Bài toán nợ xấu ngân hàng, giải quyết ra sao?
  • Thông báo


    Kết quả 1 đến 1 của 1

    Threaded View

    1. #1
      Ngày tham gia
      Feb 2011
      Đang ở
      skype: trunghieuffb
      Bài viết
      481
      Được cám ơn 210 lần trong 144 bài gởi

      Talking Bài toán nợ xấu ngân hàng, giải quyết ra sao?

      ---------------------------------------
      Góc nhìn đa chiều về vấn đề nợ xấu ngân hàng hiện nay
      trích các bài viết tại thanhnien online
      thanhnien.com.vn
      ---------------------------------------

      Gánh nợ xấu ngân hàng

      Đề án thành lập công ty mua bán nợ xấu vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra cuối tuần qua. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng cần phải phân tích kỹ theo nhiều góc độ trước khi thực hiện để tránh những hậu quả về sau.

      Nợ xấu "ngáng đường"

      Tốc độ tăng trưởng tín dụng trong 5 tháng đầu năm 2012 vẫn âm dù rằng các NH dư tiền. TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, nút thắt dòng vốn tín dụng ra thị trường của các NH đó là nợ xấu. Nợ xấu NH tăng cao nên các NH không dám cho doanh nghiệp (DN) vay. Giải quyết xong vấn đề nợ xấu, các NH mới mạnh dạn cho vay mới. Đó là lý do, việc NHNN dự kiến thành lập công ty mua bán nợ xấu để xử lý khoảng 100.000 tỉ đồng là một tin vui đối với thị trường.

      Ông Trương Văn Phước - Tổng giám đốc NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) nhận xét: “Mua bán nợ xấu là một cơ chế tốt giúp hệ thống NH giải quyết được vấn đề nợ xấu tồn đọng trong hệ thống. Thông qua đó giúp quá trình cung ứng vốn cho nền kinh tế được tốt hơn. Các NH có điều kiện triển khai cho vay mới và giảm lãi suất cho vay”.



      TS Lê Đạt Chí: "Nếu muốn mua lại nợ xấu thì cần thiết phải làm rõ nợ xấu đó của ai bởi trên thế giới, không có bất kỳ nhà nước nào đi mua lại nợ của khối tư nhân"


      Trên thực tế, tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống NH tăng từ 2,2% của năm 2010 lên 3,6% vào năm 2011 và đến nay tỷ lệ này còn gia tăng. Với tổng dư nợ cho vay nền kinh tế khoảng 130 tỉ USD, tỷ lệ nợ xấu ước khoảng 5% thì số nợ xấu lên đến 6 - 7 tỉ USD. Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM (trước đây, đơn vị này đã có kiến nghị lên NHNN việc thành lập công ty xử lý nợ xấu) cho biết, vào cuối tháng 4, tỷ lệ nợ xấu của các NH trên địa bàn TP.HCM chiếm 5% trên tổng dư nợ, tương đương 35.000 tỉ đồng. DN rơi vào nợ xấu nhiều thì NH không thể cho vay được. Khi vấn đề nợ xấu NH được giải quyết thì lúc đó tín dụng mới có thể tăng trưởng.

      Đối mặt với lạm phát

      TS Lê Đạt Chí - Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho rằng, không nên vội vàng thực hiện giải pháp mua lại nợ xấu của NH. Bởi điều đó sẽ đưa đến hệ lụy là cung tiền vào nền kinh tế sẽ gia tăng (dù mức gia tăng lớn hay nhỏ còn phụ thuộc vào kỹ thuật thực hiện). Đây là nguyên nhân dễ gây nên lạm phát cao. Còn nếu muốn mua lại nợ xấu thì cần thiết phải làm rõ nợ xấu đó của ai bởi trên thế giới, không có bất kỳ nhà nước nào đi mua lại nợ của khối tư nhân. Đó là chưa kể nếu mua lại nợ từ các NH thương mại thì cũng chưa chắc NH đó sẽ đưa tiền vào nền kinh tế. Trong trường hợp muốn mua lại nợ xấu của khối DNNN thì nên xem xét và áp dụng mô hình xử lý nợ của Trung Quốc những năm 1990 - 2000 vì nước này có cơ cấu nền kinh tế tương đồng với VN.

