Threaded View
-
22-03-2012 09:35 PM #1
Những động thái của NHNN trong chính sách tiền tệ
-----------------------------
Blogger: Lê Đạt Chí
Thời gian đăng: 18/03/2012
Blog: http://vn.360plus.yahoo.com/ledatchi
-----------------------------
Nhiều động thái thắt chặt tín dụng
Vào đầu năm 2012, NHNN công bố mục tiêu tăng trưởng tín dụng vào khoảng 15%-17% cho toàn hệ thống. Tuy nhiên, vào ngày 13.2.2012, NHNN lại ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN chia các ngân hàng thành bốn nhóm và giao chỉ tiêu tín dụng khác nhau theo từng nhóm. Cụ thể, nhóm 1 là 17%; nhóm 2 là 15%; nhóm 3 là 8% và nhóm 4 không được tăng trưởng tín dụng. Điều này đồng nghĩa tăng trưởng tín dụng theo chỉ thị số 01 sẽ thấp hơn con số 15%-17% cho toàn hệ thống. Nếu giả định có khoảng 10 ngân hàng tín dụng thuộc nhóm 4; 20 ngân hàng thuộc nhóm 1 và 2; và 7 ngân hàng thuộc nhóm 3, ước con số tăng trưởng tín dụng sẽ còn khoảng 12%-13%.
Trong tháng 3.2012, NHNN liên tục có nhiều động thái chính sách cho thấy xu hướng thắt chặt tiền tệ. Theo đó, dòng vốn tín dụng từ hoạt động ủy thác và ngoại tệ sẽ được khóa dần lại.
Hoạt động ủy thác đầu tư được ví dụ như “lỗ thủng” của thị trường tiền tệ. Bằng cách ủy thác vốn cho các công ty liên kết hoặc cổ đông lớn của ngân hàng (có thể đồng thời là cổ đông lớn), các ngân hàng có thể mở rộng hoạt động tín dụng cao hơn so với con số thực tế được báo cáo (hoặc hạn mức tín dụng mà NHNN giao) vì hoạt động ủy thác không được gộp tính vào tăng trưởng tín dụng chung. Chính điều này khiến công tác điều hành chính sách tiền tệ kém hiệu quả vì dòng vốn chảy đến những nơi không đúng mục đích (khi bơm vốn) và gặp khó khăn khi hút dòng vốn về.
Trong thông tư số 04/2012/TT-NHNN ban hành ngày 8.3.2012, hoạt động ủy thác bị thắt chặt. Theo khoản 3, điều 9, Mục 2: “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhận ủy thác của tổ chức khác để cho vay phải tính dư nợ cho vay từ nguồn vốn nhận ủy thác vào tổng dư nợ cấp tín dụng”. Như vậy, dòng vốn vay từ hoạt động ủy thác cũng bị đặt trong sự kiểm soát của NHNN theo hạn mức tín dụng. Đối tượng nhận ủy thác cũng hạn chế vì theo khoản 1, điều 8, mục 3 chỉ có các tổ chức tín dụng và ngân hàng nước ngoài hoạt động theo quy định của luật tổ chức tín dụng mới được phép nhận ủy thác. Điều này khiến các cổ đông lớn không được phép nhận ủy thác như trước. Đồng thời, theo khoản 4, điều 9, Mục 2: “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhận ủy thác không được ủy thác lại cho bên thứ ba để thực hiện cho vay”.
Việc thắt chặt hoạt động ủy thác đầu tư cũng nhằm mục đích ngăn chặn khả năng huy động vượt trần lãi suất. Trong năm 2011, bằng hợp đồng ủy thác đầu tư, người gửi tiền “ủy thác” vốn cho ngân hàng để được hưởng mức lãi suất cao hơn 14%/năm. Điểm khác của hình thức huy động vốn này là không có sổ tiết kiệm. Tuy nhiên, trong thông tư số 04 vừa ban hành, các ngân hàng không được phép nhận ủy thác vốn từ cá nhân. Do đó, các ngân hàng sẽ rất khó trong việc tìm cách huy động vượt trần lãi suất, đặc biệt là các ngân hàng có tính thanh khoản kém. Điều này có thể khiến cho tình trạng thanh khoản của các ngân hàng trở nên tồi hơn. Lãi suất liên ngân hàng có thể căng thẳng trở lại.
