Cổ phần Du lịch Dầu khí Phương Đông "thơm lây" thương hiệu PetroVietnam
25/10/2007
Ngày 22/10, Công ty Du lịch Dầu khí Phương Đông (PTC) đã tổ chức gặp gỡ các nhà đầu tư tại Tp.HCM để giới thiệu về đợt bán đấu giá 5.234.500 cổ phần, giá khởi điểm 11.000 đồng/cổ phần.

PTC liên tục kinh doanh thua lỗ nhưng được "thơm lây" thương hiệu Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PetroVietnam) nên cũng được khá đông nhà đầu tư quan tâm.

Hiện PTC có 4 đơn vị trực thuộc là Khách sạn Phương Đông, Khách sạn Cửa Đông, Trung tâm lữ hành Quốc tế Dầu khí Phương Đông và Nhà hàng Trường Thi.

PTC có vốn điều lệ 150 tỷ đồng, trong đó cổ phần của Nhà nước chiếm 51%, cổ đông chiến lược là Tổng Công ty rượu bia, nước giải khát Sài Gòn nắm giữ 9,8%, tổ chức công đoàn 3%, cán bộ công nhân viên 1,3%, còn lại bán đấu giá 34,9% vốn điều lệ, trong đó nhà đầu tư nước ngoài được phép mua tối đa 30% vốn điều lệ.

Doanh thu năm 2001 đạt 9,3 tỷ đồng, đến năm 2006 đã đạt 19,5 tỷ đồng tăng 210%. Công suất buồng phòng năm 2001 đạt 53%, năm 2006 đạt 72%. Giá phòng bình quân năm 2001 là 180.000 đ/ngày năm 2006 đạt 340.000 đồng/ngày.

Công ty chuẩn bị đầu tư nâng cấp Khách sạn Phương Đông thành một tổ hợp khách sạn, văn phòng cho thuê, trung tâm tài chính chứng khoán với 1 khách sạn 4 sao 180 phòng, 1 khách sạn 5 sao 200 phòng.

Sau 2010, Công ty sẽ đầu tư khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp ở bãi biển Cửa Lò, bãi biển Quỳnh Phương, khu du lịch sinh thái vườn quốc gia Pumát ở miền tây Nghệ An. Công ty còn mở rộng kinh doanh đa ngành nghề trong đó chủ đạo là khách sạn, du lịch lữ hành, thương mại và các dịch vụ phong phú khác. Thành phố Vinh sẽ trở thành đô thị loại một là trung tâm kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật của vùng Bắc Trung Bộ sau 2010.

Tuy nhiên, PTC cũng có những khó khăn nhất định như: Công trình khách sạn Phương Đông được xây dựng bằng vốn vay với lãi suất cao đồng thời lại chưa có điều kiện hoàn thiện công trình như thiết kế ban đầu (mới hoàn thiện được 86 phòng/180 phòng) nên hiệu quả kinh tế thấp dẫn đến việc thua lỗ.

Do nguyên nhân chủ quan và khách quan mặc dù hàng năm có giảm lỗ đáng kể nhưng 6 năm qua khách sạn bị lỗ luỹ kế là 17.069 triệu đồng (tính đến 31/12/2006). Mặt khác, do công trình xây dựng dở dang, 7 năm qua mới đưa 86/180 phòng vào sử dụng, nên suất đầu tư tính bình quân cho cho một phòng nghỉ đưa vào sử dụng quá cao so với khách sạn 3 sao (930 triệu đồng/phòng), gây lãng phí về vốn đầu tư và tăng chi phí sản xuất kinh doanh do phải chiếu sáng điện, vệ sinh, bảo dưỡng các tầng chưa đưa vào sử dụng.

Ngoài ra, công trình được xây dựng bằng nguồn vốn vay, sau khi khởi công một thời gian thì xảy ra khủng khoảng tiền tệ khu vực Đông Nam Á nên tiến độ bị kéo dài (3 năm 6 tháng) lãi vay thi công phải trả 8,3 tỷ đồng chiếm 11% tổng quyết toán được duyệt là một gánh nặng cho doanh nghiệp.

Nguồn vốn vay có lãi suất cao thời gian trả nợ ngắn (10 năm cả thời gian thi công) và với 50% số phòng đưa vào sử dụng, doanh nghiệp không có khả năng trả đúng kỳ hạn nên từ năm 2003 nợ quá hạn 6,6 tỷ đồng đến năm 2006 nợ quá hạn tổng cộng 15,9 tỷ đồng, lãi suất nợ quá hạn tăng 30% nên lại càng găp nhiều khó khó khăn.

Sau khi được PetroVietnam tiếp nhận làm đơn vị thành viên do Tập đoàn đầu tư 100% vốn và được đầu tư xử lý các khoản nợ, doanh nghiệp bắt đầu hoạt động có lãi.