Threaded View
-
20-09-2010 08:28 AM #1
Perochan - Mạn bàn về kinh tế Việt Nam (tiếp theo)
Ngày 09.01.09
Lâu nay đi đâu cũng hay thấy các thông tin nói đến gói kích cầu của chính phủ. Khi thì nói là gói 1 tỷ, khi thì gói 6 tỷ. Chỉ có điều không hiểu tại sao, ở tầm CP mà lại tuyên bố tiền hậu bất nhất vậy. Bác trưởng nói 1 tỷ, bác phó nói có thể lên 6 tỷ v.v. Và điều đặc biệt hơn nữa, đó là ít người hỏi, số tiền đó lấy từ đâu ra?
VN rơi vào tình trạng thâm hụt kép lâu nay, là thâm hụt thương mại và thâm hụt ngân sách. Những năm trước đã xảy ra rồi nhưng đa số người ta tin rằng tình hình sẽ cải thiện nếu như chiều hướng thế giới tốt, phát triển tốt. Tuy nhiên điều đó đã không xảy ra.
Nói nôm na, với thâm hụt thương mại sẽ được tài trợ bằng các loại FDI hay kiều hối..., thâm hụt ngân sách sẽ là tài trợ bằng các loại trái phiếu và vốn vay mượn v.v. Tuy nhiên trong tình hình hiện nay, FDI dự kiến khó mà có cửa tăng, nếu không muốn nói là giảm mạnh. Trong khi đó Bộ Công thương vẫn dự kiến 2009 sẽ thâm hụt thương mại khoảng 20 tỷ USD. Bù đắp thâm hụt thương mại bằng FDI thì không hiểu năm 2009, FDI dự kiến sẽ được bao nhiêu?
Như nước Nga, 2007 là đỉnh điểm của vốn đầu tư, FDI của nó lên tới 90 tỷ USD, nhưng sang 2008, FDI chỉ còn hơn 40 tỷ $, mà đa phần số đó là từ nửa đầu năm (lúc chưa khủng hoảng), cuối năm chả thêm gì. Tức là khi khủng hoảng nặng, dòng vốn đột ngột dừng lại, ở Nga thậm chí còn tháo chạy tới hơn 100 tỷ$. Các nước mới nổi khác, đa số 2008 có FDI bằng 1/2 so với năm đỉnh cao 2007. Trong khi VN thì 2008 có FDI kỷ lục. Như vậy nhiều khả năng VN có độ trễ về thu hút vốn so với các quốc gia mới nổi kia là 1 năm.
Tức là năm nay 2009 FDI có thể sẽ chưa đạt 1/2 của năm 2008, khả năng chỉ loanh quanh 20-25 tỷ, hoặc thấp hơn. Kiều hối sẽ ít hơn 2008 vì ai cũng khó khăn thất nghiệp, rồi xuất khẩu lao động ở nước ngoài bị thu hẹp thị trường.
Còn thâm hụt ngân sách của VN 2008 đâu như 5% GDP báo cáo hôm họp quốc hội. Vậy mà dự kiến có gói kích cầu 1 hay 6 tỷ, cũng là 1-5% GDP, tức là ngân sách thủng thêm 1 lỗ nữa to đùng. Nếu không phát hành được trái phiếu (thường là tăng lãi suất để thu hút trái phiếu) hoặc vay mượn nước ngoài bù vào thì lại phải tăng thuế để bù bội chi ngân sách, như chuyện thuế xăng dầu tăng lên 40% ấy. Theo general theory của bác Keynes thì trong những trường hợp suy thoái như này thì nên duy trì nhu cầu tiêu dùng hàng hóa để không bóp chết sản xuất, và có nhiều cách, như hạ thuế, như tiêm kích cầu .. Đặc biệt không cổ vũ cho việc tăng thuế, càng gây nguy hiểm hơn. Trên thế giới người ta đua nhau giảm thuế, mở màn là vụ hoàn tiền ở Mỹ lên tới 170 tỷ USD hồi tháng 1/2008, rồi ở Anh giảm thuế VAT từ 18 xuống 15%....Thế mà năm nay ở VN nhiều khoản thuế phải tăng quá vì ngân sách thâm hụt nhiều năm rồi và năm nay thu thuế còn khó hơn nhiều do kinh tế đi xuống. Do đó cứ tăng thuế bù bội chi ngân sách. Còn có cách khác là in tiền bù vào bội chi, nhưng hậu quả thì ai cũng biết. Nói chung mấy cái này thì chú bé lên ba cũng biết hết cả rồi, lan man quá.
Đại khái điều hành chính sách lúc này đang đau đầu, như 1 chiếc chăn hẹp, kéo đầu này hở đầu kia. Bởi vì nó đang phải giải quyết những vấn đề mà nền kinh tế để lại từ trước. Đó là cơ cấu của nền kinh tế.
Gần đây ai cũng nói đến thay đổi cơ cấu nền kinh tế. Nhưng thay đổi thì như nào, hay cứ chỉ phát biểu thôi? Thì thay đổi là đúng rồi, nhiều người cũng nhìn thấy từ lâu, vì xuất khẩu của VN chiếm đến 70% GDP, tức là nền kinh tế dựa gần hoàn toàn vào bè lũ ngoại bang. Trong khi ở TQ xuất khẩu ầm ầm thế mà cũng chỉ chiếm 37% GDP, ở Ấn Độ có 22% GDP. Giờ bè lũ ngoại bang đang khốn đốn nên XK của nhà ta đứng khựng lại, có lách, có tìm kiếm thị trường mới cũng chỉ là giải pháp tình thế. Năm 2000/01, Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc lao đao vì nền kinh tế họ dựa quá lớn vào XK vi mạch sang Mỹ, mà Mỹ thì dính Dotcom từ 2000. Đó là bài học và 3 anh kia phải lao đao mất 2 năm.
Nhưng mà chuyển dịch cơ cấu hướng vào tiêu dùng nội địa thì có cái khó là chi phí sản xuất hàng hóa ở VN lại cao do hiệu suất lao động thấp. Từ việc đường cao tốc chưa có, giao thông kém, giá thành xăng dầu đắt đỏ, tâm lý xài hàng ngoại cho đến người dân đa số tiết kiệm cao, ít khi chi tiêu, đặc biệt vùng nông thôn.