      Cụ thể, thành lập công ty quản lý tài sản trực thuộc Bộ Tài chính. Trong đó, 3% vốn góp của Bộ Tài chính, 15% vốn vay từ NHNN. Số vốn còn lại được huy động dưới hình thức phát hành trái phiếu kỳ hạn 10 năm. Tuy nhiên, số trái phiếu này khi phát hành không có ai đứng ra mua nên Trung Quốc đã điều chỉnh ngay. Đó là mua nợ xấu của NH quốc doanh và trả một phần nhỏ bằng tiền mặt, phần còn lại trả bằng trái phiếu dài hạn có sự bảo lãnh của NHNN. Đồng thời NHNN buộc các NH quốc doanh phải cho vay trở lại đối với các DNNN để tiếp tục hoạt động sản xuất và hoàn thành các dự án dang dở. Điều đó sẽ kích thích được sự tăng trưởng của nền kinh tế và có thể kéo theo sự phát triển của các DN tư nhân cũng như bản thân các NH thương mại. Tuy nhiên hệ quả của phương án này là trong thời gian 3 năm đầu, công ty quản lý tài sản bị lỗ và NHNN cũng phải bơm tiền ra để trả lãi trái phiếu đã phát hành. Điều này làm gia tăng cung tiền vào nền kinh tế và không được các tổ chức tín dụng nước ngoài đánh giá cao.

      Còn theo TS Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế, nếu phát hành trái phiếu để huy động vốn cho công ty mua bán nợ này thì cần xem xét kỹ nguyên nhân dẫn đến nợ xấu. Đơn cử nợ xấu tăng cao là do quản trị yếu kém thì NH phải tự chịu thiệt hại. Ngay cả những đơn vị được cứu cũng cần công bố rõ và tại sao được cứu, cách thức cứu và phương thức thoái vốn của nhà nước...

      Ông Hiển cho rằng vấn đề nợ xấu trong hệ thống NH hiện nay khác thời điểm 1990 - 1991. Vào 1990 - 1991, nợ chủ yếu phát sinh từ các công ty nhà nước nên việc cấn trừ nợ giữa các công ty lẫn nhau. Còn hiện nay là kinh tế thị trường thì việc giải cứu phải theo cơ chế thị trường, nếu không sẽ như muối bỏ bể. Trường hợp NHNN phát hành trái phiếu để huy động vốn trong dân sẽ không gây ra lạm phát nhưng cũng khó cứu được nền kinh tế. Giải pháp cứu nền kinh tế, theo ông Đinh Thế Hiển, Chính phủ cần cung tiền ra và có biện pháp hút vào để không ảnh hưởng lạm phát.

      Nguy cơ thất thoát vốn nhà nước

      Nguy cơ thất thoát vốn nhà nước, tạo cơ hội cho nhóm lợi ích cơ cấu lại tài sản một cách hợp pháp, hé lộ sự thật về nợ xấu trong hệ thống ngân hàng (NH)...

      Phục vụ nhóm lợi ích

      Vấn đề nhiều chuyên gia lo ngại nhất trước đề xuất thành lập công ty mua bán nợ của NHNN là thất thoát vốn nhà nước. Tiến sĩ Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM phân tích, bản chất của hầu hết các ngân hàng cổ phần (NHCP) của ta đều là "sân sau" của các cổ đông lớn, của nhóm lợi ích. Điều này đã được nói đến rất nhiều lần và đây cũng là một trong những lý do khiến Chính phủ quyết tâm tái cấu trúc để làm sạch, làm mạnh hệ thống NH. Với vai trò là "sân sau" thì nợ xấu của các NHCP cũng chính là nợ xấu của các nhóm lợi ích. Ở thời điểm tốt, các NH này tài trợ vốn cho cổ đông lớn đầu tư kiếm lợi. Đến khi kinh tế gặp khó khăn, "sân sau" gặp vấn đề, muốn rút vốn nhưng không được. Đang trong cơn "tiến thoái lưỡng nan", không biết vô tình hay cố ý, chúng ta "đẻ" ra công ty mua bán nợ với mục đích mua lại nợ xấu của các NH, tạo "cơ hội vàng" cho các cổ đông lớn bán được các tài sản đang bị giảm giá trị một cách hợp pháp. Hay nói cách khác, tiền của nhà nước được dùng để mua lại nợ, giúp cổ đông lớn cơ cấu lại tài sản của họ. Trước họ vung tiền đầu tư khắp nơi, góp phần tạo ra bong bóng tài chính để kiếm lợi nhuận. Đến khi bong bóng xẹp, có nhà nước đứng ra gánh. Đó là lý do các NHCP hết sức hồ hởi với đề xuất này.

