Rủi ro của thông tin mờ ảo

Việt Long & Nguyễn Xuân Nghĩa,
Cầu Cần Thơ, được xây dựng chủ yếu nhờ vốn vay từ nước ngoài, ảnh chụp ngày 5 tháng 7 năm 2010. AFP PHOTO / HOANG DINH Nam
Diễn đàn Kinh tế vừa nói đến rủi ro kinh tế tại Việt Nam. Sau đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF công bố báo cáo hàng năm về tình hình kinh tế của Việt Nam với một số khuyến cáo về những rủi ro có thể gặp.
Lập tức chính quyền Hà Nội phản bác bản báo cáo của cơ quan IMF là "không trung thực". Chúng ta nên tìm hiểu về những rủi ro của Việt Nam qua lối phản ứng như vậy. Xin quý vị theo dõi phần trao đổi của nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa với Việt Long về đề tài trên.
Không dám nhìn vào sự thật
Việt Long: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Thưa ông, hôm mùng tám tuần trước, trên diễn đàn này, ông có trình bày một loạt các rủi ro kinh tế của Việt Nam. Sau đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đã phổ biến bản nhận định hàng năm của họ về tình hình và viễn ảnh kinh tế của Việt Nam với một số khuyến cáo, nhưng lập tức bị Ngoại trưởng kiêm Phó Thủ tướng của Hà Nội phản bác. Vì vậy, chúng tôi xin được đề cập đến vụ tranh cãi này để thính giả hiểu thêm về những rủi ro của Việt Nam. Ông nghĩ sao về chuyện này?
Một rủi ro khác của Việt Nam, là không dám nhìn vào sự thật, và rằng thuốc đắng thì dã tật chứ mật ngọt mới làm chết ruồi.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ rằng đáng lẽ tuần trước ta còn phải nói thêm một rủi ro khác của Việt Nam, là không dám nhìn vào sự thật, và rằng thuốc đắng thì dã tật chứ mật ngọt mới làm chết ruồi. Tôi xin giải thích như sau về cái chứng tật này.
Nói về bối cảnh thì Việt Nam là thành viên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, một định chế quốc tế có nhiệm vụ ổn định hệ thống ngoại hối và yểm trợ công cuộc phát triển của các nước. Việt Nam có ký thỏa ước với định chế này để hàng năm họ gửi chuyên gia tới thu thập dữ kiện kinh tế tài chính và thảo luận với giới chức hữu trách về tình hình kinh tế và chính sách của Việt Nam.
Sau đó, các chuyên gia IMF trở về trình bày kết quả khảo sát - là quan sát và tham khảo ý kiến - lên Hội đồng Chấp hành ở trên để thảo luận về hiện tình, viễn ảnh, triển vọng và những rủi ro mà Việt Nam có thể gặp. Kết quả của việc lượng định và thảo luận ấy được cơ chế cao nhất chuyển cho giới chức kinh tế Việt Nam, rồi sau đó mới được phổ biến cho công chúng.
Năm nay, phái đoàn chuyên gia đến Việt Nam từ tháng Năm để thu thập thống kê, tham khảo ý kiến giới chức kinh tế tài chính và tư doanh và có nhiều đợt thảo luận trước khi về đúc kết ra phúc trình khảo sát vào đầu tháng Bảy làm cơ sở cho thượng cấp lượng định. Hai tháng sau, bản phúc trình dày 80 trang mới được công bố. Quy cách làm việc như vậy đã có từ nhiều năm nay và quốc gia hội viên nào của IMF cũng đều có thủ tục làm việc như vậy.

Một công ty kinh doanh chứng khoán tại Hà Nội, ngày 21 tháng 5 năm 2010. AFP PHOTO / HOANG DINH Nam
Nói cho dễ hiểu thì ta có thể so sánh với việc mình đi khám bác sĩ hàng năm để rà soát lại tình hình sức khoẻ và có khi nhờ bác sĩ mà chẩn đoán ra bệnh trước căn bệnh phát tác. Khi ông Phó Thủ tướng của Hà Nội lại công khai phản bác ý kiến của IMF trên nhật báo chuyên đề về tài chính của Anh là tờ Financial Times thì ta có thể nghĩ đến cảnh bệnh nhân cãi lộn với bác sĩ. May là chưa bẻ gãy cái cặp sốt của bác sĩ. Có lẽ đấy cũng là một triệu chứng mắc bệnh và là một rủi ro mà mình nên quan tâm!