Xây dựng kế hoạch đầu tư chứng khoán


Tuy nhiên, lĩnh vực đầu tư đầy hấp dẫn này dường như không có chỗ cho những quyết định theo cảm tính. Muốn thành công bạn phải có kỹ năng phán đoán, xem xét và phân tích vấn đề. Điều quan trọng hơn cả là phải hoạch định được một kế hoạch đầu tư thích hợp.
Không ít người xem việc đầu tư chứng khoán như tham gia vào một cuộc chơi ngẫu hứng với hy vọng việc mua chứng khoán sẽ kiếm được nhiều tiền nhanh chóng. Tuy nhiên, lĩnh vực đầu tư đầy hấp dẫn này dường như không có chỗ cho những quyết định theo cảm tính. Muốn thành công bạn phải có kỹ năng phán đoán, xem xét và phân tích vấn đề. Điều quan trọng hơn cả là phải hoạch định được một kế hoạch đầu tư thích hợp.
Theo kinh nghiệm của các nhà phân tích đầu tư, trong quá trình hoạch định kế hoạch đầu tư, nhà đầu tư phải xem xét các vấn đề sau:
1. Nên đầu tư bao nhiêu tiền vào chứng khoán? Câu trả lời tùy thuộc vào khả năng tài chính của bạn. Trước hết, bạn phải xác định được khoản tiền có thể sử dụng cho việc đầu tư chứng khoán (sau khi đã trừ các khoản nợ và nhu cầu về tiền trong tương lai). Sau đó, bạn cần xác định tỷ lệ giữa khoản tiền đầu tư dài hạn và đầu tư ngắn hạn. Thông thường, các nhà tư vấn đầu tư thường hỏi bạn các thông tin về các khoản thu nhập (bao gồm thu nhập từ lương, thưởng, các khoản gửi tiết kiệm, đầu tư) và chi tiêu của bạn (bao gồm các khoản chi tiêu cho ăn ở, y tế, giáo dục, giải trí...) để xác định khả năng bạn có thể tham gia đầu tư. Có được các thông số trên cùng với mục tiêu đầu tư của bạn, nhà môi giới sẽ đưa ra các ý kiến tư vấn thích hợp. Đối với các tổ chức đầu tư, khả năng tài chính cũng cần được xác định rõ nhằm xác định họ có thể đầu tư bao nhiêu tiền vào chứng khoán.
2. Xác định mục đích đầu tư và mức độ rủi ro có thể chấp nhận. Cũng như các lĩnh vực đầu tư khác, trong đầu tư chứng khoán tồn tại mối quan hệ tỷ lệ thuận giữa mức thu nhập với mức rủi ro. Thu nhập càng cao thì mức độ rủi ro tiềm ẩn càng lớn. Khi đầu tư vào cổ phiếu, các nhà đầu tư thường kỳ vọng vào hai loại thu nhập, đó là thu nhập từ cổ tức và từ mức tăng thị giá cổ phiếu. Thu nhập từ cổ tức thường không được đảm bảo vì còn tùy thuộc vào tình hình kinh doanh của công ty và quyết định của Hội đồng quản trị. Thu nhập từ mức tăng thị giá cổ phiếu là biểu hiện của mối quan hệ trực tiếp giữa triển vọng kinh doanh của công ty với nhu cầu mua cổ phiếu trên thị trường. Một khi công ty có những biểu hiện cho thấy triển vọng sẽ phát triển tốt thì các nhà đầu tư sẽ mua cổ phiếu với hy vọng giá cổ phiếu sẽ tăng trong tương lai.
Đầu tư vào cổ phiếu chứa đựng nhiều loại rủi ro (bao gồm rủi ro về lãi suất, rủi ro về tính thanh khoản, rủi ro kinh doanh, rủi ro lạm phát...) trong khi thu nhập chỉ có hai hình thức như đã nói ở trên. Do vậy nhà đầu tư cần phải xác định mục đích đầu tư một cách rõ ràng. Đây là một yếu tố quan trọng và là cơ sở để đánh giá kết quả đầu tư.
