Blogger: Hoàng Thạch Lân
Thời gian đăng: 02/05/2012
Blog:http://hoangthachlan.wordpress.com/

Số nợ HAGL có thật sự đáng báo động hay không?

Trên mạng có 1 bài viết được trích là theo tuyên bố của tiến sĩ Lê Đăng Doanh: “Số nợ của Hoàng Anh Gia Lai là rất đáng báo động”. Theo tôi thì nợ HAGL tuy cao, nhưng không đến mức rất đáng báo động bởi với một số nguyên do sau:

1. Doanh thu và lợi nhuận của HAGL năm 2011 tuy có sụt giảm nhưng không phải là bất bình thường, bởi mọi doanh nghiệp chứ không riêng gì ngành BĐS (nên coi HAGL là 1 tập đoàn đa ngành hơn là BĐS) đều đang gặp khó khăn do suy thoái chung. Cái chính là HAGL vẫn có được dòng tiền đáng kể. Mặc dù doanh thu và lợi nhuận của HAGL năm 2011 có giảm so với năm 2010, cụ thể, doanh thu giảm 30.4%; lợi nhuận giảm 43.6% nhưng theo Báo cáo thường niên, công ty vẫn có dòng tiền vào ổn định từ tất cả các hoạt động như BĐS, khoáng sản, thủy điện (bắt đầu có doanh thu), dịch vụ và thương mại khác. Ngay cả doanh thu tài chính cũng rất đáng kể, chiếm hơn 1/3 doanh thu SXKD. Các khoản mục tồn kho và phải thu không có biến động tăng bất thường, không lo đến doanh thu ảo hay đình đốn.

2. Chi phí lãi vay của HAGL năm 2011 tuy tăng cao nhưng công ty vẫn có khả năng trả cụ thể là hệ số EBIT/chi phí lãi vay đạt gần 470%. Tuy tổng số nợ mà công ty đang gánh ở mức cao: gần 15.500 tỷ đồng, nợ/vốn ~ 1,6 lần, nhưng chúng ta cũng nên chú ý tách nợ thành 2 khoản: nợ vay (ngắn và dài hạn) và nợ dây dưa (nợ bên bán, bên mua, nợ thuế, lương…). Tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn là khoảng 11.600 tỷ, đa phần đã vay mấy năm nay nên không thể cứ nhìn vào mặt bằng lãi vay hơn 20% mà suy ra công ty đang rất khó trả lãi. Chi phí lãi vay 2011 được công ty báo cáo ở mức 464.8 tỷ đồng, tuy tăng gấp đôi so với năm 2010, nhưng nếu so sánh với tổng mức nợ vay thì có lẽ lãi suất cũng chưa quá 10%. Quan trọng là công ty vẫn làm ăn có lãi để trả chi phí lãi vay, EBIT/chi phí lãi vay = 470%.

3. Công ty vẫn có thừa dư địa để trả nợ ngắn hạn. Tổng Nợ vay/vốn CSH của công ty đang ở mức 1,24 lần (khoảng 11.600 tỷ), trong đó hơn 8.400 tỷ là nợ dài hạn, còn lại nợ ngắn hạn là 3.200 tỷ. Nếu bạn nhìn vào cục tiền mặt 2.890 tỷ (bằng 90.3% nợ vay ngắn hạn nói trên), bạn sẽ bỏ ngay “ước mơ” sẽ có ngân hàng vác trát ra Tòa đòi HAGL mở thủ tục phá sản ngay thôi. Ngoài ra, nếu bạn tính khả năng thanh toán riêng trên đống nợ vay ngắn hạn này, bạn sẽ thấy có khi công ty còn có thể được vay thêm. Hệ số TSNH/ Nợ vay NH năm 2011 là 4.14 lần; (TSNH – tồn kho)/Nợ vay NH là 2.77. Ngay cả khả năng thanh toán hiện thời tính trên cả nợ vay + dây dưa là 1.96 lần; khả năng thanh toán nhanh là 1.31 lần, không hiểu tại sao bác Lê Đăng Doanh lại “cả gan dìm hàng” HAGL nhỉ?

Với những thông tin tích cực hỗ trợ cho những khó khăn ngành bất động sản: hạn chế lãi suất cho vay từ 13%-18% theo tuyên bố NHNN; mở dần tín dụng cho vay bất động sản; giãn thời hạn trả nợ vay cho các doanh nghiệp… Nói chung, vấn đề đối với HAGL không phải lo trả nợ, mà là làm sao phục hồi SXKD trên cơ sở xác định lại ngành KD chính của mình. BĐS đã qua thời đẻ trứng vàng, do đó có lẽ HAGL không nên giữ tỷ trọng ửo mức gần 60% như trước nữa.

Tóm lại, HAGL có dòng tiền tương đối ổn định, tỷ lệ nợ vay/vốn tuy hơi cao nhưng thừa khả năng trả lãi lẫn trả nợ gốc, tỷ lệ tồn kho thấp nên theo tôi nợ của HAGL chưa có gì đáng phải báo động.