Cũng là một phong cách nội thất, trường phái “tối
giản” (Minimalism) là một trong những trường phái trang trí nội thất đã
và đang thịnh hành ở giai đoạn cuối thế kỷ 20 - đầu thế kỷ 21.


Trường phái này hiện tại đang cực thịnh ở châu Âu, cái
nôi của trang trí nội thất. Minimalism ảnh hưởng rất mạnh đến xu hướng
trang trí nội thất tại các nước Bắc Âu trong những năm cuối thập kỷ 90
cho đến hiện nay, và có ảnh hưởng khá lớn ở châu Mỹ. Ở châu Á, Nhật Bản
được xem là bậc thầy của phong cách hiện đại tinh tế này, và ta có thể
tìm thấy âm hưởng của trường phái minimalism trong hầu hết các công
trình kiến trúc Nhật đương đại lẫn truyền thống.


Ít hơn có nghĩa là nhiều hơn



[table]


|



Căn phòng của công ty British American Tobacco tận dụng tối đa ánh
sáng tự nhiên. Nếu lấy ra bớt bàn ghế bố trí khá dày đặc thì đây là
điển hình trong việc áp dụng phong cách Minimalism vào thiết kế văn
phòng. tường trắng làm nổi bật các thành phần trang trí khác |



[/table]
Phong cách “tối giản” đúng như tên gọi của nó, chú trọng việc giảm thiểu đến tối đa việc trang trí trong không gian nội thất.


Đi ngược lại các tiêu chuẩn trang trí nội thất truyền
thống về việc làm phong phú không gian bên trong với các vật dụng và
chi tiết trang trí phức tạp, phong cách này hướng đến việc loại bỏ các
vật dụng thừa thãi nhằm giữ lại một không gian trống hoàn hảo.


Chịu ảnh hưởng rất lớn từ quan niệm cũng như phong
cách thiết kế và trang trí Nhật Bản, đồng thời được xây dựng trên nền
tảng triết lý “ít hơn có nghĩa là nhiều hơn - less is more (+)”, việc
trang trí nội thất theo phong cách minimalism hướng sự chú ý đến những
đường nét và kết cấu được ẩn giấu bên dưới.


Các mảng tường, sàn và hiệu quả ánh sáng trên các mặt
phẳng này chính là những yếu tố quan trọng làm nên phong cách tối giản.
Sử dụng những đường nét đơn giản và sự kết hợp có tính toán của các mặt
phẳng, không gian nội thất theo phong cách này là một tổng thể thống
nhất, chặt chẽ về bố cục và nhất là giữ lại được một không gian kiến
trúc đẹp, thoáng đãng, rộng rãi.


Hạn chế là nguyên tắc chính



[table]


|



Việc hạn chế sử dụng đồ đạc không có nghĩa là tạo ra không gian
lạnh lẽo, buồn chán. nếu bố trí hợp lý, chọn lọc vật liệu nội thất theo
phong cách minimalism sẽ có tổng thể tuy đơn giản nhưng vẫn đáp ứng yêu
cầu thẩm mỹ |



[/table]
Cũng như các phong cách nội thất khác, phong cách
minimalism cũng có những đặc điểm nổi bật giúp phân biệt với các phong
cách khác.


Nguyên tắc chủ đạo của phong cách này được gói gọn
trong hai chữ “hạn chế”. Hạn chế trong trang trí, hạn chế bố trí quá
nhiều đồ đạc trong nội thất, chỉ giữ lại thành phần nào thật sự cần
thiết và đáp ứng được yêu cầu về công năng lẫn thẩm mỹ. Sự sử dụng hạn
chế về màu sắc trong trang trí là đặc trưng dễ nhận diện nhất của phong
cách này.


Thông thường, có không quá ba màu trong không gian nội
thất theo phong cách minimalism: một màu nền, một màu chủ đạo và một
màu nhấn. Màu sắc của các mảng tường là màu trung tính nhằm tạo ra một
phông đệm cho các vật dụng trang trí bên trong, hướng sự chú ý của
người quan sát đến những điểm nhấn quan trọng.


Phông màu trung tính cũng có tác dụng tạo sự tương
phản mạnh mẽ giữa các thành phần trang trí và có tác dụng kết nối các
thành phần này lại với nhau. Các mảng tường trắng được sử dụng rất phổ
biến trong phong cách minimalism như một phông nền trơn nhằm tăng giá
trị các đồ đạc xung quanh, đồng thời mang lại hiệu quả thị giác về một
không gian rộng rãi hơn, thoáng đãng hơn.


Dùng ánh sáng làm… nội thất



[table]


|




Trong nội thất thiết kế theo phong cách minimalism,
ánh sáng là một thành phần rất quan trọng của tổng thể trang trí chung,
nhằm tạo ra các hiệu ứng bóng đổ phong phú - Ảnh: Tạp chí kiến trúc
JA-summer

|



[/table]
Do hạn chế sử dụng màu sắc trong nội thất, ánh sáng
trong phong cách minimalism được xem như một thành phần trang trí quan
trọng để tạo ra các hiệu ứng thị giác và thẩm mỹ. Việc sử dụng ánh
sáng, nhất là ánh sáng tự nhiên, được chú trọng nhằm nhấn mạnh các khu
vực quan trọng và tạo ra bóng đổ với hiệu quả cao để tôn lên các hình
khối của vật dụng và các thành phần kiến trúc khác.


