-
20-09-2010 09:33 AM #1
Nhaque - Nhận định TTCK và CTNY - Đọc chơi rồi bỏ
24/05/2005
Vô đề:
Mấy ngày nay nhaque đi theo đuôi bò, ngắm cảnh rừng xanh mà nhớ cái bảng giao dịch chứng khoán xanh đỏ, tức cảnh sinh tình nên viết bài này nhằm góp chút đề tài để nhàn đàm lúc trà dư tửu hậu.
Bản quyền (Copyright):
- Bài viết này là dành cho Diễn đàn Thảo luận của Vietstock. Việc sử dụng bài viết vào mục đích thương mại hay nghiên cứu đều phải được phép của Vietstock (với tiền bản quyền là một bữa tiệc offline cho các thành viên J).
- Các thành viên của VST nếu sử dụng thông tin từ bài viết này để ra quyết định đầu tư thì lời lỗ ráng chịu, nhưng nhớ quà cho nhaque một chầu cà phê.
- Vì vậy, nhờ các thành viên phát hiện giùm để đòi tiền bản quyền nhé. Sẽ có chia phần trăm hậu hĩ.
Từ chối (Disclaimer):
- Các số liệu về kinh tế và chứng khoán sử dụng trong bài viết này được thu thập và tổng hợp từ các thông tin công khai trên các báo, các website hợp pháp ở Việt Nam.
- Bài viết này chỉ dùng để thảo luận trên Diễn Đàn của VST, hổng có dùng để bôi bác, phê bình hay chỉ trích bất kỳ chính sách, tổ chức hay cá nhân nào, do đó xin vui lòng không suy diễn lung tung. “Nói đi không hại chứ nói lại là hại vô cùng!”
Mời đọc:
- Nói đùa vậy thôi, chứ có ai ghé mắt đến thì tôi mừng rồi. Và có người phê bình thì còn mừng hơn.
- Các ý kiến mà tôi cố gắng đưa ra ở đây chỉ ở tầm mức một nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ, đang cố gắng hiểu xem mình đang đứng trong căn nhà nào (nền kinh tế Việt Nam), trong căn phòng nào (thị trường tài chính - chứng khoán Việt Nam), trước cái gì (các chứng khoán niêm yết), nên lấy cái gì (mua vào), bỏ cái gì (bán ra), chứ không có cái gì to tát hết. Mong các bạn thông cảm và góp ý thật nhiều để có một bức tranh đẹp.
- Hy vọng ít gì thì cũng giúp cho mọi người có thêm chuyện cười để đọc đêm khuya!
CĂN NHÀ CHÚNG TA ĐANG Ở:
Thuận lợi:
Phải nói rằng nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, và có rất nhiều thay đổi tích cực đang diễn ra.
-Tỷ lệ tăng trưởng GDP vẫn duy trì tốt: quý I/2005 tăng 7,5% so với cùng kỳ 2004.
-Xuất khẩu vẫn đang tăng trưởng, một số mặt hàng nguyên liệu thô và lương thực vốn là hàng xuất chủ lực của VN đang rất được giá
-Công nghiệp cũng tốt, ít nhất cũng được 10%/năm
-FDI đang tăng trở lại, năm nay có thể đạt 5 tỷ USD, cao hơn nhiều so với KH
-Quản lý kinh tế vĩ mô ổn định, các khung pháp lý ngày càng được cải thiện, lãnh đạo các cấp rất quyết tâm muốn đổi mới kinh tế
-Kinh tế tư nhân phát triển vượt bực, nhiều doanh nghiệp mới ra đời và đặc biệt là tiến trình cổ phần hóa đang đem lại rất nhiều cơ hội cho mọi người
-Thị trường tài chính - chứng khoán đang phát triển
-Nông nghiệp, dù chậm, vẫn đang phát triển và đổi mới theo hướng hiện đại hơn. Dịch vụ cải thiện khá nhiều
-Thị trường thế giới nói chung vẫn đang tiến trình toàn cầu hóa, và nền kinh tế thế giới đang phát triển. Và vị thế Việt Nam, dầu vẫn bé tí xíu, đã được cải thiện hơn nhiều
Khó khăn:
-Tỷ lệ tăng trưởng GDP vẫn chưa được như kỳ vọng. Tỷ lệ tiết kiệm/tỷ lệ tăng GDP rất cao, suy ra đầu tư chưa hiệu quả;
-Tỷ lệ gia tăng xuất khẩu có thể chậm lại do các ngành công nghiệp chủ lực gặp nhiều hạn chế
-Lạm phát vẫn đứng ở mức cao bất chấp các nỗ lực của Chính Phủ trong việc ghìm giữ giá
-Tài nguyên đang cạn kiệt dần, môi trường suy thoái, hạn hán và dịch bệnh liên tục xảy ra gây mất mùa, làm giảm tốc độ gia tăng GDP
-Công nghệ còn hơi bị kém, đầu tư vào công nghệ thấp
-Một số khoản đầu tư trọng điểm kém hiệu quả hoặc làm chậm như mía đường (giấy và tinh bột nữa), hay dự án lọc dầu làm lãng phí các nguồn lực đầu tư
-Chất lượng giáo dục kém, do đó năng suất lao động chưa cao
-Cải cách hành chính chậm, tham nhũng vẫn còn, khung pháp lý chưa hoàn thiện, doanh nghiệp bị cản trở không ít
-Thị trường bất động sản vẫn chưa được kiểm soát tốt, khiến cho một lượng siêu lớn vốn đầu tư bị chết dí, hạn chế nguồn cung tài chính cho các ngành khác, đặc biệt là tài chính - chứng khoán
-Thị trường tài chính - chứng khoán còn sơ khai, dễ gặp khó khăn khi mở cửa hoàn toàn
-Áp lực từ WTO và AFTA, giá nguyên liệu/năng lượng tăng tạo ra lạm phát, các mũi nhọn xuất khẩu bị cạnh tranh ác liệt, các thị trường lớn có nhiều rào cản.
Tóm lại thì chúng ta đang ở trong một căn nhà mở cửa tứ phương, trời nắng thì có gió nhiều, kể ra thì cũng mát mẻ. Nhưng những lúc có giông hoặc mưa to gió lớn, gió bấc cắt da thì anh em ta cũng phải chịu đựng khá nhiều, vì cửa nẻo khó mà đóng kỹ. Hy vọng cứ xây dần dần chúng ta sẽ có lâu đài nhỉ?
CĂN PHÒNG CỦA CHÚNG TA NHƯ THẾ NÀO?
Đẹp thì có đẹp:
-Dù bị chê lên chê xuống, TTCK Việt Nam mấy năm nay vẫn có sự phát triển, số lượng công ty niêm yết tăng đều, khối lượng giao dịch cũng không quá tệ
-Chính Phủ và các ban ngành liên quan đã có nhiều cố gắng như đẩy nhanh cổ phần hóa, mở TTGD Hà Nội, đấu giá công khai các công ty, thúc đẩy các công ty lớn chuẩn bị niêm yết, chuẩn bị cho việc mở room (sẽ mở nhưng chưa rõ thời gian)
-UBCK được chuyển về cho BTC, hy vọng tăng thêm quyền lực để quản lý và phát triển TTCK
-Người dân cũng bắt đầu biết nhiều hơn đến TTCK, nhà đầu tư cũng nhiều hơn và chuyên nghiệp hơn chút đỉnh
-Có thêm nhiều tổ chức đầu tư trong và ngoài nước tham gia (điển hình là VF1!)
-Các CTNY làm ăn cũng nghiêm túc hơn, công bố thông tin cũng đàng hoàng hơn chút đỉnh, đối xử với cổ đông cũng tốt hơn
-VAFI được thành lập, thỉnh thoảng cũng có một chút tiếng nói hiệu quả, tỷ như vụ yêu cầu các CTNY cũng cấp thông tin về BĐS
-Dịch vụ của các CTCK đã được cải tiến, hết còn cái kiểu nộp lệnh trực tiếp hay fax lệnh đi nữa (Cám ơn nhiều!).
Nhưng vẫn còn luộm thuộm:
-Việc tăng hàng cho TTCK tiến hành, rất nhiều công ty cổ phần hổng muốn lên sàn vì rất nhiều nguyên nhân, khối lượng giao dịch cứ phập phù, các nhà đầu tư trong nước thích đánh quả hơn đầu tư dài hạn. Tỷ dụ, các thảo luận ở VST cho thấy rằng đầu tư một năm đã được xem là dài hạn rồi??!!
-Có rất nhiều lời hứa và giải pháp để phát triển TTCK, nhưng vẫn chưa đâu và đâu. Điển hình là việc mời 200 công ty lên sàn trong năm 2005, vậy mà cho đến nay danh sách này mới được BTC gởi đến Chính Phủ (và sau đó đến các bộ, ngành và TCTy) để xem xét. Thêm vào nữa là danh sách hạn chế 30%, dù được Thủ Tướng yêu cầu là làm xong sớm, nhưng bây giờ thì chả biết nó ở đâu nữa (hu, hu)
-BTC hay UBCK vẫn chưa đủ quyền lực, cái gì cũng phải chờ Chính Phủ ra tay mới xong, đến việc mời các công ty (mà Nhà Nước nắm cổ phần chi phối) lên sàn vẫn không được tốt cho lắm
-Việc quảng bá TTCK vẫn chưa đúng tầm, khiến cho rất nhiều người cho rằng đầu tư vào TTCK là chơi đánh bạc, tỷ dụ như ba mẹ của nhaque. Hic, hic.
-Các tổ chức đầu tư NN thì bị hạn chế bởi room 30%, còn các tổ chức trong nước thì chưa thấy ở đâu cả, hoặc có đó thì cũng lùn quá, nhón cao chân mới thấy (lại là VF1!), trừ Prudential có vẻ giống NN hơn
-Vẫn có những món ăn chưa được ngon trong các CTNY, làm ăn bết bát không ra gì, hoặc xà xẻo quá nhiều vào lợi ích của cổ đông, hoặc báo cáo không rõ ràng hay không cung cấp thông tin gì ráo (BBT, BTC hay HAP, VTC có thể xếp vào các loại này)
-Hình như các nhà đầu tư nhỏ hơi khó tham gia vào VAFI, và tiếng nói của VAFI cũng là khuyến nghị thôi, nên xét về mặt trọng lượng cũng không nặng ký lắm
-Dịch vụ của các CTNY còn chưa chuyên nghiệp. Các bạn cứ xem Website của họ sẽ thấy ngay tức thì, chưa nhắc gì đến các chuyện khác.
BỮA ĂN TRƯỚC MẶT:
-Nói chung thì bữa ăn bây giờ chỉ dành cho việc ăn vặt thôi, chứ tìm được món ngon bây giờ thì hơi khó. Coi như chúng ta đã được ăn sáng rồi (quý I), còn ăn trưa, chiều và tối thì chưa đến
-Thông tin về TTCK và CTNY đã bung ra hết rồi, phải đợi đến tháng 7 mới có thông tin mới làm cho TTCK bùng nổ tí chút
-Hiện nay thị trường OTC đang rất sôi động, lại có nhiều công ty có IPO hấp dẫn (như các CP ngân hàng hay vụ đấu giá TAYA) nên vốn có thể được rút một phần ra khỏi thị trường niêm yết
-Xu hướng từ đây cho đến tháng 7 là ngập ngừng giảm, TTCK sẽ hơi chán một tí, vì miền Nam thì mưa nhiều, miền Bắc thì nắng vỡ đầu, thiếu điện gay gắt, miền Trung thì không kể vì ít tiền quá, cộng với thêm tin xấu về lạm phát, giá nguyên liệu tăng, vốn vẫn dồn vào thị trường bất động sản
-Tóm lại, bây giờ là lúc chuẩn bị cho đầu tư dài hạn, hoặc nghiên cứu các loại CP cho vụ đánh quả ngắn hạn quý II/2005 cũng tốt.
