Hybrid View
-
31-08-2010 05:20 PM #1
Gold Member- Ngày tham gia
- Oct 2009
- Bài viết
- 1,925
- Được cám ơn 617 lần trong 428 bài gởi
Nhập môn PTKT trong đầu tư chứng khoán
Các bạn thân mến,
Bắt đầu từ hôm nay Câu lạc bộ PTKT- Vietstock mở chuyên mục về PTKT với chủ đề “Nhập môn PTKT trong đầu tư chứng khoán” (Câu lạc bộ tài chính)
Chủ đề có nội dung:
Phần 1. Những kiến thức cơ bản trong Phân Tích Kỹ Thuật
Bài 1. Đại cương về PTKT
Bài 2. Vấn đề xu hướng
Bài 3. Chống đỡ và kháng cự
Bài 4. Đại cương về các chỉ số
Bài 5. Đồ thị giá
Bài 6. Hội tụ và phân kỳ
Bài 7. Khối lượng giao dịch
Bài 8. Tích lũy và phân phối
Phần 1 này đã được giới thiệu đầy đủ trong chủ đề “lớp học PTKT” (Chuyên mục Các câu lạc bộ tài chính – Vietstock)
Phần 2. Các chỉ số thông dụng trong PTKT
- Chỉ số xu hướng: MA, MACD, Parabolic SAR
- Chỉ số xung lượng: RSI, Momentum, Williams%R
- Chỉ số về dao động: dải Bollinger
- Chỉ số về cường độ thị trường: IMF, OBV
- Chỉ số theo chu kỳ: Fibonacci
- Chỉ báo hỗ trợ & kháng cự: Andrew, IKH
Do tính thông dụng và mức độ quan trọng, chúng tôi xin giới thiệu 4 chỉ số trước tiên:
- Trung bình động (MA)
- Chỉ số cường độ tương đối (RSI)
- Chỉ số định hướng trung bình (ADX)
- Trung bình động hội tụ phân kỳ ( MACD)
Phần 3. Đồ thị nến Nhật Bản
Phần 4. Sóng Elliot
Phần 5. Các mô hình thông dụng trong PTKT
Phần 6. Phụ lục
- Thuật ngữ PTKT
- Tài liệu tham khảo
Nhằm đảm bảo tiêu chí “Nhập môn”, chúng tôi sẽ giới thiệu các đề mục kể trên theo một trật tự: từ dễ đến khó – từ đơn giản tới phức tạp, đồng thời cố gắng:
- Về nội dung: Đảm bảo xúc tích, đầy đủ và chi tiết trong một chừng mực có thể, bằng cách tận dụng mọi nguồn tư liệu khác nhau , đặc biệt là các tài liệu trong nước vì hầu hết đã được trải qua một quá trình kiểm nghiệm và sử dụng để chuyên luận này thực hiện tốt nhiệm vụ tham khảo của mình.
- Về hình thức: Cố gắng vận dụng một văn phong trong sáng, giản dị và dễ hiểu với bố cục chương, mục,tóm tắt, tổng kết… một cách khoa học, rõ ràng để tập chuyên luận này ít nhiều mang tính giáo khoa , nhằm phục vụ tốt các bạn đọc:
- Nắm được bản chất và nhiệm vụ PTKT
- Áp dụng các chỉ số, mô hình trong PTKT một cách hiệu quả.
Tham vọng như trên là một chuyện và thực hiện được hay không lại là chuyện khác. Hơn nữa, chúng tôi vẫn luôn ý thức được rằng: Chuyển tải những khái niệm khá phức tạp trong PTKT để phục vụ tốt bạn đọc là một việc làm không hề đơn giản và không ít khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là trình độ có hạn của những người chấp bút.Vì vậy, chúng tôi vô cùng biết ơn những điều chỉ giáo qua các địa chỉ sau:
CHU XUÂN LƯỢNGCâu lạc bộ PTKT- VietstockNGUYỄN QUANG MINHTrưởng bộ phận phân tích
-
Có 6 thành viên đã cám ơn tigeran :
abasg2307 (25-05-2012), Boxing (13-10-2011), boyfyjero (31-08-2013), giatung2010 (30-10-2014), hoathanh72 (27-02-2011), mtl (26-09-2010)
-
31-08-2010 05:23 PM #2
Gold Member- Ngày tham gia
- Oct 2009
- Bài viết
- 1,925
- Được cám ơn 617 lần trong 428 bài gởi
PHẦN HAI
CÁC CHỈ SỐ THÔNG DỤNG TRONG PTKT
BÀI 1
TRUNG BÌNH ĐỘNG
Chương 1. TỔNG QUAN
I. KHÁI NIỆM
1. Định nghĩa:
Trung bình động (Moving Average M.A) của giá chứng khoán là giá bình quân của chứng khoán đó trong một khoảng thời gian xác định
Khái niệm “trung bình” diễn đạt bản chất và cách tính toán: Lấy giá trung bình một cổ phiếu nào đó trên số cổ phiếu giao dịch được xét. Ví dụ: Trung bình động 10 ngày là tổng giá cổ phiếu trong 10 phiên gần nhất chia cho 10.
Trung bình động là công cụ PTKT ra đời sớm nhất và phổ biến nhất vì nó là kim chỉ nam để xác định xu thế thị trường.
2. Trung bình động với vai trò giá cả :
• Giá chứng khoán có xu hướng biến động đồng loạt :
Khi thị trường lên, các cổ phiếu tăng giá và khi thị trường xuống, ngược lại. Tất nhiên còn có nhiều yếu tố chi phối khác nữa khiến cho giá cổ phiếu không biến động theo quy luật trên.
• Chỉ số giá chứng khoán là chỉ số phản ảnh sự biến đổi giá tại một thời điểm nhất định so với thời điểm gốc nào đó :
Vì vậy, chúng ta sử dụng giá cổ phiếu như là một thông tin quan trong nhất để tìm hiểu sự biến động giá cả trên thị trường một cách tổng quát. Trong tât cả các chỉ số liên quan mật thiết tới giá cả, người ta sử dụng chỉ số trung bình động ( viết tắt TBĐ) nhiều nhất vì:
- Đơn giản nhưng hiệu quả
- Dễ phát hiện, theo dõi xu hướng thị trường và các tín hiệu giao dịch.