Ngoài ra, mục đích đầu tư còn phản ánh lối sống và tham vọng của nhà đầu tư. Các nhà đầu tư theo đuổi mục tiêu thu nhập từ cổ tức thường đầu tư vào cổ phiếu của các công ty kinh doanh dịch vụ công cộng như điện, điện thoại... hoặc các cổ phiếu thượng hạng. Một số khác lại thích các cổ phiếu mà thị giá có xu hướng tăng về lâu dài để tạo thu nhập ở tuổi già. Cũng có những nhà đầu tư chọn cổ phiếu với mục tiêu có tính chất đầu cơ thông qua việc mua bán các cổ phiếu mà giá cả biến động mạnh trong thời gian ngắn. Đây là loại đầu tư có mức độ rủi ro cao nhất. Tuy vậy, đối với những người mới bắt đầu bước vào thị trường chứng khoán (TTCK) thì nên đầu tư hơn là đầu cơ.
3. Liệu đầu tư chứng khoán có phải là cách thức đầu tư thích hợp? Khi ở vị trí nhà đầu tư chứng khoán, bạn có tự hỏi liệu quyết định đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán có thích hợp không? Để trả lời câu hỏi này một cách thỏa đáng, bạn phải hiểu rõ các đặc trưng cơ bản của cổ phiếu, trái phiếu, các loại hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai... và các công cụ đầu tư khác. Mỗi loại công cụ đầu tư đáp ứng một mục tiêu khác nhau.
Xác định một danh mục đầu tư hỗn hợp gồm cả cổ phiếu, trái phiếu... cũng là một cách để hạn chế rủi ro mà vẫn có cơ hội đạt được mục tiêu lợi nhuận. Để xác định được một danh mục đầu tư hợp lý, bạn có thể sử dụng phương pháp phân bổ vốn theo các công cụ đầu tư. Phương pháp này có thể thực hiện theo trình tự sau:
- Bước 1. Xác định nhóm các công cụ đầu tư. Thông thường có 3 loại công cụ chính là: cổ phiếu, trái phiếu và các khoản đầu tư ngắn hạn dễ chuyển thành tiền mặt.
- Bước 2. Xác định tỷ lệ đầu tư cho mỗi nhóm công cụ. Tỷ lệ đầu tư được xác định dựa vào mục tiêu đầu tư và các điều kiện kinh tế như tỷ lệ lãi suất, lạm phát...
- Bước 3. Xác định các loại chứng khoán cụ thể cho mỗi công cụ đầu tư, đồng thời xác định tỷ lệ cho từng loại chứng khoán đã lựa chọn.
4. Làm thế nào lựa chọn được loại cổ phiếu thích hợp? Để có loại cổ phiếu thích hợp, nhà đầu tư cần nghiên cứu tất cả các thông tin liên quan đến công ty mà họ muốn đầu tư. Các thông tin này bao gồm lịch sử và đặc điểm của công ty, tình hình tài chính, các chi tiết của đợt phát hành và tổ chức bảo lãnh phát hành. Nhà đầu tư có thể tìm các thông tin này trong Bản cáo bạch, thông cáo phát hành, trong Báo cáo tài chính của công ty hoặc từ các công ty dịch vụ tư vấn đầu tư. Các quyết định đầu tư chỉ nên đưa ra khi bạn đã có đủ cơ sở thông tin về khoản đầu tư của mình.
5. Lựa chọn thời điểm tốt nhất để mua bán cổ phiếu. Lựa chọn thời điểm mua bán là một vấn đề rất quan trọng mà tất cả các nhà đầu tư đều quan tâm, đặc biệt là các nhà đầu tư ngắn hạn. Làm thế nào để mua được cổ phiếu ở lúc giá thấp trước khi giá tăng và bán ra trước khi giá hạ? Để trả lời câu hỏi này một cách có cơ sở, nhà đầu tư phải nắm bắt được phương pháp phân tích kỹ thuật và phân tích cơ bản trong đầu tư chứng khoán. Có hai loại thời điểm, thời điểm chung của thị trường và thời điểm của từng loại cổ phiếu cụ thể. Các yếu tố như chu kỳ kinh tế, lãi suất lạm phát... có thể được sử dụng để xác định thời điểm chung của thị trường. Đối với cổ phiếu của công ty, khi phân tích dự đoán xu hướng biến động giá, ngoài những yếu tố mang tính vĩ mô như đã kể trên cần đưa vào mô hình phân tích các yếu tố nội tại trong doanh nghiệp như đặc thù kinh doanh, chiến lược phát triển riêng của công ty...