THỬ NGÓ CÁC MÓN ĂN MỘT CHÚT
AGF
Chỗ được:
- Thủy hải sản nói chung và ngành nuôi cá basa/tra nói riêng vẫn là ngành đang phát triển, đem lại nhiều Đô La cho đất nước và nhiều lợi nhuận cho những người tham gia. Người ta thường nói “Muốn giàu nuôi cá” mà lị.
- Xét về lâu dài, nhu cầu đối với thủy hải sản trên thế giới vẫn liên tục phát triển, thị trường rộng lớn, còn rất nhiều chỗ trống và ngõ ngách để khai thác. Trong việc nuôi và chế biến cá basa/tra thì Việt Nam đang được xem là số một
- Mặc dù bị áp thuế chống phá giá nhưng các chuyên gia trong ngành cho biết là giá cả của basa vẫn dễ dàng cạnh tranh với catfish ở Mỹ, hơn nữa, với công nghệ chăn nuôi phát triển hơn nên giá thành cá hạ. Nếu phe ta không kình chống lẫn nhau thì việc xuất khẩu basa/tra vẫn đem lại lợi nhuận tốt
- Thị trường trong nước đang dần được khai mở, hứa hẹn sẽ là một thị trường lớn
- AGF được quản trị tốt, có chiến lược phát triển rõ ràng, vừa chuyên sâu kinh doanh vừa biết đa dạng hóa sản phẩm. Tình hình tài chính bình thường
- Công nghệ của AGF được xem là tốt, R&D được xếp hàng khá
- Các dự án của AGF sẽ cho phép AGF tăng cường thêm sức mạnh cạnh tranh, chuyên sâu vào lĩnh vực chế biến cá, nhưng chắc phải một thời gian nữa các dự án này mới có hiệu quả
- AGF có mạng lưới cung cấp nguyên liệu tốt với CLB 2000 tấn gì đó. Ông Hậu được xem là người có trình độ, năng động, tiếng nói có trọng lượng trong ngành. Ngoài ra còn mời được GS Xuân, là một khoa học gia có uy tín. Có thể xem AGF là một mô hình “liên kết bốn nhà” khá tốt
- Cổ đông của AGF được xem là vững vàng. NĐT NN đã mua hết room chứng tỏ AGF được xem trọng.
Chỗ kém:
- Vụ việc về bán phá giá ở Mỹ (thị trường ngon lành nhất) vẫn chưa kết thúc, basa cũng phải đóng tiền bond nên xuất khẩu vào đó hơi bị kẹt
- Các nước phát triển đang siết chặt các quy định về vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là dư lượng kháng sinh trong tôm/cá nuôi, mà trong việc này thì người nuôi VN hơi bị ẩu nên có nhiều lô hàng bị trả lại, hợp đồng lớn bị phá và giá xuất bị đè thấp
- Với thị trường xuất khó khăn, giá xuất thấp đi, thuế chống phá giá và tiền bond cao, lợi nhuận của AGF đang suy giảm
- Thêm vào đó, các nước xung quanh cũng đang tìm cách phát triển basa/tra, đặc biệt là Thái Lan. Khi anh này nghiêm tức nhảy vào thì chắc chắn các công ty Việt Nam, có cả AGF, sẽ bị cạnh tranh dữ dằn đó
- AGF và nhiều công ty Việt Nam khác vẫn là những chú lùn trên thị trường thế giới, phải ăn nhờ người ta từ thương hiệu đến hệ thống phân phối nên bị ép giá, chặn đầu, ...
- Các công ty Việt Nam dù có nhắm đến tiêu thụ nội địa nhưng vẫn chưa quyết tâm lắm, cho nên ra siêu thị bây giờ cá saba (ngoại) vẫn nhiều hơn cá basa (nội)! Nói nhỏ chút nghe, tôi ăn thử basa rồi, mỡ thấy phát ngán luôn, thà ăn cái con catfish là cá trê còn ngon hơn nhiều
- Tệ nữa là các công ty VN quen thói đốn giò nhau, chào giá thấp hơn để ta tự hại mình, chẳng khác gì các chú nhóc học sinh cứ đến kỳ hội Đống Đa là chia hai phe Quang Trung và Nguyễn Huệ phang nhau chí tử
- Đặc biệt, việc nuôi tôm cá vẫn còn rất ư là lộn xộn. Lúc thì ai cũng hê lên là nuôi cá lời lớn, bây giờ thì than lỗ lia chia, khiến cho thị trường nguyên liệu của AGF rất chi là không ổn định
- Việc nuôi cá là do nông dân tự quyết nên chất lượng đầu vào không thể xem là ổn định, ảnh hưởng đến các hợp đồng của AGF. Đây là khó khăn chung của các công ty nông nghiệp
- Thời tiết không thuận lợi, môi trường bị suy thoái cũng ảnh hưởng không nhỏ đến đầu vào của AGF.
Giao dịch và giá kỳ vọng:
- Giao dịch hồi này của AGF giảm sút, tuy nhiên nếu theo dõi thường xuyên thì bạn sẽ thấy rằng những phiên nhỏ giọt sẽ được kèm theo bởi vài phiên đột biến, do đó nếu chú ý kỹ thì vẫn có thể chơi ngắn hạn chút đỉnh
- Với các khó khăn mà AGF đương đầu thì giá của AGF tốt nhất là dưới 32, còn giá bây giờ thì ... cứ để NĐT NN nắm giữ hoặc là nhường chỗ cho các cao thủ ngắn hạn nhỉ?
BBC
Chỗ được:
- Chỗ được nhất của BBC có lẽ là BBC đã phục hồi. Từ vụ lỗ lã mấy năm trước, hai năm qua BBC đã có lãi, và lãi năm sau cao hơn năm trước
- Tình hình tài chính có vẻ cải thiện hơn, dù rằng theo đánh giá riêng của tôi thì mới đủ điểm đậu, chứ chưa bền vững lắm
- Thương hiệu BBC có chỗ đứng nhất định trong làng bánh kẹo Việt Nam, và cho dù thuế bánh kẹo có giảm thì BBC vẫn trụ được
- Các dự án đầu tư trong 2 năm trở lại đây bắt đầu phát huy tác dụng. Mặc dù tôi không tin lắm vào chuyện IT, nhưng cái vụ IT 2 tỷ mấy của BBC nghe chừng có vẻ có tác dụng
- Cơ cấu cổ đông rộng, tỷ lệ sở hữu của NNước ít
- Nhờ vào quy định mệnh giá 10,000 VNĐ/CP nên bà con ta thấy nó có vẻ thấp, khi so với mức giá ngất ngưởng của các CP khác, GMD chẳng hạn, dù rằng khi so sánh về hiệu quả thì chưa biết mèo nào cắn mỉu nào. Do đó đặt lệnh mua BBC thì chẳng run tay chút nào, chắc nhờ vậy mà thanh khoản của BBC hồi này tốt hơn nhiều.
Chỗ kém:
- Dù có cải thiện thì tỷ lệ sinh lời của BBC vẫn thấp hơn nhiều so với năm 1999. Ở một nền kinh tế đang phát triển như VN mà ROE =< 15% có thể được xem là kém hiệu quả (các SOE chẳng hạn)
- Ngành kinh doanh bánh kẹo là một ngành đầy cạnh tranh, và thương hiệu của BBC chỉ ở mức trung bình. Bánh kẹo của BBC thì ờ .. ờ... tôi có ăn rồi. Chắc là công ty con của Đường Biên Hòa nên hơi ngọt thì phải, người ta ít mua
- Các dự án mới 2005 của BBC rất bình thường, sẽ khó tạo đột biến gì đáng kể cho BBC
- Chiến lược marketing đối với bánh kẹo là rất quan trọng, nhưng cách quảng cáo của BBC thì không có gì nổi bật, đồng thời hệ thống phân phối của BBC không có nét gì riêng biệt, toàn nhờ vào các đại lý tổng hợp
- BBC cũng không có một chiến lược phát triển thương hiệu đúng đắn như Kinh Đô để trở thành một đại gia bánh kẹo
- Giá đường (một nguyên liệu chính của BBC) đang phóng như hỏa tiến (giá mà CP BBC được như vầy thì hay quá), mà việc nhập đường e rằng chưa có quyết định. Đường Biên Hòa càng lời chừng nào thì BBC càng khó chừng ấy
- Cộng thêm vào đó, giá các mặt hàng nguyên liệu khác của BBC cũng tăng (như bột mì), trời lại nóng, ít ai thích ăn bánh kẹo, nên khả năng quý II này của BBC chắc hơi kém
- Tự nhiên NĐT NN bán ra làm bà con ta cũng phải suy tính. Ngoài ra, so P/E thì BBC hơi cao so với các công ty khác, mà tiềm năng phát triển chưa chắc hơn.
Giao dịch và giá kỳ vọng:
- Thanh khoản của BBC cũng khá, biên độ dao động/thị giá cũng khá cao.
- BBC có thể vừa là chỗ toan tính để thâu tóm, vừa có thể đầu tư lâu dài mà đầu cơ cũng tốt
- Nhưng theo tôi (một kẻ không thích đồ ngọt) thì BBC chỉ nên ở mức 14.5 – 15 thôi.
BBT
Chỗ được (ối giời ơi, kiếm cho ra chỗ được của BBT sao mà khó):
- Cái thứ đáng tiền để mua nhất của BBT chính là ba chữ BBT. Dù gì thì thương hiệu của BBT cũng có thể xài được tí chút, nếu vào tay người giỏi giang
- Thị trường BVS là một thị trường lớn (các bạn cứ hỏi chị em là biết) nên nếu BBT tìm cách len chân vào và đứng vững thì vẫn có khả năng kiếm lời
- Giá của BBT là rất thấp, rẻ hơn book value (còn rẻ hơn real value không thì tôi không biết!), nên nhiều người kỳ vọng là nó có thể vượt lên, vì vậy giá nó có thể tăng lên!!??
- Trong tình hình hiện nay, BBT là cơ hội rất tốt cho việc thâu tóm, nên nếu bạn là đại gia thì ... cũng không nên bỏ qua cơ hội
- Có VF1 là cổ đông và Miss Sông Hồng vào được HĐQT. Nếu không làm tốt được thì cái thương hiệu này, cùng với nhiều cổ đông lớn khác như Hoa Nam Fund (mất tiêu đâu rồi không biết?), cũng giúp cho BBT không đến nổi rơi tự do.
