Trong một thị trường giá lên (bull market) thì khái niệm này được hiểu như một sự dịch lên trên một cách rộng lớn trong ít nhất là 18 tháng. Còn trong một thị trường giá xuống (bear market) thì đó sẽ là một sự giảm giá kéo dài và sẽ ngừng lại khi có những sự phục hồi đáng kể trong giá cổ phiếu. Downtrend trong trường hợp này thường kéo dài từ 1 đến vài năm.



Tuy nhiên, vấn đề mà chúng ta cần biết là làm sao nhận biết được khi nào thì sự dịch chuyển chính sẽ kết thúc. Có nhiều cách để nhận biết và chúng tôi sẽ từ từ hướng dẫn trong những chương sau khi chúng ta đi sâu vào các công cụ kỹ thuật. Còn bây giờ chúng ta sẽ tiếp tục với những phản ứng thứ cấp (secondary reaction).
Những phản ứng thứ cấp là chuyển động làm ngắt quảng xu thế của sự dịch chuyển chính theo hướng đối nghịch. Có một đặc điểm rất dễ nhận biết của các phản ứng này là sự sụt giảm hay sự gia tăng giá bằng khoản 1/3 đến 2/3 xu hướng trước đó.
Các phản ứng thứ cấp đôi khi làm cho những nhà đầu tư dài hạn cảm thấy lo lắng. Điểm cần lưu ý khi chúng tôi đề cập đến khái niệm nhà đầu tư dài hạn ở đây bao gồm cả những người đầu tư dài hạn theo phân tích cơ bản lẫn phân tích kỹ thuật. Một số người vẫn duy trì quan điểm rằng phân tích kỹ thuật chỉ dành cho những tay đầu cơ thiếu tầm nhìn dài hạn. Chúng tôi không hề bài bác hay phản đối ý kiến này vì sự tranh cãi là vô ích. Chúng tôi chỉ xin nêu ra hai ví dụ thực tế:
Thứ nhất, những nhà đầu cơ (nhất là ở Việt Nam) thường hay giao dịch và tìm kiếm lợi nhuận lớn trên thị trường dựa vào các thông tin nội gián về doanh nghiệp. Như vậy là họ đầu cơ dựa trên phân tích cơ bản đấy chứ!
Thứ hai, khi bạn phân tích kỹ thuật theo các khung thời gian lớn thì độ chính xác thường cao hơn và loại bớt được nhiều tín hiệu nhiễu của thị trường. Người ta có thể phân tích các chu kỳ lên đến 10, 20 thậm chí hàng trăm năm. Vậy chẳng lẽ các nhà đầu cơ cũng sử dụng những phân tích dạng này? Thực tế sẽ chứng minh cho bạn thấy là sử dụng phân tích kỹ thuật hay phân tích cơ bản để đầu tư ngắn hạn hay dài hạn là tuỳ thuộc vào quan điểm của bạn chứ không phải vì bản chất của chúng. Phù hợp hay không phù hợp là do nhà đầu tư.
Trở lại với những phản ứng thứ cấp, chúng thường kéo dài từ 3 tuần đến nhiều tháng, thông thường 3 tháng. Vì vậy đối tượng quan tâm là những nhà đầu tư ngắn hạn. Điều chúng tôi cần nhấn mạnh là một nhà đầu tư mua cổ phiếu và nắm giữ trong vòng 3 tháng sau mới bán thì vẫn được coi là đầu tư ngắn hạn. Trong khi đó ở Việt Nam, chỉ cần nắm giữ lâu hơn T+4 thì có khi đã được gọi là ”đầu tư dài hạn” rồi. Và sự thật thì thuật ngữ này cũng bị lạm dụng một cách quá mức trong thời gian gần đây và đôi khi nó có nghĩa là ”Tôi đang bị lỗ”. Chẳng hạn khi đang ngồi trên sàn chứng khoán, một ai đó hỏi bạn rằng: ”Bạn đã mua cổ phiếu STB trước đây với giá 35,000 và bạn có dự định nắm giữ tiếp không?” Bạn trả lời là ”Có”. Hiểu theo nghĩa thông thường, bạn đang đầu tư dài hạn cổ phiếu này. Còn theo một khía cạnh khác, bạn đang bị lỗ 40% vì giá STB vào ngày 16/06/2010 chỉ có 21,000!