CTCK "kết duyên" cùng đối tác ngoại: Không dễ thành công!



Đối tác nước ngoài có lý khi đánh giá triển vọng tăng trưởng của TTCK Việt Nam trong tương lai: quy mô tài khoản mới chỉ chiếm khoảng 1,5% dân số.



CTCK Gia Quyền (EPS) là trường hợp mới nhất quyết định bán 49% cổ phần cho CTCK Hàn Quốc - Korea Investment & Securities (KIS), nâng vốn điều lệ của Công ty lên 263 tỷ đồng. Vào đầu quý II, đối tác Nhật Bản tiến hành thủ tục mua 49% cổ phần của CTCK Hoa Anh Đào (vừa được cấp giấy phép trước đó 3 tháng) và đổi tên thành CTCK Nhật Bản.
Trước đó, vào cuối năm 2009, CTCK Biển Việt bán cổ phần cho Công ty TNHH Đầu tư chứng khoán Woori và đổi tên thành CTCK CTCK Woori CBV.
Hiện nay, TTCK Việt Nam có hơn 100 CTCK và các công ty nhỏ đang tự tìm hướng đi riêng để tồn tại và phát triển. Tìm đối tác ngoại, bán cổ phần có thể coi là một giải pháp giúp nhiều CTCK tăng cường năng lực tài chính để sớm "thay da đổi thịt". Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hướng phát triển này không dễ dàng như kỳ vọng!
Lý do những cuộc "hôn nhân" ngoại
Tại sao các đối tác ngoại thích "kết hôn" với CTCK trong nước? Theo ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc CTCK HSC, lý do đầu tiên là tại các thị trường phát triển, dư địa tăng trưởng không còn nhiều, khi các CTCK nước ngoài đã mở rộng đến mức gần bão hòa.
Đầu tư sang một TTCK non trẻ hơn là việc các CTCK hàng đầu nước ngoài muốn hướng tới động lực tăng trưởng mới (các CTCK ngoại bắt tay CTCK nội hầu hết thuộc Top 5 tại thị trường chính quốc).
Đối tác nước ngoài có lý khi đánh giá triển vọng tăng trưởng của TTCK Việt Nam trong tương lai: quy mô tài khoản mới chỉ chiếm khoảng 1,5% dân số (trong khi đó, tại các nước láng giềng như Đài Loan, số tài khoản xấp xỉ bằng số dân); các công cụ giao dịch trên thị trường còn sơ khai; tiến trình cổ phần hóa các DNNN nhiều khả năng sẽ được tái khởi động...
Tất cả những lý do này khiến các CTCK mạnh tại những nước láng giềng như Hàn Quốc, Singapore, Malaysia… không muốn là những người chậm chân tới tận năm 2012 mới hiện diện tại TTCK Việt Nam (thời điểm CTCK 100% vốn nước ngoài được phép thành lập theo cam kết WTO).
Về phía CTCK trong nước, đặc biệt là các CTCK quy mô trung bình và nhỏ, việc tìm và "kết duyên" với đối tác ngoại kỳ vọng giải quyết được nhiều vấn đề. Đầu tiên là việc bán cổ phần giúp công ty cải thiện năng lực tài chính, tăng quy mô - việc không dễ thực hiện trong giai đoạn hiện nay, khi thị trường đang dồi dào nguồn cung và làn sóng niêm yết CTCK đang tăng.

Thứ hai, CTCK kỳ vọng đối tác có thể là cầu nối đưa các NĐT ngoại tới Việt Nam, giúp công ty tăng số tài khoản và tăng thị phần môi giới. Thứ ba, các CTCK nội kỳ vọng đối tác ngoại hỗ trợ về công nghệ, kinh nghiệm quản lý… Ngoài ra, việc bắt tay với đối tác nước ngoài gián tiếp tạo ra vị thế mới là cải thiện hình ảnh của CTCK trên TTCK trong nước .
Sự thành công khiêm tốn
Tuy nhiên, nhìn lại các cuộc "kết hôn" giữa CTCK và đối tác ngoại trong thời gian qua thì hiệu quả thực sự mang lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Sự thành công được thừa nhận rộng rãi nhất tính đến thời điểm hiện nay là KEVS.
Hoạt động vào giữa năm 2008 - đúng lúc TTCK rơi vào tình trạng khó khăn nhất, chỉ sau 1 năm hoạt động, KEVS đã qua mặt rất nhiều tên tuổi thâm niên khác để lọt vào bảng Top 10 thị phần môi giới. Một năm sau đó, KEVS thường xuyên duy trì vị thế này, chứng tỏ sự thành công đến với Công ty hoàn toàn không phải do yếu tố may mắn.
Tính chuyên nghiệp (chỉ phát triển dịch vụ môi giới, không phát triển tự doanh), kinh doanh dựa trên công nghệ hiện đại (đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng và mạng lưới) và kế thừa kinh nghiệm quản lý rủi ro của tập đoàn mẹ được coi là chìa khóa thành công của KEVS.
Một trường hợp thành công khác là CTCK HSC. Ra đời từ năm 2003, 4 năm đầu tiên hoạt động, HSC không để lại nhiều ấn tượng.
Thế nhưng, kể từ khi Dragon Capital nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại Công ty lên hơn 30% và thực hiện cuộc cách mạng về nhân sự (cải tổ toàn diện đội ngũ lãnh đạo cao cấp), HSC đã thực sự thay đổi. Hiện tại, HSC tạo lập được vị thế khá vững chắc với vị trí thứ 3 trên HOSE về môi giới.
CTCK SSI cũng được coi là một trường hợp thành công xét trên phương diện kinh doanh, khi bắt tay với đối tác ngoại vào năm 2006. Cho đến nay, SSI là CTCK duy nhất bán hơn 2 triệu cổ phần cho đối tác Nhật Bản với mức giá cao hơn giá thị trường khi đó vài chục phần trăm.
Gần đây, SSI cũng khiến nhiều đối thủ cạnh tranh kính nể khi dễ dàng huy động được hơn 2.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi và trong danh sách trái chủ vẫn có tên cổ đông lớn năm xưa là Daiwa Securities Group (đang nắm 8,1% cổ phần).
Các CTCK khác không để lại nhiều dấu ấn. Nhiều CTCK vẫn hoạt động thường thường sau 2 - 3 năm mang mác "ngoại": tổng giám đốc người nước ngoài, 49% cổ phần do đối tác nước ngoài nắm giữ. Thậm chí, đã có trường hợp rơi vào bế tắc như tại Seamico - CTCK Thành Công (TCSC).
Sự bất đồng và nghi kỵ của cổ đông trong nước và đối tác chiến lược Thái Lan được đẩy lên tới mức trong ĐHCĐ lần 1, TCSC không thể thông qua được phương án kinh doanh năm 2010. Dù ĐHCĐ lần 2 vượt qua được "cửa ải" này, nhưng Công ty vẫn ngổn ngang quá trình tái cơ cấu để có thể hoạt động với nhân sự ổn định, chưa nói tới triển vọng kinh doanh có lãi. Sự khác biệt về văn hóa và môi trường kinh doanh được coi là nguyên nhân chính đẩy cuộc "hôn nhân" này trở nên gượng ép.
Mới đây, một CTCK nhỏ trong nước ký kết với đối tác Hàn Quốc về việc bán 49% cổ phần. Khi biết đối tác đã đóng tài khoản tại hai CTCK lớn khác, lãnh đạo CTCK nhỏ bày tỏ hy vọng thị phần môi giới tại Công ty sẽ nhanh chóng cải thiện.
Tuy nhiên, một nguồn tin cho biết, số phí giao dịch mà đối tác Hàn Quốc mang lại cao nhất cũng chỉ vài tỷ đồng/năm. Kết quả này quá thấp so với kỳ vọng.
Tại một CTCK khác, đang rất mạnh về mảng dịch vụ ngân hàng đầu tư, ban lãnh đạo có kế hoạch tìm kiếm đối tác chiến lược với điều kiện là có khả năng hỗ trợ tài chính để phát triển mảng bán lẻ. Biết ý định, một số đối tác nước ngoài đã đánh tiếng.
Tổng giám đốc CTCK này bày tỏ ý định bán 30%, thậm chí 49% cổ phần nếu đối tác có thể phát hành cho công ty 100 triệu USD trái phiếu kỳ hạn 3 năm. Tuy nhiên, thương vụ bất thành do đối tác muốn nhắm tới mảng ngân hàng đầu tư của công ty. Cuộc "hôn nhân" không hứa hẹn thành công khi hai bên khác kỳ vọng và không chung một mục tiêu.
Theo Giang Thanh
ĐTCK

----------------------------------------------------------------------
Ngan hang
Ngan hang dong a
Ngan hang vietcombank