Chỗ kém (xin lỗi, phải nói là Chỗ tệ mới đúng):
- Tệ nhất là cái vụ đầu tư dỏm vào BVS. Theo tôi được biết, dây chuyền BVS của BBT là rất kém, không có cách gì có thể đưa ra được sản phẩm cạnh tranh với cỡ Diana và Kotex về chất lượng và giá cả
- Tiếp theo là làm mất thị phần bông y tế, lĩnh vực đem lại lợi nhuận chủ yếu của BBT
- Tình hình tài chính của BBT là rất kém, hàng tồn kho lớn, khấu hao cao, doanh số kinh doanh giảm, tiền mặt không nhiều, và BBT đã lỗ đến 4 quý rồi
- Ban lãnh đạo bị fault vừa về đầu tư sai lầm (và nghi ngờ tham nhũng) vừa không minh bạch thông tin, vừa yếu kém về khả năng xử lý khó khăn
- Kế hoạch 2005 không lấy gì làm sáng sủa và chưa chắc khả thi, đặc biệt là chiến lược tiêu thụ BVS nghe rất hão huyền
- Không nên so sánh khả năng hồi phục của BBC và BBT vì điểm khác biệt nằm ở dự án đầu tư. Dự án của BBC giúp BBC phát triển, còn dự án của BBT là hòn đá tảng để kéo BBT chết chìm.
Giao dịch và kỳ vọng:
- Có lẽ bây giờ BBT là cuộc chơi cho những toan tính thâu tóm. Thương hiệu BBT vẫn còn có giá, vì vậy nếu có một nhân tài thật sự làm một cuộc lật đổ rồi ra tay dọn dẹp thì biết đâu BBT có thể phục hồi, và NĐT có thể mơ đến hai năm sau khi giá BBT bằng giá BBC bây giờ. Hehe.
- Còn bây giờ thì giá BBT dành cho đầu tư dài hạn cũng nên giống BBC ngày trước, quá 7 thì chẳng nên mua làm gì. Còn đầu cơ ngắn hạn thì .... tôi chịu thua.
BPC
Chỗ được:
- Chỗ được của BPC là khá ổn định. Nhiều người gọi nó là trái phiếu chẳng sai: Sản phẩm của BPC đã có bao tiêu, kế hoạch do Xi Măng Bỉm Sơn quyết định
- Cổ tức/thị giá cũng cao, giá so với book value là thấp
- Tình hình tài chính bình thường
- Thị trường xi măng nói riêng và xây dựng nói chung là thị trường lớn, phát triển nên nếu có chiến lược đúng đắn để thoát ra cái bóng Bỉm Sơn thì vẫn có tiềm năng tăng trưởng.
Chỗ kém:
- BPC có thể được xem là do Xi Măng Bỉm Sơn kiểm soát nên khó phá cách và đột biến được
- NNước giữ CP chi phối, lại giao vào tay mấy ông lãnh đạo nên mấy ổng làm gì được nấy. Ban lãnh đạo thuộc loại ăn dày, lúc nào cũng nhăm nhăm kiếm cớ chi lương/thưởng ráo trọi
- Do nguyên liệu phụ thuộc vào giá dầu, mà giá dầu có xuống chút đỉnh thì vẫn ở mức cao, giá đầu ra do Bỉm Sơn kiểm soát nên lợi nhuận hai năm nay suy giảm thấy rõ. Dự báo là sang năm 2006 cũng vậy mà thôi
- Dự án 2005 chỉ là tăng công suất, mà lợi nhuận biên thì giảm nên rút cuộc chẳng có gì mới mẻ
- Thanh khoản của CP rất thấp.
Giao dịch và kỳ vọng:
- Giao dịch của BPC quá ít nên khó mua bán. Giống như nhiều bạn nói, đây là trái phiếu, mua vào rồi chỉ để lãnh cổ tức, chứ chỉ mua đi bán lại ngắn hạn là không xong rồi
- Nếu sử dụng DCF để tính toán, cộng với việc suy giảm lợi nhuận trước mắt, có lẽ giá của BPC chỉ chừng 13 – 14 thôi.
BT6
Chỗ được:
- Trong ngành xây dựng, BT6 là một thương hiệu tốt về bê tông đúc sẵn, có hẳn một thị trường lớn ở miền Nam
- Ban lãnh đạo của BT6 được đánh giá khá tốt, có trình độ và chiến lược phát triển cho BT6
- Ngành xây dựng là một thị trường phát triển mạnh, đặc biệt là xây dựng các công trình lớn (“nghề của chàng”)
- BT6 liên tiếp trúng thầu các công trình lớn, lại tham gia được vào các dự án BOT, hy vọng có thể đem lại lợi nhuận lớn về sau
- NĐT NN vẫn mến BT6, bằng chứng là room đã hết rồi.
Chỗ kém:
- Có lẽ khách quan mà nói thì chỗ kém lớn nhất của BT6 lại thuộc về khách quan, đó là nợ xấu của ngành xây dựng. Không muốn nói xấu ai, nhưng rõ ràng là ngành xây dựng của VN hiện nay rất ư là lộn xộn, nợ lẫn nhau và khó nhất là chủ đầu tư nợ nhà thầu. Tôi chưa đọc báo cáo kiểm toán của BT6, nhưng có thể thấy rất nhanh rằng nếu loại trừ đi những khoản nợ xấu thì BT6 hầu như không còn lãi
- Với những khoản nợ xấu kể trên thì tình hình tài chính của BT6 có thể nói ngay là không tốt nhỉ?
- Thêm vào đó, giá vật liệu xây dựng ngày càng tăng, trong khi giá thầu thì bị cạnh tranh gay gắt, lợi nhuận biên của ngành xây dựng nói chung suy giảm mạnh
- Lãi suất ngân hàng lại tăng do áp lực lạm phát, trong khi BT6 phải vay nợ rất nhiều, do đó chi phí chắc chắn sẽ cao
- Tỷ lệ nắm giữ của NNước quá cao, khiến cho các cổ đông bên ngoài lép vế
- Các dự án mới của BT6 hoặc là tham gia thầu để nợ đọng nhiều hơn, hoặc tham gia vào các BOT với vốn đầu tư lớn, thời hạn hoàn vốn rất dài, rủi ro cao. E rằng ráng thêm chút nữa thì BT6 phải vay ngân hàng để trả cổ tức quá
- Ngoài ra, thông tin một loạt dự án cầu có vấn đề về nạn ăn cắp vật liệu khiến cho NĐT không khỏi đặt câu hỏi là mấy cây cầu của BT6 có dính vào không?
Giao dịch và giá kỳ vọng
- Phải nói là hồi này giao dịch của BT6 kém, khó mua bán ngắn hạn
- Cộng các rủi ro của BT6 và bối cảnh thị trường hiện nay thì tốt nhất không nên mua BT6 giá quá 25. Còn bây giờ thì tôi .... không có BT6 trong danh mục.
BTC
Chỗ được
- Thú thật là tôi không thấy BTC có chỗ nào được cả
- Giá thấp: Ừm, thì thấp đấy, nhưng rẻ không thì tôi xin chịu
- Có tên tuổi một công ty, dù gì thì vẫn có chữ mấy chữ BTC chứ nhỉ?
- Cổ phiếu cơ hội để các cao thủ uýnh ngắn hạn
- Mục tiêu cho những nhà thâu tóm dòm ngó, vì cơ cấu cổ đông rộng
- KH là có lời, và KQKD quý I/2005 có lời chút đỉnh
Chỗ kém
- Là công ty đã lỗ 2 năm liền, và có nguy cơ lỗ thêm năm nữa => có thể bị miễn chơi trên sàn
- Tình hình tài chính là rất yếu kém, họ nợ mình và mình nợ họ tùm lum
- Giá đầu vào đang ở mức cao, đặc biệt là xi măng cũng nhúc nhích, dù đang được ghìm giá nhưng có Chúa mới biết là chuyện gì sẽ xảy ra khi mấy thứ khác thì lên rồi, điện thì phập phù lúc có lúc không
- Ban lãnh đạo không có năng lực, không đưa ra được giải pháp khả thi để cứu công ty
- Không có hợp đồng mới nào nổi bật hầu có thể tạo ra bước chuyển biến tốt
- Thanh khoản cực thấp
Giao dịch và giá kỳ vọng
- Giao dịch hầu như không có, đặt lệnh không theo thị trường, đôi lúc cực kỳ phi lý
- Tôi nghĩ BTC nên được bán hết với giá 1.000 đ/CP cho những người đủ sức xoay chuyển để cứu BTC, chứ còn vẫn để ban lãnh đạo cũ, năm nay lỗ tiếp, thì cổ đông sẽ đi die sớm.
CAN
Chỗ được
- Thương hiệu CAN kể ra thì có tiến bộ lên đôi chút so với 2,3 năm trước
- Thị trường thực phẩm đóng hộp là thị trường đang phát triển ở Việt Nam, dân Việt đang chuyển hướng xài hàng hiệu và hàng hộp (cà phê vườn và cà phê hộp chẳng hạn)
- CAN có vẻ phục hồi chút đỉnh sau vụ VAT 2003, đàng hoàng hơn với cổ đông
- KQKD của CAN xem ra đang tăng trưởng trở lại, dù rằng vẫn thấp.
Chỗ kém
- Ngành lương thực/thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm đóng hộp, sẽ chịu áp lực ngày càng lớn từ AFTA và WTO, trong khi đó thương hiệu CAN chưa có dấu hiệu gì có thể gọi là vững mạnh
- CAN chưa có dự án gì mới để có thể tạo ra lợi nhuận đột biến. ROE ở mức trung bình thấp
- Tài chính của CAN có thể xem là dưới trung bình, tồn kho và nợ phải thu lớn
- Báo cáo của CAN thường lệch so với kiểm toán, chứng tỏ trình độ quản lý công ty (corporate governance) còn kém
- Nguyên liệu đầu vào của CAN phụ thuộc nhiều vào đánh bắt, mà đánh bắt thì phụ thuộc vào ông Trời. Mấy năm nay ông Trời hơi đau ốm, chắc còn lâu mới lành nên CAN khó tăng mạnh công suất cũng như lợi nhuận
- Chiến lược quảng cáo/thị trường của CAN, rất quan trọng đối với ngành này, không có gì mới mẻ
- Thanh khoản của CAN là khá thấp.
Giao dịch và giá kỳ vọng
- Giao dịch của CAN ít, chỉ cần mua bán lượng lớn là có thể làm thay đổi nhiều về giá cả
- CAN có lẽ thích hợp cho việc đầu tư dài hạn nhưng giá không nên quá 14.5.
DHA
Chỗ được:
- Đập đá bán lấy tiền hồi này siêu lợi nhuận. Từ trong Nam ra đến ngoài Bắc, việc khai thác đá lời đến độ người ta sẵn sàng đập cả danh thắng để lấy đá
- DHA có sẵn mỏ đá, lại có đủ các đầu mối tiêu thụ nên lời là tất yếu, ROE của DHA thuộc hàng top trên sàn
- Tài chính lành mạnh, tiền bạc dư dả đủ đi đầu tư tài chính đó nghe
- Các dự án mới kể ra cũng tốt, đặc biệt đầu tư tài chính có thể đem lại lợi nhuận tốt nếu có đủ tiền (DHA có đủ), tài (nghe nói đang đi tìm) và vị trí (ờ, thì cũng có tí đỉnh)
- Ban lãnh đạo nghe nói là thuộc loại năng động, biết tự đi tìm việc
- Cơ cấu cổ đông rộng
- P/E còn thấp, KQKD lại tăng đều, NĐT NN cũng có mua vào nên thanh khoản thuộc loại khá, giá cả ổn định.
