Điều chỉnh tỷ giá VND là cần thiết

Ngày 17/8/2010, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND với USD áp dụng từ ngày 18/8/2010 từ mức 18.544 VND lên mức 18.932 VND (tăng gần 2,1%), còn biên độ tỷ giá giữ nguyên ở mức +/-3%.

Đây là động thái cần thiết và bình thường trong đời sống kinh tế thị trường. Đồng thời , có thể coi dó là quyết định hợp lý cả về thời điểm và mục tiêu, bởi:

Trước hết, về thời điểm, sự điều chỉnh tỷ giá diễn ra khi các sức ép lạm phát ở Việt Nam dường như đang được cải thiện, nhất là khi mức tăng CPI trong 3 tháng qua liên tiếp ở mức thấp so với trung bình mọi năm và cả so với cảnh báo từ đầu năm; vì thế tác động của điều chỉnh tăng tỷ giá đối với gia tăng lạm phát được giảm thiểu.

Thứ hai, do VND có sự gắn kết khá chặt với USD, mà những tháng gần đây đã có sự gia tăng đáng kể sức mạnh của USD trên thế giới, nhất là tăng tới trên dưới 20% so với đồng tiền chung Châu Âu. Sự cố định tỷ giá VND với USD trong suốt gần nửa năm qua đã khiến VND bị định gía cao hơn USD tới trên 13%. Nếu cộng dồn cả những đợt điều chỉnh tỷ giá và mức lạm phát so sánh 2 nước trong 3 năm qua, thì mức đắt đỏ thực tế của VND so với USD còn cao hơn nhiều, kèm theo những hệ quả nhiều mặt của nó.

Thứ ba, trên thực tế nửa đầu năm 2010 ở Việt Nam đang có xu hướng chênh lệch cao giữa mức tăng huy động và cho vay tín dụng bằng ngoại tệ. Cụ thể, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 7/2010, huy động vốn bằng ngoại tệ của hệ thống ngân hàng thương mại đã giảm khoảng 2,4% so với tháng 12/2009, trong khi tín dụng ngoại tệ tăng 34,4% trong cùng so sánh. Việc điều chỉnh tỷ giá sẽ giúp các ngân cải thiện nguồn vốn ngoại tệ và từ đó cải thiện tính thanh khoản ngoại tệ của mình.

Thứ tư, sự điều chỉnh tỷ giá, không chỉ giúp tăng sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam, mà còn hạn chế nhập siêu, nhất là những sản phẩm trong nước có thể sản xuất thay thế.

Đặc biệt, sự điều chỉnh tỷ giá đã thu hẹp chênh lệch tỷ giá chính thức với tỷ giá trên thị trường tự do, tức giúp cải thiện dự trữ ngoại hối của Việt Nam do không phải gia tăng bán USD theo tỷ giá thấp, giảm bớt kỳ vọng đầu cơ và cả hoạt động buôn bán vốn và ngoại tệ lòng vòng kiếm lời dựa trên chênh lệch giữa 2 tỷ giá. Điều này còn giúp tăng cường tập trung và quản lý kinh doanh ngoại tệ trên thị trường có tổ chức. Đồng thời, nó cũng giúp cho các doanh nghiệp được tính đúng, tính đủ chi phí vốn ngoại tệ trong bảng hạch toán kinh doanh của mình, mà trước đó thường phái che giấu , hợp lý hóa các khoản mua USD trên thị trường chợ tự do với giá cao hơn giá chính thức.

Đương nhiên, sự điều chỉnh tỷ giá lần này cũng không tránh khỏi những hệ lụy, nhất là có thể tạo ra cái gọi là rủi ro tỷ giá trong hoạt động kinh doanh và tín dụng của những doanh nghiệp vay VND lãi suất cao và phải nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào sản xuất... Tỷ giá USD/VND do các ngân hàng thương mại niêm yết sáng nay đồng loạt tăng thêm trên 200 VND/USD từ mức 19.100 VND/USD của một thời gian khá dài trước đó. Tại Vietcombank, USD được báo giá ở mức 19.245 VND/USD (mua vào) và 19.310 VND/USD. Tại Sacombank, giá mua và bán USD tương ứng là 19.250 VND/USD và 19.310 VND/USD. Trên thị trường tự do, tỷ giá USD/VND cũng dâng lên ngưỡng 19.500 VND/USD sau khi Ngân hàng Nhà nước nâng tỷ giá bình quân liên ngân hàng.

Sự điều chỉnh tỷ giá cũng ít nhiều tạo xung lực tăng giá vàng trong nước (sáng 18/8 /2010 đội thêm gần 300.000 đồng/lượng so với sáng 17/8/2010).

Trong thời gian tới, cần tiếp tục xu hướng điều hành linh hoạt tỷ giá theo các tín hiệu và nguyên tắc thị trường. Trong đó, lưu ý rằng, thực tế cho thấy cần tránh tín điều và kỳ vọng đầu cơ gắn với xu hướng chỉ có điều chỉnh tăng 1 chiều tỷ giá và tăng với giá sốc, biên độ hẹp sau khi neo cố định tỷ giá kéo dài. Nói cách khác, cần điều chỉnh tỷ giá có lên, có xuống, thời gian ngắn và nhanh hơn, với mức điều chỉnh thấp hơn và biên độ giao dich có thể rộng hơn…thì bớt tạo sốc tỷ giá và những hệ lụy mặt trái của điều chỉnh tỷ giá hơn…/.

TS.Nguyễn Minh Phong

Đầu tư