3. Công dụng :
• TBĐ thuộc nhóm phân tích xu hướng, là công cụ xác định xu thế tăng/giảmgiá cổ phiếu. Do đó, sử dụng TBĐ là biện pháp đơn giản nhất để quan sát sự thay đổi giá, qua đó phát hiện ra hướng đi của xu hướng giá
• TBĐ hiển thị giá trung bình cổ phiếu trên số phiên giao dịch được xét, do đó nó đo lường được mức độ tăng/ giảm của giá
• Với tác dụng cân bằng những biến động thị giá không thống nhất, về bản chất, TBĐ giảm bớt sự gập ghềnh của dữ liệu, loại bỏ cái nhiễu của thị trường giúp chúng ta xác định được xu hướng thị trường dễ hơn.
• Ngoài tác dụng cơ bản là theo dõi xu hướng tiến triển của thị trường, TBĐ còn xác định xu hướng cũ đã kết thúc và xu hướng mới đã bắt đầu hay chưa, nghĩa là nó có thể xác nhận được các tín hiệu “đảo chiều” hay “tiếp tục” xu hướng và xác định được các mức “kháng cự” và “chống đỡ” phù hợp với tình hình thị trường hiện tại.
Với công dụng đa dạng và hữu ích như trên, tuy đã có từ lâu nhưng TBĐ vẫn là một công cụ thông dụng và được sử dụng nhiều nhất.
II. ĐẶC ĐIỂM CÁC LOẠI TBĐ
1. Thống kê :
1. Trung bình động đơn giản (Simple M.A) SMA
2. Trung bình động hàm mũ (Exponential M.A) EMA
3. Trung bình động có tỷ trọng (Weight M.A) WMA
4. Trung bình động chuỗi thời gian (Time Series M.A) TSMA
5. Trung bình động tam giác (Triangle M.A) TMA
6. Trung bình động biến thiên (Variable M.A) VMA
7. Trung bình động hiệu chỉnh khối lượng ( Volume Ajusted M.A) AMA
2. Đặc điểm :
Phân biệt sự khác nhau giữa các TBĐ bằng tỷ trọng gắn với dữ liệu hiện tại. Ví dụ: SMA : có tỉ trọng bằng nhau theo các mức giá. EMA: các mức giá gần hiện tại có tỷ trọng cao hơn.
Thông dụng: SMA và EMA vì đơn giản, dễ theo dõi và kiểm nghiệm.
III. PHÂN BIỆT SMA & EMA
1. SMA:
• Trung bình động đơn giản (Simple M.A)
• Giá cổ phiếu có tầm quan trọng như nhau trong suốt thời gian đã chọn nghĩa là tỷ trọng giá cho các mức giá là bằng nhau, do đó có nhược điểm:
- Không xét tỷ trọng các mức giá trong khoảng thời gian tính trung bình
- Chỉ xét trong khoảng thời gian nhất định mặc dù với thời gian dài thường cho ta một bức tranh toàn cảnh hoàn thiện hơn.
2. EMA:
• Trung bình động hàm mũ (Exponential M.A)
• Đặt tỷ trọng cao vào các mức giá gần với hiện tại, nghĩa là giá cổ phiếu gần nhất càng được phản ánh nhiều hơn vào EMA.
• Bám sát đồ thị giá và đánh giá sự dao động giá nhanh hơn SMA
• Gồm dữ liệu về lịch sử giá trong suốt quãng đời cổ phiếu
• Có độ trễ nhỏ hơn SMA.
• Xác nhận hiện tượng đảo chiều của đường giá ở những nơi mà SMA cho ta các tín hiệu chậm hoặc chưa chắc chắn.
• Nhiều sai số hơn SMA (dốc hơn SMA)
• Vì EMA đặt độ ảnh hưởng lên giá gần nhất nhiều hơn nên EMA sẽ có phản ứng nhanh hơn với sự thay đổi giá gần đây so với SMA.
3. Dùng SMA hay EMA :
Việc chọn SMA hay EMA phụ thuộc vào xu hướng giá cả và chiến lược đầu tư
SMA có thể chậm nhưng EMA có thể thiếu chính xác.
Thường chọn EMA với thời gian ngắn hạn để nắm được sự thay đổi giá nhanh hơn
Khi cần một đường TBĐ bằng phẳng với giá cả biến động chậm hơn, nên dùng SMA với thời gian dài là tối ưu để tránh được sai số vì SMA thường được chọn để xác định sự thay đổi trong xu hướng dài hạn. Tất nhiên, rất dễ lỡ cơ hội vì quá muộn.
Vì vậy, SMA có vẻ như phù hợp với các nhà đầu tư không ưa mạo hiểm và EMA, ngược lại.
Để khắc phục các nhược điểm như trên và để có một cái nhìn tổng quát, ta có thể kết hợp vẽ 2 đường đồng thời:
• Vẽ SMA với thời gian dài: tìm xu hướng tổng quát của thị trường
• Vẽ EMA với thời gian ngắn: xác định thời điểm giao dịch tối ưu
CHU XUÂN LƯỢNG
Câu lạc bộ PTKT- Vietstock
cxluong@gmail.com
-
Có 4 thành viên đã cám ơn tigeran :
Boxing (13-10-2011), boyfyjero (31-08-2013), leminhhung (11-02-2011), nguyengiangqsk (25-02-2011)
-
31-08-2010 07:42 PM #3
Member- Ngày tham gia
- Mar 2010
- Đang ở
- KaMoRun
- Bài viết
- 454
- Được cám ơn 111 lần trong 57 bài gởi
Nữa năm mới có một bài mới ! chả thấy ai quan tâm gì hết ,với trình độ của tôi chưa đủ để pót bài ,pot lên chỉ làm mất diện tích diễn đàn ,
Cải tiến hơn nữa đi Vietstock .
-
Có 2 thành viên đã cám ơn TRUMNGHIEPDU :
boyfyjero (31-08-2013), giatung2010 (30-10-2014)
-
14-09-2010 03:11 PM #4
Gold Member- Ngày tham gia
- Oct 2009
- Bài viết
- 1,925
- Được cám ơn 617 lần trong 428 bài gởi
PHẦN HAI
CÁC CHỈ SỐ THÔNG DỤNG TRONG PTKT
Chương 2. CÁC THÔNG SỐ QUAN TRỌNG CỦA TBĐ
I. YẾU TỐ THỜI GIAN
1. Chọn số ngày tính TBĐ :
- Cực ngắn: 5 – 10 ngày
- Ngắn ngày: 11 – 15 ngày
- Trung hạn: 20 – 100 ngày
- Dài hạn: 100 – 200 ngày
- Việc chọn số phiên để tính TBĐ phụ thuộc vào chiến lược đầu tư và xu thế của từng thị trường cụ thể.