Chỗ kém:
- Mỏ đá lớn nhất, đem lại lợi nhuận cao cho DHA sẽ hết hạn cấp phép 5 năm nữa, nghe nói khả năng xin làm tiếp không phải dễ dàng
- Các mỏ mới còn đang chuẩn bị, mà từ rày trở đi việc khai thác khoáng sản chắc dần dần bị siết lại, yêu cầu môi trường cao hơn, do đó có thể làm cho đầu vào của DHA cao hơn
- Công nghệ đập đá chẳng có gì là cao siêu, nên vấn đề nằm ở chỗ có quan hệ tốt, mà quan hệ tốt thì .... phập phù lắm
- Đầu tư tài chính đem lại lợi nhuận lớn thì rủi ro cũng cao, tùy thuộc rất lớn vào tài năng của người cầm trịch, mà cái này thì phải xem DHA vẫy vùng thế nào đã. Hơn nữa, trong vụ này cũng có người chưa vừa ý lắm, một số NĐT vẫn thích là DHA nếu không có dự án mới khả thi thì chi tiền mặt cho anh em tự đầu tư vẫn hay hơn
- Việc đầu tư vào nhà máy xi măng ngốn vốn nhiều và lâu, mà chưa chắc lợi nhuận đã tốt, vì khó có ROE bằng hiện tại được
- Giá trên 30 khiến cho nhiều người hơi thận trọng khi đầu tư, cảm giác là cao nên ngại.
Giao dịch và giá kỳ vọng
- Giao dịch DHA thuộc vào loại khá, mua bán thường xuyên
- Giá hiện nay của DHA chơi dài hạn hay ngắn hạn đều có cửa, nhưng đại khái là không nên vượt quá mức 35.
DPC
Chỗ được
- Giá thấp, giao dịch ít, có thể đưa lên trần hoặc xuống sàn bằng chỉ một lệnh giao dịch cỡ vừa
- Công ty nhỏ, chỉ cần 5 tỷ là tóm gọn công ty, vậy nếu có đại gia ngành nhựa nào ngắm nghía được thì tốt
- Là đại diện duy nhất của miền Trung, nên chắc không bị phá sản (mất mặt lắm!)
- Có thị trường nho nhỏ ở Đà Nẵng, nếu đa dạng được sản phẩm thì biết đâu có thể “riêng một góc trời”
- Giá dầu có vẻ sẽ hạ đôi chút, DPC sẽ dễ thở hơn.
Chỗ kém
- Thật chẳng biết tại sao anh này lên sàn nữa, chắc là cho đủ lệ bộ ba miền Bắc, Trung và Nam chăng?
- Công ty quá nhỏ, quản lý vẫn còn theo kiểu bao cấp, ROE thấp hơn lãi suất ngân hàng, tài chính kém cỏi
- Ngành nhựa nói chung đã qua thời kỳ hoàng kim, giá bán hạ mà giá nguyên liệu tăng vùn vụt, cạnh tranh dữ dội cả trong và ngoài nước
- DPC hoàn toàn không có chiến lược phát triển rõ ràng, ngay cả dự án mới trong tương lai gần cũng xem như không nốt
- Thông tin cho cổ đông hết sức thiếu, đối xử với khách hàng tương đương các mậu dịch viên ngày cũ
- NĐT NN coi như quên DPC, thanh khoản thấp.
Giao dịch và giá kỳ vọng
- Theo tôi, cái tốt nhất của DPC là có thể thâu tóm được, thế thôi. Còn giao dịch thông thường thì không đáng kể
- Nếu sử dụng DCF thì giá sẽ rất thấp, nhưng nếu có kế hoạch thâu tóm thì mức giá rao mua có thể là 8.8 - 9
GIL
Chỗ được
- GIL trước nay có lợi nhuận biên cao, ROE cũng khá
- Ban lãnh đạo được đánh giá là tốt (nữ quyền đấy nhé), năng động, đối xử đàng hoàng với cổ đông, thông tin khá đầy đủ
- Sản phẩm chính (túi xách) có giá trị giá tăng khá hơn các loại hàng dệt may thông thường, có đối tác bao tiêu sản phẩm
- Tình hình tài chính vững vàng, quản lý tài sản và công nợ tốt
- Có BĐS chút ít
- Giá GIL khá ổn định, NĐT NN đã mua hết room từ lâu
- P/E thấp so với mức bình quân và cổ tức cũng khá.
Chỗ kém
- Ngành dệt may đang gặp nhiều khó khăn từ việc chống bán phá giá, nguyên liệu đầu vào tăng, áp đặt hạn ngạch và đặc biệt là cạnh tranh dữ dội từ Trung Quốc và Ấn Độ, lợi nhuận biên của ngành này đang giảm mạnh
- Ngoài ra, sự cạnh tranh từ chính trong nội bộ ngành khiến giá gia công và giá bán giảm
- GIL phụ thuộc quá nhiều vào một hai đối tác trong việc tiêu thụ sản phẩm, nên có thể gặp rủi ro khi cơm không lành canh không ngọt
- Việc kinh doanh BĐS của GIL không mấy suôn sẻ, chôn vốn quá lâu mà thu lời không được như ý. Ngoài ra, tiềm lực và kinh nghiệm của GIL chưa đủ lớn để theo đuổi các dự án này
- Việc đặt KHKD thấp cho năm 2005 cũng khiến nhiều NĐT thất vọng.
Giao dịch và giá kỳ vọng
- Khối lượng giao dịch của GIL ở mức trung bình, biên độ dao động giá không lớn lắm.
- GIL có thể vừa đầu tư dài hạn và ngắn hạn ở mức giá hiện nay, dao động từ 31 – 32.
GMD
Chỗ được
- GMD là một công ty năng động, một con cá kình thực sự. Mặc dù GMD đã qua thời kỳ phát triển siêu tốc, nhưng ROE hiện nay của GMD vẫn là niềm mơ ước của nhiều công ty
- Thị trường hàng hải của Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng. Hiện nay thị trường này đang được bảo hộ nhiều, cơ hội kiếm được lợi nhuận vẫn còn khá
- GMD có vị thế tốt trên thị trường hàng hải, lại là con cưng của VNL, có hạ tầng khá tốt
- Tình hình tài chính của GMD lành mạnh, vốn liếng hùng hậu thừa khả năng thực hiện các dự án đã đề ra
- Các dự án mới của GMD được đánh giá là hay, có khả năng đem lại lợi nhuận lớn (nếu làm tốt thôi nghen!)
- Mảnh đất tại trung tâm của GMD đáng giá vàng ròng, kỳ vọng nếu xây được cao ốc thì cổ đông yên chí sẽ được đếm tiền lẻ
- GMD có chiến lược vươn ra thị trường thế giới, như việc mở dự án ở Singapore hay tính niêm yết ở SGX. Hoan nghênh!
- Room NN của GMD còn khá nên giá của GMD được support tốt
Chỗ kém
- Chán nhất là vụ lùm xùm của VNL kéo theo GMD, vụ Thanh Tra về GMD và MHC
- Chán nhì là ban lãnh đạo GMD có vẻ rất lằng nhằng, từ vụ hãng tàu Hanjin đến vụ liên doanh OOCL, vụ cổ phiếu trả chậm đến chậm xây cao ốc Lê Thánh Tôn, ...
- Chán ba là các hãng tàu đang dần dần rời GMD, nên mặc dù lợi nhuận GMD chưa suy giảm nhưng tăng thì cũng hổng tăng nhiều. Phải đợi các dự án mới cái đã
- Chán thêm nữa là giá xăng dầu tăng mạnh khiến cho giá vốn dịch vụ của GMD cao lên
- Chán cuối cùng là khả năng sinh lời của GMD đã bão hòa, lợi nhuận khó tăng đột biến nên việc đầu tư vào GMD khó tạo ra lợi nhuận ngắn hạn
Giao dịch và giá kỳ vọng
- Giao dịch GMD hoặc là để giữ giá, hoặc là đầu tư dài hạn
- Tâm lý của nhà đầu tư có vẻ chờ đợi kết luận về vụ Thanh Tra ở VNL đã, chả biết là sẽ giơ cao đánh khẽ hay thí tốt diệt quân, nghiêm khắc xử lý để làm gương cho thiên hạ
- Xét các điều kiện, giá của GMD chắc sẽ không thay đổi gì lớn, loanh quanh ở 51 – 52 với bước nhảy 500 như thường lệ. Với mức giá này GMD có thể được xem là một cổ phiếu tốt để đầu tư dài hạn.
HAP
Chỗ được (hừm)
- Nếu chỉ xét riêng về KQKD thì HAP thuộc loại ngon lành, KQKD tăng thường xuyên qua các năm, tình hình tài chính đã được cải thiện hơn sau thời gian tập trung vào dự án KRAFT
- HAP có thị trường ngách riêng, lại được Đài Loan bao tiêu sản phẩm
- HAP có chiến lược về đầu tư vùng nguyên liệu, quản trị công ty không đến nỗi tồi, ông Hiền là tiến sĩ đó nghe
- Công ty Giấy Hải Ấu, con của HAP, làm ăn cũng tốt, lại nghe nói đang chuẩn bị hồ sơ niêm yết ở TTGD Hà Nội
- Các dự án của HAP nếu thực hiện thành công sẽ có thể giúp HAP đa dạng hóa sản phẩm, gia tăng lợi nhuận
- Cổ tức/thị giá của HAP khá cao trên sàn
- HAP được Tp Hải Phòng ưu ái, xem là con cưng của địa phương
- HAP sẽ phát hành cổ phiếu mới khiến cho giá có thể giảm => dễ mua bán hơn.
Chỗ kém
- Chỗ mà người ta không thích nhất về HAP là ông Hiền xem như nắm được cổ phần chi phối, nên ông muốn đặt ra cái gì cũng được ĐHCĐ thông qua, chuyện này chán đến nổi mà ĐH CĐ vừa rồi chẳng có mấy người là NĐT bên ngoài, và mọi chuyện đều nhất trí thông qua, kể cả việc chém của cổ đông 30% lợi nhuận??!!
- Chi phí cho HĐQT và Tổng Giám Đốc là lớn trong khi trong khi HAP thuộc hàng nhỏ
- Ngành giấy VN nói chung không được đánh giá cao lắm về khả năng cạnh tranh do công nghệ lạc hậu, trình độ quản lý kém. Một khi AFTA và WTO mở ra thì các doanh nghiệp giấy sẽ mệt nhiều
- Chi phí đầu vào của ngành giấy đang gia tăng không ngừng, từ nguyên liệu đến điện nước, và sẽ làm sút giảm nghiêm trọng lợi nhuận biên của ngành
- Việc phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Đài Loan khiến cho vấn đề tiêu thụ các sản phẩm của HAP có vẻ bấp bênh, còn các sản phẩm khác chưa cạnh tranh tốt lắm ở thị trường nội địa, ví dụ giấy tissue kém Giấy Sài Gòn.
- Dự án Giấy Kraft thi công quá chậm, chôn vốn lớn, kéo dài khả năng nâng lợi nhuận của HAP và giảm lòng tin của cổ đông
- KQKD quý I/2005 bất ngờ giảm thấp (nhưng hình như chưa tổng hợp phần của Hải Âu).
Giao dịch và giá kỳ vọng
- Với mức giá hiện nay, giao dịch của HAP thuộc loại trung bình khá, có lên xuống chút ít đủ để chơi ngắn hạn
- Về lâu dài, giá của HAP ở mức 23 là rất tốt để đầu tư (do Warren Buffet của Việt Nam bảo lãnh!)
