Hạ lãi suất để cứu doanh nghiệp
Một lần nữa, vấn đề hạ lãi suất lại được các chuyên gia kinh tế hàng đầu khẩn thiết kiến nghị trong cuộc gặp mới đây giữa Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo một số bộ, ngành với các chuyên gia, nhà khoa học. Và cho dù hạ lãi suất là việc không thể trì hoãn, nhưng lộ trình, mức độ hạ lãi suất phải được cân nhắc kỹ lưỡng.
Sở dĩ hạ lãi suất là việc không thể đừng bởi “cơn bão” phá sản doanh nghiệp hiện đã bao trùm khắp cả nước với tốc độ chóng mặt.
Báo cáo mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, năm 2011, cả nước có hơn 79.000 doanh nghiệp giải thể. Riêng chưa đầy 3 tháng đầu năm 2012, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt là số doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể tăng 57% so với cùng kỳ.
Tình trạng doanh nghiệp đình đốn, phá sản dẫn tới hệ quả tất yếu là GDP quý I/2012 tăng chậm lại, đạt khoảng 4% (là mức tăng chậm nhất trong nhiều năm qua). Như vậy, nếu không kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là khó khăn về lãi suất, thì chắc chắn, danh sách doanh nghiệp phá sản sẽ ngày càng dài.
Xa hơn, nền kinh tế sẽ khó có thể đạt mức tăng trưởng 5,5- 6% như kế hoạch. Kéo theo đó là một loạt vấn đề xã hội sẽ nảy sinh.
Có chuyên gia kinh tế ví von, hàng ngàn doanh nghiệp đang “cháy” vì thiếu nguồn tín dụng, nhưng Chính phủ vẫn chưa mở van nước. Nếu không có những biện pháp tháo gỡ kịp thời thì nhiều khả năng sẽ có thêm hàng vạn doanh nghiệp phá sản, thêm hàng triệu lao động có nguy cơ mất việc và tất yếu, tác động tới tình hình kinh tế - xã hội sẽ không nhỏ.
Trên thực tế, các tiền đề hạ lãi suất cũng đã có khi thanh khoản ngân hàng được cải thiện, lạm phát giảm khá mạnh (3 tháng đầu năm, lạm phát chỉ hơn 2,5%), các ngân hàng cũng thừa nhận không thể cho vay bởi lãi suất quá cao. Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng 2, đầu tháng 3/2012 giảm 2,51% so với cuối năm trước. Nếu lãi suất cho vay cao kéo dài, chắc chắn không chỉ doanh nghiệp mà chính ngân hàng cũng sẽ rơi vào khó khăn.
Không thể trì hoãn việc hạ lãi suất, nhưng hạ bao nhiêu, hạ ở thời điểm nào cho hợp lý cũng là vấn đề cần đặc biệt lưu tâm. Quyết định hạ trần lãi suất huy động 1%, đồng thời thông báo đưa lãi suất về 10% vào cuối năm nay của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cho thấy, cơ quan này đã chuyển từ bị động sang chủ động. Trên thực tế, việc giảm lãi suất cũng không nên tiến hành quá đột ngột, nếu không sẽ gây ra tình trạng rối loạn thanh khoản ở một số ngân hàng và tiềm ẩn rủi ro khó lường tới lạm phát, tỷ giá…
Tuy nhiên, với tình hình sức khỏe của doanh nghiệp hiện nay, nên chăng, cần đẩy nhanh lộ trình giảm lãi suất xuống 10% ngay trong quý III/2012 để tạo điều kiện giúp doanh nghiệp vực dậy vào cuối năm 2012, đầu năm 2013. Theo hướng này, với nguồn tín dụng dồi dào trong tay, NHNN hoàn toàn có thể cho các ngân hàng thương mại vay tái cấp vốn với lãi suất hợp lý để cho doanh nghiệp vay lại với lãi suất trên dưới 10%/năm, mà không phải hạ trần lãi suất huy động cũng như giải quyết thanh khoản ngân hàng.
Dĩ nhiên, chương trình tái cấp vốn đặc biệt này sẽ được thực hiện theo các quy tắc đảm bảo nguồn tiền đi đúng hướng, đúng mục đích. Về lâu dài, khi lạm phát được đưa về mức ổn định, NHNN có thể điều tiết để lãi suất ở Việt Nam tương đương với thế giới, ít nhất là tương đương với khu vực, để giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh.
Hà Tâm
đầu tư



Xem bài viết: Hạ lãi suất để cứu doanh nghiệp