Và điều quan trọng của hướng tới tiêu dùng nội địa, tới người dân là phải có hệ thống phân phối hàng hóa và hạ tầng cơ sở, đặc biệt là đường cao tốc, hệ thống giao thông. Thế mà phân phối (bán lẻ, bán buôn, đại lý v.v.) và HTCS lại hoàn toàn bị lãng quên bao năm nay. Không bị lãng quên thì cũng bị các nhóm quyền lợi điều khiển phía sau để bảo hộ. Cho nên bây giờ thay đổi cơ cấu này phải tính bằng cả chục năm chứ không phải ngắn hạn được.
Đơn cử như hệ thống bán lẻ nước ngoài muốn vào VN lâu rồi nhưng phải 1/1/2009 mới mở cửa hoàn toàn. Họ muốn vào từ lâu vì Metro Cash& Carry là điển hình của thành công. Anh này thành lập hệ thống bán buôn năm 2002 ở VN và dự kiến 7 năm, tức là 2009 sẽ hoàn vốn. Thế nhưng tháng 10/2007 tức là mới 5 năm Metro đã hoàn vốn rồi. Với tốc độ phát triển như vậy, ai chả mơ ước. Thế nhưng cùng sự thành công của các nhà bán lẻ nước ngoài, chắc sẽ là sự thất bại hoặc bị thâu tóm của các nhà bán lẻ trong nước. Mà mỗi nhà bán lẻ trong nước thường là 1 đại gia nào đó đứng sau, như Coopmart chống lưng là Ban kinh tế thành ủy TPHCM, G7 Mart là Trung Nguyên v.v. Chính vì thế mà không có sự đổ bộ từ sớm của các nhà bán lẻ nước ngoài như Wal Mart, Kimberly-Clark... là để bảo hộ cho trong nước.
Mà điều đó kéo theo sự thiệt thòi cho người tiêu dùng. Bởi vì với các DN bán lẻ, điều quan trọng nhất của họ bao giờ cũng là doanh số. Doanh số càng cao, chiết khấu từ các nhà cung cấp càng lớn. Để có doanh số cao, thì các nhà bán lẻ lại đàm phán các nhà cung cấp hàng phải có giá thấp, cạnh tranh. Hôm 2 Tết âm lịch năm vừa rồi, ở miền Bắc bị giá rét, VNexpress đưa tin giá thịt bò lên tới 200k/kg, mớ rau là 15k. Hôm 4 tết em phi vội vào Metro kiểm tra, thì ở đó thịt bò vẫn 70k/kg, rau vẫn có giá trước Tết. Bởi vì hàng hóa trong các hệ thống bán lẻ muốn tăng giá phải báo trước 2 tuần hoặc lâu hơn và phải được chấp thuận thì các nhà cung cấp hàng mới được tăng giá. Và qua đó, nếu có hệ thống các hãng bán lẻ cạnh tranh nhau, chắc là lạm phát ở VN năm rồi sẽ không tăng đến vậy. Đơn cử như mấy tháng đầu năm, lạm phát lên 20%, giá ngoài chợ nhảy ầm ầm, nhưng nếu hàng ăn trong hệ thống chuỗi như Phở 24 hay KFC khi đó, vẫn cứ giá cũ. Hoặc cứ nhìn các khuyến mại hàng điện tử, LCD, plasma TV ở các siêu thị điện máy hiện nay, các nhà bán lẻ cần doanh số cao nên giá phải cạnh tranh nhau và họ thi nhau hạ giá. Có thể thấy cạnh tranh như vậy khiến người tiêu dùng được hưởng lợi.
Hệ thống bán lẻ là thế, đổ bộ vào càng lớn, càng nhiều cạnh tranh thì người tiêu dùng càng lợi mà thôi. Nhưng có thể 1 số doanh nghiệp sản xuất sẽ bị ảnh hưởng ngược lại. Những doanh nghiệp đó, ví dụ như sữa Vinamilk bị ảnh hưởng vì họ bán giá cao, sẽ không cạnh tranh được với hãng khác. Tức là sẽ có 1 cty sữa khác ngoi lên thế chỗ VNM trở thành nhà cung cấp sữa cho các hệ thống bán lẻ. Xét chung cuộc, VNM và những doanh nghiệp ăn theo VNM mất quyền lợi, nhưng người tiêu dùng và nền kinh tế nói chung là được lợi.
Ví dụ khác là với vụ cá basa bị Mỹ đánh thuế phá giá là điển hình. Lúc đó tưởng khốn đốn, nhưng năm 2004 Metro chính là người chuyển hướng cho vụ cá basa, hướng sang châu Âu và nhiều nước khác. Bởi vì Metro VN là 1 phần của hệ thống Metro toàn cầu tại 26 nước, nên nó cứ tìm được nguồn hàng rẻ nhất ở đâu trong chuỗi toàn cầu hóa thì nơi đó sẽ là nguồn cung cấp hàng cho toàn hệ thống. Nhờ đó cá basa VN được đưa vào hệ thống metro ở châu Âu và có thêm các bạn hàng mới. Hiện nay mỗi ngày Metro có khoảng gần 60k khách hàng trên toàn VN, tức là 1 mặt hàng nào đó được đưa vào Metro thì nghiễm nhiên ngày nào cũng có 60k khách hàng biết đến. Mà chi phí 1 sản phẩm để người dân biết đến thì thường mất 20-25% là cho quảng cáo, kiểu nhu bột giặt OMO giá 100k/ thùng thì trong đó có tới 20k là dành cho quảng cáo tiếp thị rồi. Nhưng các sản phẩm trong hệ thống bán lẻ, chả cần tiếp thị vì có sẵn khách rồi, bỗng dưng giảm được 20% giá thành, chỉ cần được đặt hàng vào hệ thống đó và dán mác là hàng của hãng bán lẻ đó..
Và vì thế, yêu cầu để được là nhà cung cấp hàng trong các hệ thống bán lẻ rất khắt khe, nhờ khắt khe mà có giá cạnh tranh, và giá cạnh tranh là người tiêu dùng hưởng lợi. Qua hệ thống các nhà bán lẻ, giá hàng hóa được giảm đi rất nhiều để cạnh tranh, và đó cũng là biện pháp mà các nhà bán lẻ ép các doanh nghiệp cung cấp để hạ giá thành (để các nhà bán lẻ cạnh tranh nhau thu hút khách). Nói nôm na các doanh nghiệp sản xuất có thể bị bóp chết vì những hệ thống bán lẻ rộng lớn đè bẹp như vậy, nhưng xét cho cùng thì người tiêu dùng cuối cùng là người được lợi. Toàn nền kinh tế cũng chả sao vì doanh nghiệp này chết sẽ có doanh nghiệp khác sinh ra thế chỗ, thậm chí sức cạnh tranh của nền kinh tế còn tốt hơn vì các doanh nghiệp tồn tại được phải là doanh nghiệp có hiệu quả cao hơn.
