Vì sao là Trần Bắc Hà?

Lần này, rất có thể kịch bản Nguyễn Đức Kiên sẽ không lặp lại. Lần này, rất có thể thị trường vẫn tuân theo logic của nó là tiếp tục phục hồi, và đương nhiên không còn cách nào khác là phải phục hồi.


* BIDV: Chủ tịch Trần Bắc Hà bác tin đồn bị bắt
* Bộ Công An vào cuộc tìm thủ phạm tung tin Chủ tịch Trần Bắc Hà bị bắt
* Vietstock Daily 22/02: Chứng khoán “bốc hơi” 1.6 tỷ USD – Do đâu và nên làm gì?
* Chứng khoán Bản Việt nhận định về phiên tháo chạy 21/02
* Phiên hoảng loạn 21/02, chuyên gia nói gì?
* VN-Index mất 18 điểm, nhà đầu tư hoang mang và hoảng loạn



Ông Trần Bắc Hà




Mọi chuyện vẫn bình thường!

Trong nền kinh tế Việt Nam, thật khó có điều gì có thể được coi là bền vững. TTCK lại là một tiêu điểm cho tình cảnh thiếu bền vững như vậy. Càng mông muội, nó càng trở nên dã man. Càng hoang sơ hay còn được xem là “non trẻ”, nó càng biến thành nỗi tham lam vô độ, một lòng tham không có đường lùi.


Sẽ chẳng có gì đáng kinh ngạc với phiên rực lửa trên thị trường vào cuối phiên giao dịch ngày 21/02/2013. Những nhà đầu tư có kinh nghiệm thậm chí còn có thể đoán trước được một hậu quả cận kề có thể xảy ra vào bất cứ giờ phút nào.
Tại sao phiên cuối cùng của năm âm lịch đầy sắc xanh, trong khi hoàn toàn ngược lại, hai phiên đầu năm mới lại nhuốm đầy “máu’ trên sàn, bất chấp tiếng cồng khai trương của đích thân Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh?


Vào năm trước, mọi sự diễn ra ngược lại khi sau tiếng cồng khai trương sàn giao dịch của Bộ trưởng tài chính Vương Đình Huệ, mọi chuyện đã trở nên suôn sẻ đến không ngờ. Thị trường được hâm nóng bởi một sức cầu lạc quan đến từ một nơi vô thức nào đó, nhà đầu tư không đến nỗi phải rước lấy nỗi thất vọng tột đỉnh như thời gian sau tết năm nay.


Năm nay, một mối hoài nghi ẩn giấu sự thán phục đối với nhóm lũng đoạn thị trường có lẽ đang dần lan tỏa trong giới đầu tư nhỏ lẻ. Sự tự tin, và có lẽ là tự tin quá mức của những ông chủ giấu mặt khi thẳng tay cho thị trường giảm liền hai phiên ngay sau tết âm lịch, thậm chí sau đó còn biến thị trường này thành một nơi “chém giết”, đã khiến cho những người có kinh nghiệm phải thành tâm liên tưởng đến một tương lai sáng lạn đến khó ngờ.


Cũng lại là tin đồn, cũng lại là một bài bản không mới, thậm chí rất cũ. Từ năm 2007 đến nay, không dưới năm lần nhà đầu tư được chứng kiến tận mắt hình ảnh xáo xào tại các sàn giao dịch. Đặc trưng tâm lý của giới đầu tư chứng khoán lại là sự cả tin quá dễ dãi – tâm trạng trái ngược hoàn toàn với thói quen đa nghi cố hữu, luôn khiến cho họ bị hút hồn bởi những thông tin “nhạy cảm”, chẳng hạn như vụ Nguyễn Đức Kiên hoặc “vụ” Trần Bắc Hà.

Vì sao là Trần Bắc Hà?


Không thể hoài nghi rằng vụ Bầu Kiên đã khởi đầu cho một làn sóng đổ vỡ mới của thị trường trong năm cũ. Nhưng còn với những gì liên quan đến ông chủ tịch Ngân hàng BIDV thì sao? Tất nhiên, thói quen hoài nghi của nhà đầu tư có thể làm đầu óc họ bật ra câu hỏi về khả năng kịch bản Nguyễn Đức Kiên một lần nữa lặp lại đối với TTCK Việt Nam. Mà nếu đúng như thế thì quả là một tai họa kinh hoàng, đặc biệt đối với số nhà đầu tư đã lỡ mua các cổ phiếu tăng nóng và đương nhiên phải chịu cảnh mất mát từ 15-17% ngay trong phiên giao dịch kinh hoàng vừa qua.


Nhưng cũng một lần nữa, biểu đồ lượng giao dịch lại chứng minh bất cứ động thái nào trên TTCK man dã này cũng đều có nguyên do sâu xa của nó. Trong một phiên mà cổ phiếu đua nhau nằm sàn với lượng bán tháo tràn ngập, giá trị giao dịch của cả hai sàn vẫn đội trên 2,500 tỷ đồng - một mức mơ ước của thị trường và cũng làm cho người ta không ngớt mơ màng về cận cảnh tiếp tục đi lên của chỉ số chứng khoán.


Quá đủ để những người bán tháo vỡ mộng khi Trần Bắc Hà đứng ra đính chính về việc ông bị bắt chỉ là tin đồn ác ý. Vào chiều muộn ngày 21/2, sự xuất hiện của ông Hà cùng với lời đề nghị Tổng cục An ninh của Bộ Công an vào cuộc điều tra hẳn đã làm cho giới đầu tư bình tâm trở lại.


Lần này, rất có thể kịch bản Nguyễn Đức Kiên sẽ không lặp lại. Lần này, rất có thể thị trường vẫn tuân theo logic của nó là tiếp tục phục hồi, và đương nhiên không còn cách nào khác là phải phục hồi.


Vào tháng 9/2009, những đồn đoán về tổ chức Indochina Capital thoái vốn cũng đã làm cho thị trường lao dốc liên tiếp ba phiên - một trạng thái được coi là kinh khiếp. Thế nhưng điều lạ lùng là TTCK lại là nơi đặc trưng cho lòng can đảm của nhà đầu tư. Lòng tham bất chấp tất cả. Chính vì thế mà một khi xuất hiệu tín hiệu đánh lên trở lại, nhà đầu tư nhỏ lẻ và trong đó có cả những người vừa bán tháo lại lao vào mua đuổi cổ phiếu giá cao như chưa từng có tai họa nào vừa xảy ra.



Nhìn về phía trước, mọi chuyện dường như vẫn tạm ổn. Thị trường vẫn sẽ chuyển động ngược chiều với nỗi sợ hãi. Nhưng khác với thái độ lầm lũi trước đây, hình như sự chuyển động sắp tới còn có thể mang nhiều kịch tính và tất nhiên nhiều bất ngờ hơn. Cơn bốc đồng cũng vì thế có thể tái hiện vào bất cứ thời điểm nào.
Cuộc chơi lớn đang tiến tới giai đoạn có thể được xem là hưng phấn nhất.

Vấn đề còn lại cần tìm hiểu chỉ là vì sao cái tin đồn kỳ quái kia lại liên quan đến ông Trần Bắc Hà mà không phải ai khác…


Việt Thắng (Vietstock)
FFN