nhiều công cụ hiện đại phục vụ cho quá trình thực hiện đầu tư hiệu quả, bao gồm hệ thống máy tính cao cấp những phần mềm mạnh được xây dựng chuyên biệt cho mô hình Quant. Và quan trọng hơn hết là chúng tôi đã đầu tư xây dựng đội ngũ chuyên gia, chuyên viên nghiên cứu chuyên nghiệp ứng dụng mô hình này vào TTCK Việt Nam.

Nhóm nghiên cứu Quant tại VFM quy tụ nhiều chuyên viên đầu tư có học vị cao thuộc chuyên ngành tài chính, kinh tế, toán học có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý quỹ và đầu tư chứng khoán mà đứng đầu là ông Michael Kokalari - Cố vấn cao cấp, người có 15 năm kinh nghiệm giao dịch chứng khoán dùng mô hình Quant tại các ngân hàng lớn trên thế giới, ông đã từng quản lý các danh mục đầu tư có giá trị trên 1 tỷ USD.

Là công ty quản lý quỹ tiên phong năng động ứng dụng mô hình Quant, CTCP Quản lý Quỹ đầu tư VFM mong muốn phục vụ tốt hơn không những cho NĐT của các quỹ mà VFM đang quản lý mà còn cho TTCK Việt Nam, đặc biệt trong thời kỳ sôi động giai đoạn hậu khủng hoảng kinh tế.



2. Quant - Đầu tư theo xu hướng thị trường


Quant - Mô hình hướng tới sự năng động
Một trong những chiến lược đầu tư theo mô hình Quant chính là mô hình đầu tư theo xu hướng (trend following). Mô hình Trend following không hướng tới việc dự đoán thị trường ngày mai ra sao, mà là tìm kiếm cơ hội tham gia thị trường ngay khi chứng khoán có dấu hiệu tăng mạnh. Việc đầu tư dựa hoàn toàn vào các chỉ báo được lọc ra bởi các máy tính siêu mạnh. Trước tiên, một khối lượng lớn thông tin và số liệu được tổng hợp phân tích trên hệ thống máy tính hiện đại. “Linh hồn” của hoạt động phân tích này bao gồm nhiều yếu tố, trong đó nổi bật nhất là thuật toán trí tuệ nhân tạo (Genetic Argrorithm) và Lý thuyết thông tin (Information Theory). Sau khi có các chỉ báo, máy tính xác định tín hiệu mua bán, đồng thời cũng đưa ra chiến lược phân bổ đầu tư hợp lý, tối ưu.
Mô hình Quant hoạt động dựa theo nguyên tắc chỉ tham gia thị trường khi chứng khoán có xu thế tăng dài hạn và rõ ràng. Đồng thời, việc chốt lời diễn ra khi xu thế này đảo chiều hoặc thị trường đi vào thời kỳ ít biến động, đi ngang (chạy sideways). Bên cạnh nguyên tắc chính trên, máy tính cũng tự động đưa ra chiến lược quản lý rủi ro thông qua cơ chế cắt lỗ, phân bổ và đa dạng hóa danh mục đầu tư. Với các nguyên tắc này, hoạt động đầu tư sẽ đạt mức lợi nhuận tối ưu, khi tối ưu hóa vùng giải ngân và vùng thanh toán tiệm cận hơn với đáy và đỉnh của thị trường. Nói cách khác, mô hình Quant hướng tới sự năng động theo tiêu chí “thị trường luôn luôn đúng”- điều mà chưa mô hình phân tích truyền thống nào đạt được.
Kết quả thử nghiệm mô hình Quant
Các nhà đầu tư chuyên nghiệp đã xem xét và có các nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn tại TTCK Việt Nam, tiên phong là VFM. Sau một thời gian thử nghiệm mô hình Quant với mẫu phân tích (in-sample) và mẫu thử nghiệm (out-sample), VFM đã xác định được kết quả bước đầu: Theo đó, từ tháng 1/2004 đến ngày 30/06/2008, kết quả mẫu phân tích (in-sample) tỷ lệ lợi nhuận đạt được là 200% trong vòng 3 năm rưỡi, bình quân mỗi năm tỷ lệ lợi nhuận đạt 110%. Trong đó xác suất thành công là trên 60%. Đối với kết quả mẫu thử nghiệm (out-sample), thời gian tiến hành từ 30/06/2008 cho đến nay, tỷ lệ lợi nhuận là 100% trong vòng 1,5 năm, bình quân 1 năm đạt 50%. Trong đó xác suất thành công là trên 70%. Như vậy, chúng ta có thể thấy kết quả giữa 2 phương pháp thử nghiệm này rất ấn tượng và gần trùng khớp. Thời gian thử nghiệm dài trên 3 năm với đầy đủ các tình huống thị trường lên mạnh, xuống mạnh hay đi ngang cho thấy tính khách quan và độ chính xác của quá trình thử nghiệm. Nếu áp dụng mô hình vào thực tế thì chúng ta có thể tin rằng, kết quả lợi nhuận bình quân sẽ xoay quanh kết quả thử nghiệm ở trên.