Em lan man ở trên vì nói đến gói kích thích thì thực sự em vẫn cảm thấy bí. Cơ cấu kinh tế VN khoảng 25% nông nghiệp, 40% công nghiệp, và 35% dịch vụ. 2 lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp thì nói thật là khó mà kích thích nhanh bằng lĩnh vực dịch vụ được vì nó có độ trễ tác động. Cho nên em mới tiếc 1 chút về hệ thống phân phối hay rộng ra là lĩnh vực dịch vụ và nếu như có cạnh tranh ở dịch vụ, tỷ trọng dịch vụ trong GDP lớn hơn thì chắc là giải pháp kích cầu nhanh tác động hơn. Chứ bây giờ cần kích cầu, nói thật là nhìn đâu cũng thấy cần kích, lĩnh vực nào cũng cần. Cái này cần có số liệu cụ thể thì may ra tính toán dễ hơn.
Cho nên là thôi, cứ nhìn vào quy luật của tạo hóa, đó là tính chu kỳ. Một cổ phiếu không thể tăng mãi được, hành trình tăng giá của nó phải có phiên điều chỉnh răng cưa rồi lại tăng tiếp. Thì kinh tế cũng vậy, phải có 1 vài năm lùi sau quãng thời gian phát triển nóng 20 năm, để làm đà cho đợt tăng trưởng kế tiếp. Thu nhập đầu người có tăng 20 năm qua thì chịu khó giảm đi 1 chút vài năm tới rồi làm đà cho lần tăng tiếp theo.
Và vì thế có lẽ cứ kích cầu ở tài chính, hay như nào đó để đồng tiền tự chảy vào nền kinh tế, và nền kinh tế tự điều tiết, thỉnh thoảng thắt hay xả van điều tiết. Chỉ cần ở đây các chính sách hợp lý, như em vẫn nghĩ là cần luật phá sản đầu tiên, rồi cần các điều luật quản lý lĩnh vực tài chính cho chặt chẽ hơn. Luật phá sản chính là cách chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh nhất. Một doanh nghiệp phá sản, khi lập lại, cơ ngơi nó vẫn còn đó, chỉ đội ngũ là mới hơn và quan trọng là dễ dàng thay đổi đường lối, chiến lược kinh doanh. Đó là thay đổi cơ cấu kinh tế. Chi tiết hơn thì không dám bàn vì nó rộng và quá phức tạp, cần có số liệu và cái đó để các bác làm chính sách ngồi cãi nhau thôi. Nhưng cơ bản, em nghĩ đây là cơ hội cải tổ nền kinh tế, chấp nhận thương đau 1 vài năm mà làm lại, chứ mục tiêu GDP vẫn là 6% thì hơi chú trọng tăng trưởng, chứ có vẻ chưa chú ý chất lượng. Các nước châu Á 1997 sau khủng hoảng, anh nào tăng trưởng cũng âm hết, toàn -3 đến -5%, mặc dù năm trước đó GDP cao vật vã. Em đoán GDP VN năm nay, tối đa là 2%, còn có thể sẽ là âm.
Mấy ngày gần đây có các chương trình du lịch, cũng là lĩnh vực dịch vụ. Xu hướng là kích cầu du lịch nội địa bằng đủ các biện pháp giảm giá tour này kia. Nhưng em nghĩ có 1 cách kích cầu du lịch nội địa hiệu quả và đơn giản: đó là dùng chính sách ngày nghỉ lễ không bị xé lẻ.
Đơn cử như Tết dương lịch vừa rồi, 1/1 là thứ 5, cả nước nghỉ, nhưng T6 ngày 2/1 lại đi làm và T7, CN lại nghỉ. Thế thì ngày nghỉ lẻ tẻ và khó mà có những phong trào du lịch được. Lâu nay có 1 số công ty, trường học dùng ngày nghỉ bù, tức là làm bù vào T7 tuần trước đó để nghỉ bù ngày 2/1. Và như vậy kỳ nghỉ được kéo dài thành 4 ngày liên tiếp, đủ để đi du lịch đâu đó.
Thế nhưng dù đơn vị đó làm vậy thì vẫn không thành phong trào du lịch rộng rãi trong ngày nghỉ được, vì nhiều người còn ràng buộc vào người xung quanh. Nhiều khi gia đình con cái bạn bè họ làm ở đơn vị khác, con vẫn phải đi học, chồng vẫn đi giao dịch chứng khoán ngày 2/1, bạn bè vẫn phải đi cày (đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân). Nên là lại chỉ còn 2 ngày cuối tuần như 52 lần trong năm, không đủ để làm 1 chuyến du lịch dài... Tức là chưa có 1 chính sách chung để kéo dài ngày nghỉ, qua đó hy vọng tăng du lịch nội địa. Chính vì thế cần 1 quy định chung cả nước, quy ra các ngày nào làm bù, ngày nào nghỉ, để các doanh nghiệp tự lo liệu, đặc biệt khối tư nhân. Miễn sao cứ 1 năm vẫn đủ 260 ngày làm việc, còn các đợt nghỉ được nối sát nhau, đừng bị xé lẻ. Khi đó người nghỉ được nghỉ, người làm dịch vụ cũng sẵn sàng tinh thần chuẩn đón người nghỉ để chặt chém, hehe. Tính ra năm 2008, có ngày 10/3 vua Hùng rơi vào thứ 3 thì phải, thế mà không biết nghỉ bù ngày thứ 2 trước đó thì kéo thành 1 đợt 4 ngày, đợt 30/4-1/5 và 2/9 đều giữa tuần, cũng nghỉ rất lẻ tẻ, không tạo tính liên tục. Tới đây là tết âm lịch, nếu có chính sách làm bù để nghỉ ngày 30/1 thì có thể kéo đợt Tết âm lịch nghỉ 1 lèo tới 9 ngày lận.
