DNSG: “Tôi không nghĩ đến thương hiệu cá nhân”

Bà Đỗ Thị Kim Liên - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bảo hiểm AAA, Lãnh sự Danh dự Cộng hòa Nam Phi tại TP.HCM

Sáu năm tạo dựng, đưa con thuyền Bảo hiểm AAA vượt sóng thành công, trở thành thương hiệu có uy tín và tên tuổi trên thương trường, bà Đỗ Thị Kim Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bảo hiểm AAA đã được công nhận là nữ doanh nhân thành đạt, của một người làm kinh doanh. Song, ở người nữ thuyền trưởng này, còn có một “ưu thế” nữa, đó là năng khiếu ngoại giao, thế nên bà đã vinh dự được Tổng thống Nam Phi chọn làm Lãnh sự Danh dự của Nam Phi tại Việt Nam. Ngay tại buổi lễ nhậm chức, bà khẳng định: “Với vai trò mới phía trước sẽ có rất nhiều thách thức và khó khăn nhưng tôi tin mình đủ năng lực và đam mê để đảm nhiệm sứ mệnh này”. Và chỉ sau một năm, gặp lại bà vào dịp mừng Quốc khánh Nam Phi, bà vui vẻ cho biết:

Ngay sau khi xác định nhiệm vụ của mình là làm đại diện cho Nam Phi để kết nối hoạt động thương mại, xúc tiến đầu tư, làm cầu nối giúp doanh nghiệp (DN) và người dân hai nước hiểu nhau hơn để tiến tới hợp tác bền vững, tôi đã nỗ lực đưa ra nhiều chương trình, kế hoạch hành động thiết thực. Chẳng hạn, trước đây cá nhân hoặc DN TP.HCM muốn qua Nam Phi đều phải ra Hà Nội xin cấp visa, nhưng bây giờ chúng tôi đã thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ, đơn xin visa ở văn phòng Lãnh sự quán Cộng Hòa Nam Phi số 25 Phùng Khắc Khoan, quận 1, TPHCM. Tiếp theo đó, tôi được Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam hỗ trợ thành lập Hội đồng Hỗn hợp Doanh nghiệp Việt Nam - Nam Phi. Từ đây đã có nhiều DN Việt Nam sang Nam Phi khảo sát, tìm hiểu thông tin đầu tư, tổ chức các cuộc hội thảo để DN hai nước chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu các dự án đầu tư triển vọng của Việt Nam như: dự án nước sạch, hỗ trợ đào tạo tay nghề 21 chuyên gia và công nhân Nam Phi tại Công ty gỗ Trường Thành… Đặc biệt, trước đây DN hai nước thường phải mua bán qua website, hoặc làm việc qua khâu trung gian, không hề biết mặt nhau, nên rủi ro rất lớn, nay thì văn phòng chúng tôi đã thiết lập bộ phận tư vấn miễn phí, cung cấp thông tin, hướng dẫn các thủ tục, chính sách cho DN hai nước, nên các DN đã cảm thấy yên tâm và mạnh dạn hơn trong giao dịch. Một số hợp đồng mua bán, trao đổi hàng hóa như mua bán gạo, đã và đang được ký kết với số lượng lớn sau khi được chúng tôi tư vấn, hỗ trợ. Phó Tổng thống Nam Phi và đoàn quan chức Nam Phi sang Việt Nam, tỏ ra vui mừng và rất hài lòng về những việc mà Văn phòng lãnh sự tại TP.HCM đã làm được, còn ngài Đại sứ Nam Phi thì hãnh diện nói: “Không biết có phải tổ tiên bà thời xa xưa có nguồn gốc Nam Phi hay không mà bà am hiểu đất nước, con người Nam Phi đến vậy?” Tình cảm, niềm tin của ngài Đại sứ dành cho tôi là nguồn cổ vũ, động viên rất lớn.
Quốc Khánh Nam Phi

Lần đầu tiên nhận nhiệm vụ làm cầu nối xúc tiến thương mại cho DN hai nước, vì sao bà lại cảm thấy tự tin và đam mê công việc mới này?

