Khủng hoảng ở Mỹ và ở Nhật: Những khác biệt lớn
  • Thông báo


    Kết quả 1 đến 9 của 9

    Threaded View

    1. #1
      Ngày tham gia
      Jul 2010
      Bài viết
      100
      Được cám ơn 40 lần trong 23 bài gởi

      Mặc định Khủng hoảng ở Mỹ và ở Nhật: Những khác biệt lớn

      Khủng hoảng ở Mỹ và ở Nhật: Những khác biệt lớn


      Vietstock xin giới thiệu tới độc giả bài phân tích so sánh cuộc khủng hoảng kinh tế Mỹ và Nhật, được đăng trên Tạp chí Foreign Affairs (nghiên cứu về các vấn đề chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ) của tác giả Richard Katz - Tổng biên tập tờ “The Oriental Economist Alert”, đồng thời là tác giả của cuối sách “Con đường đi tới phục hồi kinh tế Nhật”.

      Mỗi khi xảy ra một cuộc khủng hoảng nào đó, các học giả thường lần lại lịch sử để so sánh nó với một cuộc khủng hoảng đã xảy ra trong quá khứ. Lần này cũng vậy, không ít người đã ví cuộc khủng hoảng mà nước Mỹ đang đương đầu với “thập kỷ mất mát” của Nhật Bản ở những năm 1990.

      Một trong những lý do mà các chuyên gia này đưa ra cho sự so sánh của họ là hai cuộc khủng hoảng cùng xuất phát từ sự “xì hơi” của thị trường địa ốc. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã lật lại vấn đề và cho rằng sự so sánh này là khập khiễng.

      Cơ sở cho ý kiến phản biện này là sự phân tích những khác biệt trong nguyên nhân và quy mô của hai cuộc khủng hoảng, cũng như cách ứng phó của các nhà hoạch định chính sách mỗi nước trước mỗi cuộc khủng hoảng.

      Hai cuộc khủng hoảng với nguyên nhân khác xa

      Về nguyên nhân, có thể nói, sự đình trệ của kinh tế Nhật cách đây một thập kỷ bắt nguồn từ những vấn đề mang tính cơ cấu trong nền kinh tế.

      Thứ nhất, Nhật Bản có một mạng lưới an sinh xã hội mỏng manh, do đó, để bảo vệ việc làm cho người lao động trong nước, cũng như những doanh nghiệp và các ngành công nghiệp yếu ớt trong nước trước sự cạnh tranh của các đối thủ nước ngoài, người Nhật đã sử dụng tới những quy tắc mang tính bảo hộ và sự cấu kết giữa các công ty với nhau. Rốt cục, hệ thống này đã hạn chế sự cải thiện năng suất và cản trở tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

      Tỷ lệ thu nhập thực tế của hộ gia đình so với GDP thực tế vì thế cũng giảm xuống, khiến tiêu dùng cá nhân co lại. Để kích cầu, Chính phủ Nhật áp dụng lãi suất cực thấp nhằm khuyến khích đầu tư doanh nghiệp, nhưng kết quả lại là đồng vốn sử dụng kém hiệu quả và nợ xấu tăng vọt.

      Thứ hai, cuộc khủng hoảng của Nhật gần như xâm nhập vào mọi ngóc ngách trong thế giới doanh nghiệp nước này. Ở mọi ngày, mức nợ và công suất dư thừa “phình to” trong khi mức lợi nhuận thấp. Nhiều dự án lớn mọc lên bằng tiền vay nợ với niềm tin Chính phủ và các ngân hàng sẽ cứu giúp các con nợ. Nhưng bản thân các ngân hàng lại quá thiếu vốn để đương đầu với nợ xấu, do đó, trong thời kỳ 1995-2003, thua lỗ vì nợ xấu của các ngân hàng Nhật đã vọt lên mức tương đương 20% GDP.

      Thứ ba, sai lầm trong chính sách tài khóa và tiền tệ của Nhật, cũng như thất bại của Chính phủ Nhật trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng vay nợ này càng khiến tình hình thêm tồi tệ.

      Trong khi đó, cuộc khủng hoảng ở Mỹ lại bắt nguồn từ lòng tham, sức mạnh của ngành tài chính, cũng như những sai lầm lẽ ra có thể sửa chữa trong chính sách.

      Sai lầm đầu tiên là Chính phủ Mỹ đã buông lỏng việc giám sát hoạt động cho vay địa ốc dưới chuẩn. Nguyên tắc truyền thống của ngành ngân hàng là không cho vay những khách hàng không chứng minh được khả năng thanh toán. Tuy nhiên, quy định này hầu như đã bị “bỏ quên” trong hoạt động cho vay dưới chuẩn tại Mỹ.

