Thủy điện lãi lớn
Trong khi ngành điện liên tục đòi tăng giá do thua lỗ, hầu hết các doanh nghiệp thủy điện, chiếm xấp xỉ 50% trong cơ cấu điện thành phẩm của ngành điện, đều lãi lớn trong năm 2011.
Chỉ bán cho Tổng công ty Điện lực VN (EVN) với giá chưa đến một nửa mức giá mà người tiêu dùng phải trả, nhưng hầu hết doanh nghiệp thủy điện đều đạt mức lãi cao do giá vốn khá thấp.

Tăng giá điện, lợi nhuận tăng gấp... 3 lần
"Nếu ngành điện đầu tư tương xứng cho hạ tầng phân phối điện, kiểm soát tốt tỉ lệ thất thoát, chắc chắn sẽ không có chuyện thua lỗ, người dân cũng chẳng phải xài điện giá cao như hiện nay, chưa kể sắp tới giá điện còn tăng..."
Chuyên gia Đinh Thế Hiển

Cuối tháng 3 vừa qua, theo giải trình của Công ty CP thủy điện Thác Bà (TBC), lợi nhuận sau thuế năm 2011 của doanh nghiệp này, theo báo cáo tài chính (BCTC), đã được kiểm toán đạt gần 78 tỉ đồng, tăng gần gấp... ba lần so cới con số trong BCTC chưa kiểm toán, do có sự điều chỉnh số liệu liên quan đến giá điện. Cụ thể, trong BCTC đã kiểm toán của TBC, doanh thu hoạt động điện và lợi nhuận sau thuế được ghi nhận theo giá điện là 653,1 đồng/kWh (theo quyết định của EVN ngày 16-2-2012), tăng 197,61 đồng/kwh so với giá điện ghi nhận tại BCTC chưa kiểm toán.
Tuy nhiên, TBC đã không giải thích lý do vì sao BCTC năm 2011 vẫn ghi nhận theo giá điện là 455,49 đồng/kWh. Trong khi đó ngay từ cuối tháng 7-2011, doanh nghiệp này đã công bố việc hồi tố kết quả kinh doanh năm 2010, với mức giá bán điện năm 2010 được ghi nhận là 510 đồng/kWh (căn cứ trên nghị quyết ngày 29-6-2011 của EVN), thay vì 477 đồng/kWh theo như BCTC đã ghi nhận trước đó. Cũng do ghi nhận giá bán điện ở mức thấp, TBC cũng khiến nhiều cổ đông hoang mang do kết quả kinh doanh quý 3 và 4-2011 được công bố sụt giảm mạnh, chỉ đạt xấp xỉ 30% so với cùng kỳ năm 2010.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoại trừ TBC lập BCTC kiểm toán năm 2011 khá trễ, do đó phải hồi tố kết quả kinh doanh căn cứ vào giá bán điện năm 2011 được EVN công bố ngày 16-2-2012, hầu hết doanh nghiệp khác trong ngành thủy điện đều lập BCTC kiểm toán trước thời điểm công bố giá điện mới nhưng vẫn đạt lợi nhuận khủng.
Chẳng hạn, trong văn bản giải trình kết quả kinh doanh quý 4-2011 vào ngày 17-2, Công ty CP thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH) cho biết một trong những yếu tố khiến lợi nhuận sau thuế quý 4 của doanh nghiệp này giảm là do EVN “tạm chấp nhận thanh toán giá mua điện cho VSH với giá điện giảm 16,09% so với quý 4-2010”. Thế nhưng, theo báo cáo quyết toán hợp nhất quý 4-2011 được lập ngày 15-2, năm 2011 doanh nghiệp này vẫn đạt lợi nhuận sau thuế lên tới gần 345 tỉ đồng, tăng 13,5% so với năm 2010.
Tương tự, hầu hết các công ty thủy điện đều có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận vượt xa so với tăng trưởng doanh thu. Chẳng hạn, theo BCTC hợp nhất đã được kiểm toán của Công ty CP thủy điện Ry Ninh II (RHC) lập ngày 18-2, trong khi doanh thu năm 2011 chỉ tăng 88% so với năm 2010, lợi lợi nhuận sau thuế tăng đến hơn 133%. Công ty CP Đầu tư và phát triển điện miền Trung (SEB) có lợi nhuận sau thuế tăng gần 23% so với tỉ lệ tăng doanh thu chưa tới 12%. Công ty CP Thủy điện miền Nam (SHP) doanh thu tăng gần 136%, lợi nhuận tăng gần 159%, Công ty CP thủy điện Nậm Mu tăng trưởng doanh thu hơn 34% nhưng lợi nhuận sau thuế tăng hơn 80%...
