CSM: “Dụ khị” để phát hành?
Một số NĐT cho rằng, việc CSM công bố lợi nhuận khủng trong quý I thực chất là trò ‘dụ khị’ để phát hành thêm 10 triệu cổ phiếu.
Sáng 22/3, thông qua HOSE, CTCP Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina - mã CSM) công bố ước kết quả kinh doanh quý I/2012 với lợi nhuận tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Điều này dẫn đến cuộc đua đặt mua giá trần cổ phiếu này ngay sau đó. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi đang được đặt ra cho CSM.
Quý I, lợi nhuận “khủng”
Trong công bố thông tin đầy bất ngờ, CSM cho biết: “Ước doanh thu thực hiện quý I/2012 hơn 680 tỷ đồng, đạt 84,27% so với kế hoạch năm. Lợi nhuận ước thực hiện là 45,38 tỷ đồng, đạt 151,26% so với kế hoạch năm”.
So với con số lợi nhuận trước thuế cả năm 2011 hơn 51 tỷ đồng, kết quả quý I/2012 của CSM và con số phần trăm hoàn thành kế hoạch năm 2012 của CSM gây sửng sốt trong giới đầu tư: lần đầu tiên một công ty niêm yết công bố vượt tới 51% chỉ tiêu lợi nhuận năm ngay trong quý I, trước khi ĐHCĐ thông qua kế hoạch kinh doanh.
“Dụ khị” để phát hành?
Sau khi công bố con số gây sốc nêu trên, phiên giao dịch cuối tuần qua có hơn 2 triệu đơn vị dư mua giá trần nhắm vào cổ phiếu CSM.
Tuy nhiên, không phải mọi NĐT đều bị cuốn vào vòng xoáy mới. Trên diễn đàn Vietstock, thành viên “Đầu tư CK” nhận định: “Mới quý I mà lợi nhuận đã vượt 51% kế hoạch năm, nghĩa là Ban lãnh đạo CSM mù tịt về công tác kế hoạch, dự báo rất không chính xác về thị trường và không nắm được khả năng của chính Công ty. Đây thực chất là trò ‘dụ khị’ để phát hành thêm 10 triệu cổ phiếu, thu về 100 tỷ đồng sắp tới”. Thành viên “Rocki” phân tích: “Tính ra, EPS trước khi phát hành thêm theo tỷ lệ 4,2:1 cũng chưa tới 1.000 đồng/CP. Sau khi phát hành thêm càng loãng. Đây là chiêu “mồi” để CSM có thể phát hành thêm thành công”.
Phản hồi của Casumina
“Hiện tượng” Casumina trở nên bất thường một phần do Công ty công bố các con số gây sốc chỉ trước vài ngày trước khi chốt quyền tham dự ĐHCĐ và quyền mua cổ phiếu phát hành thêm theo tỷ lệ 4,2:1. Đặc biệt, đặt trong bối cảnh kế hoạch kinh doanh chính thức chỉ được ĐHCĐ phê duyệt một tháng sau đó. Con số lợi nhuận quý I vượt kế hoạch đồng thời xuất hiện dấu hỏi lớn về hiệu quả kinh doanh của Công ty trong 3 quý còn lại.
Thế nhưng, trao đổi với ĐTCK, ông Phạm Hồng Phú, Tổng giám đốc Casumina cho biết, không có chuyện Công ty vượt kế hoạch lợi nhuận năm ngay trong quý I. Theo ông Phú, có sự sơ xuất trong cách diễn đạt con số phần trăm đã công bố, đây là mức thực hiện theo kế hoạch từng quý vạch ra trong năm, chứ không phải chỉ tiêu cả năm (về vấn đề này, CSM vừa có thông báo đính chính trên HOSE, theo đó, bỏ so sánh lợi nhuận quý I với kế hoạch năm). Ông Phú cho biết, CSM dự trữ nguyên liệu đủ sản xuất đến giữa năm. Bởi vậy, lợi nhuận quý II của Công ty sẽ ổn định và đạt xấp xỉ so với quý I.
Nguồn gốc của lợi nhuận?
Khi nghi vấn vượt kế hoạch lợi nhuận năm đã sáng tỏ, thì nguồn gốc lợi nhuận quý I của CSM trở thành một dấu hỏi lớn. Chuyên gia phân tích độc lập Phạm Kinh Luân nhận xét, kể từ đầu năm 2010 tới nay, doanh thu từng quý của CSM luôn dao động trong khoảng 620 - 850 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận thuần giảm mạnh. Chẳng hạn, doanh thu quý I/2011 là 663 tỷ đồng (quý I/2010 là 618 tỷ đồng), nhưng lợi nhuận chỉ đạt 9,5 tỷ đồng, giảm 78% so với quý I/2010. Tỷ lệ giá vốn/doanh thu trong quí I/2011 là 93,5% (quý I/2010 là 83%) và cả năm 2011 là 90,5% (năm 2010 là 86%). Như vậy, tỷ lệ giá vốn/doanh thu của CSM thời gian gần đây có xu hướng tăng dần. Khi lợi nhuận gộp đang giảm dần, nếu trừ đi chi phí quản lý, bán hàng và chi phí lãi vay, thì lợi nhuận thuần từ kinh doanh “lõi” của CSM khó có sự tăng trưởng đột biến trong điều kiện môi trường kinh doanh hiện nay.
Cần nói thêm, quý I/2011, chi phí lãi vay của CSM là 16 tỷ đồng, khi dư nợ vay ngắn hạn tại thời điểm 31/12/2010 là 289 tỷ đồng và dư nợ vay dài hạn là 161 tỷ đồng. Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2011 của CSM cho thấy, tại thời điểm 31/12/2011, các con số vay nợ tương ứng của Công ty là 597 tỷ đồng và 150,6 tỷ đồng, nên chắc chắn chi phí lãi vay trong quý I/2012 sẽ tăng mạnh.
Chuyên viên phân tích ngành cao su của một CTCK cho rằng, với doanh nghiệp ngành săm lốp như Casumina, các khoản lợi nhuận đột biết thường đến từ việc dự trữ nguyên liệu giá rẻ, nhưng biến động giá cao su nguyên liệu thời gian qua không ủng hộ giả thuyết này. Cuối năm 2011, lượng hàng tồn kho thành phẩm của CSM là gần 300 tỷ đồng, tăng gần 80% so với cùng kỳ năm 2010. Với môi trường kinh doanh khó khăn tiếp diễn và nhu cầu cao su suy giảm, khó có thể tin là trong quý I/2012, CSM tiêu thụ được hàng tồn kho để cải thiện hiệu quả kinh doanh. Trong bối cảnh lãi suất ngân hàng ở mức cao, giá nguyên liệu biến động không hoàn toàn thuận lợi cho các doanh nghiệp ngành săm lốp, sức tiêu thụ giảm, phải chăng con số lợi nhuận quý I/2012 mà CSM công bố có sự đóng góp từ các khoản thu nhập một lần? NĐT đang mong chờ câu trả lời từ CSM để đánh giá triển vọng doanh nghiệp chính xác hơn trước khi quyết định đầu tư.
Giang Thanh
đầu tư chứng khoán



Xem bài viết: CSM: “Dụ khị” để phát hành?