Bức tranh lợi nhuận 2012: Tiêu điều bất động sản, ngân hàng

Trong số hơn 700 doanh nghiệp niêm yết đã công bố BCTC đến 18/02, có 91 doanh nghiệp báo lỗ với giá trị 3,216 tỷ đồng. Trong khi cùng kỳ năm ngoái, cả hai sàn có tất cả 84 doanh nghiệp lỗ với giá trị lên đến 4,418 tỷ đồng.

Bất động sản thay chứng khoán
Nếu như năm 2011, các công ty chứng khoán đứng đầu danh sách thua lỗ trên thị trường với những cái tên như SBS, SHS, BSI, VND, VDS, BVS, VIG, HPC, PSI, APS… thì năm 2012, các vị trí này lại thuộc về ngành bất động sản. Dẫn đầu đến thời điểm này là KBC với mức lỗ hợp nhất gần 440 tỷ đồng và SJS lỗ trên 300 tỷ đồng, hay PSG lỗ hơn 251 tỷ đồng.
Những doanh nghiệp báo lỗ nhiều nhất năm 2012
Đvt: tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Với KBC, đây là lần đầu tiên công ty của đại gia Đặng Thành Tâm báo lỗ, và cũng là mức lỗ khủng nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, với tài sản và nguồn vốn lớn, KBC vẫn còn khoản lợi nhuận chưa phân phối đến 31/12/2012 là 766 tỷ đồng và giá trị cổ phiếu quỹ gần 365 tỷ đồng. Tình trạng nợ nần của KBC là điều nhà đầu tư phải lo ngại khi tổng nợ phải trả đã lên hơn 6,784 tỷ đồng, trong khi tài sản ngắn hạn chủ yếu “chôn” trong giá trị hàng tồn kho trên 7,053 tỷ đồng, hầu hết là chi phí đầu tư dang dở ở các dự án khu công nghiệp.
Với SJS, đây là năm thứ hai tổng công ty này báo lỗ và nâng mức lỗ lũy kế 384 tỷ đồng. Điều này có thể khiến SJS rơi vào tình trạng bị kiểm soát. Cũng như KBC, tình trạng nợ nần của SJS cũng hết sức nan giải khi có gần 3,950 tỷ đồng nợ phải trả, trong đó hơn 2,000 tỷ đồng là nợ ngắn hạn và 1,935 tỷ đồng là nợ dài hạn, tăng hơn gấp đôi so với đầu năm. Trong khi đó, phần lớn tài sản của SJS cũng đang “chôn” trong đống hàng tồn kho xây dựng dang dở, trị giá hơn 4,334 tỷ đồng.
Trường hợp của PSG hết sức bi đát khi năm thứ hai báo lỗ liên tiếp với 248 tỷ đồng, nâng mức lỗ lũy kế đến 31/12/2012 là 337 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu chỉ còn 16.4 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp bất động sản khác cũng báo lỗ lớn như KDH (-56.81tỷ đồng), SHN (-127 tỷ đồng), NVN (-50.8 tỷ đồng), PVA (-93.32 tỷ đồng), PXA (-50.85 tỷ đồng).
Bên cạnh bất động sản cũng có không ít công ty chứng khoán, hàng hải tiếp tục chịu thua lỗ. Điển hình cho nhóm chứng khoán là SBS lỗ 135 tỷ đồng và đang đối mặt với án hủy niêm yết vì lỗ lũy kế hợp nhất lớn hơn vốn điều lệ. Kế đến là PHS (-101.5 tỷ đồng), VIG (-51.25 tỷ đồng), SVS (-34.14 tỷ đồng) và VDS (-27.63 tỷ đồng).
Các doanh nghiệp hàng hải báo lỗ như VST (-125 tỷ đồng), DDM (-93.32 tỷ đồng), VSG (-58.63 tỷ đồng), VOS (-36 tỷ đồng)… Trong số này, DDM nhiều khả năng bị hủy niêm yết sau khi công bố BCTC kiểm toán 2012. Theo BCTC quý 4/2012, DDM đã lỗ lũy kế 126.65 tỷ đồng, vượt qua vốn điều lệ thực góp 122.44 tỷ đồng. Tương tự, VSG cũng đối mặt với án hủy niêm yết do thua lỗ 3 năm liên tục, cộng thêm mức lỗ lũy kế (140.5 tỷ đồng) vượt xa so với vốn điều lệ (110 tỷ đồng).