      Đã có không ít cảnh báo cho vấn đề này. Năm 1994, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Quyền sở hữu nhà và Bảo vệ tài sản, cho phép Cục Dự trữ Liên bang nước này (FED) buộc các tổ chức cho vay địa ốc phải tuân thủ các tiêu chuẩn cho vay truyền thống. Nhưng Chủ tịch FED khi đó là Alan Greenspan đã từ chối quyền lực được giao này, vì cho rằng thị trường tài chính sẽ tự điều chỉnh.

      Sai lầm thứ hai trong chính sách của Mỹ là Chính phủ nước này đã không giám sát chuyện lương thưởng của các CEO ngành tài chính. Hệ thống thù lao trong đó quyền chọn cổ phiếu chiếm phần chủ đạo trong gói lương thưởng của các CEO cho phép họ dám đưa ra những quyết định liều lĩnh với tiền của doanh nghiệp.

      Trong trường hợp thành công, CEO có thể lĩnh hàng trăm triệu USD tiền thưởng, còn nếu thất bại, họ cũng chẳng phải gánh chịu hậu quả, có chăng chỉ là tiền thưởng ít đi mà thôi. Thậm chí trong trường hợp CEO khiến doanh nghiệp đổ vỡ, như cựu CEO Stanley O’Neal của Merrill Lynch, CEO vẫn ra đi với những gói bồi thường thôi việc khổng lồ.

      Cách trả lương thưởng như vậy được xem là một nguyên nhân quan trọng của cuộc khủng hoảng tại Mỹ hiện nay. Nghiên cứu cho thấy, những doanh nghiệp áp dụng hình thức trả thù lao trong đó quyền chọn cổ phiếu chiếm phần chính trong gói lương thưởng của CEO thường chịu những khoản lỗ lớn bất thường nhiều hơn so với những doanh nghiệp trả cho CEO chủ yếu bằng tiền mặt hay cổ phiếu.

      Sai lầm thứ ba của Chính phủ Mỹ dẫn tới cuộc khủng hoảng này là gần như không có quy chế giám sát nào cho thị trường tài chính phái sinh. Do sự ràng buộc cao độ lẫn nhau giữa các đối tượng tham gia thị trường này, sự sụp đổ của một đối tượng nào đó có thể dẫn tới sự đổ vỡ dây chuyền - đúng như cách ví von của tỷ phú đầu tư Warren Buffett gọi các công cụ phái sinh khi đó là “vũ khí tài chính hủy diệt hàng loạt”.

      Điển hình, vụ phá sản của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers khiến hãng bảo hiểm AIG lỗ nặng ở các hợp đồng hoán đổi khả năng vỡ nợ (CDS), khiến tất cả các đối tượng trong hệ thống mất niềm tin nghiêm trọng vào nhau và sự tháo chạy của giới đầu tư khỏi toàn bộ thị trường tài chính phái sinh và chứng khoán hóa.

      Khi đó, các công ty làm ăn tốt và người tiêu dùng có khả năng trả nợ cũng không thể vay được vốn. Bản thân các ngân hàng cũng khó bán nổi danh mục vay nợ của họ trên thị trường chứng khoán hóa để có tiền cho việc cấp vốn vay mới.

      Hai cuộc khủng hoảng, hai quy mô

      Quy mô của cuộc khủng hoảng ở Nhật những năm 1990 và cuộc khủng hoảng ở Mỹ hiện nay cũng có nhiều khác biệt cơ bản.

      Từ năm 1981-1991, giá đất thương mại tại 6 thành phố lớn nhất của Nhật tăng 500 lần. Sau khi “bong bóng” nổ, giá đất này sụt dưới mức của năm 1981 và cho tới năm 2007, mức giá này vẫn thấp hơn 83% mức giá đỉnh ở năm 1991.

      Tại Mỹ, giá nhà đất không tăng mạnh tới vậy và cũng không lao dốc chóng mặt tới vậy. Trong thời gian 1996-2000, giá nhà tại 20 thành phố lớn nhất của Mỹ tăng 200%. Dự báo, mức giá này có thể giảm 30-40% so với đỉnh một khi chạm đáy vào năm nay hoặc năm tới.

      Phần lớn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phi tài chính ở Mỹ hiện vẫn ổn, với mức nợ chỉ tương đương một nửa giá trị tài sản ròng của công ty, ngang với mức nhiều năm qua. Trong khi đó, ở thập niên 1990, mức nợ của các doanh nghiệp Nhật lớn gấp nhiều lần giá trị tài sản ròng của công ty.

      Tháng 10/2008, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, thua lỗ từ những khoản vay không được chứng khoán hóa ở Mỹ (gồm cả nợ địa ốc) trong lần khủng hoảng này sẽ lên tới 425 tỷ USD, tương đương 3% GDP nước này. Tỷ lệ này kém xa mức 20% GDP mà Nhật đã trải qua trong cuộc khủng hoảng trước.