HAS
Chỗ được
- Tỷ lệ sinh lời rất tốt, thuộc hàng TOP
- Làm ăn phát đạt, lợi nhuận tăng thường xuyên
- Có thị trường xây lắp riêng là ngành Bưu Điện ở phía Bắc. Nếu xét riêng thị trường nhỏ này thì thị trường này phát triển tốt, nợ nần đỡ hơn nhiều so với thị trường xây dựng của Việt Nam nói chung
- Có BĐS riêng, đang chuẩn bị xây dựng dự án chung cư. Nếu chỉ xét riêng BĐS ở Hà Nội thì chắc là cao hơn cả giá trị vốn hóa của công ty
- Dự án mới coi cũng được, có thể làm tăng lợi nhuận
Chỗ kém
- Kém như ngành xây dựng nói chung
- Tình hình tài chính do đó không được tốt, nợ xấu nhiều tới độ phải phát hành CP để trả nợ
- Thị trường riêng chắc chắn bị chia sẻ, phụ thuộc nhiều vào quan hệ nên phập phù, mà nhảy ra ngoài thì không đủ to và đủ thế để cạnh tranh công trình lớn
- Ban lãnh đạo thuộc loại chia thưởng nhiều, ít thông tin cho cổ đông
- Cổ phiếu của HAS được cổ đông NNước và CBCNV kiểm soát chặt, NĐT bên ngoài khó len chân vào
- Chi phí đầu vào của ngành xây dựng đang tăng (kể cả thép dù thế giới có nguy cơ khủng hoảng thừa)
- NĐT NN không quan tâm (đây là một đặc điểm chung của các công ty miền Bắc, có lẽ là do NĐT NN chủ yếu ở miền Nam nên không rõ lắm các công ty ở phía Bắc chăng?)
Giao dịch và giá kỳ vọng
- HAS thuộc loại ít giao dịch, biên độ dao động giá không đáng kể, thuộc loại đầu tư dài hạn
- Xét KQKD hiện nay và dự án BĐS mới thì giá 25 – 26 là có thể chơi được.
KHA
Chỗ được
- Chỗ được nhất của KHA là thái độ tốt đối với cổ đông, biết cách giữ giá cổ phiếu, công ty nhỏ mà thông tin thường xuyên
- Chỗ thứ hai là kinh doanh BĐS tốt. Với thực lực như KHA mà vẫn làm thành công một số dự án BĐS là kể như là giỏi
- Ban lãnh đạo của KHA rất biết quan hệ, chí ít thì cũng rất hữu hảo với Quận 4 (DN của quận mà). Ngoài ra cũng tháo vát, biết xoay xở trong vị thế nhỏ của mình
- Cổ tức cao
- Tình hình tài chính cũng được, đợt này bán xong căn hộ chắc cũng lên kha khá
- Thanh khoản hồi này đạt loại khá, giá ổn định
Chỗ kém
- Hoạt động kinh doanh chính của KHA, dệt may, đang gặp khó khăn, lợi nhuận giảm. Ngành dệt may nói chung đang gặp hạn do cạnh tranh lớn từ Trung Quốc
- Xét đến cùng thì KHA hổng có thương hiệu rõ ràng, chỉ ngang cấp quận, sản phẩm dệt may của KHA chủ yếu là gia công, các sản phẩm khác làm cho KHA có hình ảnh của một “thợ đụng”
- Thực lực của KHA để kinh doanh BĐS là hơi yếu, vì vậy mặc dù các dự án BĐS của KHA có thể đem lại lợi nhuận trước mắt, nhưng khó có thể duy trì lâu dài như REE, một khi KHA hết đất là coi như tiêu luôn
- Trả cổ tức quá nhiều làm KHA cạn tiền mặt, phải thường xuyên phát hành CP mới làm cổ đông chạy theo hụt hơi
- Ngoại trừ các dự án BĐS, các dự án dệt may hay lâm thủy sản của KHA rõ ràng là không tiên đoán rõ thị trường và đánh giá đúng năng lực của công ty nên khó lòng làm cải thiện được lợi nhuận của KHA
- Xét về năng lực lãnh đạo, Ban Lãnh Đạo của KHA mặc dù xoay xở tốt, nhưng không được đánh giá là loại có đảm lược để xây dựng công ty lớn.
Giao dịch và giá kỳ vọng
- Giao dịch của KHA hồi này cũng khá, dao động giá cũng cho phép kiếm ăn chút đỉnh
- Theo tôi, KHA thuộc loại đánh ngắn hạn, trong vòng 6 tháng nữa thì giá hiện tại có thể đem lại đủ lợi nhuận để ... liều.
LAF: là một hiện tượng thú vị, nhiều người đã mổ xẻ, e rằng không nên nói ở đây quá nhiều nhỉ?
Chỗ được
- KQKD và doanh thu hơn 1 năm nay tăng vù vù, và có khả năng tăng tiếp
- Thị trường điều thế giới đang rất hút hàng, sự thay đổi khẩu vị tiêu dùng cho phép kỳ vọng thị trường điều vẫn tốt trong nhiều năm sau, giá xuất khẩu tăng liên tục, trong khi đó, mặc dù thời tiết không thuận lợi, nhưng năng suất điều của VN vẫn cao nhờ vào các giống điều mới, tin rằng điều VN đủ sức cạnh tranh ngang ngửa với bất kỳ chú nào
- P/E của LAF quá thấp, ROE ngày càng cao, cổ tức cũng khá
- Nhiều kỳ vọng về LAF có thể tạo ra đột biến về giá như tăng cổ tức, chia cổ phiếu
- Giao dịch LAF rất thú vị, giá biến động liên tục giúp đem lại lợi (và lỗ lã) cho những người tham gia
- Tài chính của LAF cũng được cải thiện khá qua năm vừa rồi. Dự kiến tình hình sẽ được cải thiện trong năm nay và qua đó sẽ nâng cao vị thế của LAF, cho phép LAF dự trữ được nguyên liệu nhiều, đáp ứng các hợp đồng lớn.
Chỗ kém
- Thị trường nông sản là thị trường phập phù, ai biết lúc nào giá lên và lúc nào giá xuống, trong khi đó, đặc thù ngành điều yêu cầu phải dự trữ nhiều nguyên liệu vào đầu năm để xuất trong năm, do đó giá xuất khẩu giảm mạnh trong năm sẽ gây ra tai họa lớn
- Do xuất điều đang đem lại lợi nhuận, nơi nơi đua nhau trồng và chế biến điều, e rằng rồi cũng chẳng khác gì chuyện mía, mì, cá, .... Biết rồi, khổ lắm ....
- Vì phải vay ngắn hạn để dự trữ nguyên liệu, tình hình tài chính của LAF có những bất ổn của nó, do đó LAF có thể không phải là ưu tiên của những NĐT thận trọng
- Việc nhảy lung tung qua các dự án khác như đầu tư tài chính, chế biến thủy sản làm giảm tỷ lệ sinh lời của LAF. Ví dụ, việc đầu tư vào VF1 thể hiện khả năng đầu tư .... không cao lắm
- Cổ đông trong công ty (và NNước) nắm đủ CP để chi phối công ty, có thể tự chia thưởng hay đặt lợi nhuận thấp làm thất vọng anh em, hay kiểm soát các chính sách khiến cổ đông không hài lòng (ví dụ, không chịu tách CP mặc dù thừa khả năng để tách, ai biểu chia cổ tức nhiều quá đâu mà sợ!)
- NĐT NN liên tục bán ra làm bất ổn tâm lý đầu tư của nhiều người (và là cơ hội kiếm lợi của nhiều người khác!)
Giao dịch và giá kỳ vọng
- Như đã nói, giao dịch của LAF hiện nay rất thú vị, đem lại nhiều lợi nhuận cũng như lỗ lã cho những người có tham gia. Tôi đánh giá LAF cao nhất về vụ chơi ngắn hạn
- Về dài hạn, giá như hiện nay là quá ổn, có thể mua lâu dài mà hoàn toàn không lo lắng.
MHC:
Chỗ được:
- Ngành vận tải là ngành đang phát triển mạnh, đem lại lợi nhuận cao. Việc quản lý và kinh doanh BĐS đang là cơ hội béo bở
- MHC là con cưng của ngành, được nhiều sếp và công ty ưu ái
- KQKD tăng trưởng đều, tình hình tài chính lành mạnh (chưa tính vụ Đê chắn sóng).
- Cơ cấu cổ đông rộng, tính thanh khoản của cổ phiếu cao, ngang ngửa REE
- NĐT NN có quan tâm đến MHC, sức mua của họ đối với MHC dẫu không cao nhưng khá đều đặn. Ngoài ra, các lệnh giao dịch cho thấy rằng có một số nhà đầu tư lớn cũng đang quan tâm đến MHC
- P/E hiện tại có thể xem là thấp, xét theo bình quân của thị trường và khả năng tăng trưởng của công ty
Chỗ kém:
- Việt Nam trước sau gì cũng mở cửa thị trường hàng hải, các công ty được bảo hộ của VNL sẽ bị cạnh tranh dữ dội bởi các đại gia nước ngoài
- Vụ nợ xấu 11,1 tỷ bị cho ra ngoài sổ sách, có đề cập trong báo cáo kiểm toán của AASC năm 2004 (các bạn nên tìm đọc), có thể làm giảm nghiêm trọng KQKD của MHC
- Các dự án đầu tư mới không có gì xuất sắc, và có thể thấy BGĐ chưa hẳn đã cao tay. Việc nhảy vào thị trường xây dựng để xảy ra sự cố nợ 11 tỷ này có thể được xem là một ví dụ.
- Đối với các khoản thu nhiều lợi nhuận cho MHC như tàu Phong Châu, hay vốn góp ở Transvina, thì MHC lại không nắm cổ phần chi phối
- Việc bỏ qua khoản nợ xấu trong báo cáo 2004, không giải thích rõ ràng cho cổ đông và NĐT về việc góp vốn vào OPB cho thấy thái độ đối với cổ đông bên ngoài là chưa tốt
- Vụ rắc rối ở VNL và mâu thuẫn giữa TGĐ với 3 Phó Tổng (trong đó có ông Hùng, Chủ Tịch MHC) có thể gây bất lợi cho các mối quan hệ làm ăn của MHC
- Chi phí xăng dầu đang cao, cho dù giá dầu có thể giảm chút ít, nhưng vẫn đứng ở mức cao, sẽ làm cho giá vốn của MHC cao lên, lợi nhuận có thể giảm
- Chưa có kết luận của Thanh Tra về OPB, nhưng MHC chắc sẽ không được hưởng tỷ lệ góp vốn cao như dự kiến, mà cũng rất có khả năng không được hưởng chút xíu nào, phải lấy lại tiền về. Có người nói rằng chuyện này sẽ không ảnh hưởng gì đến lợi nhuận của MHC, nhưng thử nghĩ xem, MHC được thành lập với mục tiêu ban đầu là góp vốn vào MHC. Bây giờ hoạt động kinh doanh chính lại là zero, chắc chắn sẽ có ảnh hưởng rất lớn cho hình ảnh của công ty về lâu dài.
Giao dịch và giá kỳ vọng:
- MHC được chỗ hay là khối lượng giao dịch từ lúc lên sàn đến giờ rất khá, và duy trì liên tục. Giá cũng biến động thường xuyên nên nhà đầu tư nhỏ có thể kiếm được chút ít. Soncanh là một điển hình rất thành công, cần học tập.C
- MHC chơi dài hạn cũng được, ngắn hạn cũng tốt.
