Threaded View
-
20-09-2010 09:25 AM #1
Nhaque - Nghĩ tích cực cho đời nó tươi - (Bài 2)
Lưu ý quan trọng:
- Topic này được mở ra để thảo luận cơ hội đầu tư dài hạn và để chia nhau tiếng cười và lời động viên hiếm hoi trong thị trường đỏ lửa;
- Ở đây nhaque hoàn toàn không ủng hộ và hô hào việc mua vào cổ phiếu để đầu cơ ngắn hạn trong giai đoạn này, thậm chí, tư vấn nghiêm túc đối với các NDT nhỏ, không chuyên, đang đi tìm lợi nhuận ngắn hạn là tạm thanh lý danh mục, rời bỏ bảng điện, đợi đến lúc thị trường hoàn toàn khỏe lại;
- Các cơ hội nói đến ở đây là cơ hội dài hạn, là chia sẻ của việc nắm giữ cổ phiếu tích cực cho 1 năm - 5 năm, nên chỉ dành cho ai có khả năng cơ cấu vốn dài.
Trước khi bàn chuyện tương lai tươi đẹp, chúng ta cần phải kiểm điểm quá khứ sai lầm. Từ ngày VNI suy giảm, mỗi lần chiến đấu cơ KK xuất kích, thì phi công KK đều phải đọc thuộc 7 rủi ro:
1. FA thế giới suy giảm - Vietnam có chống được không:
Chúng ta có thể đã và đang làm nên điều thần kỳ, Việt Nam có thể sắp hóa rồng và em tự hào (một cách nghiêm túc) rằng em là người Việt Nam, nhưng dân buôn trứng cần phải học thuộc một điều: Cho dù chúng ta có xuất sắc thế nào đi nữa, chúng ta vẫn là một phần nhỏ xinh, không thể tách rời khỏi trái đất tươi đẹp, và nền kinh tế Việt Nam ngày càng dao động cùng pha với nền kinh tế thế giới - đặc biệt là khi chúng ta gia nhập WTO. Thị trường Chứng khoán Việt Nam, dù có phát triển thần sầu năm 2006, thì nó vẫn chỉ được xem là một Penny_stock nhỏ nhoi trong thị trường tài chính toàn Blue-chips như Mỹ, Nhật, Âu,.... Nên chúng ta có thể tăng nhanh hơn thế giới, có thể tăng khi thế giới lình xình, nhưng nếu thế giới bước vào chu kỳ suy giảm, thì PS thường tèo mau lẹ (tèo trước - tính sau, đó mới là thị trường tài chính).
Bước vào năm 2007, con tàu thế giới đang phăm phăm tiến về phía trước, các chỉ số Chứng khoán thế giới liên tiếp phá kỷ lục cũ, lập kỷ luật mới. Nơi thì phục hồi ngoạn mục, nơi thì vươn đến đỉnh cao mọi thời đại, các dự báo lạc quan liên tiếp đổ về, nhà nhà phấn khởi mua đất, tậu nhà, người người phấn khởi rút tiền đầu tư. Vì những cái loa lạc quan tếu kia đã và đang khỏa lấp đi những tín hiệu u ám mà chân thật:
- Giá nguyên liệu thô đang tăng;
- Giá lương thực đang tăng;
- Khí hậu đang biến đổi;
- Cỗ máy kinh tế đang nóng lên bất thường quá các chỉ báo kinh tế - tài chính....
Nhưng để rút ra thì phải có kẻ lao vào, thị trường nào cũng vậy, nên những con khủng long của thế giới đầu năm 2007 vẫn ra sức PR cho một tương lai sán lạn, rằng với công nghệ kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý, việc vượt qua điều chỉnh là chuyện nhỏ như con thỏ.
PR thì cứ PR, tèo vẫn cứ tèo, kết thúc năm 2007, 10 chú khủng long thì hết 9 chú teo, những đại thụ Citi Group, JP Morgan, .. vỡ mặt, lịch sử gần trăm năm của Bear Stearns chấm dứt trong mấy tuần, vì khi thị trường thật sự tèo, 10 thằng khôn ở lại thì 9 thằng cũng chết.
Vỡ trận, thế giới lao đao, thiên hạ cắt lỗ, chốt lãi từ Đông sang Tây, Việt Nam nằm trong làn sóng, Tây dù không bán cũng giảm mua.