      Cũng từ đây, vấn đề quan trọng được đặt ra: Nợ xấu sẽ được mua lại với giá nào? Ai sẽ định giá, cơ chế định giá thế nào với các tài sản này? Chúng ta đều biết, các hồ sơ vay vốn, hồ sơ thế chấp có độ rủi ro khác nhau, vị trí, dư nợ vay xác định khác nhau. Mỗi NHCP khi cho cổ đông lớn của mình vay vốn, cũng định giá với tiêu chí, điều kiện khác nhau. Vậy nhà nước tiến hành định giá thế nào các tài sản này. Đó là chưa kể, các loại hình hợp tác đầu tư, tài sản thế chấp hình thành trong tương lai, làm sao kiểm tra để định giá... Trong khi đó, cổ đông lớn chắc chắn không chịu thiệt, không muốn bán với giá thấp. Nếu công ty mua bán nợ mua với giá cao, nhà nước sẽ chịu thiệt. Hay nói cách khác, vốn ngân sách sẽ bị thất thoát.

      Cũng bởi những khúc mắc này, khi tiến hành mua bán nợ xấu những năm 1999-2000, để không thất thoát vốn nhà nước, Trung Quốc đã nghiên cứu rất kỹ và chọn cách chỉ mua nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thông qua việc rót vốn vào 4 NH quốc doanh, kiên quyết không mua nợ của các NHCP. Bởi mua nợ xấu của các DNNN, nếu mua với giá cao hay thấp, DNNN có lợi hay công ty mua bán nợ cũng vẫn là vốn của nhà nước, không bị thất thoát. Còn nếu mua nợ "đại trà" như của ta, chắc chắn vốn ngân sách sẽ bị thất thoát.

      Sự thật nợ xấu

      Về nguyên tắc, nợ xấu cao thì lợi nhuận thấp và ngược lại. Tuy nhiên, điều này có vẻ không đúng với các NH của ta hiện nay. Theo công bố của hầu hết các NHCP, lợi nhuận quý 1 của họ đều rất cao. Đơn cử như Vietcombank lãi 1.663 tỉ đồng, Vietinbank lãi 1.859 tỉ đồng, Sacombank lãi 1.100 tỉ đồng, ACB lãi 837 tỉ đồng sau thuế, Ngân hàng Quân đội - MB lãi 885 tỉ đồng, Techcombank lãi 771 tỉ đồng, Eximbank dự kiến 4 tháng đầu năm 2012 đạt 1.400 tỉ đồng... "Chiếu" theo nguyên tắc, với con số lợi nhuận như vậy, nợ xấu của các NH này không thể cao vì nợ xấu sẽ làm tiêu tan lợi nhuận của họ. Nợ xấu không cao thì không có lý do gì phải thành lập ra công ty mua bán nợ với vốn cả trăm ngàn tỉ đồng, nhất là trong bối cảnh nguồn vốn đang khan hiếm như hiện nay. Mặt khác, với lợi nhuận cao như nói trên, các NH này hoàn toàn có thể tự cơ cấu lại nợ xấu, trích lập dự phòng cao hơn để đảm bảo an toàn... Không thể có nghịch lý NH lợi nhuận lớn, tiền nhiều (ứ vốn) mà nhà nước lại phải đứng ra mua tài sản xấu cho họ. Hơn nữa, nếu chúng ta thành lập công ty mua bán nợ, buộc phải cung tiền ra, sẽ phải lường trước khả năng lạm phát quay trở lại. Lúc này, lại xuất hiện thêm một nghịch lý đau lòng: Tiền thuế của dân được sử dụng phục vụ nhóm lợi ích này, gây ra lạm phát, người dân là đối tượng phải gánh chịu trực tiếp và nặng nề nhất. Trong khi các NHCP sẽ lợi đủ đường, vừa bán được tài sản có lợi nhuận, thu được tiền, vừa được chia lợi nhuận, có cổ tức...