- Xét xu hướng thị trường và tổng hợp thông tin về MHC, trong đó rủi ro pháp lý là rất quan trọng, tôi nghĩ nên thận trọng đối với MHC một chút và giá MHC có thể đầu tư sẽ khoảng 16.7 – 17.2
NKD
Chỗ được
- Kinh doanh phát đạt, tỷ lệ sinh lời tốt, thị trường riêng khá ổn, thương hiệu mạnh, đó là cái nhìn tốt đẹp về NKD
- Chiến lược phát triển của NKD khá tham vọng, lại được tập đoàn KD hỗ trợ, sản phẩm có nét độc đáo riêng, là công ty chuyên ngành đa sản phẩm (Duyệt!)
- Tài chính lành mạnh, rủi ro thấp
- Các dự án mới được chuẩn bị kỹ càng, chuyên nghiệp, có đánh giá rủi ro, và kỳ vọng sẽ tốt, nâng cao được vị thế của công ty
- Quản lý công ty minh bạch, có hệ thống phân phối tốt, đối xử với khách hàng có bài bản
- Công khai và minh bạch với cổ đông
- Room còn nhiều, P/E cũng thấp, giá tăng ổn định
Chỗ kém
- NKD do KD mẹ kiểm soát hoàn toàn, hổng có chỗ cho người khác chơi đâu nghe
- Phụ thuộc vào thương hiệu và hệ thống của KD, nấp dưới bóng KD, nên nếu lỡ gây lộn thì cứ ráng đỡ. Hoặc KD có thể chơi chiêu chuyển lãi thông qua việc bán nhãn hiệu, lúc đó cổ đông NKD tha hồ buồn
- Thị trường thực phẩm, bánh kẹo là thị trường cạnh tranh, đòi hỏi ban lãnh đạo luôn luôn cảnh giác, sa chân là chìm liền
- Giá đầu vào đang lên, KQKD quý I không cao như kỳ vọng nên giá tạm thời chững lại
- NKD không có BĐS riêng, vốn là mốt hiện nay mà.
Giao dịch và giá kỳ vọng
- Giao dịch NKD đứng ở mức vừa phải, giá cũng ổn định quanh mức 34. Với KH phát hành thêm cổ phiếu của NKD, cân nhắc tốt thì oánh ngắn hạn cũng được (nhớ nhờ kiencuong và soncanh tư vấn – và hai bạn nhờ trả tiền cò cho nhaque nghen!)
- Ở mức giá hiện nay (34) thì đầu tư dài hạn vào NKD là rất tốt, vụ này do soncanh bảo đảm đấy nhé.
PMS
Chỗ được
- Giá thấp, P/E cũng thấp, cổ tức/thị giá thuộc loại cao nhất
- Lợi nhuận ổn định, mấy năm nay có tăng chút đỉnh
- Thị trường và sản phẩm mặc dù không có gì đột biến nhưng vẫn có chỗ để phát triển, được phe hóa dầu/xăng dầu ủng hộ nên cũng tốt
- Công ty làm ăn bình thường, không có điều tiếng gì lớn, có thể xem là trái phiếu cũng được
Chỗ kém
- Tỷ suất lợi nhuận thấp, khả năng đột biến không có
- Các dự án mới không có gì đáng xem
- Ban lãnh đạo giông giống lãnh đạo SOE hồi cũ, thông tin và tiếp túc với cổ đông rất ít
- Giao dịch ít quá nên NĐT không quan tâm, và NĐT NN thì quên luôn cho tiện đường xá
Giao dịch và giá kỳ vọng
- Giao dịch PMS thuộc loại thấp, thanh khoản kém nhưng giá thì ổn định
- Ở mức giá 14 này, mua vào rồi để đó hưởng cổ tức cũng đỡ.
REE
Chỗ được (chắc không cần phải nói nhỉ?)
- Cơ điện lạnh đang phát triển tốt, thị trường mở rộng, dù cạnh tranh mạnh. REE có vị thế tốt, tiềm lực vững vàng nên có khả năng giành được hợp đồng lớn
- Thương hiệu REE được chăm sóc khá tốt, đang dần dần trở thành một thương hiệu Việt mạnh
- Sau khó khăn của 2002 – 2003, REE đã khởi sắc trở lại, KQKD tăng trưởng tốt, dự kiến vẫn tiếp tục gia tăng nhanh chóng trong vài năm tới. Tình hình tài chính rất lành mạnh
- BĐS có thể được xem là mặt mạnh nhất của REE, dự kiến trong 2005 sẽ là bộ phận đem lại lợi nhuận lớn nhất. Với diện tích đất có sẵn, E-town và các dự án khác là một sự điều chỉnh hoạt động thành công của REE, đưa REE vào hàng đại gia BĐS, giá trị BĐS của REE theo thị trường có thể vượt xa giá trị vốn hóa của REE trên sàn
- Dự án BĐS e-town 2 được kỳ vọng sẽ tạo ra đột biến về lợi nhuận tiếp theo cho REE
- Hoạt động kinh doanh tài chính của REE khá sáng sủa. Phi vụ SACOMBANK có thể được xem là thành công của REE
- Ban lãnh đạo REE được xếp hàng TOP trong các CTNY, chuyên nghiệp và hiệu quả, kế toán minh bạch, đối xử với cổ đông đàng hoàng
- Cơ cấu cổ đông rộng rãi (hầu như NĐT nào cũng quan tâm đến REE), NĐT NN đặc biệt yêu thích REE. Nhà Nước chỉ nắm 10% nên không lo lắm đến việc bị chi phối hành chính
- Giao dịch của REE thường cao, thanh khoản đệ nhất trên sàn. REE là chỉ báo của VNI-Index, REE lên tức là thị trường lên, và ngược lại ....
Chỗ kém
- Hiện nay ROE của REE còn hơi thấp còn P/E ~ 10, kém hơn các blue chips khác
- Dù lợi nhuận của REE tăng đều, nhưng doanh thu không đáp ứng kế hoạch, chứng tỏ REE vẫn gặp khó khăn trong việc gia tăng doanh số trong lĩnh vực M&E và tiêu thụ các sản phẩm Reetech
- BĐS đang chiếm phần lớn trong thu nhập của REE, mà cái này lại phụ thuộc vào sự phát triển của nền kinh tế, nên ví lỡ 10 năm nữa nền kinh tế chững lại, thì mảng BĐS sẽ sa sút, lúc đó làm sao bán được E-towns?
- Madame Thanh dù là người giỏi, nhưng ôm đồm quá thì không tốt. Ngày xưa, Khổng Minh là bậc trí giả siêu phàm, vậy mà ôm đồm mọi chuyện, từ đánh nhau cho đến việc lo lắng bữa ăn cho lính, nên suy kiệt mà kết, từ đó nước Thục diệt vong. Madame Thanh vì vậy cũng nên có thêm thật nhiều nhân tài phụ tá mới có thể hoàn thành giấc mộng xây dựng REE thành một tập đoàn
- Điều mà tôi cảm thấy tiếc cho REE, cũng như nhiều công ty khác, đó là không sử dụng R&D thật nhiều để đạt được công nghệ cao cho Reetech, đạt tới một tầm cao thật sự, mà nhảy vào quá nhiều lĩnh vực để tìm kiếm lợi nhuận, làm lãng phí đi nguồn lực lớn nhất là thời gian. Hỡi ôi, chẳng biết bao giờ chúng ta mới có được Intel hay Microsoft nhỉ?
- Room của NĐT NN đã hết, việc tăng giá đột biến của REE cũng không còn, khả năng kiếm lời từ REE cũng giảm (hu, hu)
- Vì là chỉ báo của VNI nên thi thoảng giá REE vẫn bị mấy con cá to lũng đoạn, làm mấy chú cá nhỏ (như nhaque) bơi theo muốn hụt hơi.
Giao dịch và giá kỳ vọng
- Mấy hồi này giao dịch của REE chững lại, khối lượng coi mòi hơi giảm sút, chỉ có sự thay đổi giá mới kích cầu hay cung được
- Thông thường, kết quả kinh doanh của REE hay quý đầu năm không cao, do đó giá cũng ba chìm bảy nổi
- Dự báo giá REE sẽ không thay đổi nhiều, nhưng nếu REE cung cấp thông tin về BĐS khả quan, thì giá có thể nhích lên tí chút
- Thông báo về KQKD tháng 4 khá tốt, nếu cả ba tháng quý II mà được như vậy thì giá REE sẽ tăng
- Còn nếu không có 2 sự kiện trên thì REE sẽ ở mức 26. Ai mua vào để đến cuối năm thì được kiencuong bảo đảm cho 20% (30% - 10% đã tăng đầu năm nay). Heh, heh
- Với tính thanh khoản tốt, REE đánh dài hạn cũng ngon, mà thi thoảng nếu chú ý vẫn vợt được 1 vài cú ngắn hạn.
SAM
Chỗ được
- Tôi nghĩ chỗ được lớn nhất của SAM chắc là vị thế của SAM. Nằm trong vòng tay ưu ái của VNPT, có bạn hàng sộp là các bưu điện thì không lời mới là chuyện lạ đó nghen.
- Thị trường dây điện, dây cáp là thị trường khá ngon lành, SAM là doanh nghiệp khá vững vàng (tôi nghĩ nó còn to hơn TAYA đấy chứ)
- KQKD của SAM tăng đều đặn qua các năm. Với các dự án mở rộng sản xuất vừa và sắp hoàn thành, SAM sẽ có cơ hội tăng doanh thu và lợi nhuận lớn (vì tỷ lệ lợi nhuận gộp của SAM khá cao)
- Liên doanh SAMVI nghe nói đã đi vào hoạt động, trong vài năm tới cũng sẽ đóng góp tốt vào lợi nhuận cho SAM
- Theo thông tin về BĐS thì SAM có 6,5 ha ở Nhơn Trạch, ở đó đang sốt đất nên 11 tỷ của SAM có lẽ cũng sắp thành 65 tỷ rồi. Duyệt!
- Tình hình tài chính của SAM rất tốt, dư tiền đi đầu tư mà lỵ. Khách hàng chính là các bưu điện, mà bưu điện thì tiền bạc rủng rẻng nên rất Okie
- Bộ máy lãnh đạo của SAM cũng chuẩn, ông Trắc là người đàng hoàng, nên dù rằng trích thưởng hơi cao nhưng cổ đông cũng không phàn nàn đâu nhỉ?
- Giao dịch của SAM không cao, không thấp, là CP có thể yên ổn đầu tư dài hạn, nhiều cổ đông thuộc loại đại gia (cứ coi giao dịch là biết), nên ít khi bị rush to sell.
Chỗ kém
- 49% của NN có thể xem là điểm kẹt lớn nhất của SAM. Chỉ cần nắm thêm 2% Cp nữa là ông Trắc muốn làm gì cũng được. Ổng làm tốt (đến nay thì hình như là vậy) thì cổ đông nhờ, còn làm xấu thì chỉ có nước cho SAM bye-bye danh mục đầu tư thôi. Có lẽ đó cũng là lý do tại sao hổng ai có ý kiến gì về chuyện khen thưởng nhiều của SAM cả
- Nguyên liệu đầu vào chính của SAM như đồng hay nhựa liên tục tăng giá nên lợi nhuận gộp của SAM cũng giảm. KQKD quý 1/2005 có thể được xem là một ví dụ
- Các công ty khác trong ngành dây cáp/dây điện đang cạnh tranh mạnh với SAM, thực lực cũng không kém hơn là bao. Sắp tới ngành bưu chính bỏ dần dần độc quyền thì SAM cũng bớt đi lợi thế. Đồng thời dự báo sản xuất cáp đồng sẽ dần dần bị thay thế bởi cáp quang, thị trường có thể thu nhỏ lại
- SAM ít liên lạc với cổ đông (nhưng cũng không có điều tiếng gì)
- Room của NĐT NN cũng sắp hết khiến cho giao dịch của SAM rơi vào thế cầm chừng, thanh khoán kém
- Thêm vào đó, việc TAYA có thể sớm lên sàn làm cho người ta quay sang so sánh SAM, và thấy hình như nó hơi cao thì phải (mặc dù đâu có cao!)