Tôi tự thấy mình có khả năng giao tiếp, hơn nữa, tôi đã được tôi luyện qua sáu năm điều hành Công ty Bảo hiểm AAA nên cũng có ít nhiều kinh nghiệm, có thể hỗ trợ cho các DN cần tôi tư vấn. Vì vậy, khi được giao trọng trách này, tôi rất tự tin và nghĩ mình đang nhận một nhiệm vụ tuy có khó khăn nhưng cũng rất thú vị, đặc biệt, vai trò này sẽ bổ trợ cho vai trò điều hành Công ty Bảo hiểm AAA, khách hàng của tôi sẽ có được những giá trị cộng thêm khi cần tư vấn đầu tư qua Nam Phi.
Tôi có một nguyên tắc “bất di bất dịch” là làm việc gì cũng vậy, không nhận thì thôi, còn đã nhận thì phải làm hết mình. Tôi đam mê công việc mới này vì nó không chỉ thuộc về sở thích mà thành quả đạt được còn mang ý nghĩa lớn cả về mặt kinh tế, chính trị lẫn ngoại giao. Vì vậy, để hoàn thành công việc một cách tốt nhất, tôi đã dành khá nhiều thời gian để tìm hiểu về đất nước, phong tục, tập quán của người dân Nam Phi. Và càng hiểu, tôi càng thấy gần gũi, yêu mến đất nước Nam Phi hơn.


Trong số rất nhiều điều thiết thực đã làm được, bà tâm đắc nhất điều gì?
Trước đây, khi nói đến Nam Phi, nhiều người Việt Nam nghĩ đó là một đất nước nghèo khổ, lạc hậu, hoang sơ. Ngay cả tôi trước đây cũng rất mơ hồ về quốc gia này. Nhưng giờ thì đã khác. Nam Phi nằm trong nhóm G20, là một trong 20 nước có nền kinh tế cao, người dân Nam Phi chịu khó, đa sắc tộc, có tới 11 ngôn ngữ. Nam Phi được thiên nhiên ưu đãi với nhiệt độ trung bình từ 16 độ đến 25 độ rất phù hợp với nghề trồng nho và làm rượu vang. Có thể nói, rượu vang Nam Phi không thua kém rượu vang Pháp, Chi Lê… chưa kể Nam Phi còn là một trong những địa danh du lịch nổi tiếng thế giới về tính hoang sơ, thiên nhiên hùng vĩ, mỗi năm thu hút khoảng hơn 10 triệu lượt khách. Phụ nữ Nam Phi đang được đề cao và giữ vai trò lớn trong xã hội, Chính phủ Nam Phi hiện có rất nhiều chính sách ưu đãi, cởi mở với các nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào Nam Phi.
Về phía Nam Phi, người dân cũng chưa hiểu nhiều về Việt Nam, cũng nghĩ Việt Nam còn nghèo nàn, lạc hậu. Hầu hết các DN Nam Phi đều rất ngạc nhiên khi đến Việt Nam lần đầu, vì thấy không giống như họ nghĩ. Do vậy, điều tôi tâm đắc nhất là chỉ sau một năm thực hiện các chương trình khảo sát, tìm hiểu thực tế, nhiều DN Việt Nam đã hiểu rõ về đất nước Nam Phi và ngược lại.

Bà có gặp khó khăn gì trong việc giao thương không? Nếu có, bà giải quyết như thế nào?

Khó khăn nhất là các DN Việt Nam muốn xuất khẩu hàng hóa sang Nam Phi vẫn còn gặp trở ngại trong vấn đề thanh toán, phụ thuộc vào khâu trung gian nhiều nên lợi nhuận không cao. Chưa có đường bay thẳng sang Nam Phi cũng là một trở ngại. Nếu DN hai nước mở rộng giao thương một cách hiệu quả thì có cơ sở đề nghị với hai Chính phủ mở đường bay thẳng.

