Vinashin chuyện bây giờ mới kể (Bài 4)[*]: NGƯỢC SÔNG HỒNG BẤT THÀNH TÀU “CỬU LONG – VINASHIN” GÃY LÁI

Lê Trung Thành

Từ khi Tập đoàn kinh tế Vinashin (VNS) thành lập tháng 5/2006, họ đã mau mắn kết nạp khoảng 200 doanh nghiệp lớn nhỏ để trở thành một tập đoàn kinh doanh đa ngành nghề lạ lùng nhất từ trước tới nay.

Những ông, bà “con nuôi” trải rộng từ Bắc vào Nam, từ đồng bằng đến vùng núi cao xa lắc, xa lơ đều được ân huệ gắn tên Vinashin ở phần cuối tên doanh nghiệp. Chẳng biết cách quản lý đàn con này ra sao nhưng thoạt nhìn, ai cũng biết nếu ông Chủ tịch Tập đoàn Phạm Thanh Bình dù có chỉ số IQ cao hết cỡ và có ba đầu sáu tay cũng không nhớ nổi tên và có chăm chỉ “đến thăm và làm việc” thì ông cũng chẳng bao giờ giáp mặt hết đống “con cái” sinh sôi mau mắn của mình! Tuy nhiên, vẫn có vài doanh nghiệp được ông đặc biệt “quan tâm, chăm sóc, hồ hởi mở rộng vòng tay đón chúng về với “mẹ” Vinashin. Nói một cách ví von, ông cho con tàu mang tên “Cửu Long – Vinashin” xuất bến từ km 9 – Quán Toan thuộc quận Hồng Bàng – Hải Phòng (Trụ sở Công ty Cổ phần Thép Cửu Long – Vinashin) ngược lên Hà Nội theo đường sông Hồng lên tận Yên Bái làm cuộc giải cứu ngoạn mục nhất, ly kỳ nhất chưa từng xảy ra trên đất Việt Nam!

Diễn biến câu chuyện này hơi dài dòng bởi sự việc xảy ra từ giữa những năm cuối thế kỷ hai mươi sang đầu thế kỷ hai mươi mốt, lúc các ông Vũ Tiến Chiến(1), Hoàng Quốc Hiển(2) còn đang giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái. Vào thời đó, Yên Bái còn nghèo lắm, các nhà lãnh đạo lo dân nghèo, dân đói nên nghe có cây gì, con gì chăn trồng mang lại ấm no là sẵn sàng du nhập. Trước tất cả là cây trẩu, cây sở, cây lai được trồng khắp nơi nhưng ít năm sau lại đốn bỏ, người dân nghèo vẫn hoàn nghèo, cụm từ “khổ sở lai” hình thành từ đó. Tới năm 1994, 1995 lãnh đạo Yên Bái quyết định chọn cây cà phê Catimo làm cây xóa đói giảm nghèo. Vào cuối những năm 2.000 đã có gần 1.800ha cà phê được trồng hầu hết các huyện, có năm cao nhất đạt gần 3.000ha! Cây cà phê Catimo xanh tốt được chạy vào thơ ca, nhạc họa, chạy vào các bài diễn văn đầy hào hùng của thời đại! Lúc đó, Công ty Vật tư Nông nghiệp Yên Bái – một doanh nghiệp nhà nước có hạng chuyên kinh doanh phân bón, giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật… được lãnh đạo tỉnh tin tưởng nên ngân hàng cho Công ty vay vốn, đầu tư hơn 41 tỷ đồng mua giống, phân bón cùng nhiều loại vật tư cần thiết đưa xuống tận các thôn các xã vùng sâu vùng xa để cung cấp cho các hộ trồng cà phê. Vật tư sẵn trong kho, bà con cần bao nhiêu cứ tới lấy về. Lãnh đạo các xã đứng ra nhận nợ thay, chờ khi có sản phẩm bán ra sẽ trừ vào số tiền đã nợ. Để chuẩn bị cho công tác thu mua, chế biến, Công ty cà phê Yên Bái ra đời và ông Tiến sỹ Nông học – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn Yên Bái được tỉnh ra quyết định giữ chức Giám đốc Công ty này.

Nhưng… Khi cà phê đến tuổi ra hoa, người ta chẳng thấy mấy cây kết trái! Cây nào có quả thì lưa thưa, năng suất cực thấp. Dân chúng hoang mang, chán ngán, lo lắng vì bao công sức, tiền của bỏ ra trồng cà phê nay chẳng thu lại được 5% - 10%. Thế là bà con bảo nhau chặt cà phê làm… củi. Đến năm 2004, diện tích chỉ còn lại 360ha. Catimo… về… mo! Kế sách tưởng như chắc ăn bị đổ vỡ hoàn toàn đã đẩy nhiều gia đình vào diện thiếu đói, mất đất, mất nhà, người ta đành gom góp chút sức tàn mua giống tre Bát Độ của Đài Loan về trồng lấy măng, lấy lá đắp đổi qua ngày. Còn Công ty Vật tư Nông nghiệp Yên Bái mất trắng vài chục tỷ đồng cả gốc lẫn lãi. Tuy nhiên vẫn có nhiều vị Chủ tịch xã (đứng nhận nợ thay dân) phải ra hầu Tòa án Nhân dân huyện sở tại!

