Thị trường bất động sản đóng băng nên những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, BĐS gặp phải tình cảnh thua lỗ, trong quý I/2012, lợi nhuận giảm mạnh. Không ít các doanh nghiệp xây dựng, BĐS ở trong tình trạng thanh khoản yếu và nợ ngắn hạn, dài hạn đều ở mức rất cao.
Ngay cả những tên tuổi đình đám cũng không thể thoát khỏi vũng lầy kinh tế như HAG có lợi nhuận sau thuế quý I/2012 của Công ty mẹ chỉ đạt vỏn vẹn 5,96 tỉ đồng, giảm mạnh so với mức hơn 300 tỉ đồng quý I/2011, NTL cũng có lợi nhuận sau thuế giảm 69% so với cùng kỳ; UDC giảm 80%; TDH giảm 84%; PVX lợi nhuận giảm 91%; ITA lợi nhuận giảm 80%;...
Lợi nhuận giảm vẫn còn vớt vát được nguồn vốn, trong khi đó có nhiều doanh nghiệp thua lỗ nặng như LHG lỗ 18 tỷ, VIT lỗ hơn 19 tỷ đồng…
Không chỉ thua lỗ, nhiều doanh nghiệp còn phải đối mặt với thanh khoản yếu, tình trạng nợ ngắn hạn, dài hạn ngày tăng cao. Công ty Cổ phần Sông Đà nợ ngắn hạn lên tới 262 tỉ đồng; Công ty Cổ phần bất động sản du lịch Ninh Vân Bay nợ ngắn hạn 296 tỉ đồng; CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương, nợ ngắn hạn 1.340 tỉ đồng…
Với tình trạng doanh thu giảm, tình trạng thua lỗ nặng, những doanh nghiệp này được ví như “quả bom nổ chậm” trên thị trường chứng khoán.
Đối phó với nguy cơ này, nhiều doanh nghiệp cũng đã chủ động xoay sở tìm cách “thoát nạn” bằng cách xin dãn thời hạn trả nợ và lãi suất đối với một số dự án.
Một thực tế đáng quan tâm nữa là thị giá cổ phiếu của một số doanh nghiệp vẫn ở mức khá cao, bất chấp vay nợ lớn.
Một câu hỏi cần được các NĐT đặt ra tại những Công ty BĐS nợ lớn là doanh thu ít, vay nợ nhiều thì tại sao Công ty không rơi vào thua lỗ? Chi phí lãi vay đang nằm ở đâu, bao giờ thì công khai và có khả năng gây ra vụ “nổ bom” với NĐT hay không?
Với doanh nghiệp bất động sản thua lỗ, nhà đầu tư vẫn tâm lý dè chừng trên thị trường chứng khoán. Ngoài BĐS ra, còn có hàng loạt nguy cơ nổ chậm khác vẫn đang chờ ngày phát nổ.
Hàng loạt Công ty niêm yết tiếp tục bị đưa vào diện cảnh báo. Nguyên nhân chính là do tình trạng thua lỗ nặng trong năm 2011. Bên cạnh đó, chưa bao giờ trên sàn lại có hiện tượng hủy niêm yết nhiều đến thế. Do vậy, trong thời gian tới, TTCK sẽ chứng kiến nhiều sự chuyển biến.
Thị trường hiện nay nhìn chung chưa có sự phân hóa rõ nét về thị giá giữa những cổ phiếu không nợ, ít nợ với những cổ phiêu ngập trong nợ nần cũng như chưa phân hóa rõ nét thị giá cổ phiếu dựa trên EPS. Để ra quyết định đầu tư phù hợp, NĐT cũng cần tính toán về tương lai của cổ phiếu mình đang nắm giữ, về khả năng tồn tại trong tương lai.