Từ mỏ Đèo Nai đến Dinh Độc lập
Ngày đăng bài: 08:55' 06/05/2010 (+7GMT)
(GreenNews) - Đó là những năm 60 khi tôi là phóng viên báo Nhân Dân thường trú tại vùng than Quảng Ninh. Với chiếc xe đạp cọc cạch, tôi đi hết mỏ này sang mỏ khác tìm tư liệu để viết. Tòa soạn giao nhiệm vụ khá nặng: một tuần phải có 3 tin, một gương người tốt việc tốt, một báo cáo tình hình và một phóng sự ngắn trên dưới ngàn chữ.
Một tháng phải có một bài điều tra về sản xuất than. Tôi chui lò Thống Nhất, lên Đèo Nai, Cọc Sáu, ra Cửa Ông, vượt Quang Hanh, đến Hà Tu, Hà Lầm… Đi xe đạp là chính, nhưng thỉnh thoảng cũng được đi xe hơi lên tầng.

Đó là những năm vùng than sản xuất theo lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Chí Thanh: “Tổ quốc cần than như con thơ cần sữa mẹ”. Đó là những năm tháng sản xuất “Vì miền Nam ruột thịt”. Chúng tôi đến các đơn vị mang tên địa phương kết nghĩa như Rạch Giá, Long Châu Hà… Một lần, Mỹ Diệm giết anh lái taxi Lê Văn Bảy ở Sài Gòn, chúng tôi cùng Đoàn xe Đèo Nai tổ chức mít tinh phản đối và tổ chức ngày sản xuất trả thù cho người đồng nghiệp Lê Văn Bảy. Anh em cán bộ công nhân quê ở miền Nam mong có dịp trở về chiến đấu giải phóng quê hương.
Đầu năm 1963, Ban Biên tập báo Nhân Dân gọi tôi về để đi đến một công trình đặc biệt: mở đường sắt Thanh Hóa đi Nghệ An để vận chuyển hàng hóa, súng đạn cho miền Nam. Từ Quảng Ninh tôi về Hà Nội đi Thanh Hóa rồi từ Thanh Hóa đạp xe trên đường đá đang xây dựng đến các đội công nhân đang miệt mài mở đượng về miền Nam. Tôi đã viết một phóng sự ngắn kèm ảnh chiếc đầu máy mang hình Bác Hồ với đầu đề “Mỗi ngày xe lửa tiến về Nam một cây số”.
Tôi trở lại Quảng Ninh với bao công việc đang chờ. Trong một thời gian ngắn tôi viết về đường dây điện mới, và xe máy ở Đoàn xe Đèo Nai, về Nguyễn Văn Xước - người lái xe quê ở miền Nam… Cùng thời gian này tôi tham gia viết cho tờ Vùng Mỏ, tờ Quảng Ninh
Giữa năm 1963, theo nguyện vọng của tôi, Ban Thống nhất Trung ương gửi thư báo tin: tôi được phép chuẩn bị lên đường về Nam chiến đấu.
Tôi từ giã đồng chí, bạn bè và cả người yêu là một cô gái mỏ trở về Hà Nội. Trước ngày lên đường tôi được phép về chào vùng mỏ lần cuối.
Đầu năm 1964, tôi rời báo Nhân Dân, chuẩn bị lên đường. Những ngày hành quân trên Trường Sơn tôi lại nhớ vùng mỏ bởi Trường Sơn có nhiều núi đá phủ sương trắng như đất mỏ, giống Bái Tử Long, Hạ Long. Qua radio tôi vẫn theo dõi những bước đi lên của vùng than Quảng Ninh. Từ căn cứ tôi hay ra trạm giao liên cuối cùng tìm gặp anh em mới đến, trong số đó cũng có khá nhiều cán bộ công ty than, Đoàn xe Đèo Nai, cán bộ Cọc Sáu… Một số thông tin mới về Quảng Ninh cũng làm tôi ấm dạ.
Năm 1973, tôi được trạm giao liên báo có người cần gặp. Thư từ trạm giao liên đến tôi rồi quãng đường tôi chạy ra không đủ giờ cho người chờ đợi. Người trạm trưởng giao liên thông báo: Đó là một người lái xe ở vùng mỏ biết tôi ở vùng này nên nhắn tôi ra gặp. Người lái xe đã hành quân theo đơn vị nhưng để lại một lời nhắn buồn: Người yêu của tôi đã lập gia đình. Tin buồn nhưng tôi an lòng bởi năm 1971 khi có người ra Bắc tôi đã viết thư khuyên cô ấy đi lấy chồng bởi chiến tranh còn dài mà cô đã lớn tuổi…
Là phóng viên chiến trường, tôi đã có mặt ở đồng bằng Nam Bộ, miền Đông Nam Bộ, mặt trận Sài Gòn – Gia Định, đất Chùa Tháp, nhưng vẫn không quên những ngày cầm viết trên đất mỏ Quảng Ninh. Đầu tháng giêng 1975, tôi tham gia giải phóng núi Bà Đen, ra Phước Long, ra Tây Nguyên. Giữa tháng 4/1975 tôi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn.
Trong lễ mừng giải phóng, tôi bỗng gặp một người vùng mỏ: nhà viết kịch Nguyễn Anh Sinh của Công ty kiến thiết Đèo Nai. Cả hai chúng tôi đều trong trang phục quân giải phóng, trên tay đều cầm máy ảnh trước Dinh Độc Lập. Mừng rỡ, chúng tôi ôm nhau thắm thiết. Nguyễn Anh Sinh nói nhỏ vào tai tôi: Đã nghe tin gì chưa? Tôi gật đầu “Biết rồi, chiến tranh mà”. Thế rồi đơn vị quân giải phóng gọi Nguyễn Anh Sinh lên xe để hành quân. Hai chúng tôi đều có máy ảnh mà quên chụp một kiểu trước Dinh Độc Lập. Cuộc gặp gỡ giữa tôi và Nguyễn Anh Sinh là một trong những dấu ấn về người vùng mỏ đã tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cho tới ngày toàn thắng.
Bằng các con đường khác nhau chúng tôi đã từ mỏ Đèo Nai, vượt Trường Sơn để đến Dinh Độc Lập – hang ổ cuối cùng của chế độ Sài Gòn.


(Đình Phong)