Dư âm về cái chết tức tưởi của “Công chúa Catimo” chưa dứt thì kế hoạch trồng giống dứa Cayen ra đời. Sau khi điều tra thổ nhưỡng , người ta chọn ra 5 xã phía Bắc huyện Văn Yên gồm Châu Quế thượng, Châu Quế hạ, Đông An , Lâm Giang và Lang Thíp thành vùng chuyên canh trồng dứa với diện tích 2.400ha. Dựa vào phép tính mỗi ha dứa cho 50 tấn quả, nếu bán mỗi cân một ngàn đồng thì chẳng mấy chốc người nông dân sẽ có trong tay vài ba trăm triệu. Dứa nhiều như vậy, chắc phải xây ngay một nhà máy chế biến dứa và hoa quả xuất khẩu nên cái lễ khởi công xây dựng Nhà máy chế biến dứa, hoa quả xuất khẩu Đông An diễn ra khá rình rang. Lần này, Công ty Vật tư Nông nghiệp Yên Bái lại được vay hơn 41 tỷ đồng để thực hiện dự án hoành tráng với ước mong cây dứa Cayen mang đến vị ngọt ngào xóa nỗi chát đắng của cây cà phê catimo. Ngoài ra Công ty Vật tư Nông nghiệp còn đầu tư thêm 18,5 tỷ đồng xây dựng và mở rộng Nhà máy chế biến thức ăn gia súc Bình Sơn với thiết bị hiện đại mua từ CHLB Đức và 8,5 tỷ đồng triển khai xây dựng Trung tâm nuôi lợn công nghệ cao. Vậy mà, trời chẳng có mắt, lại gây “họa vô đơn chí” cho Yên Bái lần nữa. Cây dứa Cayen tàn lụi rất nhanh sau 3 năm thử nghiệm. Công ty Vật tư Nông nghiệp mất hơn 32 tỷ đồng vốn trồng gần 500 ha dứa, mất 6,7 tỷ đồng ở dự án xây Nhà máy chế biến thức ăn gia súc và mất hơn 3 tỷ đồng ở dự án chăn nuôi lợn. Tổng cộng họ bị lỗ và mất vốn khoảng 42 tỷ đồng.

Với một tỉnh nông nghiệp, thu nhập thấp thì con số thất thoát 42 tỷ là quá lớn nên cơ quan thanh tra, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Yên Bái vào cuộc sau khi nhận được nhiều thư tố cáo có quá nhiều sai phạm ở Công ty Vật tư Nông nghiệp. Sau khi làm rõ, Thanh tra tỉnh yêu cầu Ban giám đốc Công ty Vật tư Nông nghiệp kiểm điểm và đề nghị tỉnh ủy, UBND tỉnh có hình thức kỷ luật nghiêm khắc với các cá nhân sai phạm, đồng thời ra quyết định thu hồi số tiền thất thoát nộp vào ngân sách. Hơn thế nữa, các cơ quan chức năng đã chuẩn bị chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra Sở công an Yên Bái nghiên cứu, điều tra làm sáng tỏ thêm sự vi phạm pháp luật của các cá nhân liên quan…

***

Chính trong thời gian này, công ty Cổ phần Thép Cửu Long – Vinashin đang tiến hành các bước cuối cùng để triển khai dự án xây dựng Nhà máy luyện gang thép đặt tại khu công nghiệp phía nam thuộc xã Văn Tiến huyện Trấn Yên trên diện tích 28ha với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 594 tỷ đồng. Ngày 29/01/2007, Ủy ban nhân dân tỉnh yên bái cấp giấy chứng nhận đầu tư số 119/ UBND-CNDT cho Công ty Cổ phần Thép Cửu Long - Vinashin xây dựng Nhà máy luyện gang thép có quy mô đầu tư: dây chuyền thiêu kết công suất 150.000t/năm, lò cao luyện gang lỏng 180m3/giờ, dây chuyền luyện phôi thép 200.000 tấn/ năm, dây chuyền sản xuất ô xy 3.000 m3/ giờ, tiến độ thực hiện là 18 tháng. Ngày 07-03-2007, lễ khởi công xây dựng Nhà máy được tổ chức khá lớn với sự có mặt của các ông Hoàng Quốc Hiển - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, ông Hoàng Xuân Lộc - Chủ tịch UBND tỉnh, ông Dương Anh Điền Phó bí thư Thành ủy Hải Phòng và tất nhiên có mặt ông Chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình. Trong bối cảnh Yên Bái đang trống vắng các doanh nghiệp đầu tư và lĩnh vực sản xuất công nghiệp thì dự án xây dựng cơ sở sản xuất thép có suất đầu tư lớn của Vinashin được lãnh đạo tỉnh Yên Bái hết lòng giúp đỡ. Thông qua dự án đầu tiên thành hiện thực, Yên Bái ngỏ lời hợp tác toàn diện, lâu dài với Tập đoàn Vinashin đang “bừng bừng khí thế” và một biên bản chính thức ra đời ghi nhận rằng Vinashin sẽ sẵn sàng mở rộng đầu tư vào Yên Bái trên các lĩnh vực như công nghiệp, du lịch, thương mại và sẵn sàng giúp đỡ các huyện vùng cao giảm nghèo và phát triển bền vững. Có lẽ xuất phát từ mối quan hệ thân thiết này nên UBND tỉnh đã bàn bạc với lãnh đạo Vinashin cứu cho tỉnh một bàn thua trông thấy, ấy là tiếp nhận nguyên trạng Công ty Vật tư Nông nghiệp Yên Bái đang thua lỗ kéo dài và đầy bê bối. Sau khi nhất trí cao, UBND tỉnh Yên Bái phát ngay Công văn số 704/UBND-TH ngày 27/04/2007 gửi Thủ tướng Chính phủ xin chuyển giao Công ty Vật tư Nông nghiệp Yên Bái cho Vinashin quản lý. Hơn 6 tháng sau, ngày 30/11/2007 văn phòng Chính phủ gửi thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ tới UBND tỉnh Yên Bái và Vinashin “đồng ý chuyển Công ty Vật tư Nông nghiệp Yên Bái thuộc UBND tỉnh Yên Bái về làm đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam”.

Còn nữa