Góc nhìn 27/03: Áp lực điều chỉnh sắp xuất hiện?
Đang có những ý kiến trái ngược nhau giữa các công ty chứng khoán về diễn biến thị trường trong phiên tới. Dù hầu hết đều cho rằng thị trường sẽ tích cực, nhưng một số lại nhận định áp lực điều chỉnh có thể xuất hiện

Xu hướng tích cực
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Diễn biến hồi phục của VN-Index tiếp tục tái diễn trong phiên giao dịch ngày 26/03 với tín hiệu khá tích cực được phát đi về xu thế thị trường trong ngắn hạn.
Mặc dù trong phiên vẫn có lúc xuất hiện nhịp điều chỉnh nhưng áp lực điều chỉnh không quá mạnh mẽ và nhanh chóng bị lấn lướt bởi sức cầu dồi dào quanh các mức giá thấp. Dòng tiền vào thị trường khá ổn định và bền vững là động lực chính giúp thị trường duy trì sắc xanh xuyên suốt quá trình giao dịch.
Quan sát diễn biến thị trường có thể thấy, không khí giao dịch không quá hào hứng, phấn khởi nhưng tâm lý nhà đầu tư vẫn khá ổn định, đặc biệt là người mua duy trì ở trạng thái lạc quan, tin tưởng vào diễn biến hồi phục của thị trường. Nhờ đó, lực cầu đã hấp thụ khá tốt lượng bán ra trong phiên này giúp đưa VN-Index vượt qua đỉnh cũ 457 điểm với sức tăng khá thuyết phục.
Trong phiên giao dịch tiếp theo, dự báo VN-Index sẽ tiếp tục duy trì diễn biến tích cực nhờ tâm lý đầu tư được nâng đỡ bởi thông tin chỉ số CPI cả nước trong tháng 3 chỉ tăng 0.16% so với tháng trước, mức tăng thấp kỷ lục.
Ngoài ra, phải kể đến xu hướng mua ròng của khối ngoại đang được duy trì trong nhiều phiên trở lại đây. Kết hợp với tín hiệu mua đã được phát đi trên phương diện kỹ thuật, chúng tôi cho rằng rủi ro T+4 đã giảm đáng kể đối với nhà đầu tư ngắn hạn tham gia thị trường ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, việc giải ngân vẫn cần được ưu tiên đối với các mã cổ phiếu có thanh khoản cao.
Áp lực điều chỉnh sẽ xuất hiện đầu phiên
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS): Áp lực điều chỉnh đã manh nha xuất hiện sau một tuần tăng nóng trước đó của thị trường và tạo nên diễn biến khá giằng co lúc đầu phiên. Tuy nhiên sau đó dưới sự hỗ trợ mạnh của dòng tiền, sắc xanh đã chiếm ưu thế trong hầu hết thời gian của phiên.
Giao dịch diễn ra khá sôi động và hào hứng với hoạt động mua bán nhộn nhịp của các nhà đầu tư, trong đó khối ngoại đã ghi nhận một phiên mua ròng khá mạnh.
Tính thanh khoản của thị trường mặc dù sụt giảm đôi chút so với cuối tuần trước nhưng vẫn ở mức rất cao khá tích cực.
Với việc thị trường tăng điểm nhiều phiên liên tục thì trong phiên giao dịch ngày 27/03, áp lực điều chỉnh cũng có thể sẽ xuất hiện, đặc biệt là vào đầu phiên, tạo nên những diễn biến có phần giằng co. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm tích cực vào thị trường trong tuần này với xu thế tăng điểm nhiều khả năng sẽ chiếm ưu thế hơn.
Do đó khi thị trường điều chỉnh thì đồng thời cũng là cơ hội tốt để các nhà đầu tư gia tăng tỷ lệ cổ phiếu trong danh mục. Tuy nhiên chúng tôi cũng đặc biệt lưu ý các nhà đầu tư trong việc lựa chọn mã cổ phiếu do thị trường có thể sẽ phân hóa, phục thuộc nhiều vào triển vọng cũng như báo cáo kết quả kinh doanh quý I của các công ty niêm yết.
Tích cực trong dài hạn
Công ty Chứng khoán ACB (ACBS): Mặc dù lao dốc sau ¬gap-up đầu giờ, VN-Index nhanh chóng hồi phục và có phiên tăng thứ hai liên tiếp ngày hôm qua. Khối lượng tiếp tục ở mức cao cho thấy lực cầu mạnh.
Trong các phiên tới, VN-Index có thể tiếp tục hồi phục về 470-480. VN30-Index là 540-550.
Ở mặt ngược lại, sự hình thành của cây nến Hanging Man cho thấy dấu hiệu tiêu cực. Tín hiệu quá mua của chỉ báo RSI(14) cũng làm tăng khả năng giảm điểm của VN-Index.
Nếu VN-Index mở cửa hoặc đóng cửa giảm điểm trong phiên 27/03, tín hiệu đảo chiều của mô hình nói trên sẽ được tăng cường.
Tuy nhiên, ở bức tranh lớn hơn, việc chỉ báo RSI(14) ngắn hạn liên tục duy trì gần vùng quá mua trong hơn 2 tháng qua cho thấy dấu hiệu tích cực trong xu hướng dài hạn của VN-Index.
Nỗ lực leo dốc trong phần lớn thời gian giao dịch của HNX-Index gần như bị xóa bỏ khi TT bị bán mạnh vào cuối phiên. Cây nến Doji cho thấy sự cân bằng của bên bán và mua.
Trong các phiên tới HNX-Index có thể tiếp tục tiến tới 80-82. Đây là vùng kháng cự mạnh nên HNX-Index có thể sẽ giằng co tại đây.
Ở chiều giảm, tín hiệu quá mua của chỉ báo RSI(14) cùng với việc HNX-Index đang tiến tới vùng kháng cự mạnh là dấu hiệu tiêu cực đáng chú ý.
Xác suất điều chỉnh không hề nhỏ
CTCP Chứng khoán BIDV (BSI): Thị trường tiếp tục có diễn biến giằng co khi xen kẽ những đợt giảm mạnh rồi tăng trở lại và cuối cùng chốt phiên với đà tăng suy yếu. Mặc dù các mã cổ phiếu chủ chốt suy yếu, dòng tiền lại đang chạy vào nhóm cổ phiếu penny khi rất nhiều mã dưới mệnh giá tăng trần.
Trên góc độ kỹ thuật, cả 2 chỉ số đều đang trong giai đoạn kiểm tra lại mức đỉnh cũ cách đây khoảng 3 tuần. Trong khi đó nhiều cổ phiếu dẫn dắt thị trường đã tiến rất sát vùng đỉnh sóng tháng 9/2011.
Do đó, đây là giai đoạn khá nhạy cảm và xác suất có thể xảy ra điều chỉnh là không hề nhỏ. Bên cạnh đó, các thông tin vĩ mô tốt đã được phản ánh vào giá, trong ngắn hạn thị trường sẽ thiếu vắng những nâng đỡ từ khía cạnh cơ bản.
Với nhận định này, chiến lược ngắn hạn mà chúng tôi đề xuất là chỉ nên gia tăng giải ngân nếu thị trường có sự điều chỉnh đủ hấp dẫn hoặc giảm tỷ trọng với phần cổ phiếu đã có lãi để duy trì một tỷ trọng cân bằng giữa tiền và cổ phiếu trong danh mục hiện tại.
Viết Vinh tổng hợp (Vietstock)
FINFONET



Xem bài viết: Góc nhìn 27/03: Áp lực điều chỉnh sắp xuất hiện?