      Còn nếu tình trạng "nguy kịch" đến mức phải thành lập công ty mua bán nợ, có thể hiểu là tỷ lệ nợ xấu mà các NH công bố chưa chính xác? Khả năng này là hoàn toàn có thể. Bởi đến lúc này, thị trường tài chính vẫn chưa hết "choáng" với tỷ lệ nợ xấu lên tới 16,06% vào cuối tháng 2.2012 của NH Habubank chỉ được công bố khi sáp nhập. Trên thực tế, tỷ lệ nợ xấu ở hệ thống NH của ta lâu nay vẫn là con số "bí ẩn". Đơn cử theo NHNN, tỷ lệ nợ xấu vào cuối quý 1 vào khoảng 3,6% trong khi Hãng đánh giá tín dụng Fitch Ratings ước lượng nợ xấu của Việt Nam khoảng 13%. Còn theo Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), con số này ở mức từ 8,25% cho đến 14,01%, không tính nợ của Vinashin và các DNNN khác... Vậy tỷ lệ nợ xấu thực sự của hệ thống NH của ta là bao nhiêu, ở mỗi NH là bao nhiêu? An toàn hay rủi ro? Những điều này cần được làm rõ để xử lý kịp thời trước khi xảy ra những hậu quả đáng tiếc.

      Vẫn còn quá nhiều vấn đề cần phải mổ xẻ trước câu hỏi "nên hay không nên thành lập công ty mua bán nợ" mà NHNN đề xuất.

      Tại sao lại mua nợ xấu với giá cao?

      Khó hiểu đến sửng sốt

      Mua nợ xấu, vấn đề quan trọng nhất là cơ sở, tiêu chí định giá để không gây thất thoát vốn nhà nước. Về nguyên tắc kinh tế, giá mua nợ sẽ dựa trên dòng tiền thu được và rủi ro của dòng tiền đó. Nhưng cơ bản ai cũng hiểu, nợ xấu muốn thanh lý được, giá phải rẻ. Các NH quản trị yếu, đầu tư không hiệu quả phải chấp nhận rủi ro, chấp nhận thiệt hại. Cũng như các doanh nghiệp (DN), muốn tháo hàng tồn kho, phải có chính sách giá hấp dẫn cho người tiêu dùng. Hay đơn giản nhất, rau ế buổi chiều, người bán phải chấp nhận "giá như cho", chủ yếu để "gỡ" chút vốn nào hay chút đó chứ không ai tính đến chuyện lấy lời.

      Còn người mua, chấp nhận hàng ế, hàng không ngon hay hàng có độ rủi ro lớn, cũng bởi vì giá rẻ. Nguyên lý tất yếu này, thiết nghĩ ai cũng biết. Ấy vậy mà tiến sĩ Nguyễn Đại Lai, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển, Ngân hàng Nhà nước, lại khiến hầu hết mọi người choáng váng khi đưa ra mức giá trên trời trong đề xuất mua lại nợ xấu NH. Cụ thể, mua với 100% nợ gốc và 50% lãi theo hợp đồng tính trên số ngày chậm trả của hồ sơ nợ xấu đó. Nghĩa là, nợ xấu không thanh lý được của các ngân hàng được mua nguyên giá.


      Các NH dù có công ty mua bán nợ nhưng họ không thể chuyển nợ xấu này sang cho công ty con của mình vì chắc chắn sẽ bị lỗ. Lỗ thì giá cổ phiếu giảm, cổ đông phản đối, lợi ích của họ không có nhất là thưởng, bổng lộc và cổ tức cho cổ đông. Chính vì vậy ở các nước phát triển, họ giám sát kỹ chuyện lương bổng của các nhà quản lý NH và hạn chế chia cổ tức khi NHTM có nợ xấu. Nợ xấu của họ, họ không muốn, không xử lý được giờ chuyển cho nhà nước thì đúng là "nhất cử lưỡng tiện". Tiến sĩ Lê Đạt Chí - Trưởng bộ môn tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM

      Đề xuất giá này gây kinh ngạc hầu hết mọi người bởi sự vô lý đến khó hiểu của nó. Theo quy định hiện hành, khi DN không trả được nợ NH, tùy theo tính chất các khoản nợ sẽ sắp xếp theo nhóm nợ. Nợ nhóm 2 mất 5% giá trị, nhóm 3 mất 20%, nhóm 4 mất 50% và nhóm 5 coi như mất trắng. Nợ thuộc nhóm nào, thì mua dưới mức chiết khấu của nhóm đó. Ví dụ, nợ nhóm 3, giá mua sẽ dưới 80% giá trị khoản nợ. Tuy nhiên, nếu đã là nợ nhóm 3, nguy cơ chuyển nhóm rất lớn nên giá mua thường phải rẻ hơn rất nhiều. Chỉ "chiếu" theo quy định này, mức giá mua nợ xấu theo đề xuất trên đã quá đắt. Mua đắt thì ngân sách tất nhiên bị thiệt hại. Một chuyên gia tài chính tại TP.HCM thực sự "hốt hoảng" khi nghe giá mua nợ xấu 100% dư nợ và 50% lãi suất nói trên. Theo chuyên gia này, đây là mức giá "trời ơi". Nếu có thực, "chỉ có loạn và vỡ". "Chúng ta phải xác định, bên mua nợ là nhà đầu tư chứ không phải làm công quả nhà chùa" - vị chuyên gia này bức xúc.

      Cũng sửng sốt không kém, chuyên gia tài chính Lê Trọng Nhi khẳng định, đây là chuyện chưa bao giờ xảy ra trên thế giới. Mua bán nợ là chuyện bình thường nhưng phải phân biệt giữa nợ tốt và nợ xấu. Nợ tốt, thường mua với mục đích để tăng tài sản nên có thể mua với giá gốc và chia sẻ lãi suất. Còn nợ xấu, không ai mua với giá gốc mà phải định giá khoản nợ tại thời điểm hiện tại, độ rủi ro, từ đó tính chiết khấu để ra giá khoản nợ. "Đề xuất nói trên là mua nợ xấu với giá nợ tốt" - ông Nhi nói.

      Đi ngược chủ trương Chính phủ

      Chúng ta đều biết, nợ xấu trong hệ thống NH tại Việt Nam chủ yếu là từ bất động sản, chứng khoán. Như đã phân tích ở bài Nguy cơ thất thoát vốn nhà nước đăng trên Thanh Niên ngày 6.5, đa số NH cổ phần là "sân sau" của các cổ đông lớn. Có nghĩa là việc xử lý nợ xấu NH thực chất để giải cứu cho những cổ đông lớn đang còn mắc kẹt trong bất động sản. Việc này không chỉ là mang vốn nhà nước, cũng là tiền thuế của dân để phục vụ cho nhóm lợi ích mà còn gây ra hàng loạt các hệ lụy phía sau đó.

      Quan trọng hơn, việc đổ vốn nhà nước vào để giải cứu bất động sản còn đi ngược với chủ trương của Chính phủ trong nhiều vấn đề. Đầu tiên là không thể "nắn" dòng vốn đi vào sản xuất, nông nghiệp, xuất khẩu... Bởi trong điều kiện vốn có hạn như hiện nay, nếu chảy vào bất động sản thì cạn nguồn, không còn vốn cho sản xuất, kinh doanh, không chặn đà giảm phát, phá sản, thất nghiệp đang ngày càng lan rộng. Như vậy, mục tiêu cứu DN không thực hiện được. Đặc biệt, việc đẩy vốn vào "cứu" bất động sản cũng là một cách giữ giá cho thị trường này, khiến giá bất động sản không giảm xuống như quy luật thị trường, phù hợp với mức sống, thu nhập của người dân và điều kiện kinh tế của Việt Nam. Nếu chúng ta để thị trường tự điều tiết, NH ở thời điểm nóng đã thu lợi lớn từ cho vay bất động sản thì đến thời điểm này, họ phải chấp nhận thiệt hại, chấp nhận rủi ro. Thậm chí, chấp nhận thực hiện phát mãi bất động sản để thu hồi vốn. Việc này sẽ khiến thị trường bất động sản trở về giá trị thật của nó, phù hợp với mục tiêu kéo giảm giá bất động sản của Chính phủ, người dân cũng hưởng lợi.

      Dọn đường cho việc mua nợ xấu với giá cao, nợ xấu hầu hết thuộc về bất động sản, của các cổ đông lớn... Có gì liên quan đến nhau giữa các yếu tố này và động cơ đằng sau đó là những câu hỏi mà chúng ta phải trả lời rõ ràng, cụ thể trước khi sử dụng tiền thuế của dân.