- Thường chọn số phiên bằng nửa số phiên trong một chu kỳ “lướt sóng”
- Thường phối hợp 2 đường TBĐ: một ngắn hạn và một dài hạn để chúng hỗ trợ và giảm thiểu các nhược điểm về độ nhạy và tăng độ chính xác.
- Còn có thể sử dụng 3 đường TBĐ với các tổ hợp thông dụng (5, 13, 21), (20, 50, 200), (30, 60, 200) để tăng mức độ chính xác hơn nữa.
2. So sánh TBĐ ngắn và dài hạn :
• Đường TBĐ ngắn hạn :
- Theo sát giá nhạy hơn dài hạn do đó cho ta các tín hiệu giao dịch sớm
- Nhạy cảm hơn với sự biến động giá.
- Rất hữu dụng khi thị trường đảo chiều liên tục.
• Đường TBĐ dài hạn :
- Rất hữu dụng khi thị trường bền vững
- Cung cấp ít tín hiệu hơn
- Độ tin cậy cao hơn
3. Chú ý :
Chỉ số MA30 phải được theo dõi chặt chẽ vì khi giá thấp hơn MA30, thường xuất hiện các dấu hiệu suy thoái hoặc tiêu cực một cách nặng nề. Nếu giá cổ phiếu dao động quanh mức MA30: thị trường vẫn bình thường.
II. ĐỘ TRỄ
1. Ý nghĩa :
Trung bình động phản ánh xu thế từng cổ phiếu, từng ngành hoặc toàn bộ thị trường. Nó không mang tính dự báo mà chỉ phản ứng với các dữ liệu giá cập nhật
qua từng phiên giao dịch, nghĩa là TBĐ là một công cụ theo sau và hoàn toàn không phải là một công cụ dẫn dắt thị trường.Vì vậy, khi sử dụng luôn có một khoảng chậm trễ về thời gian.
Mặt khác, TBĐ dựa vào các dữ liệu trong quá khứ mà không đếm xỉa tới giá trị hiện tại. Do đó, nó vạch ra xu thế tăng/giảm muộn hơn, sau khi các sự kiện đã xảy ra, nghĩa là nó không dự đoán được sự thay đổi xu hướng trong tương lai mà chỉ đơn thuần dịch chuyển theo xu thế thị trường hiện tại.
Với các đặc điểm trên, đường TBĐ thường chậm hơn so với các biến động của thị trường. Cụ thể: đường TBĐ cho ta một xu hướng tăng/giảm muộn hơn sau khi sự kiện tăng / giảm đã xảy ra rồi.Khoảng thời gian chậm trễ đó chúng ta gọi là độ trễ.
Phương châm quan trọng của giao dịch chứng khoán là bám sát và theo kịp mọi diễn biến của thị trường. Muốn vậy cần phải tìm cách giảm độ trể bằng các biện pháp hiệu chỉnh như sau.
1. Biện pháp hiệu chỉnh độ trễ :
• Sử dụng EMA thay cho SMA vì EMA có độ trễ nhỏ hơn SMA với cùng một số phiên tính toán.
• Điều chỉnh số phiên tính toán: Nên dùng 2,3 đường cùng một lúc. Ví dụ: ngắn hạn (5, 10 ngày), dài hạn (10,15 ngày)
Chú ý :
Đường TBĐ càng dài , độ trễ càng lớn và ngược lại. Việc hiệu chỉnh độ trễ sẽ ảnh hưởng tới độ chính xác và độ nhạy của chỉ số. Cụ thể:
• Dùng độ trễ nhỏ (TBĐ ngắn hạn): Nhà đầu tư nắm bắt nhanh sự biến động của thị trường vì nó nhạy cảm hơn với sự biến động của giá cả do đó chúng ta kịp cơ hội giao dịch nhưng phải trả giá vì sai số lớn.
• Dùng độ trễ lớn (TBĐ dài hạn): hạn chế được sai số nhưng thời gian quá lâu, muộn giao dịch.
Tuy nhiên, cần nhớ rằng đường dài hạn thể hiện rất rõ xu hướng dài hạn vì số phiên càng lớn thì sự phân tích càng có tác dụng dài hạn.
III. YẾU TỐ GIÁ CẢ
Có thể sử dụng mọi loại giá để tính TBĐ: giá đóng cửa, giá thấp nhất/ cao nhất, khối lượng giao dịch hoặc bất kỳ một thông số nào.
Giá trung bình: phạm vi giá trong ngày, chia đôi.
Giá đóng cửa: (giá cao nhất + giá thấp nhất + giá đóng cửa) chia 3
Thường sử dụng giá đóng cửa để tính vì như ta đã biết giá đóng cửa là mức giá quan trọng nhất trong giao dịch hàng ngày.
Ví dụ: SMA sử dụng giá đóng cửa.
IV. KÌ VỌNG VÀ HÀNH ĐỘNG CỦA NHÀ ĐẦU TƯ
1. Ý nghĩa :
Nếu coi TBĐ là giá trung bình của chứng khoán trong n ngày gần nhất thì TBĐ sẽ thể hiện sự đồng nhất kỳ vọng của nhà đầu tư trong n ngày đó:
• Khi giá cổ phiếu cao hơn mức TBĐ của nó: kỳ vọng hiện tại của nhà đầu tư (chính là giá hiện tại của cổ phiếu) lớn hơn mức kỳ vọng trung bình của họ trong suốt những ngày đó. Điều này khiến cho nhà đầu tư có khuynh hướng đầu cơ giá lên đối với cổ phiếu đó.
• Ngược lại, nếu giá hôm nay thấp hơn mức trung bình thì kỳ vọng hiện tại sẽ thấp hơn kỳ vọng trung bình trong n ngày
Mặt khác, việc giao dịch của các nhà đầu tư thường mang nặng dấu ấn tình cảm và tâm lý như sau:
• Khi một cổ phiếu được giao dịch cao hơn mức TBĐ của nó thì những nhà đầu tư đang giữ cổ phiếu này đã từng mua ở giá thấp hơn, do đó họ sẽ lạc quan, tin tưởng và nghĩ tới việc mua thêm.