Khi mà ngọn kim tự tháp cần 10 người nâng mới vững, mà giờ 3 người mạnh nhất (Tây chiếm 30%) dừng nâng, thì chí ít phải giảm 20-30% trọng lượng mới đúng điệu.VNI 11xx giảm về 8xx có gì là khó hiểu.
Thế nhưng, dễ hiểu nhưng ít người chịu hiểu, bởi vì những người hiểu nhất lại mong muốn những người khác càng hiểu ít càng tốt, vì nếu người ta hiểu nhiều quá, ta làm sao chạy được bao nhiêu là nghìn tỷ
2. Bài toán tăng trưởng - làm sao đánh đổi lạm phát:
Trong những năm qua chúng ta đang tận hưởng một cuộc sống thanh bình, tăng trưởng và đầy kỳ vọng: lạm phát thấp, tăng trưởng cao, chính trị ổn định. Các công ty Việt Nam liên tục lập nên kỳ tích, tăng trưởng cả về vị thế, doanh thu, lợi nhuận và vốn để tạo ra những câu chuyện vàng, câu chuyện về những công ty vài ba tỷ sau một vài năm, thậm chí một năm, trở thành blue-chips, thành tổng, thành tập đoàn. Hãy còn đó câu chuyện truyền tụng về REE, về ITA, về FPT, về Trung Nguyên, về Hoàng Anh Gia Lai,.... nơi mà tăng trưởng 50%/năm là chuyện nhỏ. Chúng ta say sưa, các công ty say sưa, giới truyền thông say sưa và cả các cấp lãnh đạo say sưa khi mơ đến cánh buồm đỏ Việt Nam dong ra biển lớn, khi nói đến thương hiệu Việt Nam nổi tiếng toàn cầu.
Sự lạc quan về tương lai đất nước tăng cao, chỉ số tiêu dùng của Việt Nam gia tăng chóng mặt và đứng hàng đầu thế giới với những siêu thị hào hoa, với những chiếc xe bạc tỷ, và với cả giấc mơ về du thuyền, về máy bay,....
Đánh đùng một cái, chúng ta nhận ra rằng tăng trưởng không có nghĩa là không trả giá, không có nghĩa là không có vấn đề:
- Lạm phát sau bao nhiêu năm bị kiềm chế với việc kiểm soát giá lương thực, kiềm giá năng lượng, nhiên liệu, phân bón,... trở thành cơn bạo bệnh khi cung tiền tăng vọt, khi chi phí đầu vào bị đẩy lên cao cùng thế giới, cùng với thiên tai và dịch họa. Người tiêu dùng choáng váng khi giá bữa cơm, giá tấm áo tăng từng ngày, doanh nghiệp khó khăn khi chi phí sản xuất bị đẩy lên ngày càng cao, sức cạnh tranh giảm;
- Doanh nghiệp Việt Nam trên thực tế gặp nhiều khó khăn khi ngập ngừng bước vào cuộc chơi lớn. Trừ một vài thương hiệu ở hạng trung bình khá cấp khu vực, đa phần các doanh nghiệp Việt Nam đều chới với khi đối đầu với các đối thủ lớn hơn mình ở hầu khắp mọi mặt và nhiều doanh nghiệp đành bắt đầu (hoặc kết thúc) bằng gia công, bằng việc ăn nhờ thương hiệu ngoại,...
- Thị trường tài chính bất ổn, lúc thì nóng, lúc thì lạnh. Lúc phải siết chặt cho vay chứng khoán, lúc phải tăng cung tiền để mua USD, lúc thiếu cung cổ phiếu tốt, lúc thì cổ cánh in ra quá nhiều....
- Môi trường suy thoái, diện tích sản xuất nông nghiệp thu hẹp, thiên tai càng lúc càng nhiều hơn,....
Và như vậy, cùng với thế giới, kỳ vọng về tăng trưởng của Việt Nam cũng đang cần được xem xét lại. Chúng ta nên tăng trưởng 9% cùng lạm phát 15%, hay giảm bớt tăng trưởng để kìm lạm phát ở một con số, để giải quyết các vấn đề trọng yếu trước khi tăng trưởng mạnh mẽ trở lại. Chính Phủ đã và đang nỗ lực hết mình, và nhà đầu tư cảm nhận được điều đó.
