Blogger: Hoàng Thạch Lân
Thời gian đăng: 17/04/2012
Blog:http://hoangthachlan.wordpress.com/

---------------------------------


Tanvietnam.net mới có 1 bài viết mà tui nghĩ rất đáng đọc về chuyện có nên lấy tiền của quỹ hưu trí đầu tư vào quỹ mở hay không?. Do tui chưa có dịp nào tham khảo tài liệu nước ngoài, cho nên dù thấy lập luận của tác giả Trường Sơn rất có lý, nhưng khách quan thì tui nghĩ đây vẫn là chủ đề cần bàn thêm, bởi vì thứ nhất: chứng khoán cũng có năm bảy loại chứng, rủi ro khác nhau nên cũng vẫn có thể lấy tiền của quỹ hưu trí đầu tư vào sàn chứng; thứ hai: gán 2 từ đầu cơ cho quỹ mở thì cũng hơi quá, không phải mọi quỹ mở đều đầu cơ chứng khoán! Tuy nhiên, khi đã nhắc lại đến dạng quỹ mở ở xứ ta, thì tui cũng muốn tám về trường hợp tự doanh của các cty CK, mà theo tui là cũng có thể được coi là 1 loại hình “quỹ mở”. Nói nôm, quỹ mở là loại hình quỹ đầu tư đại chúng, theo đó NĐT có quyền yêu cầu bác điều hành quỹ mua lại chứng chỉ quỹ đó với mức giá xấp xỉ NAV lúc công bố gần nhất. Để phục vụ việc mua lại, bác điều hành quỹ phải luôn luôn thủ sẵn ít tiền mặt, tuy nhiên có thể hiểu rộng hơn chút là NĐT sẽ sử dụng lá bài rút tiền để gây áp lực lên bác điều hành quỹ. Quỹ mở linh hoạt hơn quỹ đóng, nhưng cũng bị buộc phải chấp nhận rủi ro cao hơn quỹ đóng. Ở xứ ta tui nghĩ áp lực và rủi ro sẽ rất lớn, bởi khi index tăng, có mấy khi NĐT hài lòng với mức lãi 15-20%/năm, còn khi index giảm, tâm lý bầy đàn sẽ rất có thể nhu cầu rút tiền tăng vọt trong khi quỹ lại có thể mắc kẹt do tình trạng mất thanh khoản. Nói chung là bác điều hành quỹ phải đánh đấm máu lửa và liều hơn so với đồng nghiệp bên quỹ đóng để làm hài lòng cổ đông, và để có thể giúp quỹ huy động thêm vốn.



Nếu quỹ mở buộc phải gia tăng đánh đấm, hoặc thậm chí trở thành 1 tay đầu cơ, lái sóng… thì tui nghĩ chả khác gì anh tự doanh của cty CK. Tất nhiên là cty CK cũng có ĐT dài hạn, nhưng theo đánh giá của tui thì đa số là đánh ngắn cả. Đâu có mấy cty CK “dám” cất tiền trong tài khoản cả năm trời như KLS, hay “dám” ĐT vào trái phiếu nhiều như AGR, hay dư dả vốn tự có để “nhảy” vào HĐQT các cty NY như SSI(Tóm tắt bảng CĐKT 1 số cty CK đến cuối năm 2011, đa phần số liệu chưa kiểm toán, click vào hình để phóng to)



Cty CK tự doanh đánh đấm thế nào trong mấy năm qua chắc NĐT đều biết rõ cả. Có vài cty (tui biết tên) cũng có quy trình ĐT rất chặt chẽ, trồng cây gì, nuôi con gì và xen canh như thế nào đều được lên kế hoạch tỉ mỉ trước với mức lợi nhuận và rủi ro dự phóng theo các kịch bản tốt-thường-xấu…, tuy nhiên trong những tình huống nhất định, đặc biệt là khi chứng trường biến động mạnh, cần có quyết định thật nhanh thì các quy tắc, kỷ luật ĐT dễ dàng bị lờ đi, hoặc bị lãnh đạo cấp cao can thiệp. Hôm qua lỗ, hôm nay lời và ngày mai sẽ lỗ cũng chỉ là chuyện thường, tuy nhiên điều quan trọng là chiến lược và kỷ luật ĐT lại ít khi được giữ vững. Ngắn hạn có thể ăn lồi mồm, nhưng dài hạn e là chỉ từ cháy đến chớt.



Cũng theo Bảng CĐKT nói trên, năm 2011 đa số cty CK đã giảm khá nhiều mảng ĐTTC ngắn hạn. Chuyển sang dài hạn, chuyển sang cty quỹ, chuyển sang cho vay margin hoặc chuyển đi… chỗ khác kín hơn là “xu thế”, vì nó sẽ ít tác động bất thường lên bảng lãi lỗ. Tuy nhiên, tui vẫn dám chắc là ít cty từ bỏ tự doanh, bởi với cơ chế hiện hành cũng như phạm vi kinh doanh được phép làm, tự doanh vẫn sẽ là mảng đem lại lợi nhuận lớn nhất, hơn cả mảng thu từ dịch vụ tài chính. Chứng khoán vẫn luôn là ngành cơ hội, nên vấn đề bây giờ là chiến thế nào để không còn phải lo dẫm lên vết xe cũ. Có lẽ, tự doanh sẽ tự tái chín để theo mô hình quỹ mở, thậm chí “đi luôn” vào ETF.

Tuy vậy, ĐT theo mô hình quỹ mở ở chứng trường con nghé xứ ta vẫn có có nhiều khó khăn. Lấy ví dụ như khi index suy giảm, thì chỉ có đường cắt lỗ, ôm tiền ngồi xổm đó chứ không “được phép” kiếm lời như bán khống. Các chiến thuật đánh arbitrage cũng khó xài do chỉ được phép mua bán trên số hàng có sẵn, không được chơi quyền chọn, hợp đồng tương lai. VN-30 được lập ra nhằm phục vụ cho mục đích ĐT quỹ mở, nhưng thanh khoản của nhiều mã trong chỉ số này cũng là 1 vấn đề… Do đó, tui nghĩ tự doanh vẫn còn đang loay hoay trong chiếc áo chật: chật chội cả tư duy lẫn cơ chế. Chừng nào tự doanh mà còn loay hoay, quỹ mở cũng chưa có nhiều đất chiến đấu.