Nói chung có nhiều cách kích thích du lịch nội địa. Với nhiều cty, trong 1 năm, chỉ vài đợt nghỉ lễ kéo dài trong năm đã chiếm 10-20% doanh thu năm của họ. Vậy thì chỉ riêng việc kích cầu du lịch nội địa bằng cách trên cũng có tác động lớn cho ngành du lịch rồi.
Cơ bản tình hình vẫn còn bi đát lắm. Vẫn phải nhìn anh Mỹ thôi. First In, First out. Mỹ dính vụ khủng hoảng này từ tháng 8/2007, trong khi đó VN đến tận gần cuối 2008 mới cảm thấy thực sự khó khăn và nếu Mỹ là nước đầu tiên thoát khỏi thì VN chắc phải mất khoảng 1 năm sau đó mới qua được. Mà về CK thì thường phục hồi trước khi kinh tế hồi phục khoảng 6 tháng, nên là xét cho cùng, cứ chờ Mỹ ra khỏi khủng hoảng cho rõ rệt đã, thậm chí là 6 tháng, thì hãy bắt đầu vào đầu tư ở VNI là vừa đáy. Đó cũng là 1 cách các bác ạ.
----------------
Ngày 11.02.09
Đầu năm chả biết viết gì khai bút, lại lên đây bàn loạn với các bác vậy.
---------------------------
Nếu như có 1 cái nhìn kỹ về mối tương quan của biến động kinh tế trong năm 2008 thì có thể thấy lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng chao đảo đầu tiên với các nền kinh tế lớn như Mỹ, Eurozone, Nhật hay Anh... Ngay từ đầu năm 2008, đồng USD đã biến động mất giá ầm ầm so với Euro, đồng JPY lên giá ầm ầm, với nguyên nhân lo sợ khủng hoảng tài chính ở Mỹ và lạm phát do giá dầu. Tháng 3/2008 quả bom BSC nổ, khiến thị trường tài chính các nền kinh tế lớn chao đảo. Khi đó tại 1 xứ xa xôi là Việt Nam, dù mọi người có theo dõi thông tin hằng đêm, nhưng ít người nghĩ rằng các cuộc khủng hoảng, phá sản từ nơi xa xôi đó sẽ ảnh hưởng đến họ nặng đến vậy. Lúc đó VN đang lo vui mừng với FDI rất lớn đổ vào, và chỉ hơi thoáng lo 1 chút tới vấn đề lạm phát.
Từ dạo tháng 3/2008, thậm chí sớm hơn, đồng tiền lớn của các nền kinh tế các nước phát triển biến động đầu tiên. Sau đó, khoảng tháng 9, vụ LEH nổ ra thì đồng tiền của các nền kinh tế nhóm emerging markets biến động mạnh hơn. Giai đoạn từ tháng 3/08 -9/08 thì các thể loại USD, EUR, GBP, JPY, CHF... chạy loạn xà ngầu khiến giá cả hàng hóa toàn cầu biến động khôn lường. Còn các đồng tiền ở những nền kinh tế nhỏ biến động ít hơn. Nhưng sau đó, chủ yếu từ tháng 11/2008 trở lại đây, thì ngược lại, các đồng tiền ở emerging markets chạy loạn cào cào, còn đồng tiền lớn ít biến động hơn. Điều này có thể đặt vào 1 so sánh mà nhiều người cũng hay nói trên TTCK, đó là khi rớt giá thì cổ phiếu blue chip rớt trước, sau đó đến penny, và khi phục hồi thì blue chip phục hồi trước.
Việt Nam chưa được coi là nền kinh tế mới nổi (emerging market) như nhiều người vẫn nghĩ mà vẫn chỉ là nước đang phát triển developing country thôi. Điều đó có thể suy đoán các biến động tiền tệ đối với VN sẽ còn chậm hơn các nước emerging kia, tức là theo sự lệch pha thì VND sẽ xảy ra biến động mạnh trong thời gian tới.
Một trong nhũng nước gây chú ý hiện nay của nhóm 15 nước mới nổi là Nga. Năm 2002, lần đầu tiên Goldman Sachs đưa ra thuật ngữ BRIC, là viết tắt của 4 nền kinh tế mà họ cho rằng sẽ gây chú ý tột bậc trong 1 thập kỷ đầu tiên, là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Thế nhưng thời gian tới đây, nhóm BRIC có lẽ sẽ mất chữ R, là nước Nga. Vì họ đang rơi vào những khó khăn rất lớn mà do cơ cấu kinh tế để lại.
Kể từ năm 1998 đến 2008, thu nhập trung bình của người dân Nga từ 60$/tháng năm 1998 đã tăng gấp 10 lần, lên 600$/tháng vào đầu 2008. Tất cả nhờ giá dầu. Nga đang từ một nước mà chính phủ tuyên bố vỡ nợ 40 tỷ (9/1998) đã trở thành nước có dự trữ ngoại hối lớn thứ 3 thế giới (600 tỷ $ vào 8/2008) và GDP trung bình 10 năm đó xấp xỉ 8%/năm. Và người ta đã ca ngợi anh Tin nhà em rất nhiều. Tuy nhiên nếu chỉ để Nga đứng riêng rẽ và các con số về dự trữ ngoại hối thì điều ca ngơi đó là hoàn toàn chính xác. Nhưng nếu đặt Nga vào khu vực các nước nhiều dầu mỏ của Liên Xô trước đây thì Nga vẫn đứng sau mấy nước, như Kazakhstan chẳng hạn với GDP trung bình gần 12% /năm trong suốt thập kỷ qua.
Điều đáng nói ở đây là nước Nga vẫn dựa vào dự trữ ngoại hối lớn để tự tin sẽ không rơi vào khủng hoảng. Ngày 8/8/08, cuộc chiến Gruzia nổ ra. Đó cũng là thời điểm dự trữ ngoại hối của Nga là 597 tỹ $. Nhưng kể từ đó đồng $ chạy khỏi Nga với tốc độ kinh hoàng. Hơn 1 tháng sau đó, các thông tin cảnh báo rằng Nga sẽ gặp khó khăn thì thủ tướng Putin vẫn tự tin trả lời trong cuộc họp báo thường niên và anh Tin nhà em bảo rằng nước Nga không có những AIG, LEH hay BSC như của Mỹ, nước Nga không có khủng hoảng tài chính, thậm chí nước Nga có kinh nghiệm 1998 có thể sẽ mang các nhà tài chính của Nga sang tư vấn cho thế giới để giải quyết khủng hoảng. Châu Âu im lặng đáp lại bằng cuộc họp G7 lờ hoàn toàn không đả động đến việc mời Nga thành G8 như mọi năm.
