'Lạm phát, lãi suất hạ thì doanh nghiệp đã kiệt sức'
Nhập siêu hạ nhiệt, lạm phát, lãi suất cũng đang trong xu hướng giảm dần nhưng các chuyên gia kinh tế cũng không khỏi lo ngại bởi sự ổn định này phải trả giá bằng chính sức khỏe doanh nghiệp.

3 tháng đầu năm 2012 kết thúc với những số liệu thống kê khá “đẹp” cho mục tiêu ổn định vĩ mô: lạm phát tăng 2,55%, nhập siêu chỉ xấp xỉ 250 triệu USD, tức là tương đương 1% xuất khẩu, tỷ giá đôla Mỹ ổn định, thậm chí có xu hướng giảm so với giai đoạn cuối năm 2011… Tuy vậy, những điểm đen lớn vẫn xuất hiện trên bức tranh kinh tế, đặc biệt là ở khu vực tăng trưởng.
GDP quý một chỉ tăng 4% so với cùng kỳ (một trong 2 năm thấp nhất kể từ 2003) là một kết quả khó chấp nhận cho dù toàn kinh tế đang lấy mức lạm phát thấp là mục tiêu. Quan trọng hơn, con số này chủ yếu được đóng góp từ dịch vụ, trong khi công nghiệp - xây dựng chỉ tăng 2,9% và riêng xây dựng thì giảm tới 3,8%.
Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, chỉ số công nghiệp (IIP) quý một vẫn tăng hơn 4% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng chủ yếu do tăng khai thác than, dầu khí (tăng 7%) và đột biến của ngành đóng, sửa tàu biển. Trong khi đó, rất nhiều ngành cơ bản khác lại sụt giảm mạnh (sản xuất xi măng giảm hơn 10%, sắt thép, bao bì giảm 16%...). Theo các chuyên gia của cơ quan này, tăng trưởng công nghiệp giảm rõ rệt kể từ quý IV/2011, khi các doanh nghiệp bắt đầu "ngấm đòn" của chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao, cắt giảm đầu tư công...
Trong khi sản xuất có chậm lại thì tồn kho của các doanh nghiệp tăng gần 35% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó chế biến - bảo quản hoa quả tăng hơn 87%, sắt thép tăng gần 60%... Ngoài ra, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ cũng chỉ tăng khoảng 5% so với cùng kỳ nếu loại trừ yếu tố giá.
Theo các chuyên gia kinh tế, những chỉ báo nêu trên là những dấu hiệu đầu tiên của hiện tượng đình đốn trong sản xuất. Trao đổi với VnExpress.net, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Cao Sĩ Kiêm thừa nhận những tác động tích cực của các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô... Tuy vậy, ông cũng cho rằng việc thực hiện các giải pháp trong thời gian đã làm nảy sinh một số nhân tố cản trở sức sản xuất của doanh nghiệp cũng như toàn nền kinh tế.
Ông Cao Sĩ Kiêm cho rằng vấn đề lớn nhất đối với các cơ sở sản xuất hiện nay là lãi suất cao và khả năng tiếp cận vốn. Tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp, dẫn đến giải thể, đóng cửa ở quy mô lớn. "Trong trường hợp này, hậu quả sẽ không còn dừng lại ở kinh tế mà sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới xã hội khi rất nhiều công ăn việc làm bị mất", ông nhận định.
Với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Cao Sĩ Kiêm cũng thừa nhận, tính tới nay, chưa có một khảo sát, số liệu đầy đủ nào về tình trạng đóng cửa, ngừng sản xuất của các doanh nghiệp. Ngay cả con số hơn 79.000 công ty đóng cửa được Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam đưa ra tại Báo cáo thường niên về doanh nghiệp 2011, cũng chỉ được xây dựng một cách tương đối, mang tính tham khảo. "Tôi cho rằng nhất thiết phải có một khảo sát đầy đủ xem có bao nhiêu doanh nghiệp đóng cửa, ngừng sản xuất, bao nhiêu co hẹp, nguyên nhân là gì... để có được giải pháp toàn diện", ông đề xuất.
Chia sẻ quan điểm với ông Cao Sĩ Kiêm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng nền kinh tế đang phải "trả giá đắt" cho các biện pháp thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát. "Mặc dù đắt nhưng đây là việc phải làm để lấy lại cân bằng cho nền kinh tế. Tuy vậy, không nên bắt các doanh nghiệp phải chịu toàn bộ chi phí cho quá trình này thông qua lãi suất", bà Chi Lan nhận xét.
Cũng theo chuyên gia kinh tế này, trong khi chính sách tiền tệ đã thể hiện rõ vai trò trong thời gian qua thì ở khu vực tài khóa, việc cắt giảm đầu tư công vẫn chưa đem lại nhiều kết quả cụ thể. Theo đề xuất của bà Chi Lan, trong thời gian tới, nên có một đợt "tổng khám" đối với các dự án đầu tư, các chương trình có sự hỗ trợ của Nhà nước: "Những dự án nào, công trình nào đầu tư sai, hỗ trợ sai thì cần thu lại. Số tiền đó hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất thực sự, giúp họ vượt qua khó khăn", chuyên gia kinh tế này đề xuất.
Một giải pháp khác được Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Cao Sĩ Kiêm đề xuất là kiên trì lộ trình hạ lãi suất, đưa mức cho vay về khoảng 13 - 14% vào cuối năm: "Tôi cho rằng lộ trình này là hợp lý. Nhưng trong khi chờ đợi cần có giải pháp khác như giảm thuế, giảm phí cho doanh nghiệp. Chứ nếu cứ tiếp tục thế này thì lãi suất chưa hạ, doanh nghiệp đã kiệt sức", nguyên Thống đốc chia sẻ.
Nhật Minh
vnexpress



Xem bài viết: 'Lạm phát, lãi suất hạ thì doanh nghiệp đã kiệt sức'