• Ngược lại, khi cổ phiếu được giao dịch ở mức thấp hơn TBĐ của nó thì các nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu này, đã bị mua ở các giá cao trước đây sẽ bị lỗ. Từ đó, các nhà đầu tư trở nên bi quan và nghĩ tới chuyện bán bớt ra.
2. Hành động của các nhà đầu tư :
Các hiện tượng kể trên đã hình thành một quy luật “Mua khi giá lên và bán khi giá xuống” đồng thời làm cơ sở cho các hành động giao dịch hợp lý như sau:
• Mua vào khi giá cao hơn mức TBĐ của nó và bán ra, ngược lại.
• Mua/ bán quanh mức TBĐ của nó.
Chú ý:
- Ưu: Hành động giao dịch chính xác vì đã dựa vào quan điểm: “Giá cả không tăng quá cao so với mức TBĐ của nó”.
- Nhược: Chậm trễ và nếu xu hướng giá không tồn tại một “khoảng thời gian hợp lý”, chúng ta sẽ bị lỗ. Khoảng thời gian hợp lý thường dài gấp hai lần khoảng thời gian tính TBĐ.
V. TRUNG BÌNH ĐỘNG VỚI CÁC MỨC CHỐNG ĐỠ VÀ KHÁNG CỰ
Khi xét về công dụng của TBĐ, chúng ta đã rõ: “TBĐ xác định được các vùng chống đỡ và kháng cự phù hợp với tình hình thị trường hiện tại “ (Mục I.3).
Cụ thể, TBĐ có tác dụng như sau:
1. TBĐ khẳng định xu thế tăng/ giảm :
- Khi đường giá xuyên phá mức kháng cự: tín hiệu cảnh báo giá sẽ tăng. Nếu TBĐ xuyên phá mức kháng cự: xu thế tăng giá được khẳng định một cách chắc chắn.
- Khi đường giá xuyên phá và hạ thấp hơn mức chống đỡ: tín hiệu cảnh báo giá sẽ giảm. Nếu TBĐ xuyên phá mức này: hiện tượng giảm giá chắc chắn sẽ xảy ra.
2. SMA đóng vai trò như đường chống đỡ - Tín hiệu mua:
Khi đường giá tăng và vẫn đang tồn tại ở xu hướng này thì SMA cũng sẽ có xu thế tăng. Khi đó, SMA có vai trò như một đường chống đỡ sau khi đường giá chạm SMA nhiều lần rồi bật lên.
Nếu tiến hành mua tại các điểm ra chạm kể trên thì sau đó, giá sẽ tăng trở lại.
3. SMA đóng vai trò khách cự - Tín hiệu bán :
Tại các thời điểm đường giá có xu hướng giảm thì SMA cũng giảm. Khi đó SMA có vai trò như một đường kháng cự sau khi đường giá cố vượt lên trên SMA nhiều lần nhưng đều thất bại.
Nếu tiến hành bán tại các điểm kể trên thì sau đó, giá sẽ giảm.
4. Chú ý :
Thường dùng 2,3 đường TBĐ để kiểm nghiệm và xác nhận xu hướng giá hiện tại và các hiện tượng kể trên. Qua đó, chúng ta xác định được các thời điểm giao dịch một cách chính xác.
VI. NHỮNG LIÊN KẾT QUAN TRỌNG
1. Liên kết giữa giá và TBĐ trung hạn (MA50) :
- Nếu xu hướng giá giảm: MA50 nằm phía trên mức giá hiện tại.
- Nếu giá đảo chiều và vượt qua MA50 từ bên dưới kèm theo khối lượng giao dịch lớn: tín hiệu cảnh báo thị trường chuyển sang xu thế tăng – hiện tượng tích cực. Khi đó MA50 cũng tăng nhưng vẫn nằm dưới mức giá hiện tại.
- Nếu giá vượt quá MA50 từ bên trên kèm theo khối lượng giao dịch lớn: tín hiệu cảnh báo sự đảo chiều của xu hướng từ tăng giá dài hạn sang giảm giá – hiện tượng tiêu cực.
2. Liên kết giữa MA50 và MA200 :
Thông thường hai đường MA50 và MA200 cắt nhau sẽ báo hiệu giá thay đổi xu hướng :
- Nếu MA50 cắt MA200 từ bên dưới với khối lượng giao dịch lớn: tín hiệu mua vào vì TBĐ báo hiệu sự đảo chiều từ tiêu cực sang tích cực và giá sẽ tăng.
- Ngược lại, khi MA50 cắt MA200 từ bên trên: tín hiệu bán ra vì TBĐ cảnh báo thị trường chuyển sang xu hướng tiêu cực và giá sẽ giảm.
Chú ý:
• Trong xu hướng giá tăng: MA50 nằm trên MA200. Nếu khoảng cách giữa chúng quá lớn: hiện tượng quá mua.
• Trong xu hướng giá giảm: Ngược lại, MA50 luôn nằm dưới MA200. Nếu khoảng cách quá lớn: hiện tượng quá bán.
CHU XUÂN LƯỢNGCâu lạc bộ PTKT- VietstockNGUYỄN QUANG MINHTrưởng bộ phận phân tíchLast edited by tigeran; 14-09-2010 at 03:13 PM.
-
Những thành viên sau đã cám ơn :
boyfyjero (31-08-2013)
-
29-09-2010 04:25 PM #5
Senior Member- Ngày tham gia
- Aug 2010
- Bài viết
- 648
- Được cám ơn 325 lần trong 218 bài gởi
PHẦN HAI - CÁC CHỈ SỐ THÔNG DỤNG TRONG PTKT
BÀI 1 - TRUNG BÌNH ĐỘNG
Chương 3. TÍNH CHẤT VÀ ĐẶC ĐIỂM
I. TÍNH CHẤT
Mục đích chính của việc sử dụng TBĐ là để đối chiếu với giá cổ phiếu/ chỉ số thị trường, đồng thời để xác định xu hướng của chúng. Vì vậy, cần xét kỹ các tính chất và đặc điểm như sau:
1. Cung cấp các tín hiệu về giá cả và xu hướng :
• Nếu giá cổ phiếu/ chỉ số thị trường cao hơn TBĐ: tín hiệu xu hướng giá tăng, ngược lại- giá giảm.