Nhưng, và vẫn nhưng, quy luật kinh tế muôn đời khắc nghiệt, chúng ta rất khó có thể giảm mạnh lạm phát mà không ảnh hưởng tăng trưởng được, và nhà đầu tư cũng cảm nhận được điều đó.
Cho nên, khi GDP tăng trưởng 8%, lạm phát thấp thì P/E kỳ vọng là 24- 27, còn khi ta đang e ngại tỷ lệ tăng trưởng GDP còn 7%, cộng thêm ảnh hưởng của lạm phát và cung tiền thắt chặt, thì P/E kỳ vọng 16 cũng dường như là cao quá
3. Tăng trưởng phi thường - áp lực tương lai:
Trong năm 2007, trong cơn sóng hồ hởi của giới đầu tư cả cũ và mới, báo cáo kết quả kinh doanh tốt đẹp liên tiếp được tung ra, blue chips cũng như penny stocks đã và đang làm nên điều kỳ diệu với tốc độ tăng trưởng bình quân trên 30%/năm. Điều gì đang xảy ra:
- Có rất nhiều công ty đã và đang giải phóng được những nguồn lực xưa nay bị kiềm nén của mình, khai thác được những tài nguyên trước đây bị lãng phí như đất đai, thương hiệu, nhân lực;
- Có rất nhiều công ty nắm bắt được cơ hội tăng trưởng ngoạn mục của nền kinh tế, để đầu tư vào những ngành hiệu quả, đem lại những món lợi nhuận khổng lồ;
Càng ngày càng có rất nhiều người tin rằng các công ty sẽ tiếp tục phát triển 30% - 40% trong vài ba năm tới, để thành tổng công ty, để thành tập đoàn, và làn sóng này đè bẹp những lời phân tích độc lập mà chính xác rằng:
- Việc giải phóng nguồn lực hầu như đạt đỉnh trong năm 2007 khi phần lớn các tài sản (chủ yếu BDS) được khai thác triệt để nhờ vào sự tăng giá tài sản;
- Các công ty đã đạt quy mô tương đối trưởng thành để không còn khả năng duy trì đà gia tăng mạnh mẽ 30% - 40%/năm trong tương lai. Khi một công ty có lợi nhuận 10 tỷ VND thì tăng lên 12 tỷ VND không quá khó, nhưng mong chờ các công ty lợi nhuận 1000 tỷ VND/năm tăng lợi nhuận thêm mỗi năm 300 tỷ VND sẽ là hơi mơ mộng;
- Rất nhiều công ty đã và đang làm đẹp báo cáo tài chính của mình bằng những khoản đầu tư tài chính ngắn và trung hạn, tranh thủ sử dụng vốn phát hành thêm giá rẻ để nâng cao EPS và từ đó nâng cao thị giá của công ty;
- Và từ sự đầu tư tài chính này, các công ty lớn đang ăn đuôi lẫn nhau, tôi đầu tư anh, anh đầu tư nàng, nàng lại đầu tư tôi, giá lên thì EPS đẹp, nhưng giá xuống thì sao
Và như vậy, nếu nhìn vượt qua các chỉ số cơ bản một chút, chỉ một chút thôi, có thể thấy rằng lợi nhuận của nhiều công ty lớn (hoặc chí ít là tốc độ tăng trưởng lợi nhuận) sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi kinh tế nói chung và thị trường tài chính nói riêng chựng lại. Và khi tốc độ tăng trưởng của các công ty lớn này chậm lại, thì tốc độ tăng giá của VN-Index chắc cũng không kéo dài.
4. Giấc mộng doanh nhân - chông chênh tập đoàn:
Năm 2007, chúng ta được làm quen với một cụm từ thú vị: Công Ty Cổ Phân Tập Đoàn XYZ và được nghe nhiều hơn cụm từ: Tổng Công Ty.
Thắng lợi giòn giã từ lĩnh vực kinh doanh chính hoặc thu được hàng nghìn tỷ tiền phát hành cổ phiếu, lãnh đạo các công ty lớn đang đứng trước hào quang và áp lực:
- Làm sao tiêu cho hết số tiền đó vào các dự án kinh doanh chính, trong khi đặc thù sản xuất không thể hấp thụ vốn được ngay?