Một đồng vốn, hai đồng lời
Theo một số chuyên gia, một trong những yếu tố giúp các doanh nghiệp thủy điện lãi lớn là do giá vốn hàng bán rất thấp. “Nếu không vay nợ quá lớn, chi phí lãi suất ăn hết một phần lợi nhuận đáng kể, thủy điện còn lãi khủng hơn...” - một chuyên giá nói. Thực tế cũng cho thấy giá vốn của thủy điện chỉ chiếm tỉ lệ rất thấp, lợi nhuận bán hàng và cung cấp dịch vụ (chủ yếu là bán điện) đạt 100%, thậm chí 200% so với giá vốn, dù giá bán điện vẫn áp dụng theo mức giá năm 2010 do BCTC được lập tại thời điểm giá bán điện năm 2011 chưa được công bố hoặc chưa được điều chỉnh.
Trường hợp của Công ty CP thủy điện Sông Ba là một ví dụ. Theo BCTC đã được kiểm toán lập ngày 16-2, doanh nghiệp này đạt doanh thu bán điện hơn 201,642 tỉ đồng, trong đó giá vốn bán điện chỉ có 74,664 tỉ đồng, tính ra lợi nhuận về bán điện đạt gần 127 tỉ đồng, tương đương 170%. Tuy nhiên, do chi phí lãi vay khá lớn, gần 72 tỉ đồng, lỗ chênh lệch tỉ giá hơn 14,4 tỉ đồng cùng các chi phí khác, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này chỉ còn hơn 32 tỉ đồng.
Cũng theo BCTC năm 2011 đã được kiểm toán (ngày 6-2), Công ty CP thủy điện Cần Đơn đạt doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ hơn 287 tỉ đồng, nhưng giá vốn hàng bán chỉ có 91,7 tỉ đồng, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 195,3 tỉ đồng, tương đương 213%! Tuy nhiên, cũng giống như thủy điện Sông Ba, riêng chi phí lãi vay đã “ăn” hết hơn 70,4 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này chỉ còn lại chưa tới 90 tỉ đồng sau khi trừ lãi vay và các khoản chi phí khác. Tương tự, với giá vốn khá thấp, Công ty CP thủy điện Ry Ninh II đạt tỉ lệ lợi nhuận về bán hàng và cung cấp dịch vụ gần 190%, Công ty CP Thủy điện miền Nam đạt gần 138%, Công ty CP thủy điện Nậm Mu gần 80%...
Không quá ngạc nhiên về lợi nhuận
Chuyên gia Đinh Thế Hiển cho rằng không phải ngẫu nhiên mà hàng loạt doanh nghiệp đua nhau làm thủy điện, kể cả những doanh nghiệp không dính dáng gì đến ngành điện như Hoàng Anh Gia Lai, Đức Long Gia Lai... Bởi lẽ đầu tư làm thủy điện hiện nay có rất nhiều lợi thế mà không phải ngành nào cũng có được, đó là chủ yếu khai thác nguồn tài nguyên nước, được bao tiêu sản phẩm... Theo ông Hiển, mặc dù các doanh nghiệp ngành điện, kể cả thủy điện, đều kêu do bị EVN ép giá, nhưng với những lợi thế nhất định, các doanh nghiệp này đạt kết quả kinh doanh ấn tượng như công bố không phải là điều ngạc nhiên. “Nếu các doanh nghiệp này không quá phụ thuộc vào nguồn vốn vay, mức lợi nhuận càng cao hơn nhờ giá vốn thấp...” - ông Hiển nói.
Cũng theo ông Hiển, với nguồn thủy điện cung cấp xấp xỉ 50% tổng sản lượng điện, lại được mua với giá rẻ, thậm chí hiện nay nhiều doanh nghiệp thủy điện cho biết vẫn đang được EVN tạm tính với giá bằng 90% giá năm 2010, chỉ bằng một phần ba giá bán điện hiện nay, ngành điện khó có thể thua lỗ. Nguyên nhân thua lỗ của ngành điện (nếu có), theo ông Hiển, là do sự thất thoát trong khâu phân phối điện, đầu tư ngoài ngành một cách dàn trải của ngành điện.

Hải Đăng
tuổi trẻ



Xem bài viết: Thủy điện lãi lớn