      Khó kiểm soát in tiền

      Thực tiễn ở nhiều nước cho thấy, việc mua bán xử lý nợ xấu luôn gắn với quá trình in tiền. Vì vậy, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề xuất thành lập công ty mua bán nợ đang khiến dư luận lo ngại và đặt câu hỏi, ai sẽ kiểm soát dòng tiền "đi" qua "cửa" mua nợ xấu

      Lỗ, lãi ai chịu?


      Việc thành lập công ty nợ xấu thực chất không giải quyết được vấn đề thông vốn từ NH tới DN mà chỉ làm lợi cho các NH mà thôi


      Việc mở một công ty mua bán nợ để mua nợ xấu NH, đặc biệt là do NHNN đứng ra thành lập và quản lý đối mặt với nhiều rủi ro. Mà tình hình hiện tại cho thấy, khả năng này khá rõ ràng. Bởi trên thực tế, công ty mua bán nợ của nhà nước đã có cả gần chục năm nay, đó là Công ty Mua bán nợ và xử lý tài sản tồn đọng (DATC) thuộc Bộ Tài chính ra đời từ 2003 với vốn điều lệ 2.000 tỉ đồng. DATC có vai trò đứng ra mua lại nợ, tiếp nhận và xử lý tại các DN nhà nước, thậm chí kể cả tư nhân. Nhưng hoạt động của DATC như thế nào trong suốt thời gian qua, không ai biết. Chỉ đến khi công ty này đứng ra mua nợ của Công ty CP thủy sản Bình An, nhiều người mới biết sự tồn tại của nó. Nhưng DATC đã thực hiện bao nhiêu vụ mua bán nợ, các thương vụ mua nợ trước đó được thực hiện thế nào, cơ chế bán nợ ra sao? Không có nhiều thông tin.

      Với hiệu quả như phân tích trên, khả năng giao cho Bộ Tài chính quản lý công ty mua bán nợ (để giám sát chéo) là rất khó. Và khi không sử dụng công ty mua bán nợ sẵn có của Bộ Tài chính, thì công ty mua bán nợ chỉ "chuyên" về mua nợ xấu NH gần như chắc chắn sẽ do NHNN thành lập và quản lý. Một số ý kiến cho rằng, đây là lựa chọn phù hợp hơn nếu nhìn ở góc độ cân đối nguồn tài chính. Bởi NHNN có nhiều nguồn vốn như từ tiền gửi dự trữ bắt buộc, tiền vượt dự trữ bắt buộc của các NHTM; tiền phát hành tín phiếu, thậm chí là một phần nhỏ từ… in thêm tiền nếu thấy cần thiết.

      Nhưng đây chỉ là bề nổi mà ẩn sâu sau đó là rất nhiều rủi ro và hệ lụy. Vì dù sử dụng hay thực hiện kỹ thuật nào để mua nợ, công ty mua bán nợ cũng phải phát hành trái phiếu có sự bảo lãnh của NHNN để cấn trừ nợ. Trong trường hợp có tiền mặt từ ngân sách nhà nước để bỏ ra thành lập công ty, thì phần tiền còn lại để mua nợ phải được lấy từ hoán đổi trái phiếu. Câu hỏi đặt ra là, tiền lãi phát sinh mỗi năm sẽ lấy ở đâu ra để trả. Giả sử 90%/tổng giá trị mua nợ là trái phiếu phát hành với lãi suất 10% thì tiền lãi mỗi năm cũng lên tới 9.000 tỉ đồng (90.000 tỉ đồng x 10%= 9.000 tỉ đồng). Còn nếu 100% là trái phiếu thì số lãi mỗi năm lên tới 10.000 tỉ đồng. Số tiền này lấy từ nguồn nào? Như đã phân tích ở các bài trước, nợ xấu của các NH chủ yếu là bất động sản và chứng khoán. Với bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới như hiện nay, chắc chắn trong vài năm tới, tài sản mua nợ không dễ bán đi. Nghĩa là thời gian trả lãi sẽ kéo dài, số tiền trả lãi nhiều hơn. Đó là chưa tính đến trường hợp công ty này thua lỗ (nguy cơ rất lớn), NHNN sẽ phải in tiền để tài trợ. Cũng có nghĩa là một lượng tiền sẽ được đẩy vào nền kinh tế, có thể gây lạm phát, gây méo mó chính sách tiền tệ. Gánh chịu hậu quả nhiều nhất trong việc này chính là người dân và DN. Như vậy, đối tượng là mục tiêu để "cứu" của đề xuất này hoàn toàn có thể trở thành nạn nhân. Quan trọng hơn, cơ quan in tiền lại trực tiếp quản lý, điều hành công ty mua bán nợ và mua lại nợ xấu của chính các NH do mình quản lý, vậy ai sẽ kiểm soát được dòng tiền đi qua cửa này?

