Tháng Tư tích lũy cổ phiếu?
Trong ít nhất nửa đầu tháng Tư này, nhiều khả năng thị trường biến chuyển một cách chậm rãi. Thêm một vài sóng ngắn tăng và giảm có thể xuất hiện, nhưng tựu trung thị trường thiên về thế đi ngang và răng cưa.
Không khí trong TTCK lại trở nên trầm lắng xen bi quan sau chuỗi phiên suy giảm khá mạnh của hai chỉ số. Chứng khoán năm nay quả là không dễ ăn, ngay cả những nhà đầu tư có thâm niên lướt sóng lâu năm ở Công ty chứng khoán Thăng Long (TLS) hay KimEng đều lắc đầu uể oải.

Từ giữa tháng 3/2012, dáng dấp một con sóng tăng trưởng mới đã hiện ra khi thị trường được đánh lên rất mạnh, lập mô hình kỹ thuật lạc quan. Nhưng thực ra khởi đầu một con sóng bao giờ cũng không mấy suôn sẻ. Còn nhớ trong sóng răng cưa kéo dài từ đầu năm 2012 đến thời điểm sát tết âm lịch, hoài nghi cũng là một trạng thái đặc trưng phủ trùm lên toàn thị trường. Khi đó, như một thử thách cuối cùng đối với nhà đầu tư, nhóm tạo lập thị trường vẫn tiếp tục tung hứng chỉ số bằng hình ảnh “xanh vỏ đỏ lòng”. Đã chẳng có mấy nhà đầu tư tin rằng thị trường sẽ “chân thành” mà đi lên. Nhất là khoảng chênh lệch quá lớn giữa VNI và HNX vẫn hiển hiện.
Giờ đây nhìn lại, có một nét tương đồng giữa con sóng vừa qua với sóng bulltrap vào tháng 9/2011. Trong cả hai con sóng này, thị trường cũng phản ứng trước thông tin giảm lãi suất, lần thứ nhất lãi suất huy động “giảm” về 14%, còn vào đầu tháng 3 thì thực hạ về 13%. Sự trùng hợp đó càng khiến nhà đầu tư nghi ngờ rằng con sóng từ đầu năm 2012 đến nay vẫn chỉ là một thứ “bẫy phục hồi” chứ hoàn toàn chưa phải là chiều hướng phục hồi bền vững.
Cho tới lúc này, những thông tin tích cực nhất đã trôi qua. Nếu cứ để “tự nhiên”, thị trường không thể “bỗng dưng” mà bật lên tiếp. Thậm chí theo logic tự nhiên, thị trường sẽ còn phải suy giảm khá mạnh trong thời gian tới, mà cụ thể là trong tháng Tư này.
Muốn thị trường tiếp tục chu kỳ phục hồi của nó, lại cần có một vài thông tin tích cực tiếp nối. Đó có thể là những thông tin gì?
Nhìn đi ngẫm lại, vẫn chỉ là ảnh hưởng có tính quyết định của kinh tế vĩ mô và vấn đề giảm lãi suất. Vào cuối năm ngoái, vài ba chuyên gia - những thành viên của Hội đồng tư vấn về chính sách tài chính và tiền tệ quốc gia, đã dự báo lãi suất sẽ chỉ “giảm kỹ thuật” trong quý 1/2012, để đến quý 2/2012 mới “giảm có ý nghĩa”. Đến lúc này, chúng ta đã có được cơ sở đầu tiên xác nhận về mức “giảm kỹ thuật” của lãi suất huy động vào đầu tháng 3/2012.
Trong một cuộc hội thảo gần đây về “Chính sách tiền tệ năm 2012 và những tác động đến TTCK Việt Nam”, chuyên gia Võ Trí Thành của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương lại một lần nữa bảo lưu dự báo của ông, khi cho rằng lãi suất huy động có thể giảm mạnh trong quý 2/2012 nếu các điều kiện kinh tế vĩ mô được bảo đảm thuận lợi. Thậm chí, mức lãi suất huy động 10% còn được ông Thành nêu như một sự hấp dẫn rất lớn mà vào năm 2011 giới đầu tư chứng khoán đã không thể mơ ước.