• Nếu giá cổ phiếu/ chỉ số thị trường dao động quanh mức MA30: thị trường bình thường, lành mạnh.
• Cổ phiếu sẽ lên giá khi nó đã và đang được giao dịch trên TBĐ và xuống giá, ngược lại.
• Giá cổ phiếu rất dể bị điều chỉnh khi đã nằm quá lâu trên mức TBĐ
• TBĐ với đường xu hướng:
- Nếu TBĐ bắt đầu giảm nhưng đường xu hướng tăng: giá vẩn còn tăng.
- Nếu cả hai (đường xu hướng và TBĐ) đều giảm: giá cổ phiếu không còn tăng nữa.
2. Cung cấp tín hiệu giao dịch :
• Nếu giá cổ phiếu/ chỉ số thị trường vẫn duy trì ở mức cao hơn MA200: tín hiệu mua vào, ngược lại – bán ra.
Chú ý:
Nếu giá cổ phiếu/ chỉ số thị trường dứt khoát lớn hơn MA200: tín hiệu mua vào mạnh, ngược lại – bán ra mạnh.
• Cổ phiếu có giá thấp hơn TBĐ kèm theo khối lượng giao dịch lớn: giá sẽ tiếp tục giảm hoặc đang có hiện tượng đầu cơ giá xuống.
• Cổ phiếu có giá cao hơn TBĐ kèm theo khối lượng giao dịch lớn cộng với các yếu tố cơ bản tốt: tín hiệu mua vào vì giá sẽ còn tăng.
Chú ý:
Nếu khối lượng giao dịch lớn đi kèm với các yếu tố tiêu cực:
- Chưa vội mua vào
- Theo dõi tổng quát để phân tích toàn diện.
II. ĐẶC ĐIỂM
1. Sự sai biệt giữa các chỉ số thị trường và TBĐ :
Nên đặc biệt chú ý tới sự sai biệt giữa các chỉ số thị trường như Dow Jones, VN Index… với TBĐ của chúng. Cụ thể:
• Nếu chỉ số vẫn cao hơn MA200: giá còn lên nữa.
• Nếu các chỉ số trên đang cao hơn MA200 bỗng có một chỉ số xuống thấp hơn MA200 thì những TBĐ khác cũng rớt theo.
• Nếu có một chỉ số tăng cao hơn TBĐ của nó: tín hiệu giá lên
• Nếu có một chỉ số lên cao hơn TBĐ của nó sau một thời gian dài thấp hơn: tín hiệu đổi chiều, đi lên.
• Nếu một chỉ số xuống thấp hơn TBĐ của nó:
- Tín hiệu đảo chiều, giá giảm
- Tín hiệu bán ra (bi quan) hoặc thận trọng (lạc quan)
• Nếu một chỉ số xuống thấp hơn TBĐ của nó sau một thời gian dài cao hơn: tín hiệu đổi chiều, đi xuống.
• Về độ dốc của TBĐ :
- Nếu TBĐ tăng mạnh mà chỉ số thị trường vẫn nằm trên nó rất xa: xu hướng giá tăng.
- Nếu TBĐ giảm mạnh và chỉ số thị trường vẫn thấp hơn: xu hướng giá giảm.
2. Các đặc điểm khác :
- Giống các chỉ số PTKT khác, TBĐ vẫn còn tồn tại nhiều sai sót.
- TBĐ là một chỉ số chậm trễ vì vậy nếu chỉ căn cứ vào đó để giao dịch sẽ bị chậm. Thường dùng TBĐ để phân tích xu hướng đồng thời kết hợp với các yếu tố khác hoặc các chỉ số khác để khẳng định một xu hướng đã xảy ra.
III. ĐẶC ĐIỂM TRUNG BÌNH ĐỘNG DÀI HẠN (MA200)
1. Ý nghĩa:
MA200 là một chỉ số TBĐ dài hạn được nhiều thị trường chứng khoán Hoa Kỳ theo dõi chặt chẽ nhất.
Ví dụ: Tại Mỹ, tạp chí IBD chuyên theo dõi MA200 của các chỉ số Dow Jones, Nasdaq và S & P 500. Các trang thông tin điện tử của Yahoo, Trading.com…thường xuyên cung cấp các đồ thị MA(30,50,200)
2. Đặc điểm MA200:
• Báo hiệu những thay đổi quan trọng trong xu hướng thị trường.
• MA200 đóng vai trò “chống đỡ” và “kháng cự”:
- Khi thị trường tăng: MA200 có vai trò như giá sàn
- Khi thị trường giảm và chỉ số chứng khoán nhỏ hơn MA200: MA200 đóng vai trò như mức kháng cự.
• Chỉ cần phân tích MA200 của các chỉ số Dow Jones, Nasdaq, S&P 500 có thể phát hiện được động lượng giá.
Ví dụ:
- Khi Dow Jones nhỏ hơn MA200
- S & P xấp xỉ MA200
- Nasdaq lớn hơn MA200
Rõ ràng thị trường cổ phiếu Nasdaq sôi động nhất.
3. Giao dịch với MA200 :
*Theo dõi giá :
- Nếu đa số cổ phiếu có giá lớn hơn MA200: thị trường tăng, ngược lại – thị trường giảm.
- Nếu một cổ phiếu được giao dịch cao hơn MA200: giá đang tăng và nếu duy trì được mức đó: giá còn tăng nữa, ngược lại- giá đang giảm.
- Nếu một cổ phiếu được giao dịch ở mức giá lớn hơn MA200 trên 50%: giá cổ phiếu đã đi quá xa và khi nó đã cao hơn 70%: nên bán ra chốt lời.
- Giao dịch:
• Mua vào: Khi giá cổ phiếu tiếp tục cao hơn MA200 và mức này vẫn đang tăng.
• Bán ra: Khi giá cổ phiếu giảm thấp hơn MA200
* Theo dõi tỷ lệ cổ phiếu giao dịch trên mức MA200 :
Tỷ lệ này tăng cao, thị trường càng phát triển một cách mạnh mẽ và ngược lại. Cụ thể :
- Tỷ lệ này tăng trên 90%: thị trường cực mạnh và giá cổ phiếu còn có khả năng tăng nữa.