- Nếu muốn thực hiện dự án BĐS ở Nhơn Trạch, SAM cần phải đổ nhiều tỷ nữa, và nhiều sức nữa. Đó sẽ vừa là cơ hội tăng lợi nhuận, nhưng (rất bình thường) cũng tăng luôn rủi ro cho SAM
Giao dịch và giá kỳ vọng
- SAM có một điểm thú vị ở chỗ: đôi khi giao dịch ít xỉn à, đôi khi giao dịch lô lớn lại xuất hiện ào ào, tùy theo ... sự mưa nắng của các nhà đầu tư lớn
- KQKD quý I và dự báo các quý sau không sáng sủa lắm do giá nguyên liệu cao khiến cho giá của SAM có phần suy giảm. Đợt vừa rồi hình như nhờ thông tin về BĐS vớt lên nên cũng đỡ ẹ
- Thị trường như hiện nay thì giá chắc không lên mà cũng không xuống, dao động ở mức 37 – 37.5 mà thôi. SAM là thứ để đầu tư dài hơi một chút
SAV
Chỗ được
- Anh này xét ra cũng được đấy chứ, ở trong cả hai ngành rất phát triển là gỗ và BĐS, lại có thể bổ sung cho nhau chút đỉnh
- Lợi nhuận của SAV tăng khá đều đặn, khối BĐS đang kỳ vọng sẽ có đột biến trong năm nay và năm sau. Doanh thu cũng khá
- Thương hiệu SAV trong ngành đồ gỗ rất được thừa nhận, trình độ công nghệ được xem là hàng khá ở Việt Nam, có bạn hàng thân thiết ở Nhật Bản, và có chiến lược mở rộng thị trường
- Sản phẩm của SAV được xếp vào loại chủ lực của Tp Hồ Chí Minh, được ưu đãi tín dụng nhờ làm xuất khẩu
- SAV đang cố gắng xây dựng một thương hiệu BĐS, đó là hướng đi đúng đắn (chỉ xếp sau REE trong mặt này)
- KH 2005 được xem là tốt, các dự án được kỳ vọng là sẽ nâng cao năng lực của SAV trong ngành đồ gỗ cũng như đem lại lợi nhuận tốt (trong BĐS)
- Ban lãnh đạo được xếp loại năng động, uy tín, chuyên nghiệp trong đối xử với khách hàng và với cả cổ đông, thông tin cũng được
- Cơ cấu cổ đông rộng, được NĐT NN ưa chuộng và đã mua hết room, trong khi cổ phần NNước lại không lớn, P/E thuộc loại trung bình thấp.
Chỗ kém
- Chia thưởng hơi nhiều
- Ngành gỗ gặp khó khăn nhiều về nguyên liệu, lại rất có thể bị đe dọa đánh giá phá giá nếu phát triển quá nóng
- Bản thân ngành gỗ trong nước cũng rất cạnh tranh, nhiều công ty cứ cố kiếm cho được HĐ xuất khẩu, làm khổ dân lâu năm như SAV
- Ngoài ra, giá vận tải tăng cũng làm khó cho việc xuất khẩu gỗ, vì đồ nặng và cồng kềnh không à
- Tài lực về BĐS của SAV cũng có hạn, e rằng không kham nổi dự án lớn và duy trì lợi nhuận được lâu dài như REE
- Việc tập trung nhiều vào thị trường Nhật Bản trong xuất khẩu gỗ khiến cho cái giỏ xuất khẩu của SAV hơi bấp bênh
- Mixtơ Trọng hơi cứng tuổi, mà nhân tài ở SAV hơi giống lá mùa thu (ấy là bạn tôi ở gần đó nói đấy) nên sự phát triển lâu dài của SAV có thể kẹt
- SAV có thói quen báo cáo KQKD thấp trong 3 quý đầu, nên giá giữa năm bao giờ cũng hơi thấp
- Room của NĐT NN đã hết, KQKD khó đột biến do đó khả năng tăng giá mạnh khó xảy ra.
Giao dịch và giá kỳ vọng
- Giao dịch của SAV thường chững lại vào thời gian này, nhưng thi thoảng giá cũng dao động nên ngắn hạn vài ba nghìn CP vẫn có thể kiếm ăn được
- Đầu tư dài hạn đối với SAV thì giá ~ 30 là khá chuẩn.
SFC
Chỗ được
- Ngành kinh doanh của SFC thuộc loại ngon lành, dù là bán lẻ xăng dầu, cho thuê đất hay làm thợ mộc: đó là đánh giá chung
- Đặc biệt bán lẻ xăng dầu không phụ thuộc lắm vào dao động của nền kinh tế
- KQKD của SFC đang gia tăng nhanh, ROE đã lên mức khá
- Tài chính lành mạnh, ít bị mắc nợ, ít rủi ro trong đầu tư, không dính vô chuyện nhập xăng nên khỏi lo bị kiềm giá
- BĐS ê hề, chỉ cần có nguồn lực (dễ, đi huy động được mà) và khả năng (đang kiếm) là có tha hồ dự án BĐS kiếm bộn
- Giá đang thấp, P/E cũng thấp, khả năng tăng trưởng có sẵn nên khả năng tăng giá cũng tốt
- Công ty nhỏ, có thể kiểm soát được nếu có khả năng.
Chỗ kém
- Chưa tạo ra được văn hóa bán hàng để tạo nên thương hiệu dịch vụ SFC
- Ban lãnh đạo ở tầm trung, chưa có tầm nhìn dài hạn, dự án mới không lấy gì làm xuất sắc
- Việc nhảy vào lâm sản của SFC không được đánh giá cao, vì có vẻ nằm ngoài kinh nghiệm của SFC
- NĐT vẫn còn e dè về chuyện NNước nâng giá cho thuê đất có thể ảnh hưởng SFC vì đất của SFC nhiều quá, mà con số lợi nhuận tuyệt đối chưa phải là cao. Nếu giá thuê tăng vọt thì ROE của SFC có thể thấp đi nhanh chóng
- Phân tích KQKD thì thấy rằng phần lợi nhuận ngoài HĐKD chính chiếm đa số, làm cho NĐT thận trọng không dám tiến lên. Nếu SFC giải thích rõ việc này thì tốt hơn nhiều
- Dù có cải thiện nhưng thanh khoản vẫn kém, khó mua bán lớn mà không làm dao động giá cả, do đó muốn thâu tóm cũng không dễ
Giao dịch và kỳ vọng
- Giao dịch của SFC thuộc mức trung bình thấp, nhưng nếu nhìn đến tháng 6/7 thì cũng có thể chơi ngắn hạn ở mức giá này
- Nếu đầu tư lâu dài thì giá 21 – 22 là chuẩn.
SGH
Chỗ được
- Chỗ được nhất là cái mặt tiền của SGH, dù là thuê của NNước. Nếu là người tháo vát thì có thể tạo thêm được thu nhập
- Ngành du lịch dù gì cũng được cái tiếng là sang trọng, dù rằng tỷ suất lợi nhuận không cao (trừ ngành lữ hành), tăng trưởng cũng ổn định
- KQKD ổn định qua năm tháng
- Thị giá cũng thấp, công ty không lớn lắm nên nếu nghiên cứu để thâu tóm thì biết đâu đấy
Chỗ kém
- Chỗ kém nhất chính là cái khách sạn, bỏ đi cũng dở mà để lại thì không xong. Tỷ suất lợi nhuận thấp, không có khả năng tăng trưởng
- Sản phẩm đơn điệu, doanh thu không lên nổi vì kẹt cứng cái khách sạn
- Ban lãnh đạo chỉ ngang tầm một ban quản lý khách sạn/nhà hàng bình thường, không tạo ra được nét độc đáo cho SGH
- Dự án mới không có gì đặc biệt, chỉ nâng cấp, cải tạo chút đỉnh
- Ngành du lịch VN lên xuống thất thường, lại liên tiếp bị mấy cú trời giáng như SARS, cúm ... nên hiện tại khó ở, kinh doanh khách sạn cỡ 3 sao trở lại là ngành rất cạnh tranh
- Thái độ đối với cổ đông chưa chuyên nghiệp, xét cho cùng cũng do trình độ có hạn của ban lãnh đạo
- Thanh khoản kém, NĐT NN chắc không quan tâm.
Giao dịch và giá kỳ vọng
- Giao dịch của SGH thấp từ xưa tới nay, hình như là CBCNV giữ CP để giữ chỗ làm việc
- Tổng hòa mọi thứ thì SGH chỉ nên ở mức khoảng 12 thôi, lúc đó có thể mua thật nhiều để vào HĐQT mà thay đổi chút đỉnh.
SSC
Chỗ được
- Giống cây/con là ngành đang phát triển nhanh chóng, lợi nhuận biên rất cao
- SSC có thương hiệu vững vàng, kinh nghiệm và quan hệ lâu năm trong ngành giống, lại đang nắm bản quyền của một số giống có nhu cầu cao như ngô lai, lúa lai nên hoàn toàn có khả năng tăng trưởng cao
- Tài chính lành mạnh, KQKD tăng đều đặn, ROE thuộc hàng TOP
- Các dự án mới được đánh giá tốt, chiến lược kiểm soát các công ty giống địa phương được xem là rất đúng đắn
- Sở hữu nhiều đất đai có giá trị, đủ tiền để kinh doanh BĐS
- Ban lãnh đạo được đánh giá là cứng, trình độ công nghệ hơn hẳn các công ty giống địa phương, thậm chí có điểm được đánh giá cao hơn công ty CP Giống TW
- P/E còn thấp, nếu tính thêm G thì khả năng tăng giá là rất mạnh
- Đang là điểm ngắm của các NĐT NN, đặc biệt Pru mua vào rất khá, mà room lại còn nhiều
- Cơ cấu cổ đông rộng, thanh khoản thuộc loại khá
Chỗ kém
- Tiếc là SSC chưa dốc sức vào R&D thật nhiều để xây mộng Monsanto, mà lại lăm le nhảy qua địa ốc và tài chính. Âu đó cũng là mặt yếu của các công ty VN
- Nền nông nghiệp của VN còn nhiều lộn xộn, việc sử dụng giống đôi khi không phụ thuộc vào hiệu quả mà phụ thuộc vào ý muốn của các lãnh đạo địa phương, hay lobby của các công ty giống địa phương
- Năm nay thời tiết không được thuận lợi lắm, hoạt động trồng trọt của người dân cũng bị ảnh hưởng nhiều
- Vấn nạn về giống lúa hay ngô dỏm ở một số địa phương làm ảnh hưởng đến uy tín của các công ty giống (nhưng nếu SSC chăm sóc khách hàng tốt và uy tín thì đây lại là một cơ hội tốt)
- Giá >34 của SSC làm nhiều người suýt xoa (dù rằng P/E vẫn thấp)
Giao dịch và kỳ vọng
- Giao dịch của SSC có vẻ đầu tư nhiều hơn đầu cơ, giá biến động vừa phải với xu hướng đi lên
- Có thể đầu tư ngắn hạn SSC cho đến khi có KQKD quý II/2005 hoặc đầu tư dài hạn ở mức giá 34 – 35.