Một dự báo có tính ngắn hạn đáng chú ý khác của TS. Võ Trí Thành là không quá ngày 15/5/2012, vấn đề thanh khoản của ngân hàng sẽ được giải quyết cơ bản. Mốc thời điểm này hẳn cũng làm những ai quan tâm nhớ lại một dự báo vào cuối năm ngoái của TS. Lê Xuân Nghĩa - nguyên phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, khi ông cho rằng vào giữa quý 2/2012, hai thị trường cổ phiếu và bất động sản sẽ bắt đầu có những dấu hiệu hồi phục đầu tiên.
Thực tế là TTCK đã đi trước thị trường bất động sản. Trong gần ba tháng qua, chứng khoán đã hoàn tất một giai đoạn phục hồi đầu tiên, với lợi thế vẫn nghiêng về nhóm bluechips, nhưng cũng không quên tạo điều kiện cho những đội lái đánh lên sóng penny.
Tuy vậy, sóng phục hồi đầu tiên vẫn chưa thể làm nhà đầu tư nguôi ngoai nỗi buồn năm ngoái. Cho dù rất nhiều cổ phiếu đã tăng đến 30-40% so với đáy, còn một số cổ phiếu đã có độ phục hồi đến 80-100%. Nhưng với tính thận trọng cố hữu sau quá nhiều lần bị bẫy, nhà đầu tư nhỏ lẻ không còn cách nào khác là phải “lướt sóng miễn cưỡng”, tức nhảy ra nhảy vào sau mỗi lần thị trường lao dốc rồi lại thăng hoa. Mức lợi nhuận đối với nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng vì thế mà trở nên rất khiêm tốn, chỉ khoảng 15-25%.
Gần đây, CEO của một quỹ đầu tư nước ngoài đã lần đầu tiên “dám” đưa ra dự báo là thị trường đang ở chân của một con sóng rất lớn. Vào năm 2011, dự báo này tất nhiên sẽ bị coi là hoang tưởng. Nhưng nhớ lại thời gian cuối năm 2011 và đầu năm 2012, không phải chuyên gia Việt Nam, mà chính một số tổ chức nước ngoài mới là những người đầu tiên tỏ ra lạc quan về thị trường trong năm nay. Kết quả sau thái độ lạc quan bất ngờ đó như thế nào thì ai cũng biết.
Trên phương diện kỹ thuật, điều nhiều người dễ nhận thấy là nếu HNX giữ được vùng 69-70 điểm thì có khả năng diễn biến sắp tới sẽ nghiêng về chiều hướng thuận lợi hơn, thay cho “cơ chế” lao dốc thường thấy.
Với hoạt động mua ròng quá mạnh của khối đầu tư nước ngoài, cùng với khối lượng giao dịch hiện thời đã vượt hẳn thời kỳ sóng phục hồi vào năm 2009, nhóm tạo lập thị trường sẽ hoàn toàn không khó để giữ hai chỉ số chứng khoán theo thế “giằng co” tại một vùng không quá thấp.
Cũng bởi thế, khoảng thời gian trong ít nhất nửa đầu tháng Tư này nhiều khả năng cũng biến chuyển một cách chậm rãi. Thêm một vài sóng ngắn tăng và giảm có thể xuất hiện, nhưng tựu trung thị trường thiên về thế đi ngang và răng cưa. Đây cũng là giai đoạn mà với những nhà đầu tư theo trường phái lạc quan, cơ hội tích lũy cổ phiếu sẽ mở ra.
Nếu mọi chuyện “không có gì thay đổi”, không loại trừ sẽ bắt đầu xảy ra một đột biến lớn trên thị trường vào nửa cuối tháng Tư này.
Việt Thắng (Vietstock)
finfonet



Xem bài viết: Tháng Tư tích lũy cổ phiếu?