      Khó "thông" vốn cho DN

      Nợ xấu "ngáng chân", nợ xấu như "cục máu đông"... làm nghẽn tín dụng chảy vào sản xuất. Mọi thông tin đều khiến cho người ta có cảm giác, việc thành lập công ty mua bán nợ với mục tiêu mua lại nợ xấu NH là giải pháp duy nhất để "thông" vốn cho nền kinh tế. Nhưng không có gì đảm bảo rằng sau khi mua nợ xấu, các NH sẽ bơm vốn vào nền kinh tế. Trong khi có nhiều yếu tố cho thấy, ngay cả khi được "làm sạch" bảng tín dụng, các DN cũng khó tiếp cận được tín dụng của hệ thống NH với lãi suất rẻ. Bởi rõ ràng, một DN bị "án treo" nợ xấu, sau khi mua nợ rồi, NH nào dám cho DN đó vay nữa? Việc chắc chắn nhất trong chuyện này là các NH được lợi bởi rủi ro đã được nhà nước gánh thay. Đó là chưa kể, về nguyên tắc, khi NH cho DN vay, vẫn phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện vay. Mà ở thời điểm hiện tại, không phải là NH vẫn khẳng định, họ sẵn sàng cho vay với các hồ sơ đạt chuẩn? Điều đó một lần nữa khẳng định, việc thành lập công ty nợ xấu thực chất không giải quyết được vấn đề thông vốn từ NH tới DN mà chỉ làm lợi cho các NH mà thôi.

      Các NH vẫn đang lãi lớn, tại sao không để họ lấy lợi nhuận ra để cân đối lại nợ xấu? Tại sao nhà nước lại phải đứng ra gánh phần rủi ro, phần yếu kém cho các NH? Tất cả các hệ lụy, các rủi ro và những câu hỏi phải được trả lời rõ ràng trước khi tiến hành thành lập công ty mua bán nợ xấu NH.
      Last edited by nhuma; 14-06-2012 at 09:52 AM.
      skype: trunghieuffb
      phone: 0943.688.088

    2. Có 4 thành viên đã cám ơn trunghieuffb :
      any bao (17-07-2012), blackhole (14-06-2012), minhduy1512 (16-06-2012)

    Thông tin của chủ đề

    Users Browsing this Thread

    Có 1 thành viên đang xem chủ đề này. (0 thành viên và 1 khách vãng lai)

       

    Similar Articles

    1. Giải nợ xấu, quyết sáp nhập...
      By tintucsukien in forum Thảo luận Tình hình
      Trả lời: 2
      Bài viết cuối: 10-06-2012, 05:36 PM
    2. Gánh nợ xấu ngân hàng
      By tintucsukien in forum Thảo luận Tình hình
      Trả lời: 1
      Bài viết cuối: 05-06-2012, 07:57 AM
    3. Hạ lãi suất, bài toán khó cho Ngân hàng Nhà nước
      By tintucsukien in forum Thảo luận Tình hình
      Trả lời: 2
      Bài viết cuối: 29-02-2012, 03:31 PM
    4. Nợ xấu… liên ngân hàng!
      By tintucsukien in forum Thảo luận Tình hình
      Trả lời: 2
      Bài viết cuối: 21-11-2011, 09:43 PM
    5. Nợ xấu ngân hàng và 1 số giải pháp
      By 1000percent in forum Blog
      Trả lời: 0
      Bài viết cuối: 03-10-2011, 10:38 PM

    Bookmarks

    Quyền viết bài

    • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
    • Bạn Không thể Gửi trả lời
    • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
    • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình