Bảo hiểm phi nhân thọ, “giảm cân, sống khỏe”!
Thứ hai, 25/7/2011, 17:08 GMT+7

Thị trường bảo hiểm hiện nay đã qua cái thời cứ ký hợp đồng còn tiểu sử khách hàng thì tính sau. Những bài học nhớ đời về cạnh tranh và hậu cạnh tranh là tỷ lệ bồi thường quá lớn đã khiến các công ty bảo hiểm có cái nhìn khác về cuộc đua tăng trưởng và thị phần. Trong công cuộc tái cơ cấu mà khá nhiều DN bảo hiểm phi nhân thọ đang thực hiện, giảm tỷ lệ bồi thường là một trong những mục tiêu quan trọng được đặt ra.

Theo thống kê của Cục Quản lý giám sát, bảo hiểm (Bộ Tài chính), tỷ lệ bồi thường trên doanh thu phí bảo hiểm gốc bình quân của thị trường 6 tháng đầu năm duy trì ở mức 32%, giảm 2% so với mức bồi thường cùng kỳ năm 2010 (tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc cùng kỳ là 34%). Hai DN có mức tăng trưởng cao nhất thị trường là PVI với 28% và PTI với 48% đồng thời có mức tỷ lệ bồi thường thấp nhất thị trường, với PVI là 16%, còn PTI chỉ ở mức 10% doanh thu phí.
Các DN bảo hiểm có tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc trên 40% trong 6 tháng qua là ABIC (86%), Phú Hưng (70%), Liberty (56%), Bảo Long (55%), BIC (48%), UIC (46%), Bảo Việt (46%) và PJICo (40%). Những đơn vị có tỷ lệ bồi thường gốc thấp như PTI (10%), QBE (10%), Groupama (11%), Cathay (0,8%) đều mới đi vào hoạt động.
Xét theo cơ cấu nghiệp vụ, nghiệp vụ bảo hiểm hàng không có tỷ lệ thực bồi thường gốc cao nhất (50%), trong đó Bảo Việt có tỷ lệ thực bồi thường nghiệp vụ bảo hiểm hàng không cao nhất (109%). Đứng thứ hai là nghiệp vụ sức khỏe và tai nạn con người có tỷ lệ thực bồi thường gốc 44%, trong đó các DN bảo hiểm có tỷ lệ thực bồi thường nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người cao gồm: Fubon (187%), Cathay (97%), Bảo Long (70%), PJICO (58%), Bảo Việt (54%), AAAVNI (51%), Bảo Minh (48%). Đứng thứ ba là bảo hiểm xe cơ giới với tỷ lệ thực bồi thường gốc 43%, chủ yếu là giải quyết bồi thường nghiệp vụ bảo hiểm vật chất xe. Các DN bảo hiểm có tỷ lệ bồi thường cao ở nghiệp vụ này gồm: Phú Hưng (231%), ABIC (126%), Chartis (73%), Liberty (66%), Groupama (59%), Bảo Long và MIC (55%), Fubon (53%), Bảo Ngân (51%)…
Để tỷ lệ bồi thường giảm xuống, các DN bảo hiểm đã và đang phải rà soát chặt chẽ và mạnh dạn từ chối những đơn hàng có nguy cơ bồi thường cao. Dù rằng, để có quyết tâm này là không hề đơn giản. Bởi bỏ một khách hàng là bỏ một cơ hội tăng doanh thu, doanh thu giảm một chút thì thị phần cũng giảm theo. Dù vậy, vì sự phát triển bền vững, nhiều DN đã hạ quyết tâm "giảm cân, sống khỏe". Bảo Minh chấp nhận giảm thị phần từ từ 22% những năm 2000, đến nay chỉ còn 12%. Trong chương trình tái cơ cấu, Công ty vẫn tiếp tục triển khai các biện pháp quản lý bồi thường và khuyến khích khai thác nghiệp vụ có tỷ lệ bồi thường thấp. Dù vậy, tỷ lệ bồi thường trên doanh thu bảo hiểm gốc vẫn chưa giảm nhiều, với tỷ lệ bồi thường 6 tháng đầu năm 2011 là 33%, chỉ thấp hơn 1% so với cùng kỳ năm 2010 và cao hơn mức bình quân thị trường 1%.
Các chuyên gia trong ngành cho biết, tỷ lệ bồi thường trên doanh thu phí bảo hiểm gốc bình quân của thị trường 6 tháng đầu năm 2011 là khá ổn. Bởi mức bồi thường trên doanh thu phí bảo hiểm thấp hơn 40% là mức an toàn cho các DN bảo hiểm. Trong chiến lược giảm tỷ lệ bồi thường xuống mức chuẩn, các DN bảo hiểm nhóm trên thường có nhiều ưu thế hơn, bởi các DN này có nhiều hợp đồng bảo hiểm tài sản bảo hiểm trách nhiệm, tỷ lệ tổn thất của những nghiệp vụ này thường thấp; trong khi đó, các DN nhóm dưới do chưa đủ lực nên vẫn tập trung khai thác các nghiệp vụ bảo hiểm cơ giới và bảo hiểm con người với tỷ lệ bồi thường khá cao.
Hơn nữa, do đã khai thác lâu và có chỗ đứng nhất định trên thị trường, nên các DN có tiềm lực mạnh cũng mạnh tay hơn trong việc sàng lọc khách hàng, cũng như dễ dàng hơn trong việc ra quyết định tăng phí bảo hiểm đối với những nghiệp vụ nhiều rủi ro. Trong khi đó, các DN mới gia nhập thị trường và có nội lực chưa vững, vì áp lực doanh thu và thị phần nên dễ dàng chấp nhận các đơn hàng bảo hiểm hơn. Chính vì vậy, không hiếm trường hợp khách hàng bảo hiểm bị DN bảo hiểm này từ chối lại là đối tác tiềm năng của một DN bảo hiểm khác… Và cũng không có gì khó hiểu khi tỷ lệ bồi thường của các DN nhóm trên ngày càng giảm, thì tỷ lệ bồi thường của các DN nhóm dưới vẫn tăng.(Nguồn: ĐTCK, 25/7)