TMS
Chỗ được
- Dịch vụ cảng biển và vận tải là những ngành đang phất, đặc biệt là trong một nền kinh tế đang phát triển như VN
- KQKD của TMS tăng dần đều, ROE thuộc loại cao trên sàn
- Tài chính không tệ, dù không tốt như GMD
- Ban lãnh đạo được đánh giá là năng động, có trình độ và có quan hệ tốt trong ngành
- Công ty con Nippon Express cũng đang làm ăn rất tốt
- NĐT NN rất chuộng TMS, đã mua hết room từ lâu, giá cá ổn định, cổ đông thuộc loại vững vàng
Chỗ kém
- TMS cũng sẽ gặp các khó khăn về cạnh tranh trong hàng hải như GMD, như với mức độ lớn hơn vì so với dân trong ngành thì TMS hơi nhỏ, vị thế cũng thấp, tài lực hạng trung bình kém. Con tàu hàng hải mà lắc lư thì TMS sẽ lắc lư nhiều hơn GMD hay GMT
- Ban lãnh đạo dù năng động nhưng thiếu tầm nhìn, không đủ tầm để phát triển TMS lên như GMD
- Dự án mới của TMS được đánh giá bình thường, không có gì nổi bật
- CP của TMS chủ yếu do nội bộ nắm giữ, do đó chia lương & thưởng hơi bị cao, khiến cho cổ đông bao phen mừng hụt
- Room cho NĐT NN đã hết nhưng không còn khả năng tạo ra đột biến giá
- Đối xử với cổ đông chưa được tốt lắm, không quá lạnh nhạt nhưng cũng không nồng nhiệt
- TMS không có BĐS riêng như GMD
Giao dịch và giá kỳ vọng
- TMS hồi này giao dịch ít, mức độ biến động giá nhỏ
- Có thể xem TMS là cổ phiếu đầu tư dài hạn ở mức giá 33.
TRI
Chỗ được
- Ngành giải khát là ngành đang phát triển mạnh, thị trường tiêu thụ rộng lớn, có nhiều thị trường ngách có thể chen chân vào, tỷ suất lợi nhuận cũng cao
- TRI có một số sản phẩm riêng, được Tp Hồ Chí Minh xem là sản phẩm chủ lực, các sản phẩm này có thị trường riêng khá tốt
- TRI kể như cũng là một thương hiệu riêng (dù rằng phân tích ra thì nó chỉ là của Quận 3 thôi - chữ TRI đó)
- TRI đã cố gắng để có một chiến lược phát triển thương hiệu với kinh phí kha khá
- Cơ cấu cổ đông của TRI khá rộng, room NN đã được mua hết.
Chỗ kém
- TRI không là cái đinh gì trong thị trường nước giải khát, kém cả Chương Dương, đừng mong gì đứng ngang vai với hai anh Cola. Mà nhãn hiệu và marketing mới là các yếu tố quyết định trong thị trường này
- Với tình trạng nhái nhãn hiệu hay bắt chước tràn lan trong thị trường đồ uống rẻ tiền (thị trường của TRI) như hiện nay, cộng với công nghệ chế tạo không lấy gì làm cao siêu, các sản phẩm của TRI gặp rất nhiều đối thủ. Ví dụ, có hồi sữa đậu nành của TRI tiêu thụ rất chạy ở Huế, nhưng sau đó đi đâu mất tiêu, thay vào đó là quá trời các sản phẩm tương tự. Điều này cũng khiến cho R&D của TRI không hiệu quả
- Quảng cáo của TRI không lấy gì làm xuất sắc. Tôi xin kể một ví dụ nhỏ: Giữa Chương Trình Chuyện Lạ Việt Nam của VTV3 do TRI tài trợ, có một xen quảng cáo rất ấn tượng của PEPSI CO. So với nó thì quảng cáo của TRI chỉ ngang mức miệt vườn, hỡi ôi!
- Hệ thống đại lý của TRI phụ thuộc nhiều vào các đại lý độc lập, mà các đại lý này thì thích hàng của 2 anh Cola hơn (rõ ràng rồi!)
- Tầm nhìn và khả năng của ban lãnh đạo TRI không được đánh giá cao lắm, cứ nghiêng đầu sang bên PEPSI CO với TGĐ PEPSI VN được xếp hạng xuất sắc nhất trong các TGĐ PEPSI địa phương mà thấy chạnh lòng. Biết bao giờ những nhân tài đó mới làm việc cho những nhãn hiệu VN hở trời!
- Tỷ suất lợi nhuận của TRI bình quân là rất thấp, và quý I/2005 gây nhiều thất vọng. Đã vào mùa mưa ở miền Nam rồi, nên KQKD của TRI sẽ khó mà cải thiện được
- Giá đường đang vọt lên, nên TRI sẽ chịu hạn cùng BBC và NKD
- Tình hình tài chính của TRI theo nhận xét của tôi là không tốt lắm, TRI lại còn khoản nợ vỏ chai chưa biết đã xử lý chưa?
- Được Tp HCM ủng hộ chưa chắc là lý do nên mua TRI, vì ông bà mình có nói “Thương cho roi cho vọt đấy!”. Khối SOE được hỗ trợ tốt hơn nhiều vẫn sụm bà chè đấy thôi.
Giao dịch và giá kỳ vọng
- Tôi nghĩ TRI bị overvalued rồi. Mấy hôm nay giao dịch nhiều không biết vì lý do gì, nhưng có lẽ không duy trì lâu đâu.
- TRI không phải là CP có thể đánh ngắn hạn dễ dàng, còn muốn đầu tư dài hạn thì giá phải dưới 15 (đáng lẽ thấp hơn nhưng vì cái tên TRI vớt lại!)
TS4
Chỗ được
- Nói chung xuất khẩu được là có chỗ tốt rồi. Ít nhất cũng không sợ cạnh tranh khi mở cửa thị trường mà, vì đủ khả năng chơi ở thị trường lớn rồi
- Thị trường thủy hải sản là một thị trường ngon lành, rộng lớn và đang phát triển
- Nếu so sánh tỷ suất lợi nhuận của 2004 trở về trước thì TS4 có ROE khá cao đấy
- Giá của CP TS4 thấp, P/E (trước đây) cao, công ty nhỏ, có thể mua gom.
Chỗ kém (hơi bị nhiều đấy)
- Mấy năm nay khả năng sinh lời của TS4 giảm dần do giá vốn cao lên, mà doanh thu khó phát triển
- TS4 không có R&D tốt như AGF, mà ngay cả nhãn hiệu TS4 rõ ràng là chẳng hấp dẫn chút nào
- Các dự án mới của TS4 không nêu ra điểm đột phá, ngược lại, nếu TS4 không giải quyết được các khó khăn hiện nay thì coi chừng các dự án này sẽ thành đá níu chân người chết đuối đấy
- Chống phá giá ở Mỹ, kiểm soát nghiêm ngặt ở Châu Âu và Nhật Bản, sản lượng đánh bắt giảm, nuôi trồng gặp dịch bệnh, các yếu tố này dưới thì ép lên, trên thì đè xuống khiến cho lợi nhuận biên của ngành thủy sản nói chung suy giảm và TS4 thì cũng gặp hạn
- Tình hình tài chính của TS4 cũng không sáng sủa cho lắm, nợ hơi nhiều
- Vụ lùm xùm ở TCT Thủy Sản liên quan đến ông Phương làm cổ đông mất lòng tin lớn vào các công ty thủy sản thuộc Seaprodex. TS4 cũng có rất ít thông tin với cổ đông
- Tính thanh khoản của TS4 thấp
Giao dịch và giá kỳ vọng
- TS4 ít giao dịch, giá biến động nhiều lúc vô lý
- Tôi không dám đụng vào anh này, nhưng chơi ngắn hạn chút đỉnh thì chắc cũng được khi nó rớt xuống dưới 15, hehe
VTC
Chỗ được
- VTC từng là một ngôi sao sáng trên TTCK, tăng giá đến 150% khiến nhiều người nhảy disco (rất tiếc là tôi không được dự phần bữa tiệc đó, huhu)
- Ngành viễn thông - kỹ thuật số của VTC là ngành thời thượng, có tốc độ phát triển của tên lửa
- Thị trường thẻ cũng rất nhộn nhịp, doanh thu tăng với tỷ lệ 2 con số trở lên
- VTC có thị trường riêng, công nghệ cũng được xem là hạng khá
- Ban lãnh đạo được đánh giá là có học vấn tốt, có khả năng
Chỗ kém
- Vậy mà hơn 1 năm nay VTC suy giảm thấy rõ, giá giảm đến hơn 30% so với mức đỉnh
- Doanh thu sản phẩm chính của VTC (thiết bị chuyển mạch số) giảm thấy rõ, may nhờ có trung tâm thẻ cứu lại, nhưng trung tâm thẻ cũng bắt đầu gặp khó khăn do thị trường thay đổi, và VTC chỉ được 60% của Trung tâm thẻ thôi
- VTC chủ yếu do NNước và nội bộ nắm, tương tự SAM, nên NĐT bên ngoài không thích lắm
- Đối xử với cổ đông không được tốt lắm, chia thưởng hơi nhiều (hỏi Warren Buffet ấy!), báo cáo không minh bạch (vụ tính lợi nhuận của Trung Tâm Thẻ)
- ROE suy giảm (đấy là vấn đề chính)
- Thanh khoản kém, không hấp dẫn lắm đối với NĐT NN, đặc biệt là trong thời gian gần đây.
Giao dịch và giá kỳ vọng
- Giao dịch của VTC rất ít, giá lên xuống rất thất thường
- VTC có thể đầu tư dài hạn chút ít ở mức giá dưới 30 (chắc sẽ xuống vào cuối năm nay!)
Còn VF1 thì đợi lần khác, tôi sẽ cố gắng mổ xẻ riêng chàng này thử, có gì nhờ các bác sĩ cao tay như kiencuong hay soncanh giúp nhé.
Thôi nhé, dài quá rồi, bây giờ phải đi đuổi bò đây. Chúc mọi người thảo luận vui vẻ và mong mọi người góp ý tới tới. Nhiều công ty quá nên viết một hồi đâm ra có nhiều chỗ nhầm lẫn, mọi người cứ tự nhiên phê bình thoải mái.
Thông tin của chủ đề
Users Browsing this Thread
Có 1 thành viên đang xem chủ đề này. (0 thành viên và 1 khách vãng lai)
Similar Articles
-
Đọc và nhận định
By bihvun in forum Nhận định Thị trườngTrả lời: 2Bài viết cuối: 25-01-2010, 09:56 PM -
Phân tích - nhận định Độc lập
By mobifoner in forum CLB Chứng khoánTrả lời: 47Bài viết cuối: 20-02-2009, 02:07 PM -
Nhận định TTCK và CTNY - Đọc chơi rồi bỏ
By ttra in forum Doanh nghiệp sàn HoSETrả lời: 6Bài viết cuối: 30-06-2008, 01:36 PM -
Binh pháp Tôn Tử và TTCK ..... xem vui đọc chơi
By Loi_cu_ta_ve in forum XẢ HƠITrả lời: 0Bài viết cuối: 24-05-2006, 11:14 PM -
NHẬN ĐỊNH HÀNG NGÀY - đọc chơi thì được, làm theo thì tùy
By in forum Thông báo - Góp ýTrả lời: 0Bài viết cuối: 01-01-1970, 07:00 AM
Bookmarks