Thế rồi với tốc độ đồng $ chạy ra ngoài và NHTW Nga phải tung vào khoảng 40 tỷ$/tháng để bảo vệ đồng Rouble. Còn người dân Nga với kinh nghiệm đau thương 1998, họ đã tự lo cho bản thân, là ôm $ phòng thủ. Từ tháng 8/2008, 1$ = 23 rouble thì đến nay 1$ = 34 rbl rồi. Đấy là còn có việc NHTW tung 200 tỷ $ ra để giữ giá, bay mất 1/3 kho dự trữ trong nửa năm. Và với tốc độ mất giá như vậy, nước Nga đang đứng bên bờ vực của khủng hoảng, dù cách đây 1 tháng, các quan chức ở Nga vẫn tuyên bố rằng họ sẽ không phá giá tiền. (lúc tuyên bố đó, 1$ = 29 rbl). Tóm lại điều đó cho thấy chỉ dựa vào dự trữ ngoại hối không phải là yếu tố thoát khỏi khủng hoảng, không phải yếu tố chống mất giá tiền tệ, mà phải thực sự từ cơ cấu của nền kinh tế đó trong mối tương quan phát triển kinh tế quốc gia. Biến động tiền tệ sẽ dựa vào vấn đề đó.
Câu chuyện về quá trình và diễn biến mất giá của đồng rouble và các đồng tiền khác ở châu Âu và châu Á sẽ đề cập đến trong 1 bài viết khác khi có thời gian để mọi người tự so sánh với tình trạng của VND. Giờ quay trở lại bàn về VN 1 chút.
Gói kích cầu 1 tỷ $ hỗ trợ vào lãi suất đang được mọi người hồ hởi đón nhận. Và quả thực em cũng chưa thấy cách nào có thể hay hơn. Nếu nhìn lại gần 1 năm trước, khi VNI ở mốc 900 thì em lập topic này và cũng nói rằng cần cứu CK. Và nhiều bác cũng đưa ra ý tưởng là Bộ TC không cần phải tung hết tiền mua giữ giá các c/p mà chỉ mua lại phần cầm cố từ các cty chứng khoán. Điều đó cũng giống như hiện nay, khi CP tung vào các khoản tiền hỗ trợ lãi suất.
Có điều khi đó UBCK hay Bộ TC đã không để ý đến việc cứu CK theo cách hiện nay CP đang làm, mà họ dùng biện pháp hơi ngược đời là thắt biên độ. Hành động này cũng có thể ví giống như IMF ra những quy định ngược hoàn toàn với nguyên lý kích cầu trong vụ khủng hoảng 1997 Á châu.
Tuy nhiên lại có 1 điều khác có thể chú ý đến là cách đây 1 năm thì em và nhiều người vẫn nghĩ rằng UBCK hay BTC sẽ cứu được CK nếu họ ra tay (còn không thì nên cho rơi tự do, xóa bài làm lại). Nhưng bây giờ sau 1 năm nhìn lại thì thấy rằng có lẽ dù BTC có tung tiền nhu nào chắc cũng khó cứu được CK. Vì TTCK dựa vào sức khỏe thực sự của nền kinh tế, có níu kéo, cưỡng bức hay gian lận báo cáo tài chính cũng chỉ được 1 thời gian. Tốt nhất cho rơi tự do, làm lại từ đầu.
Từ đó lại chợt nghĩ, biết đâu sau 1 năm nữa, gói cứu trợ 1 tỷ $ vào lãi suất như này, cũng chưa chắc đã cứu được cho nền kinh tế như vụ CK năm ngoái, vì những diễn biến khó lường trong thời gian tới của kinh tế VN và thế giới? Và nếu điều đó xảy ra thì sao? Cái này mỗi người tự đưa ra suy nghĩ và biện pháp phòng thủ cho mình thôi.
Lý do nghi ngờ về tác dụng của gói hỗ trợ lãi suất này từ việc sẽ huy động được 1 lượng tiền lớn để cho vay sản xuất, chưa hoàn toàn là yếu tố kích thích nhu cầu tiêu dùng. Nhưng hiện nay vay sản xuất hay dịch vụ tài chính, BĐS là khâu đầu, cứ cho khâu đầu này dễ dàng hơn đi, chi phí thấp hơn, nhưng ở khâu sau, là tiêu thụ, là nhu cầu tiêu dùng vẫn đang khó khăn. Thiết nghĩ vẫn cần những cải cách đi kèm. Những hồ hởi của gói hỗ trợ sẽ qua đi sau 1 thời gian, giống như dạo tháng 9 ở Mỹ, khi tung ra gói hỗ trợ 700 tỷ thì DJ là 10.000 điểm, hiện giờ còn 8.000 điểm thôi. Và khi đó nghi ngờ tác dụng gói kích cầu ở VN, em cho là có cơ sở.
Ở trên em hơi ví dụ đến nước Nga, bởi vì ~80% GDP của Nga dựa vào xuất khẩu dầu mỏ. Chỉ trong mấy tháng giá dầu mỏ rớt mất 2/3 nên Nga đã lao đao như hiện nay. Kazakhstan cũng thế, kinh tế dựa vào xuất khẩu dầu mỏ và khi khó khăn họ đã tung dự trữ $ ra để giữ giá cho đồng nội tệ nhưng cuối tuần trước đã không chịu được nhiệt, tuyên bố phá giá 20%. Còn VN cũng dựa vào XK rất lớn, nên nếu thị trường XK của VN bị thu hẹp thì cũng sẽ khiến kinh tế lao đao nhu vậy. Chỉ có điều tốc độ sụt giảm kim ngạch XK của VN sẽ không nhanh như tốc độ sụt giảm giá dầu năm vừa qua. Tức là thời gian diễn biến với VN sẽ lâu hơn và kết quả sẽ có phần nào na ná. Phần giống có thể là biến động tiền tệ, phần khác có thể là tổn thương nền kinh tế sẽ không như nước Nga.