Lợi nhuận 56 ngàn tỷ đồng
484 doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh 2012 với lợi nhuận dương, đạt 56,185 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận của 15 doanh nghiệp dẫn đầu đã chiếm đến 35,875 tỷ đồng. Phần lớn trong số này đều vượt kế hoạch ngoại trừ các ngân hàng.
15 doanh nghiệp lãi nhiều nhất năm 2012
Đvt: tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Cụ thể, GAS có lợi nhuận hợp nhất đạt 9,803 tỷ đồng và thực hiện vượt kế hoạch cả năm hơn 85%. GAS cũng là doanh nghiệp nắm giữ lượng tiền và tương đương tiền lớn nhất thị trường với hơn 12,722 tỷ đồng.
Tiếp theo đó là VNM, doanh nghiệp sữa hàng đầu Việt Nam hiện nay với lãi ròng xấp xỉ 5,820 tỷ đồng, tương ứng với tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ đạt 70%. Trong năm qua, VNM tiếp tục vượt kế hoạch đề ra đến 24%.
DPM năm vừa qua dù lãi ròng có giảm nhẹ so với năm trước do giá khí đầu vào tăng nhưng vẫn vượt xa kế hoạch. Cụ thể, DPM lãi sau thuế 3,019 tỷ đồng, tương đương 79% tỷ suất lợi nhuận và vượt 69% kế hoạch.
Tập đoàn Bảo Việt (BVH) có lãi ròng gần 1,250 tỷ đồng, thực hiện được 136% kế hoạch. Nhưng tỷ suất lợi nhuận trên vốn chỉ đạt 18.35%.
Bức tranh ngân hàng hé lộ
Các ngân hàng thương mại niêm yết như VCB, STB, EIBMBB đã lần lượt công bố BCTC riêng lẻ và hợp nhất nhưng kết quả lại thua xa năm 2011.
VCB là đơn vị đầu tiên công bố lợi nhuận 2012. Hầu hết các mảng hoạt động của ngân hàng này đều sụt giảm. Đặc biệt, thu nhập lãi thuần giảm khiến lợi nhuận ròng VCB cũng giảm 15% trong quý 4/2012, đạt gần 1,032 tỷ đồng và cả năm giảm hơn 5%, đạt 4,269 tỷ đồng. Tình hình nợ xấu của VCB tăng lên đáng kể so với đầu năm, với 29% lên gần 5,400 tỷ đồng với tỷ lệ nợ xấu chiếm 2.25% tổng dư nợ, trong khi cuối năm 2011, tỷ lệ này là 2%.
Ngân hàng TMCP Quân Đội (HOSE: MBB) công bố lợi nhuận sau thuế của ngân hàng mẹ chỉ đạt gần 247 tỷ đồng trong quý 4/2012, giảm mạnh 51% so với cùng kỳ năm 2011, bất chấp thu nhập lãi thuần và hoạt động dịch vụ đều tăng so với cùng kỳ. Theo đó, lợi nhuận của MBB sụt giảm chủ yếu do sự gia tăng đột biến của các khoản dự phòng rủi ro tín dụng từ âm 57 tỷ vọt lên 880.65 tỷ đồng. Nhưng may mắn cho MBB khi hoạt động kinh doanh cả năm khả quan nên vẫn bù đắp được các khoản trích lập. Vì vậy, lãi sau thuế năm 2012 của MBB vẫn có sự tăng trưởng nhẹ 6.4%, đạt gần 2,270 tỷ đồng.
Trong khi đó, Sacombank (STB) và Eximbank (EIB), hai ngân hàng có quan hệ khá mật thiết và nổi đình đám trong năm 2012 cũng công bố kết quả kinh doanh sụt giảm. Lợi nhuận hợp nhất năm 2012 của STB đạt hơn 714 tỷ đồng, giảm 65% so với năm 2011. Lãi trước thuế đạt 1,366 tỷ đồng, thực hiện được 40% kế hoạch (3,400 tỷ đồng). Tuy nhiên, có thể thấy lợi nhuận năm nay của STB sụt giảm mạnh do trích lập dự phòng rủi ro hơn 1,336 tỷ đồng, tăng mạnh 238%. Hoạt động thu nhập lãi thuần của ngân hàng vẫn tăng trưởng hơn 11%.