- Tỷ lệ lớn hơn 80% và bắt đầu giảm: thị trường đang điều chỉnh
- Tỷ lệ nhỏ hơn 20%: thị trường đã tới đáy.
Chú ý :
- Khi khoảng trống giá nằm dưới mức MA200: Đa số các nhà đầu tư cho rằng đó là tín hiệu tin cậy để bán ra.
Tới đây, chúng ta thấy xuất hiện một khái niệm mới “Khoảng trống giá”. Khái niệm này có những đặc điểm và tính chất khá quan trọng nên cũng cần tìm hiểu và làm quen với nó mặc dù không phải là chủ đề của bài này.
IV. KHOẢNG TRỐNG GIÁ
1. Khái niệm :
Khoảng trống giá (viết tắt KTG) là những vùng giá trên đồ thị thanh hoặc đồ thị nến mà tại đó không hề có giao dịch.
Nếu giá cổ phiếu bỗng dưng tăng vọt hoặc giảm mạnh lúc đóng cửa phiên giao dịch trước thì đầu phiên sau sẽ có một khoảng trống về giá cả gọi là “khoảng trống giá”
2. Đặc điểm :
Có nhiều loại KTG khác nhau xuất hiện trong các giai đoạn khác nhau của một xu hướng thị trường:
1. Khoảng trống thoát (breakaway gaps) :
Xuất hiện khi một mô hình giá quan trọng hoàn chỉnh, có tác dụng hướng dẫn hướng đi của thị trường.
Ví dụ: Xuất hiện khi giá vượt lên trên đường cổ trong mô hình “ đáy-đầu-vai”
2. Khoảng trống vượt (runaway gaps) :
Xuất hiện khi một xu hướng giá đã hình thành nhưng mới đi được nửa đường và còn đi tiếp. Còn gọi là “khoảng trống đo đường” (measuring gaps) vì nó sẽ đo , cho ta biết xu hướng hiện tại còn đi tiếp bao lâu nữa.
Chú ý:
• Trong xu hướng tăng: Hai loại KTG kể trên tạo nên “mức chống đỡ” khi giá giảm vào những ngày sau đó.
• Trong xu hướng giảm: Ngược lại, hai loại KTG kể trên đóng vai trò như “mức kháng cự”, ngăn không cho giá bật lên.
3. Khoảng trống kiệt (exhaustion gaps) :
Xuất hiện khi xu hướng hiện tại kết thúc, là tín hiệu cuối cùng của xu hướng đó.
3. Sử dụng :
Nếu phát hiện, phân biệt và nắm được đặc điểm các loại KTG, chúng ta sẽ tìm được những tín hiệu tiềm ẩn rất có ích của thị trường, giúp ta dự đoán được giá cả.
Ví dụ: Khoảng trống khi lên giá có ý nghĩa:
- Sức cầu của cổ phiếu đó tăng mạnh, đặc biệt khi nó là một cổ phiếu được ưa chuộng và có số cung lớn.
- KTG được coi là “tín hiệu đáng tin cậy” để bán ra khi giá cổ phiếu thấp hơn MA200 sau 2,3 ngày giao dịch.
Vì liên quan tới TBĐ dài hạn (MA200) nên chúng ta phải nắm được những nội dung cơ bản nhất của KTG, đó là một điều cần. Chúng ta sẽ trở lại KTG với một nội dung kỹ càng hơn với các ví dụ minh họa cụ thể vào một dịp khác.
CHU XUÂN LƯỢNG
Câu lạc bộ PTKT- Vietstock
cxluong@gmail.com
NGUYỄN QUANG MINH
Trưởng bộ phận phân tích
minhnq@vietstock.vnLast edited by tradingpro8x; 22-01-2011 at 08:56 AM.
-
Có 2 thành viên đã cám ơn tradingpro8x :
boyfyjero (31-08-2013), giatung2010 (30-10-2014)
-
05-10-2010 04:37 PM #6
Senior Member- Ngày tham gia
- Aug 2010
- Bài viết
- 648
- Được cám ơn 325 lần trong 218 bài gởi
PHẦN HAI - CÁC CHỈ SỐ THÔNG DỤNG TRONG PTKT
BÀI 1 - TRUNG BÌNH ĐỘNG
Chương 4: SỬ DỤNG
I. NGUYÊN LÍ
1. Nguyên lí
Nguyên lí cơ bản của việc sử dụng TBĐ là dựa vào:
• Tương quan về vị trí giữa đường giá và đường TBĐ,
• Tương quan về vị trí và sự giao cắt giữa các đường TBĐ với nhau.
2. Giả định:
Việc sử dụng TBĐ dựa trên các giả định:
• Nếu giá cổ phiếu vượt qua TBĐ thì nó vẫn còn duy trì xu hướng đó thêm một thời gian nữa.
• Nếu giá cổ phiếu vượt lên thì giá còn tiếp tục tăng thêm chứ không giảm ngay.
• Nếu giá giảm thì giá sẽ còn tiếp tục giảm thêm chứ không hồi phục ngay.
3. Tính xu hướng
• Giao dịch theo tín hiệu TBĐ nghĩa là chúng ta đã thực hiện đúng phương châm: “Giao dịch theo xu hướng thị trường” vì chức năng cơ bản của TBĐ là xác định xu hướng thị trường nói chung hoặc xu thế của từng cổ phiếu nói riêng.
• Các chỉ số TBĐ chỉ thực sự hoạt động hiệu quả với những thị trường có xu hướng và cảnh giác khi thị trường không có xu hướng rõ rệt vì có thể gây ra những “cái bẫy”,khắc phục bằng cách:
- Nên sử dụng TBĐ dài hạn.
- Phối hợp với các chỉ số PTKT khác để xác định thị trường có xu hướng hay không ( Ví dụ: Dùng đường trung bình hội tụ/phân kỳ - MACD)
4. Tín hiệu giao dịch:
• Các nhà đầu tư thường coi TBĐ là tín hiệu cuối cùng cần tham khảo trước khi quyết định giao dịch. Cụ thể thường chỉ hành động khi:
- Các tín hiệu có xu hướng trùng với hướng TBĐ hoặc,
- Đường giá hiện tại cùng hướng với đường TBĐ.