Để đi tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng hiện nay ở VN quả là khó, nhưng mà vẫn phải tìm cách. Em tin là sau cú kích cầu 1 tỷ này sẽ còn cú kích cầu tiếp theo, bởi em cảm giác cú kích cầu hiện nay mới chỉ là giai đoạn cú hích khởi động, thông quan hàng hóa tồn kho từ năm ngoái: như BĐS hay các mặt hàng tiêu dùng chẳng hạn. Nhìn sang Mỹ và châu Âu sau cú doping đầu tiên thì đang tiến hành gói stimulus thứ 2.
Em thấy là nếu VN có gói kích cầu tiếp theo thì nên kích vào y tế và giáo dục. Mấy cái này sẽ có tầm nhìn xa hơn và hiệu quả hơn vì 60% dân số VN trẻ và trong độ tuổi 3x trở xuống, phù hợp với các lớp giáo dục từ mầm non cho tới sau đại học, dạy nghề, chỉ đơn giản như là tăng học bổng, giảm học phí học nghề, miễn học phí cấp 1, hoặc hỗ trợ mầm non để giảm bớt khó khăn cho độ tuổi trẻ U35. Thế hệ sinh trước 1975 thì khổ quen rồi, hihi, chắc ít than vãn hơn, chứ thế hệ sau 1975 chắc chưa khi nào gặp khó khăn kinh tế như này, nên việc kích cầu vào giáo dục, giảm bớt khó khăn cho họ cũng là cách chống bất ổn xã hội (dạo này đọc báo thấy nhiều vụ án quá, mà khó khăn kinh tế vẫn chưa bộc lộ hết đâu đấy). Còn hỗ trợ y tế thì có lẽ sẽ tác dụng nhiều hơn với thế hệ sinh trước 1975. Cụ thể như nào chắc phải là các chuyên gia ngồi tính toán thôi. Bồi bút như em chỉ ba hoa được có vậy thôi ạ.
Khi nói nên chú ý đến giáo dục và y tế cũng chính là 1 phần từ kinh nghiệm Nhật Bản trong giai đoạn tìm lối thoát cho khủng hoảng ở thập kỷ 90. Ban đầu họ kích cầu rất lớn vào hạ tầng cơ sở nhưng thưc tế cho thấy là dòng vốn quá lớn đổ vào 1 lĩnh vực như vậy gây lãng phí. Và mãi sang thiên niên kỷ mới, Nhật Bản đưa ra chính sách quantitative easing, hạ lãi suất về gần 0 mà Mỹ và châu Âu đang bắt chước bây giờ. Nhật Bản đã tìm ra lối thoát và có kết quả từ năm 2004. Đầu tư vào hạ tầng cơ sở ở VN vẫn là điều cần làm thường xuyên, kế hoạch tăng tốc hàng năm, nhưng kích cầu vào đó có lẽ không nên, vì sẽ gây lãng phí. Chỉ riêng việc hỗ trợ tiền Tết cho vài ngàn hộ dân vừa rồi mà quản lý còn khó, thì nói gì đến các dự án, đầu tư với hàng trăm nghìn hạng mục, gói thầu. Khó quản lý lắm.
Coi như VN thụt lùi kinh tế vài năm, đầu tư vào giáo dục, y tế để làm lại, hỗ trợ cho mục tiêu phát triển bền vững sau này, chứ phát triển nóng như mấy năm qua, các doanh nghiệp tìm thợ có tay nghề là điều cực khó khăn, đa số cứ như cướp giật nhân sự của nhau. Nhiều bác ở trên cao cứ mơ hóa rồng hóa hổ nhưng những cái tối thiểu ở bên dưới, như thợ thuyền có tay nghề, có tác phong chuyên nghiệp cực kỳ hiếm, khéo hiếm hơn cả lãnh đạo. Có thể nhìn vấn đề nhân công có tay nghề, có tác phong chuyên nghiệp qua lăng kính người giúp việc không trở lại làm sau Tết, đủ thấy được là thiếu thốn tác phong chuyên nghiệp như nào.
Và điều lan man cuối cùng trong năm mới, hihi, không biết kinh tế VN có chống đỡ được hay sẽ bay mất thành quả cách mạng nhiều năm gần đây. Cái đó có 1 phần quan trọng phụ thuộc vào yếu tố văn hóa và con người VN. Em thấy người Việt có 1 tính rất độc đáo, là tính "lỏng". Nói nôm na là tính cách biết luồn lách, vượt khó khi gặp gian nan. Nếu chỉ nhìn đơn thuần nền kinh tế và các diễn biến hiện nay cả của VN với thế giới, cũng như tình trạng corruption, yếu kém của giáo dục, con người, các bục phát trước đây giờ sắp hoặc sẽ vỡ ra v.v. thì thấy rằng VN đang rất bi quan. Điều bi quan này mọi người sẽ dần nhìn thấy, trong vòng đến hết quý 2 thôi. Thế nhưng lịch sử VN luôn có những bước đi bất ngờ, mà chủ yếu là từ yếu tố văn hóa Làng xã.
Ngày xưa, khi bị xâm lăng hay đô hộ, làng ở VN bao giờ cũng là nơi trú ẩn cuối cùng và cũng là nơi xuất phát đầu tiên cho các cuộc cải cách. Hình như chưa có quan cai trị nước ngoài nào từ thời Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh bên Tàu đến Pháp đặt đến tận cấp làng. Tức là về đến cấp làng xã thì luôn có tính chất VN và ở đây là một "quốc gia" thuần Việt khép kín sau lũy tre, phép vua còn thua lệ làng.