Theo bà, lĩnh vực nào ở Nam Phi đang là tiềm năng và triển vọng mà DN Việt Nam có thể đầu tư hoặc trao đổi, mua bán?
Như tôi đã nói, khí hậu Nam Phi thích hợp với nghề trồng nho nên rượu vang Nam Phi có mùi vị rất riêng, đây là sản phẩm rất tiềm năng. Kim cương, vàng, dụng cụ trong y khoa Nam Phi nổi tiếng thế giới; hệ thống giáo dục, đào tạo ở Nam Phi có học phí rất hấp dẫn; bất động sản Nam Phi rất rẻ, là cơ hội cho những ai muốn đầu tư về bất động sản tại Nam Phi…. Hiện tại, Nam Phi đang có nhu cầu nhập gạo với số lượng rất lớn, đây cũng là dịp tốt cho các DN Việt Nam xuất khẩu gạo sang Nam Phi.
Cho phép tôi tò mò một chút, với kinh nghiệm và sự nhạy cảm của một người làm kinh doanh, bà định đầu tư vào lĩnh vực nào Nam Phi?
Nam Phi có nhiều lợi thế như: khí hậu trong lành, mát mẻ, giá thuê nhân công rẻ và giá đất thấp, nên tôi dự định kiến sẽ mua một trang trại trồng nho và sản xuất rượu vang đem về bán ở Việt Nam. Trang trại đó cũng sẽ là điểm nghỉ dưỡng hàng năm của tôi và gia đình.
Trong một lần tự bạch, bà tiết lộ nhược điểm của mình là hơi nóng tính, vậy nhược điểm đó có ảnh hưởng đến công việc ngoại giao cũng như lãnh đạo không, thưa bà?
Con người ai cũng có điểm yếu, điểm mạnh, quan trọng là mình biết khắc phục điểm yếu và phát huy điểm mạnh. Tuy nóng tính, nhưng may mắn là tôi biết kìm chế, nên chưa phải trả giá cho khuyết điểm này trong công việc lãnh đạo cũng như ngoại giao.
Theo bà, cương vị Lãnh sự Danh dự có làm Bảo hiểm AAA thuận lợi hơn trong kinh doanh?
Khi nhận nhiệm vụ làm Lãnh sự Danh dự cho Nam Phi, tôi không nghĩ đến thương hiệu cá nhân hay qua đó sẽ đánh bóng cho tên tuổi của Bảo hiểm AAA, mà chỉ làm với cảm tình thật sự dành cho đất nước và con người Nam Phi. Dĩ nhiên, nếu làm tốt công việc của một lãnh sự, uy tín của tôi cũng sẽ được tăng lên và Bảo hiểm AAA cũng ngày càng được khách hàng tin cậy. Song, nội lực tự thân vẫn là yếu tố quan trọng và quyết định. Tuy hiện nay Bảo hiểm AAA đã có thương hiệu và có nhiều thành công vượt bậc nhưng tôi vẫn chưa hài lòng. Bởi hài lòng chính là đồng minh của thất bại.
Tuy chưa hài lòng, nhưng có lẽ bà cũng phần nào an tâm với thành quả đạt được?
Tính đến thời điểm này, Bảo hiểm AAA mới được sáu tuổi, tôi còn rất nhiều việc phải làm, nhất là khi lĩnh vực bảo hiểm hiện nay còn quá nhiều khó khăn cả khách quan lẫn chủ quan. Một trong những khó khăn khách quan là nhân sự chưa đáp ứng kịp vì hiện tại chưa có trường đào tạo chuyên về ngành bảo hiểm. Cạnh tranh ở thị trường bảo biểm rất khốc liệt, cạnh tranh bằng mọi cách để có doanh số bán hàng cao, điều này dẫn đến thua lỗ của khá nhiều DN bảo hiểm trong thời gian gần đây. Chính vấn đề này khiến tôi trăn trở, lo âu, loay hoay tìm lối thoát vì “buôn có bạn bán có phường” Bảo hiểm AAA đâu thể họp chợ một mình.
Ưu điểm của Bảo hiểm AAA là đào tạo nhân lực rất giỏi, nhưng cứ đào tạo xong lại mất người, bà có tìm được cách giải quyết?
Một số người giỏi rời khỏi Bảo hiểm AAA là chuyện bình thường. Tôi tự hào vì đã góp phần tạo ra nguồn nhân lực cho thị trường bảo hiểm. Hiện tại, Bảo hiểm AAA có 47 chi nhánh và đội ngũ cộng sự hơn 800 người tâm huyết, năng nổ. Chúng tôi sống với nhau như trong một gia đình, luôn tôn trọng và yêu thương nhau. Đặc biệt, nhân viên đối đãi với tôi bằng cái tình rất thật của người Việt Nam. Tôi cảm nhận được điều này từ cách mọi người cư xử với tôi, mặc dù có lúc chúng tôi cũng to tiếng la với nhau khi không hài lòng về công việc, nhưng trong sâu thẳm vẫn là tình người.