Còn EIB có lợi nhuận sau thuế quý 4/2012 của cổ đông công ty mẹ chỉ đạt 313 tỷ đồng, giảm gần 70% so với cùng kỳ. Thu nhập từ lãi thuần của EIB giảm đến gần 47%, chỉ đạt hơn 856 tỷ đồng, lãi từ dịch vụ giảm đến 64%, chỉ đạt 54 tỷ đồng, nhiều hoạt động khác đều lỗ. Lũy kế cả năm, lãi ròng của EIB giảm 30%, đạt trên 2,138 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 2,850 tỷ đồng, tương đương 62%.
Hiện tại, trên sàn niêm yết vẫn còn một số ngân hàng như ACB, NVB, CTGSHB chưa công bố BCTC 2012.
Không nằm trong nhóm ngân hàng niêm yết nhưng BCTC của Techcombank và BIDV (BID) đều khiến giới đầu tư phải lo ngại khi Techcombank bất ngờ báo lỗ hợp nhất hơn 1,200 tỷ đồng trong quý 4/2012 do hầu hết hoạt động kinh doanh trong kỳ đều giảm hoặc lỗ, trong khi chi phí hoạt động cũng như chi phí dự phòng rủi ro tín dụng quá lớn. Cả năm 2012, Techcombank chỉ lãi 1,017 tỷ đồng, giảm đến 76% so với năm 2011.
BIDV, ngân hàng có vốn điều lệ hàng đầu Việt Nam và đang chuẩn bị niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán nhưng lợi nhuận trong năm tài chính 2012 (01/05 – 31/12) kém khả quan, thấp hơn nhiều so với kế hoạch dù đã điều chỉnh cách đây không lâu. Cụ thể, ngân hàng này lãi trước thuế 3,854 tỷ đồng, thực hiện hơn 90% chỉ tiêu. Lợi nhuận sau thuế trong quý 4 và năm 2012 của BIDV đạt lần lượt 1,305 tỷ đồng và 2,918 tỷ đồng.
Ở một khía cạnh khác, một số doanh nghiệp mặc dù giá trị lợi nhuận dù không đứng đầu thị trường nhưng so với kế hoạch đề ra lại ghi nhận được kết quả vượt bậc. Đặc biệt nhất có lẽ là PAN, một doanh nghiệp liên kết của SSI, đạt lợi nhuận sau thuế hơn 80 tỷ đồng, gấp nhiều lần so với mức 13 tỷ đồng ở năm 2011. Theo BCTC hợp nhất của PAN, lợi nhuận của công ty chủ yếu từ phần lãi tại công ty liên kết, chiếm đến 53.7 tỷ đồng trong khi năm 2011 không có khoản thu nhập này. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh chính của PAN cũng có sự tăng trưởng đáng kể với hơn 80% so với năm 2011 do hoạt động bán hàng được đẩy mạnh, chi phí được kiểm soát và hoạt động đầu tư tài chính có kết quả khả quan.

Một doanh nghiệp khác là Thủy điện Thác Bà (TBC) với lãi ròng khoảng 128 tỷ đồng, gấp 4.4 lần kế hoạch đề ra và tăng khá mạnh so với mức 75.8 tỷ đồng ở năm 2011 chủ yếu do năm 2012 công ty bán điện theo giá mới, cao hơn nhiều so với các năm trước. VPK tiếp tục có kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm 2012 với lãi ròng trên 48.72 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2011 và vượt 170% so với kế hoạch.
Tương tự, DSN, NLC, PDC có lợi nhuận sau thuế năm 2012 đều đạt gấp đôi so với kế hoạch khi đạt 65 tỷ, 19.3 tỷ và 5.4 tỷ đồng. Tính chung trên cả hai sàn có tổng cộng 71 doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế vượt kế hoạch năm.

Viết Vinh (Vietstock)
ffn