Yếu tố về văn hóa Làng xã sẽ giúp VN như nào trong khủng hoảng hiện nay? Thường thì dễ nhìn thấy là các phong trào ở VN theo làng, như hội hè là theo làng, đi kinh tế mới cũng cả làng, theo tôn giáo cũng thường là cả làng, chài lưới cũng cả làng, thậm chí đến ăn xin cũng có cả làng làm nghề ăn xin (ở Quảng Xương - TH)... Khi kinh tế suy giảm, khu vực thành thị sẽ nhìn thấy khó khăn trước, một bộ phận dân cư thành thị sẽ lại trở về nông thôn thủa nào và tốc độ suy thoái cứ từ từ lan rộng dần từ thành phố xuống các tỉnh, huyện rồi xuống các làng xã. Có lẽ khi khủng hoảng lan xuống đến cấp làng thì sẽ dừng lại ở đây. Có thể thấy 1 hiện tượng lạ là sau Tết vừa rồi, rất nhiều người giúp việc, hoặc các lao động phổ thông về quê rồi không quay trở lại nữa, họ vui vẻ và hài lòng ở lại quê. Tức là trong tiềm thức và cảm nhận nhiều người ở quê, Làng xã vẫn là 1 điều gì đó hấp dẫn hơn thành thị khi bị suy thoái v.v
Dân số VN 80% là nông thôn, nên có lẽ khu vực này sẽ là nơi cuối cùng chặn đà suy thoái. Nếu không chặn được, tức là đại bộ phận người dân ở nông thôn không thể mưu sinh trên chính mảnh đất của họ thì có thể sẽ xuất hiện các Xô Viết Nghệ Tĩnh nguy hiểm cho thể chế chính trị. Nhưng em tin là suy thoái chỉ lan đến đó là dừng thôi. Và từ đó có thể thấy là nếu có gói kích thích thứ 2, thì chú trọng thêm đến người dân khu vực nông thôn, sẽ là biện pháp nhanh để chặn đà suy thoái. Các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ nó là cơ cấu toàn nền kinh tế rồi, đi vào các bánh xe, guống máy rồi, sửa không thể trong ngày 1 ngày 2, kiểu như đường xá, hạ tầng, hệ thống phân phối ấy, không thể nhanh chóng xây dựng được. Nên là chú ý thêm vào nông nghiệp. Gói kích cầu thứ 2 có thể sẽ là những công việc liên quan đến cải tạo xây dựng hệ thống thủy lợi, canh nông, tạo lập thị trường cho nông sản v.v., xây dựng mô hình ruộng đồng nông nghiệp phát triển chuyên nghiệp hóa theo kiểu của Pháp hoặc Nhật Bản mà hiện nay rất nhiều tổ chức phi chính phủ muốn giúp đỡ cải thiện cho người nông dân VN. Khi đó hàng hóa nông sản sẽ chỉ qua 1 đại lý trung gian để lên mã vạch rồi chạy thẳng vào hệ thống phân phối chứ không phải qua các đầu nậu thu gom đóng gói thủ công như hiện nay. (chỉ sợ sờ đến đất làng đất ruộng thì biến hết thành các khu công nghiệp, sân gôn rồi thì hỏng)
Và không biết có gói kích cầu thứ 3, khởi động cho việc phát triển kinh tế sau khi dừng suy thoái ko nhỉ? Mà có lẽ gói này chỉ cần tiếp tục hạ lãi suất thôi. Tuy nhiên vấn đề này còn xa, và kệ nó đã, bàn loạn sau. Xét về lịch sử, có thể thấy VN chưa có những nhà cải cách lừng danh như Piot Đại Đế của nước Nga, Minh Trị Thiên Hoàng của Nhật hay những vị vua hùng mạnh nhà Thanh như Khang Hy, Càn Long bên anh giai phương Bắc... VN mới chỉ có đến Hồ Quý Ly được coi là nhà cải cách kinh tế nhưng 7 năm nhà Hồ chả làm được gì. Sau này có thêm Nguyễn Trường Tộ ở vai trò ông quan, dừng lại chỉ với các ý tưởng canh tân. Điều đó cho thấy trong quá khứ, VN chưa bao giờ có thể là 1 nền kinh tế mạnh. Và nếu như thế, thì cũng chỉ nên đặt những mục tiêu phát triển ở mức độ vừa phải như nào đó mà thôi. Đủ tương quan tạo thành phát triển bền vững vẫn hay hơn. Nói điều này ra nghe có vẻ yếm thế nhưng kinh tế là những vấn đề cơm áo gạo tiền, nó là vấn đề sát sườn hàng ngày, đau 1 chút cũng được, chứ không thể cứ mơ mộng như mấy bác nhà thơ mà "giấc mơ con đè nát cuộc đời con" được. Hehehe.
Chứ vẫn đặt mục tiêu phát triển nhanh thì có thể lấy ví dụ hình ảnh chú ngựa sau 1 thời gian phi nước đại, bống dưng bị ghìm cương. Nếu như không ghìm cho nó đứng hẳn, thuần hẳn thì chú ngựa đó vẫn có thể say máu lồng lên bất cứ lúc nào và hất đổ mọi thứ.
Diễn biến kinh tế VN và thế giới cũng thế, đang trong suy thoái như này, nhưng xét về dài hạn thì hoàn toàn có thể bùng nổ bất cứ lúc nào vấn đề lạm phát, khi mà nước nào cũng tha hồ bơm tiền vào hệ thống. Từ Mỹ đến VN. Vấn đề này còn dài, nhưng chắc khi khác bình luận thoai. Lên đồng hơi lạc đề rồi, hehehee.
Chúc các bác năm mới kiếm ra nhiều hình thức mới để đầu tư nhá. Em thấy đầu tư vào nông nghiệp là 1 hướng đi không tệ đấy. Hihi.
-----------
Ngày 16.02.09
damphumy4u:
k biết mọi ng đánh giá thế nào về tin tăng giá điện gần 9% vào 1/3 và việc có thể tăng giá xăng trong thời gian tới
hjc, với "tầm nhìn" của mình thì em thấy quyết định này... không đỡ đc
mà không rõ giá xăng dầu thế giới và các nc bên cạnh chúng ta đang ở mức nào các bác nhỉ ?!
Perochan
Hehe, có gì đâu bác, 2009 dự kiến tăng 20% giá điện cơ mà. Đầu năm phải oánh 1 phát để cuối năm làm nốt 10% còn lại, giãn cho xa xa không bà con kêu.
Thực ra tăng giá điện của EVN là đúng rồi, để EVN còn nâng giá mua điện, thì mới có người đầu tư vào. Năm vừa rồi tất cả các dự án của EVN đều chậm tiến độ, khả năng không hoàn thành quy hoạch điện VI trước 2010, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế. Giá điện ở VN khoảng 5c/kwt trong khi các nước xung quanh là 7-8c/ Kwt, tức là điện ở VN rẻ hơn. Mà các nước xung quanh hạ tầng lại còn tốt hơn, tiêu hao truyền tải ít hơn. Giá thành điện thì không thể nói theo kiểu thu nhập VN thấp hơn nên giá điện phải rẻ hơn.
