Thép Dana – Ý dự kiến hoàn thành vượt mức 87 tỷ đồng LNST
Đầu năm 2011, tổng công suất của DNY sẽ tăng lên 400.000 tấn/năm khi dây chuyền sản xuất mới đi vào hoạt động.

DNY mới được thành lập và đi vào hoạt động từ nửa cuối năm 2008 nhưng đã có lãi ngay trong năm 2009 với mức lợi nhuận sau thuế 78 tỷ đồng trên vốn điều lệ 150 tỷ đồng.

Thị trường chính là các tỉnh miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Nam, Huế, Đắc Lắc, Kon Tum, Bình Định, Quảng Ngãi... thông qua 19 đại lý của Công ty. Tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng tháng khá cao và thị phần tiêu thụ sản phẩm của Công ty chiếm tỷ trọng ngày càng cao tại khu vực Miền trung.

Do DNY sử dụng công nghệ Consteel từ khâu luyện kim đến khâu cán thép, theo tính toán của DNY công nghệ này giúp công ty tiết kiệm được 10% chi phí so với dây chuyền sản xuất không liên tục được sử dụng chủ yếu trong ngành thép Việt Nam hiện nay.

Bên cạnh đó, DNY là doanh nghiệp sản xuất thép sử dụng thép phế liệu luyện thành phôi trước khi cán thép.

Trong cơ cấu giá thành sản phẩm thép, chi phí nguyên liệu đầu vào chiếm tới 60%, biến động giá nguyên liệu ảnh hưởng rất nhiều tới giá thành của sản phẩm thép trên thị trường. Trong thời gian qua, mặc dù giá phôi thép tăng mạnh nhưng giá thép phế liệu chỉ tăng không đáng kể đã mang lại lợi thế không nhỏ cho các doanh nghiệp luyện thép sử dụng nguyên liệu từ thép phế liệu, cho phép các doanh nghiệp này chủ động trong việc điều tiết giá bán thành phẩm.

Dự án đầu tư dây chuyền sản xuất mới của DNY sắp hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ nâng tổng công suất của DNY từ mức 150.000 tấn thép/năm hiện nay lên 400.000 tấn/năm vào thời điểm đầu năm 2011.

Với hơn 10% chi phí tiết kiệm được từ công nghệ và lợi thế chi phí đầu vào là thép phế liệu, hiện nay DNY đang yết mức giá thép thành phẩm thấp hơn từ 5 – 10% so với sản phẩm cùng loại tiêu thụ tại miền Trung.
Nguồn: SHS

Năm 2010, DNY đặt kế hoạch với doanh thu đạt 914 tỷ đồng, tăng 45% và lợi nhuận sau thuế đạt 87 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2009. DNY kỳ vọng năm 2010 Công ty sẽ hoàn thành vượt mức kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đề ra.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Công ty CP Chứng khoán Âu Việt (AVSC) trong báo cáo nhanh về cổ phiếu ngành thép, thì trong năm 2010 doanh nghiệp thép có thể gặp nhiều khó khăn hơn.

Do chi phí đầu vào tăng như giá quặng sắt, dầu, than, phôi thép, thép phế liệu, điện và một số nguyên vật liệu khác. Bên cạnh đó, chi phí vay vốn cũng sẽ tăng lên khi lãi suất cơ bản hiện nay vẫn được giữ nguyên 8%.

Cung tăng hơn cầu: Theo dự báo của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) đến năm 2010, các nhà máy của Tập đoàn Hoa Sen, Nhà máy Thống Nhất hay của liên doanh Tata Steel (Ấn Độ) và Tổng Công ty thép Việt Nam đi vào sản xuất thì nguồn cung sẽ tăng gấp 2 lần sức tiêu thụ của thị trường.

Năm 2010 thì các công ty thép sẽ không còn là đối tượng được hưởng hỗ trợ lãi suất 4% nên chi phí lãi vay sẽ tăng cao...

Song, AVSC vẫn kỳ vọng vẫn có nhiều cơ hội cho cổ phiếu ngành thép tương ứng với sự biến động của giá thép và khả năng chính sách tiền tệ mở rộng lại trong năm 2010.

DNY cổ phiếu thép tiềm năng.