• Chỉ nên giao dịch khi khoảng cách giữa đường giá và đường TBĐ chênh lệch khoảng 3%. Lý do: TBĐ phát huy tới hiệu quả với điều kiện giá cả tăng/giảm rõ ràng và đều đặn, nếu không, TBĐ sẽ cho ta những tín hiệu sai lầm vì sẽ bắt nhà đầu tư mua/bán liên tục mà chẳng được lời bao nhiêu.
• Tín hiệu giao dịch còn xuất hiện khi hai đườngTBĐ giao nhau với hướng của tín hiệu là hướng của đường TBĐ ngắn hạn cắt đường dài hạn.
• Nếu sử dụng TBĐ như một chỉ báo xu hướng dài dạn, thường chọn các đường TBĐ dài hạn (Ví dụ MA200)
II. XÁC ĐỊNH XU HƯỚNG THỊ TRƯỜNG
Xu hướng tăng :
• Khi đường TBĐ đi lên
• Khi đường giá nằm phía trên TBĐ
• Khi TBĐ ngắn hạn vượt lên trên dài hạn
Xu hướng giảm :
• Khi đường TBĐ đi xuống
• Khi đường giá nằm phía dưới đường TBĐ
• Khi TBĐ ngắn hạn cắt xuống dưới dài hạn.
Chú ý :
• Khoảng cách giữa các đường trên càng lớn, xu thế càng mạnh
• Hiện tượng đường TBĐ vượt qua các mức chống đỡ và kháng cự khẳng định xu hướng tăng/ giảm một cách chắc chắn.
• Xu hướng dài hạn thể hiện khá rõ khi sử dụng các đường TBĐ dài hạn (ví dụ MA200)
III. XÁC ĐỊNH TÍN HIỆU GIAO DỊCH
1. Dùng 1 đường TBĐ:
• Thường dùng đường TBĐ đơn giản (SMA):
Tín hiệu mua: khi giá đóng cửa di chuyển lên trên SMA
Tín hiệu bán: khi giá di chuyển xuống dưới SMA
• Đặc điểm khi dùng một đường TBĐ ngắn hạn SMA5, SM10 :
Ưu: theo sát được giá, tạo được nhiều điểm gia cắt, tín hiệu mua/bán sớm
Nhược: Nhiều tín hiệu sai
• Đặc điểm khi dùng một đường TBĐ dài hạn SMA10, SMA50
Ưu: rất hiệu quả đối với thị trường có xu hướng và xu hướng đó được giữ vững
Nhược: đội trễ lớn.
2. Dùng 2 đường TBĐ:
Nhằm khắc phục các nhược điểm khi sử dụng một đường TBĐ (sai số lớn, độ trễ lớn) người ta dùng 2 đường TBĐ với các tổ hợp thông dụng:
• Tổ hợp ngắn hạn: 5 ngày và 20 ngày (MA5, 20)
• Tổ hợp dài hạn: 10 ngày và 50 ngày (MA10, 50)
Khi đó, tín hiệu giao dịch sẽ hình thành khi 2 đường TBĐ trong tổ hợ cắt nhau. Cụ thể :
• Mua vào: khi MA5 cắt lên trên MA20 ( xu hướng tăng)
• Bán ra: khi mua MA5 cắt xuống dưới MA50 (xu hướng giảm)
Chú ý:
• Tín hiệu giao dịch xuất hiện khi 2 đường TBĐ giao nhau và hướng của tín hiệu giao dịch là hướng đường ngắn hạn cắt đường dài hạn.
• Khi sử dụng hiện tượng giao cắt các đường TBĐ, nhằm đảm bảo hơn và tăng độ chính xác, người ta còn bổ sung một đường TBĐ như sau:
3. Dùng 3 đường TBĐ:
• Bước 1:
Dùng đường TBĐ ngắn nhất (đường 1) giao cắt với đường TBĐ dài hơn (đường 2) cho ta tín hiệu giao dịch hoặc tín hiệu đảo chiều nhưng chưa chính xác
• Bước 2:
Dùng đường hơi dài ở trên (đường 2) giao cắt với đường TBĐ dài nhất (đường 3) sẽ cho ta các tín hiệu mua/bán đảm bảo hơn sau khi đã so sánh và đối chiếu với sự giao cắt trong bước 1
• Giao dịch theo các tín hiệu như trên rất tốt vì:
- Cắt lỗ trước khi thị trường giảm mạnh
- Mua vào khi thị trường bắt đầu hồi phục
• Kỹ thuật sử dụng các hiện tượng giao cắt của các đường TBĐ rất quan trọng và rất phổ biến. Nó là cơ sở để xây dựng Chỉ sổ trung bình động hội tụ và phân kỳ (MACD).
-
Những thành viên sau đã cám ơn :
boyfyjero (31-08-2013)
-
05-10-2010 05:28 PM #7
Gold Member- Ngày tham gia
- Oct 2009
- Bài viết
- 1,925
- Được cám ơn 617 lần trong 428 bài gởi
PHẦN HAI - CÁC CHỈ SỐ THÔNG DỤNG TRONG PTKT
BÀI 1 - TRUNG BÌNH ĐỘNG
Chương 5: TỔNG KẾT VÀ VÍ DỤ
KHÁI NIỆM ĐẠI CƯƠNG :
• Trung bình động của giá chứng khoán là giá bình quân của chứng khoán đó trong một khoảng thời gian xác định.
• Trung bình động thuộc nhóm phân tích xu hướng, xác định xu thế tăng/ giảm giá, đo lường mức độ tăng/ giảm giá cân bằng những biến động giá giúp ta phát hiện xu hướng thị trường, xác định được các tín hiệu tiếp tục/ đảo chiều và các tín hiệu giao dịch.
• Thường phối hợp hai hoặc nhiều đường TBĐ với nhau để giảm bớt các nhược điểm về độ trễ, độ nhạy và tăng mức độ chính xác.
TÍNH CHẤT VÀ ĐẶC ĐIỂM :
Tín hiệu giá cả và xu hướng :
• Nếu giá cổ phiếu/ chỉ số thị trường dao động quanh mức MA30: thị trường bình thường.
• Giá cổ phiếu rất dể bị điều chỉnh khi đã nằm trên mức TBĐ quá lâu
• Giá cổ phiếu sẽ tăng khi:
- Giá cổ phiếu/ chỉ số thị trường cao hơn TBĐ
- Cổ phiếu được giao dịch trên mức TBĐ
- Đường xu hướng thị trường vẫn tăng trong khi TBĐ giảm.