      Cách đối phó không giống nhau

      So với những khác biệt đã phân tích ở trên, khác biệt trong cách ứng phó của Chính phủ Mỹ và Nhật trước khủng hoảng xem ra là rõ nét hơn cả.

      Ở những năm 1990, sự phủ nhận, ngập ngừng và trì hoãn là thái độ điển hình của Tokyo trước khủng hoảng. Phải mất gần 9 năm, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) mới chịu hạ lãi suất từ mức đỉnh 9% của năm 1991 xuống 0%. FED đã làm điều này trong vòng có 16 tháng. FED và Bộ Tài chính Mỹ cũng áp dụng hàng loạt những biện pháp chưa từng có để khơi thông dòng chảy tín dụng.

      Phải mất 8 năm Tokyo mới dùng tiền thuế của dân để tái cấp vốn cho các ngân hàng, còn Washington thực hiện việc này trong vòng chưa đầy 1 năm từ khi khủng hoảng bắt đầu. Tệ hơn, Chính phủ Nhật bơm tiền giúp các ngân hàng tiếp tục cho vay các con nợ đã mất khả năng chi trả, trong khi các ngân hàng Mỹ nhanh chóng “cắt đuôi” các khoản nợ xấu.

      Bên cạnh đó, Nhật còn chậm chạp hơn rất nhiều so với Mỹ trong việc đưa ra kế hoạch kích thích tài khóa.

      Bài học

      Từ việc so sánh hai cuộc khủng hoảng trên, có thể rút ra một số bài học dưới đây:

      Thứ nhất, cuộc khủng hoảng tại Mỹ hiện nay và khủng hoảng tài chính 1997-1998, một nền kinh tế có “sức khỏe” tốt có thể gặp nguy nếu thị trường tài chính có vấn đề. Nhưng một khi thị trường tài chính ổn định trở lại và các sai lầm chính sách được điều chỉnh, nền kinh tế sẽ phục hồi.

      Thứ hai, để khắc phục hậu quả khủng hoảng, Nhật Bản cần cải tổ hệ thống kinh tế và chính trị của nước này, nhưng điều nước Mỹ cần làm hiện nay có thể chỉ là cải cách hệ thống tài chính và chế độ lương thưởng cho các CEO. Tổng thống Mỹ Barack Obama có lẽ là người hiểu rõ hơn ai hết sự siết chặt các quy chế trong ngành tài chính.

      Thứ ba, hoạt động kích thích tài khóa sẽ chỉ phát huy tác dụng nếu kết hợp với các biện pháp khác. Kích thích tài khóa khó đem lại hiệu quả một khi những đổ vỡ trong hệ thống tài chính chưa được khắc phục.

      Cuối cùng, thị trường chỉ có thể hoạt động tốt nếu được hỗ trợ bằng những thể chế hợp lý. Những quy chế tốt hơn sẽ giúp thị trường tự do trở nên an toàn hơn.

      Dĩ nhiên, cuộc khủng hoảng ở Mỹ hiện nay tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng ở Nhật những năm 1990 nếu xét tới ảnh hưởng toàn cầu của nó. Nhưng có lẽ không nhất thiết phải gọi đây là “thập niên mất mát” của nước Mỹ, như cách gọi cuộc khủng hoảng ở Nhật trước kia. Cuộc khủng hoảng lần này là kết quả của những sai lầm chính sách, bởi thế, hoàn toàn có thể khắc phục được bằng chính sách tốt hơn.
      (^_^) NHÀO_VÔ_MÀ_CHẾT (^_^)






      ĐỪNG ĐÙA VỚI MOD

      http://vietstock.vn/

    2. Có 3 thành viên đã cám ơn ProDuck :
      leicas (20-05-2013), trungthanh788 (21-05-2013), vinhson1987 (22-08-2013)

    Thông tin của chủ đề

    Users Browsing this Thread

    Có 1 thành viên đang xem chủ đề này. (0 thành viên và 1 khách vãng lai)

       

    Similar Articles

    1. Trả lời: 8
      Bài viết cuối: 09-09-2010, 03:27 PM
    2. Trả lời: 6
      Bài viết cuối: 27-04-2010, 11:49 AM
    3. Trả lời: 0
      Bài viết cuối: 06-03-2008, 12:26 PM
    4. Trả lời: 0
      Bài viết cuối: 28-03-2006, 03:57 PM
    5. TMS va GMD, diem khac biet?
      By in forum Nhận định Thị trường
      Trả lời: 0
      Bài viết cuối: 01-01-1970, 07:00 AM

    Bookmarks

    Quyền viết bài

    • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
    • Bạn Không thể Gửi trả lời
    • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
    • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình