Dựa vào các phương pháp đo lường đã được giới thiệu ở bài trước, các nhà tạo lập chỉ số có thể thêu dệt nên muôn vàn chỉ số phù hợp với nhu cầu của họ. Số lượng các chỉ số nhờ thế mà không ngừng gia tăng, khuyếch trương theo cả 3 chiều kích: rộng về sự đa dạng, cao về mục tiêu sử dụng, và sâu về độ phức tạp.

Xét về sự đa dạng và độ phức tạp, các chỉ số được phân theo các nhóm với độ phức tạp tăng dần như sau:

Chỉ số đại diện (Representative index)
Có những chỉ số được lập ra với mục đính làm đại diện cho một Sở giao dịch, quốc gia, vùng lãnh thổ, một thị trường với những đặc tính riêng biệt nào đó. Chính vì thế, những loại chỉ số này thường dùng quy luật số đông, hàm chứa một lượng lớn các cổ phiếu có trong trong thị trường mà nó muốn đại diện.

Để dễ hình dung, chúng ta có thể kể đến các chỉ số Việt Nam thuộc loại này như VNINDEX - đại diện cho Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK) Tp. Hồ Chí Minh; HNX Index - đại diện cho SGDCK Hà Nội; UPCoM Index - Thị trường các công ty chưa niêm yết thuộc SGDCK Hà Nội; hoặc PVN-All Share - đại diện cho tất cả các công ty niêm yết trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Hoặc các chỉ số nổi tiếng trên thế giới như chỉ số NASDAQ Composite đại diện cho tất cả các cổ phiếu niêm yết trên Sàn điện tử NASDAQ của Hoa Kỳ; chỉ số CAC40 đại diện cho 40 công ty có vốn hoá lớn nhất của Pháp, chỉ số S&P500 tính tỉ trọng vốn hoá có điều chỉnh của 500 công ty lớn của Hoa Kỳ; chỉ số Nikkei 225 của SGDCK Tokyo...

Chỉ số ngành (Sector index)
Gắn liền với các chỉ số đại diện, các nhà tạo lập chỉ số thường tính luôn bộ chỉ số ngành để đo lường hiệu quả của các ngành hoặc để theo dõi một ngành chuyên biệt trong thị trường đó. Việc phân chia các cổ phiếu vào các ngành cụ thể thường là công việc của các chuyên gia. Hiện nay, có 2 chuẩn phân chia ngành khá nổi tiếng và thông dụng là ICB (Industry Classification Benchmark) được dùng bởi FTSE, STOXX, Dow Jones... và GICS (Global Industry Classification Standard) được dùng bởi MSCI, S&P và nhiều nhà cung cấp chỉ số khác.

Chỉ số chuyên đề (Thematic)
Ngoài tiêu chuẩn chung về ngành nghề, các nhà tạo lập chỉ số còn lập ra các chỉ số theo các chuyên đề như Năng lượng sạch (Clean Energy), Hàng cao cấp (Luxury), Doanh nghiệp (Entreprise), Kim loại quý (precious metals), v.v... Chỉ số của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVNIndex cũng nằm trong nhóm này. Việc tạo lập các chỉ số theo chuyên đề giúp cho mọi người tiếp cận, theo dõi nhanh chóng và chính xác hơn nữa các chuyên đề mà mình quan tâm.

Chỉ số theo kích cỡ (Size index)
Các nhà phát triển chỉ số cũng thường chia các công ty cấu phần của chỉ số đại diện thành các nhóm với vốn hóa có kích cỡ Lớn-Vừa-Nhỏ khác nhau và lập chỉ số riêng cho chúng. Nhóm chỉ số này giúp mọi người dễ dàng đánh giá và so sánh tỉ xuất lợi nhuận và độ rủi ro của nó. Ví dụ: S&P 500 Large Cap là chỉ số tập hợp 500 công ty có vốn hoá lớn, chiếm 79% vốn hoá thị trường Mỹ, S&P 400 Mid Cap tập hợp 400 công ty có vốn hoá trung bình, chiếm 7% vốn hoá thị trường và S&P 600 Small Cap chiếm 3% vốn hoá thị trường Mỹ.

theo vf

để khi nào rảnh em up thêm mấy cái ví dụ