Tín hiệu giao dịch :
Mua vào khi :
• Giá cổ phiếu/chỉ số thị trường cao hơn MA200
• Giá cổ phiếu cao hơn TBĐ kèm theo khối lượng giao dịch lớn và các yếu tố cơ bản tốt.
Lưu ý: sự sai biệt giữa chỉ số thị trường với trung bình động
Quan tâm tới chỉ số trung bình động dài hạn rất thông dụng: MA200
SỬ DỤNG :
1. Nguyên lý cơ bản :
• Tương quan vị trí giữa đường giá và đường TBĐ
• Tương quan và sự giao cắt giữa các đường TBĐ
Chú ý:
• Các yếu tố giả định
• Tính xu hướng: Chỉ số TBĐ chỉ hiệu quả khi thị trường có xu hướng rõ rệt và cảnh giác với các thị trường không có xu hướng.
2. Nội dung sử dụng:
Xác định xu hướng thị trường :
• Xu hướng tăng khi:
- Đường TBĐ đi lên
- Đường giá nằm phía trên TBĐ
- Đường TBĐ ngắn hạn vượt lên trên dài hạn
• Xu hướng giảm khi: ngược lại
Xác định tín hiệu giao dịch :
• Dùng một đường TBĐ :
- Mua: giá đóng cửa di chuyển lên trên TBĐ
- Bán: ngược lại
• Dùng 2 đường TBĐ :
Tín hiệu giao dịch xuất hiện khi 2 đường TBĐ cắt nhau (đường ngắn hạn cắt đường dài hạn hơn) -Dùng nhiều đường TBĐ
CÁC VÍ DỤ MINH HỌA
VÍ DỤ 1
Sử dụng 2 đường trung bình động (SMA5 và SMA20) để xác nhận xu thế biến động của cổ phiếu công ty FPT (Đồ thị: Vietstock)
Đính kèm 46
• Từ (1) –(4): thị trường không có xu hướng rõ rệt, biến động dập dềnh trong phạm vi hai mức chống đỡ và kháng cự
• (1): Đường giá cắt mức chống đỡ
• (2): Đường giá cắt mức kháng cự
Thông thường, sau khi các mức kháng cự và chống đỡ bị phá vỡ, thị trường sẽ chuyển sang trạng thái có xu hướng. Tuy nhiên, tại đây hiện tượng xuyên phá này là tạm thời vì sau đó đường giá sớm trở lại dao động trong phạm vi 2 mức kể trên. Vì vậy, khi khẳng định thị trường đã chuyển xu thế mà chỉ dựa vào hiện tượng xuyên phá các mức kháng cự và chống đỡ là thiếu chính xác.
• (3): đường giá cắt mức chống đỡ.
• (4): SMA5 xuyên phá mức chống đỡ: báo hiệu xu thế giảm.
Đường giá xuyên phá mức chống đỡ cùng với SMA5 khẳng định thị trường chuyển sang xu thế giảm.
VÍ DỤ 2
Tìm hiểu tín hiệu giao dịch (mua) bằng cách sử dụng một đường TBĐ (SMA20) khi SMA20 đóng vai trò như một đường chống đỡ -tín hiệu mua.
(Nhắc lại: khi SMA đóng vai trò như một đường kháng cự - tín hiệu bán)
(Đồ thị: Công ty Quả cầu vàng)
Đính kèm 47
• Khi đường giá tăng thì SMA cũng tăng
• Đường giá chạm SMA20 nhiều lần rồi bật lên: SMA20 có vai trò là một đường chống đỡ.
• Tín hiệu giao dịch (mua) tại các đường giao cắt giữa SMA và đường giá.
VÍ DỤ 3
Tìm hiểu các tín hiệu giao dịch bằng cách sử dụng sự giao cắt của các đường TBĐ (cách sử dụng phổ biến nhất)
(Đồ thị : Cổ phiếu 68)
Đính kèm 48
Tín hiệu mua: Tín hiệu mua xảy ra khi đường ngắn hạn vượt lên trên đường dài hạn
- Đường giá vượt lên SMA20
- Đường giá vượt lên SMA50
- SMA20 vượt SMA50: tín hiệu xác định xu hướng tăng dài hạn
- Ba đường cắt nhau và đều tăng: giá vượt SMA 20 và SMA 20 vượt SMA50: khẳng định xu hướng tăng.
Tín hiệu bán:
Tín hiệu bán xảy ra khi cắt xuống đường TBĐ dài hạn
- Đường giá vượt dưới SMA20
- Đường giá vượt dưới SMA50
- SMA20 vượt dưới SMA50: tín hiệu xu hướng giảm
- Ba đường giao cắt: giá giảm dưới SMA20, SMA20 giảm dưới SMA50: khẳng định xu hướng giảm giá khi 3 đường cắt nhau và hướng xuống.Last edited by tigeran; 05-10-2010 at 05:33 PM.
-
Thông tin của chủ đề
Users Browsing this Thread
Có 1 thành viên đang xem chủ đề này. (0 thành viên và 1 khách vãng lai)
Similar Threads
-
Thuế thu nhập chứng khoán
By luckman in forum Kiến thức Chứng khoánTrả lời: 7Bài viết cuối: 22-11-2009, 11:49 PM -
Khai giảng khóa “Ứng dụng PTKT trong đầu tư chứng khoán” tại Hà Nội
By admin in forum Thông báo - Góp ýTrả lời: 4Bài viết cuối: 07-05-2009, 06:59 AM -
“Ứng dụng PTKT trong đầu tư chứng khoán” tại Hà Nội
By quynh minh in forum Tin tức & Tài liệu CLB Phân tích kỹ thuậtTrả lời: 0Bài viết cuối: 24-04-2009, 08:19 AM -
DO ĐÂU QUỸ ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN CHẬM NHẬP CUỘC?
By in forum Quỹ Đầu tư và TTCK Việt NamTrả lời: 0Bài viết cuối: 01-01-1970, 07:00 AM -
Công ty chứng khoán VCBS có vi phạm nghiêm trọng luật Kinh doanh Chứng khoán?
By in forum Giải pháp phát triển TTCKTrả lời: 0Bài viết cuối: 01-01-1970, 07:00 AM
Bookmarks