- Làm sao bảo đảm cho hàng nghìn tỷ kia sinh lời bằng mức sinh lời có sẵn, trong khi dự án chưa thành hình?
- Làm sao giữ được mình, khi trong tay vừa có quyền vừa có tiền, mà chữ danh lại đang vẫy gọi?
Vì vậy đã có nhiều công ty với vốn chủ hàng nghìn tỷ VND vươn tay ra càng lúc càng xa, và càng lúc xa rời ngành kinh doanh cốt lõi của mình. Tập đoàn phần mềm thì lập công ty chứng khoán, công ty quét rác thì đi đầu tư nhà máy đạm, anh bán đường thì xây cao ốc, anh cho thuê cao ốc thì đi khai khoáng mỏ. Ai cũng thích chữ tổng, ai cũng say mê giấc mộng tập đoàn, đa ngành, đa nghề, hàng chục giám đốc, hàng nghìn nhân viên, nhưng ít ai đủ tỉnh táo:
- Chuyện gì sẽ xảy ra khi các dự án ấy không thành công và trở thành gánh nặng? Một tập đoàn lập ra CTCK để có lãi, chứ không phải để cưu mang cho nó?
- Chuyện gì sẽ xảy ra nếu luồng tiền của công ty cạn kiệt, không còn năng lực bơm tiền cho các dự án và ngành kinh doanh chính, và không còn khả năng phát hành thêm?
-Chuyện gì sẽ xảy ra khi những nhân lực giỏi nhất, cao cấp nhất (key persons) phải chia sẻ sự quan tâm và năng lực vào những công việc, những ngành nghề mà họ chưa từng biết đến?
....
Và những chuyện đó đã xảy ra, người ta nói đến những PSs bị bơm giá, nói đến những cổ phiếu hiếm bị kích trần, nhưng điều nực cười là chính những BCs, CTNY đầu tư dàn ngang, đầu tư tài chính mới là những CP mất giá nhiều nhất, đã và đang có những blues một thời vang bóng mất đi 70 - 80% giá trị và đang nằm ngắc ngoải đâu đây. Hãy nhớ lại câu chuyện các Chaebols đa ngành ở Hàn Quốc và các Tập đoàn đơn ngành ở Mỹ, sự khác biệt là rất rõ ràng.
Rủi ro này sẽ càng nhân lên rất nhanh khi sự phát hành trở nên quá dữ dàng, khi mà nghịch lý xảy ra: Các NDT ép HDQT phát hành vốn để được cơ hội sở hữu thêm cổ phần, khi mà số vốn phát hành thêm giá rẻ chỉ cần được đầu tư tài chính ngắn hạn lấy 30%/năm để dễ dàng tăng EPS.
5. Công thành danh toại - cuộc thoái vốn bắt đầu:
Có những công ty thành lập cách đây 20 năm với số vốn tròn trèm vài tỷ hoặc vài trăm triệu VND, những người lãnh đạo cùng với cán bộ công nhân viên đầu tắt mặt tối, cùng nhau chia sẻ ngọt bùi để đưa công ty đi lên, cho đến ngày hái quả, cho đến ngày công ty lên sàn. Trong thoáng chốc, công ty thành công ty chục nghìn tỷ, những khoản cổ phần phải mua, cần mua, quên mua ngày trước tăng vọt hàng nghìn lần chỉ trong vài tháng, vài năm.
- Ông giám đốc lặn lội thuyết phục từng hợp đồng ngày nào nay chễm chệ ở Top 100 người giàu nhất, giờ ta giàu rồi, ta mà phải hầu mấy tên cổ đông ti toe, vốn vài ba chục triệu bọ ư? Không, ta chỉ cần bán ra 5% - 10% mớ giấy đó, vốn có được dễ dàng từ những cuộc phát hành thêm, là ta có thể làm bất cứ điều gì ta thích;
- Anh kế toàn quèn suốt ngày cắm mặt với sổ sách với đồng lương đủ sống, chợt nhận ra mình đang có hàng chục tỷ từ số cổ phần ngỡ như đã quên. Giờ là tỷ phú, không lẽ ta lại đến công ty để nghe người ta sai vặt ư, không và không, ta sẽ bán ra cổ phần mà ta sẽ có dự án cho riêng mình. Mà nếu ta không bán ra sớm, thằng trưởng phòng kia nó bán được giá hơn thì sao;
- Các quỹ nhỏ 10 năm trước, các NDT ngày nào bỗng chốc trở thành thế lực với hàng triệu cổ phần có giá vốn thấp. Cần phải chốt lãi thôi, chốt lãi của một quá trình lâu dài, rời bỏ thiên hà cũ kỹ để đi tìm ngôi sao mới;
- Nhà nước, với tư cách là nhà đầu tư lớn nhất của nền kinh tế, cũng xúc tiến IPO, bán đi các tập đoàn lớn với giá càng cao càng tốt, DPM, BV, PVFC, VCB,..... nhằm thu về những số tiền lớn để đầu tư cho các kế hoạch phát triển đất nước trong tương lai.