Tức là muốn phát triển ngành điện thì cứ phải tăng giá điện cái đã, mới có bên ngoài đầu tư vào ngành điện rồi bán cho EVN chứ. Như thế là đa dạng hóa nguồn cung, chống độc quyền của EVN. Nhưng phải tách truyền tải điện riêng ra, cái này ai cũng biết rồi. Cứ chấm dứt độc quyền càng sớm càng tốt. Em nhớ những năm 90, ngồi taxi vàng Vinataxi ở SG hay Airport Taxi ở HN, tốn vãi. 2$/km. Giờ chạy taxi vòng vèo khắp HN chắc cũng chỉ bằng giá mở cửa thời độc quyền. Điện thoại hay internet cũng thế, cho cạnh tranh vào sướng hơn hẳn độc quyền. Cho nên bà con phải chịu khổ, chịu tăng giá điện để phá độc quyền, vì thế hệ tương lai thoai, hehehehe. AQ tí.
Nhưng có điều đi kèm với tăng giá điện, là phải có chính sách tiết kiệm điện. Có 1 cách tiết kiệm điện rất nhanh, mà lẽ ra cần làm từ lâu, trước cả bóng đèn tiết kiệm điện, cần đưa vào trong luật tiết kiệm điện. Đó là các thiết bị điện cần ghi công suất tiêu thụ thật TO, lên hàng đầu, có thể to bằng 50% bảng đặc tính kỹ thuật. Dần dần cái đó nó ngấm vào máu người dân, ai cũng biết rõ từng thiết bị tiêu thụ như nào, các thông tin khác họ quan tâm. Cái này giá mà các bác làm luật học tập mấy bác làm marketing, kiểu như giảm giá 50% chữ to đùng ấy. Thế thì hay biết mấy.
Năm ngoái EVN bán tổng cộng 25 tỷ Kwt điện sinh hoạt (40% tổng tiêu thụ), giá trung bình 900đ/Kwt , tức là khoảng 22k tỷ đồng. Giờ chỉ cần tiết kiệm 10% chỗ tiêu thụ đó là tiết kiệm 2200 tỷ đồng = 150 triệu $, bằng số tiền xây 1 nhà máy điện mới công suất 150MW, lớn hơn 2 cái nhà máy Vĩnh Sơn - Sông Hinh. Mà tiết kiệm được 10% điện là điều bình thường, vì như anh Nhật Bản, từ năm 1970 đến nay, sản lượng công nghiệp tăng gấp 3 lần, nhưng sản lượng điện không tăng (96% năng lượng ở Nhật là nhập khẩu dầu, khí..., nên nó tiết kiệm vậy). Đó là nói riêng tiết kiệm điện sinh hoạt, chứ chưa nói đến tiết kiệm điện sản xuất.
Thoai bàn tí về điện thía thoai, hehee, ngành này dài dòng và phức tạp lắm, em chả muốn đi sâu, ngại lém. Nhất là nói đến cái bọn truyền tải ấy.
Còn các quyết định khác, cứu vãn hay không thì cũng thế thôi bác ạ. Em xác định là VN cần cải tổ để làm lại rồi. Roài VNI thì cũng cứ mốc 200 đã. Kể cũng bi quan nhỉ, hehe. Nhưng có 1 chút lạc quan là Trung Quốc có vẻ đang phục hồi, dù gói cứu trợ của nó cũng mới chỉ công bố thoai chứ chưa rót tiền được. CSI từ 1600 giờ lên 2300 roài, không rõ có phải là cú Bull kiểu VNI 360 lên 570 hay là phục hồi thật. Nếu Trung Quốc phục hồi thật thì phải nói đến yếu tốt tiết kiệm chi tiêu bấy lâu nay của người dân Tàu đã cứu họ lúc này, chứ ko như mấy anh tư bản, tiêu trước trả sau. Khi kinh tế phát triển người ta chê dân châu Á là tiết kiệm, không kích thích vòng quay đồng tiền. Biết đâu khi suy thoái, tiết kiệm từ trước giờ đây sẽ tác dụng? Mà nếu tác dụng với anh Tàu thì anh VN sẽ có phần nào giống. Cái này là phân vân của em thoai. Hehe.
Xét trên yếu tố của TTCK thì tăng giá điện là cơ hội đầu cơ vào ngành điện, nhất là thủy điện, không liên quan đến giá đầu vào như than đá. Mà thủy điện là nhóm có lẽ ổn nhất khi kinh tế đi xuống đấy, vì nó vẫn chạy đều đều và giá bán điện lại cho EVN rất ổn định, Ngoài ra có 1 số nhà máy thủy điện bán cho EVN bằng giá $ tới tận 2010. Không sợ bị ảnh hưởng của mất giá. Nếu em quan tâm lúc này, em sẽ vào cp đó, và tìm các anh nào mà hệ số vạy nợ ổn nhất, những anh vay ít nhất trong thời gian qua để đi đầu tư vào các nhà máy khác. Ngoài ra còn 1 rủi ro khac của thủy điện là tần suất sự cố đang tăng lên rất nhiều trong những năm gần đây, tăng từ 2-4 lần số sự cố đấy.
Thông tin của chủ đề
Users Browsing this Thread
Có 1 thành viên đang xem chủ đề này. (0 thành viên và 1 khách vãng lai)
Similar Articles
-
Cơ hội từ VN-Index trong các tháng cuối năm (tiếp theo)
By nguyenquangminh in forum Nhận định thị trường bằng Phân tích kỹ thuậtTrả lời: 0Bài viết cuối: 10-09-2009, 02:29 PM -
G20 đồng ý các bước trong gói kích thích kinh tế tiếp theo
By ngoc_thien in forum Nhận định Thị trườngTrả lời: 0Bài viết cuối: 06-09-2009, 12:59 PM -
bước tiếp theo sau khi ipo BẢO VIỆT
By dai_gia_vo_danh in forum Thị trường OTCTrả lời: 0Bài viết cuối: 04-06-2007, 03:02 AM -
Sau 31/9 lieu Vietstock co tiep tuc giai thuong cho thang tiep theo ?
By in forum Vận động trườngTrả lời: 0Bài viết cuối: 01-01-1970, 07:00 AM -
Tiếp theo Thủ thuật và sách lược của Viet fund ......
By in forum Quỹ Đầu tư và TTCK Việt NamTrả lời: 0Bài viết cuối: 01-01-1970, 07:00 AM
Bookmarks