Tỷ giá ổn định, lãi suất ngoại tệ giảm giúp doanh nghiệp bớt gánh nặng. Tỷ lệ nợ trong cơ cấu vốn của các doanh nghiệp trong ngành phổ biến ở mức khá cao, trong đó chủ yếu là các khoản vay bằng ngoại tệ. Do đó, áp lực biến động tỷ giá và lãi suất lên chi phí của doanh nghiệp là rất lớn. Điều đáng chú ý trong thời gian qua là tỷ giá USD/VND khá ổn định và lãi suất vay bằng ngoại tệ cũng ở mức hợp lý so với các năm trước. Điều này khiến chúng tôi tin rằng các doanh nghiệp trong ngành sẽ gặp thuận lợi hơn trong thời gian còn lại của năm 2010.

Hoạt động khai thác cảng duy trì đà tăng trưởng. Khối lượng hàng hóa quý 1 thường ở mức thấp điểm của năm do chịu tác động của dịp Tết. Tuy nhiên, khối lượng hàng hóa thông qua các cảng lớn và cảng nước sâu, đặc biệt ở khu vực Tp.Hồ Chí Minh và Hải Phòng vẫn khá nhộn nhịp. Đây tiếp tục là động lực thúc đẩy hoạt động khai thác cảng duy trì đà tăng trưởng.

2. Triển vọng ngành năm 2010

Ngành vận tải biển dự báo sẽ bắt đầu chu kỳ tăng trưởng mới. Trong suốt thời gian qua, ngành vận tải biển phục hồi chậm hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Giá cước vận tải biển quốc tế, yếu tố tham chiếu chủ yếu của ngành đang ở mức khá hấp dẫn cho việc vận chuyển hàng hóa. Đáng chú ý là gần đây, khủng hoảng nợ công tại châu Âu tác động đến hầu hết các ngành nghề, nhưng chỉ số giá cước vận tải biển vẫn ổn định.

Theo số liệu được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) công bố vào đầu tháng 6/2010, giá trị thương mại thế giới trong quý 1/2010 tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 27% và tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 24%. Điều này cho thấy tình hình thương mại thế giới vẫn duy trì ổn định trước các dự báo không mấy tích cực về khủng hoảng nợ công.

Chúng tôi cho rằng cùng với sự cải thiện của kinh tế thế giới, giá cước vận tải biển sẽ sớm phục hồi. Đối với năm 2010, mùa cao điểm của ngành vận tải biển thường rơi vào quý 3 và 4 nên trong trung hạn giá cước dự báo sẽ gia tăng mạnh. Tỷ suất lợi nhuận của các công ty trong ngành, vì vậy, sẽ được nới rộng hơn trong khoảng thời gian này.

Vận tải biển vẫn là phương thức phổ biến nhất trong các phương thức vận tải. Nhu cầu vận tải container đang trở nên thịnh hành nhờ vào yếu tố thuận tiện và chi phí phù hợp.

Nhưng các doanh nghiệp cần nhiều thời gian để phục hồi. Chúng tôi cho rằng trong năm 2010, nhiều khả năng các doanh nghiệp vận tải sẽ có lợi nhuận tăng đột biến so với giai đoạn khủng hoảng. Tuy vậy, tỷ suất sinh lời vẫn còn thấp so với giai đoạn trước khủng hoảng vì áp lực chi phí lãi vay, khấu hao vẫn còn lớn và giá cước chỉ mới ở giai đoạn đầu của tăng trưởng.

Lợi thế cạnh tranh từ đội tàu lớn, năng lực ổn định. Một số khó khăn trong năm 2010 đã giảm bớt nên sẽ không còn hiện tượng bán tàu ồ ạt như thời gian qua. Việc tái đầu tư trong giai đoạn hiện tại tỏ ra không hiệu quả khi thời gian để đóng một tàu mới khá lâu làm gia tăng chi phí cơ hội. Lợi thế đang thuộc về các doanh nghiệp có đội tàu lớn và năng lực ổn định.

Dịch vụ cảng biển duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Tình hình tăng trưởng kinh tế năm 2010 dự báo sẽ ổn định sẽ là yếu tố hỗ trợ chính cho hoạt động xuất nhập khẩu. Đối với các khu vực cảng biển trọng điểm của cả nước như cụm cảng Sài Gòn, cụm cảng Hải Phòng… khối lượng tàu luân chuyển vẫn khá nhộn nhịp. Do đó, khả năng tăng trưởng của ngành dịch vụ cảng biển trong năm được dự báo sẽ khả quan hơn.

Dịch vụ hậu cần (logistics) khá hấp dẫn nhưng không nhiều doanh nghiệp tham gia. Điểm đáng lưu ý là nhu cầu về dịch vụ hầu cần (logistics), cho thuê kho bãi đang rất cao. Tuy nhiên, rất ít doanh nghiệp ngành dịch vụ cảng biển, với các lợi thế có sẵn, tham gia.

Hiện tại, ở Việt Nam chưa có công ty nào tham gia vào toàn bộ chuỗi cung ứng của ngành logistics mà chỉ mới tham gia từng mảng nhỏ lẻ. Do đó, thị trường này vẫn đang bỏ ngỏ cho các doanh nghiệp nước ngoài như APL, Mearsk… Trong khi đó nhu cầu về logistics của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư tại Việt Nam đang ngày càng tăng cao.