Ánh sáng tự nhiên được lọc qua các rèm cửa, các bình
phong chắn, bông gió trên tường hay thậm chí xuyên qua các tàng cây bên
ngoài một cách có chủ đích để khi xuyên vào đến không gian bên trong
đạt được hiệu quả chiếu sáng và thẩm mỹ mà người thiết kế đã định hướng
trước. Ánh sáng nhân tạo được chọn lọc một cách cẩn thận để nhấn mạnh
được hình dạng và cấu trúc của các thành phần trang trí nội thất.


Về phần mình, các thành phần trang trí nội thất cũng
như vật dụng, bàn ghế (furniture) được sử dụng ở mức độ tối giản, nhưng
vẫn đáp ứng được đòi hỏi về tiện nghi sử dụng. Bàn ghế trong nội thất
theo phong cách minimalism đều có hình dạng đơn giản, hài hoà và hiện
đại, được làm nên từ các đường nét không cầu kỳ nhưng tinh tế. Các vật
dụng này một mặt đáp ứng được nhu cầu sử dụng, sinh hoạt của con người,
mặt khác cũng chính là những thành phần trang trí cho nội thất bên
trong. Bàn ghế không chỉ là nơi để ngồi mà còn được xem là những tác
phẩm điêu khắc làm nên nét đẹp cho không gian bên trong.


Một phong cách sống phù hợp


Phong cách minimalism được áp dụng trong thiết kế nội
thất văn phòng một cách dễ dàng. Không gian làm việc thường được yêu
cầu sắp xếp và bố trí gọn gàng, đồng thời vẫn đáp ứng được công năng sử
dụng một cách tốt nhất. Điều này phù hợp với các tiêu chí của trường
phái minimalism. Và mặc dù đa số các văn phòng làm việc sử dụng ánh
sáng nhân tạo là nguồn chiếu sáng chính, càng về sau này xu hướng tận
dụng tối đa nguồn ánh sáng tự nhiên ngày càng được phổ biến.


Việc bố trí một không gian văn phòng gọn gàng, bố trí
đẹp mắt, tràn ngập ánh sáng tự nhiên có thể làm tăng sự nhiệt tình và
cổ động tinh thần làm việc của nhân viên. Ngoài ra, việc sử dụng có
chọn lọc và hạn chế các vật liệu ốp lát trong nội thất văn phòng cùng
với các khu bàn ghế làm việc mang hình dáng đơn giản cũng tạo nên không
khí thanh lịch không kém phần sang trọng mà đa số các văn phòng làm
việc đều hướng đến.



[table]


|
|




Nội thất của các căn hộ ở khu tập thể khu Đại học
Hà Nội (thiết kế bởi nhóm kiến trúc sư Nhật) tràn ngập ánh sáng trên
một tông nền trắng. Các đồ đạc trang trí được lựa chọn cẩn thận nhằm
đạt được hiệu quả trang trí cao nhất - Ảnh: Tạp chí kiến trúc JA-winter

|



[/table]
Không chỉ là một phong cách trang trí nội thất và kiến
trúc, minimalism còn biểu hiện được phong cách sống của chủ nhân. Với
phương châm loại bỏ những gì không cần thiết, phong cách này thật sự
không thích hợp với những người thích sưu tầm và những người thích chi
tiết, thích trang hoàng phức tạp, hay đơn giản hơn là những người không
thích loại bỏ những tiểu tiết. Ngược lại, những người thích ngăn nắp,
tự do và phóng khoáng thì tìm được trong phong cách này những gì mà họ
tâm đắc nhất.


Người châu Âu sau một thời gian dài say mê với các chi
tiết cầu kỳ, hoa văn phức tạp lại quay sang đi tìm cái đẹp trong sự đơn
giản. Với nhịp độ cuộc sống ngày càng nhanh, tính cạnh tranh trong công
việc ngày càng lớn và mật độ dân số ngày càng tăng, một không gian
thoáng đãng, tràn ngập ánh sáng trở thành điều mà mọi người mơ ước. Đó
có lẽ là lý do giải thích tại sao phong cách này lại đạt được ảnh hưởng
và thành công lớn như thế trong trang trí nội thất nói riêng và thiết
kế kiến trúc nói chung tại châu lục này.


Platon, nhà triết học Hy Lạp cổ đại nổi tiếng đã nói:
“Cái đẹp của phong cách, của sự hài hoà, của sự duyên dáng và nhịp
nhàng phụ thuộc vào sự đơn giản”. Người viết tin rằng khi bạn đứng
trong một không gian nội thất được thiết kế tốt theo phong cách
minimalism bạn sẽ cảm nhận được điều này một cách rõ ràng nhất.


Theo KTS NGÔ CAO NGỌC ANH - Kiến trúc&Đời sống