TTCK: "Công nghệ bơm đẩy"
Việc thị trường chứng khoán (TTCK) diễn biến tích cực trong những ngày gần đây đã phần nào che mờ mảng tối từ vụ việc SHN (Hanic) bên bờ vực phá sản do những bê bối trong hoạt động kinh doanh. Nhưng nhìn nhận một cách nghiêm túc thì đây là hồi chuông cảnh tỉnh nghiêm túc cho nhà đầu tư (NĐT) đối với những cổ phiếu (CP) nóng, có tính đầu cơ.
8,7 triệu CP SHN có phiên giao dịch đầu tiên tại HNX vào ngày 16/12/2009. 8 tháng sau đó, giá SHN đã hơn 6 lần so với lúc mới lên sàn. Năm 2010, SHN cùng VE9, PVA, PVX... trở thành những CP nóng nhất trên thị trường.
Một NĐT đã từng thắng lớn với SHN nhớ lại, thời điểm đó mua SHN chỉ vì CP này nóng và liên tục tăng còn SHN làm gì thì... không có thời gian quan tâm.
Tiền thân của SHN là Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và Tư vấn đầu tư Hà Nội (INCONESS Hà Nội), được thành lập ngày 29/4/2005, sau khi chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần, sáp nhập với một công ty khác và tăng vốn điều lệ đã trở thành Công ty cổ phần Đầu tư tổng hợp HN (Hanic).
Khi niêm yết trên sàn, SHN công bố định hướng phát triển những ngành nghề như kinh doanh bất động sản, đầu tư tài chính, đầu tư các dự án, khu công nghiệp, thương mại... Nhưng không thấy một sản phẩm, hay thành tựu nào của SHN ra tấm ra miếng.
Ngành nghề không đặc sắc, năng lực, thương hiệu cũng chỉ ở mức bình thường, nếu không có yếu tố đầu cơ, bơm đẩy liệu SHN có thể tăng giá mạnh như vậy hay không?
Trước khi SHN lên sàn, tổng số CP SHN mà HĐQT của công ty này nắm giữ xấp xỉ 2 triệu, tương đương với tỷ lệ sở hữu lúc đó khoảng 23%. Nhưng chỉ hơn 1 năm sau, vào ngày 31/12/2010, tỷ lệ nắm giữ cổ phần của các thành viên HĐQT SHN cộng lại chỉ còn gần 5,6% tức chỉ bằng ¾ so với lúc đầu.
Cuối tháng 12/2011, HĐQT của SHN quyết định hoãn trả cố tức của năm 2010 đến hết 30/6 năm... 2012. Quý III và quý IV năm trước, SHN cũng liên tục báo lỗ.
Trong suốt năm 2011 vừa qua, các thành viên HĐQT, ban giám đốc của SHN cũng đã bán như phá mã số CP của mình đang nắm giữ.
Theo như công bố, ông Đinh Hồng Long, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của SHN chỉ còn nắm 350.000CP, tương đương 1,05% vốn điều lệ. Với mức giá 4.000-5.000 đồng/CP thì số CP của ông Long chỉ có giá trị 1,4-1,8 tỷ đồng, quá ư bèo bọt so với vị thế của Chủ tịch HĐQT.
Công ty lên sàn, giá CP tăng trong khi tỷ lệ sở hữu của HĐQT lại giảm. Công ty làm ăn thua lỗ, lãnh đạo tiếp tục bán ra CP, giảm sở hữu.
Những tình tiết trên đây có thể gợi nên suy nghĩ về tính chất bất thường của SHN. Giá CP tăng, lãnh đạo có thể bán ra để chốt lời, lấy tiền xoay vòng vốn, đây là điều bình thường bởi có thể nhìn qua trường hợp của Masan (MSN).
Thời gian qua, một số cổ đông lớn của MSN cũng đã chốt lời nhưng số lượng bán ra rất chừng mực và tỷ lệ sở hữu vẫn được duy trì ở mức cao. Nhưng bán quá nhanh lại không bình thường chút nào.
Giảm tỷ lệ sở hữu tức là giảm quyền hành cũng như ảnh hưởng của cổ đông lớn. Một công ty đang ăn nên làm ra, hoặc bình thường, chắc không có cổ đông nào muốn như vậy.
Năm 2011 vừa qua, những dấu hiệu khó khăn trong kinh doanh của SHN đã bắt đầu lộ rõ và việc bán ra của cổ đông lớn, cổ đông nội bộ đặt ra câu hỏi về việc có hay không khả năng tháo chạy của những người đứng đầu?
Theo như công bố của SHN, tính đến lúc này, Công ty CP BETA BQP (BETA) đang còn nợ SHN số tiền gần 350 tỷ đồng. Số tiền này đã quá hạn thanh toán hơn 9 tháng gây nên cho SHN tình trạng mất thanh khoản, nợ thuế, chậm thanh toán tiền lương, bảo hiểm xã hội…
Trong trường hợp BETA không có động thái trả dần số tiền nợ trên thì có thể đẩy SHN đến bên bờ vực phá sản. Năm 2011, SHN lỗ gần 64 tỷ đồng do trích lập dự phòng phải thu quá hạn của BETA lên đến gần 105 tỷ đồng.
Hơn chục ngày trước, Chủ tịch HĐQT SHN Đinh Hồng Long đã công bố về khả năng phá sản của công ty và hơn 6.000 cổ đông có nguy mất trắng. Như đã nói ở trên, giả định nếu SHN phá sản, số tiền mất đi của ông Long (căn cứ theo giá CP hiện nay) cũng chỉ vài tỷ đồng.
Khó có thể nghĩ rằng, chủ tịch HĐQT của một công ty mà sản nghiệp chỉ có chừng đó tiền. Ngược lại, những cổ đông đã chôn vốn cho SHN hoặc đã bắt đáy CP này vì hy vọng giá rẻ sẽ tăng lại thì mức độ tổn hại có thể nghiêm trọng hơn.
Theo quy luật thông thường, cổ đông lớn nắm vốn tỷ lệ lớn, khi doanh nghiệp phá sản, tất nhiên thiệt hại sẽ lớn, nhưng ở trường hợp của SHN thì chưa chắc như vậy. Thử đặt câu hỏi ngược lại rằng nếu ông Long giữ chừng vài triệu liệu có “sốt sắng” công bố như vậy hay không?
Đã có không ít NĐT tỏ ra bức xúc và đề nghị các cơ quan chức năng phải xác định rõ ràng, liệu những “tai ương” mà SHN đang mắc phải là do khách quan hay lãnh đạo của công ty đã biết trước và xả hàng và giờ đây cho dù có phá sản đi nữa thì cũng chỉ cổ đông bên ngoài gánh chịu.
Từ trường hợp của SHN, nhìn lại trường hợp của Dược Viễn Đông (DVD), khi lên sàn liên tục làm giá, bơm đẩy CP tăng khủng và đến khi mọi chuyện vỡ lở mới biết công ty chỉ ở mức làng nhàng. Lãnh đạo DVD cũng đã đi tù, nhưng thiệt hại thì cổ đông lại đang chịu.
Không phải giống nhau hoàn toàn, nhưng dường như đã có một cái kết khá tương đồng cho những CP biến động bất bình thường, và phần thiệt tất nhiên dành cho cổ đông nhỏ lẻ là lớn nhất. Vậy nên, đây chính là hồi chuông cảnh báo cho NĐT đối với những CP như vậy.
Lâm Anh
Doanh nhân sài gòn



Xem bài viết: TTCK: "Công nghệ bơm đẩy"