Bà nói: “Làm dịch vụ bảo hiểm thì thỏa mãn khách hàng là việc khó nhất” , vậy Bảo hiểm AAA đã làm như thế nào để phục vụ khách hàng tốt nhất?
Tôi không phải là người giáo điều, bảo hiểm là nghề làm dâu trăm họ nên chắc chắn không thể làm hài lòng hết mọi người, nhưng tôi cam kết sẽ làm hết sức mình để khách hàng hiện nay cũng như khách hàng trong tương lai của Bảo hiểm AAA được hài lòng “Quyền an tâm” cho khách hàng mà tôi lấy làm tôn chỉ sẽ hiểu theo đúng nghĩa và thời gian sẽ câu trả lời.

Cũng như nhiều công ty bảo hiểm khác, ba năm qua, Bảo hiểm AAA rơi vào tình trạng lợi nhuận rất kém, bà có thấy mệt mỏi?
Mệt mỏi là đương nhiên, nhưng tôi không quỵ ngã vì tôi nhìn thấy tương lai của Bảo hiểm AAA rất sáng ở phía trước. “Kinh doanh mà chỉ làm ra tiền bạc thì chưa phải là kinh doanh” tôi yêu thích câu nói này.
Một kiến nghị của bà trong lĩnh vực bảo hiểm để lành mạnh hóa môi trường kinh doanh này?
Vai trò Hiệp hội Bảo hiểm phải được phát huy triệt để và phải có chế tài các DN bảo hiểm vi phạm cam kết. Xóa bỏ cơ chế độc quyền ngành, tạo hành lang thông thoáng trong kinh doanh (kinh doanh sòng phẳng). Cục Giám sát cần mạnh tay hơn nữa trong việc xử lý vi phạm của các DN bảo hiểm không tuân thủ các quy định của Cục ban hành.
Xin cảm ơn bà về buổi trò chuyện này.

Ông Ratubatsi Super Moloi, Đại sứ đặc nhiệm toàn quyền Nam Phi tại Việt Nam

Tiêu chí để chọn LSDD là gì thưa ông?
Chưa có một tiêu chí cụ thể cho chức danh này.Tuy nhiên, do mục đích của việc chọn Lãnh sự Danh dự Nam Phi là để góp phần đẩy mạnh giao thương giữa Nam Phi và Việt Nam nên tôi nghĩ rằng, Lãnh sự Danh dự phải là một doanh nhân thành đạt, có tầm ảnh hưởng rộng, am hiểu môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam. Ngoài ra, cũng cần phải có tố chất của người làm công việc ngoại giao.

Tại sao bà Bà Liên lại được chọn vào vị trí này?
Vì bà Liên là người đáp ứng điều kiện chúng tôi đưa ra. Tuy nhiên, không phải ai cũng sẵn sàng đảm nhiệm vụ này. Do đó, chúng tôi rất muốn nói cảm ơn bà Liên.
Nhiệm vụ của Lãnh sự Danh dự là gì, thưa ông?
Cung cấp các dịch vụ về lãnh sự cho cộng đồng Nam Phi sinh sống tại Tp.HCM. Còn các công dân Việt Nam khi có nhu cầu sang Nam Phi, hoặc muốn tìm hiểu thông tin về Nam Phi thì có thể liên lạc với bà Liên. Ngoài ra, nhiệm vụ quan trọng của Lãnh sự danh dự là củng cố mối quan hệ giữa hai nước Nam Phi và Việt Nam, kết nối DN, xúc tiến hiệu quả cơ hội đầu tư, giao thương giữa hai quốc gia.

http://www.aaa.com.vn/vn/index.php?option=com_content&view=article&id=301&c atid=35&Itemid=68&lang=vi