Những người này đang nắm giữ trong tay một lượng cổ phần cực lớn, giá thấp, nên không ít NDT mới không thể lý giải được lý do tại sao các công ty vẫn làm ăn tốt thế (xin xem mục 3 và 4), được mua nhiều thế, mà khối lượng bán ra phi thường thế, càng xuống lại càng bán ra.
6. Sa chân gặp khó - Ngân hàng mất thanh khoản:
Đã là dân tài chính, không xài tín dụng không phải là pro, đã đi buôn trứng mà gặp lúc trứng lên, không rì po thêm tiền là dại. Đầu năm 2007 lúc nhà nhà đi đầu tư chứng khoán, cổ phiếu thăng thiên với sự tham gia của tay lông, tay không lông, tay to, tay nhỏ,.... thì việc thế chấp cổ phiếu 1%/tháng mà có thêm 5%/ngày là điều dễ hiểu. Cơn sóng cho vay Chứng khoán càng lúc càng tăng thêm khiến cho Ngân Hàng Nhà Nước, người đã lỡ cung hàng trăm nghìn tỷ đồng để mua vào USD đầu năm 2007, e ngại đến việc tăng tiếp cung tiền M2 cũng như sự vỡ nợ sẽ có khi thị trường Chứng khoán suy giảm (than ôi, tránh trời không khỏi nắng) nên đã ra lệnh siết chặt nguồn cho vay Chứng khoán thông qua chỉ thị 03.
Xét một cách tổng quát, đây là một hành động đúng đắn để vừa siết lại cung tiền chung nhằm ngăn ngừa lạm phát vừa bảo vệ cho giới ngân hàng tránh khỏi rủi ro. Tuy nhiên, trong cơn khát cho vay, đặc biệt là các NH nhỏ vừa mới lập, vừa chuyển từ NH nông thôn, vừa tăng vốn, không dễ tìm kiếm được khách hàng trong nền kinh tế, không dễ tham gia vào các dự án lớn nơi các đại gia tài chính đã án ngữ, thì việc giảm các hợp đồng cho vay Chứng khoán là điều bất khả.
Vì vậy, bóp chỗ này ta lòi ra chỗ khác, thay vì giảm cho vay Chứng khoán xuống 3% tổng dư nợ cho vay, nhiều NH lại tăng dư nợ cho vay, và cách tăng cho vay nhanh nhất, dễ làm nhất và nghe chừng ít rủi ro nhất là cho vay BDS (vì có BDS để cầm cố). Thế là bao nhiêu vốn huy động ngắn hạn, tiết kiệm không thời hạn, thậm chí tiền vay liên ngân hàng, được tung vào các dự án BDS (éo le thay lại đang được nhiều công ty cổ phần hồ hởi triển khai) dài hạn.
Cái gì đến rồi phải đến, cuối năm khi người dân rút tiền đồng để chi tiêu, để bù trừ cho lạm phát lên cao, và lạm phát lên cao nên Ngân Hàng Nhà Nước thu tiền về, thế là mất thanh khoản. Cho dù thay Chỉ thị 03 bằng quyết định 03, nhưng mọi việc dường như đã trễ.
Mất thanh khoản thì phải bán đi tài sản nào thanh khoản nhất, và đó là chứng khoán. Mình không bán sớm thì thằng kia nó bán, nên giờ chả thèm đợi bull trend, ta chỉ cần bull trap. Rồi thậm chí không cần bull trap, ta chỉ cần có thằng mua.
7. Ngã cờ domino - niềm tin bị lũ cuốn:
Nàng VNI vốn đã bịnh, khi đi qua 5 cái cửa bệnh trên, nhưng qua đến cửa số sáu thì thêm luồng gió độc, bao nhiều đề kháng bay tưng.
Tiền là máu của chứng khoán, và nơi cung cấp máu đang phải rút máu về, chả khác gì quả tim lại cần bơm máu.
Tiền đang khát, lại thêm cung tiền siết chặt, hỗ trợ cho IPOs, rút tiền về để thanh toán dự án,...
Ngân hàng bán thì cổ phiếu giảm, lúc đầu còn có tự doanh hứng dao;
Nhưng rồi tự doanh cũng phải bán, công ty cũng phải bán.
Tự doanh và ngân hàng bán thì cổ phiếu càng giảm, mọi người đợi tay lông.
Tay lông thì đã hết tiền, vì ai mua đô cho mà có, mà dù có mua đô, thì chính quốc cũng đang cơn hấp hối, ai cho các kụ xuống tay.
Chứng khoán giảm và giảm, lúc đầu thì còn mua bình quân, hết tiền rồi thì ngồi nhìn, nhìn riết rồi hoảng sợ, sợ quá rồi thì cắt luôn. Nhà đầu tư bán ra. Giá tiếp tục giảm.
Giá giảm thì NAV giảm, giá giảm thì kỳ vọng giảm, các đại cổ đông, cổ đông chiến lược lại càng bán ra để báo cáo đẹp, để lấp lỗ trống từ kết quả kinh doanh khó khăn, để thỏa mãn phần nào áp lực từ các NDT tham lam vô độ.
Giá giảm đến một lúc để mọi người bàng hoàng nhận ra: Đã đến ngưỡng xử lý của Ngân Hàng ==> Một cơn lũ kinh hoàng tràn đến, cuốn phăng đi mọi sự kháng cự cuối cùng, điệp khúc sàn, sàn và sàn vang lên khắp nơi.
Lo lắng, bàng hoàng và sụp đổ, từ nay trở đi, chúng ta sẽ bắt đầu nghe lại câu chuyện 2002 - 2003 ở mức độ khốc liệt hơn nhiều.
- VNI hãy còn cao hơn năm 2003: Chưa chắc, vì VNI đã biến dạng sau nhiều năm tăng trưởng;
- Giao dịch hãy còn lớn hơn 2003:Chưa chắc, vì lúc đó ít cổ phiếu hơn nhiều;
Bây giờ khác với 2003, vì bây giờ lớp tài chính chuyên nghiệp đã hình thành, sống dựa vào thị trường tài chính. Năm 2003 mới có CTNY lỗ, nhưng 2008 sẽ có nhiều công ty lỗ hơn, trong đó có NH và CTCK.
Năm 2003 có 85% NDT thua lỗ, nhưng lúc đó có mấy chục nghìn NDT, còn bây giờ có 95% NDT thua lỗ, và chúng ta đang có hơn 300,000 tài khoản, và nguy hiểm hơn, có hàng trăm nghìn căn nhà được thế chấp (cho một thị trường OTC rộng lớn ngoài kìa)
Thông tin của chủ đề
Users Browsing this Thread
Có 1 thành viên đang xem chủ đề này. (0 thành viên và 1 khách vãng lai)
Similar Articles
-
Bài 8: TÍCH LUỸ VÀ PHÂN PHỐI
By nguyenquangminh in forum Kiến thức về Phân tích kỹ thuậtTrả lời: 14Bài viết cuối: 03-02-2015, 10:15 AM -
Nhaque - Nghĩ tích cực cho đời nó tươi - (Bài 1)
By ProDuck in forum BlogTrả lời: 0Bài viết cuối: 20-09-2010, 09:19 AM -
KHẨN -- Đề nghị ban ngay và delete bài vô văn hóa
By Dartagnan in forum Thông báo - Góp ýTrả lời: 0Bài viết cuối: 31-12-2009, 05:52 PM -
Nghĩ tích cực cho đời nó tươi!
By nhaque in forum CLB Chứng khoánTrả lời: 73Bài viết cuối: 15-08-2008, 12:00 PM -
FOODINCO VỮNG TIN CHO NGÀY MAI SÁNG TƯƠI
By phongtranls in forum Thị trường OTCTrả lời: 0Bài viết cuối: 12-12-2007, 04:23 PM
Bookmarks