Trong hai năm vừa qua, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ luôn cao hơn 1.7-1.8 lần so với tăng trưởng tín dụng chung khi chênh lệch lãi suất giữa VND và USD năm ở mức cao. Cụ thể, năm 2010, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ tăng đến 48.45%, gấp tới 3.2 lần so với năm 2009 và cao gấp 1.75 lần tăng trưởng tín dụng chung (27.65%); năm 2011, tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ năm khoảng 18.7%, gấp 1.7 lần so với tăng trưởng tín dụng chung là 10.9%. Điều này là do lãi suất VND ở mức cao khiến các doanh nghiệp đi vay ngoại tệ với lãi suất thấp và quy đổi sang VND để phục vụ cho sản xuất. Tuy nhiên, thông tư số 03/2012/TT-NHNN có hiệu lược từ ngày 02.05.2012 đã hạn chế đối tượng được vay vốn bằng đồng ngoại tệ. Mục đích của NHNN là chuyển từ cơ chế vay mượn ngoại tệ sang mua bán ngoại tệ nhằm tạo thuận lợi trong việc điều hành tỷ giá. Đặc biệt là tránh những cú sốc bất ngờ lên tỷ giá khi các hợp đồng tín dụng đáo hạn. Do đó, thông tư 03 đã hạn chế dòng vốn giá rẻ đối với các doanh nghiệp. Nói cách khác, dòng tín dụng ngoại tệ sẽ giảm và kéo theo mức giảm của tín dụng chung.
Thống kê tăng trưởng tín dụng hai tháng đầu năm 2012 là âm 2.51% so với cuối năm 2011 cho thấy sự khó khăn của các doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn, đồng thời phản ánh chính sách tiền tệ thắt chặt mà NHNN đang thực hiện thông qua các chính sách trên.
Chứng khoán sẽ ra sao ?
Trước đây, các ngân hàng thường ủy thác vốn cho công ty liên kết và công ty liên kết lại cho nhiều cá nhân vay để đầu tư chứng khoán. Do đó, việc thắt chặt hoạt động ủy thác đầu tư sẽ có những tác động tiêu cực đến TTCK. Dòng vốn của thị trường tiền tệ sẽ được chảy đến những nơi theo ý muốn của NHNN hơn là chảy vào TTCK.
Không chỉ thắt dòng vốn tín dụng, khả năng trong thời gian tới NHNN cũng sẽ hạn chế các biện pháp bơm vốn vào hệ thống ngân hàng. TTCK VN đã có 2 tháng tăng trưởng mạnh từ ngày 9.1.2012 đến ngày 6.3.2012 khi NHNN có động thái bơm VND vào hệ thống NHTM thông qua việc mua vào ngoại tệ. Theo thông tin từ NHNN, dự trữ ngoại hối của VN đã tăng 20% so với cuối năm 2011 trong 2 tháng đầu năm 2012. Việc bơm vốn của NHNN đã giúp thanh khoản của hệ thống NHTM được cải thiện thể hiện qua lãi suất cho vay qua đêm của VND trên liên ngân hàng giảm mạnh xuống còn dưới 10%/năm và lãi suất đấu thầu trái phiếu chính phủ giảm (lãi suất trúng thầu trái phiếu kỳ hạn 3 năm dưới 11%/năm). Mặc dù NHNN đã có giải pháp trung hòa một phần dòng vốn VND được bơm ra thông qua việc hút ròng trên thị trường OMO và liên tục đấu thầu trái phiếu nhưng việc NHNN có ý định phát hành tín phiếu có kỳ hạn dưới 1 năm cho thấy vẫn còn một lượng tiền chưa được rút về.
Cần nói thêm rằng, khả năng trong thời gian tới, NHNN sẽ hạn chế việc mua vào ngoại tệ như các tháng đầu năm vì tỷ giá đang có một số dấu hiệu tiềm ẩn bất ổn trở lại. Trong khi giá vàng thế giới giảm mạnh thì việc giá vàng trong nước giảm chậm đã tạo nên mức chênh lệch đến 2-3 triệu đồng/lượng. Nếu giá vàng thế giới còn tiếp tục giảm, NHNN sẽ buộc phải hạn chế mua vào ngoại tệ để tránh làm tăng tỷ giá. Do đó, động thái tiếp theo của NHNN trong thời gian tới là “dọn dẹp” số tiền VND được bơm ra trong 3 tháng đầu năm.
Dấu hiệu của động thái này đã bắt đầu xuất hiện vào cuối tuần qua. Trên thị trường mở ngày 15.3.2012, NHNN bất ngờ phát hành tín hiệu kỳ hạn ngắn (28 ngày, 91 ngày, 182 ngày) với lãi suất cao hơn lãi suất trái phiếu chính phủ nhằm hút tiền về. Điều này khiến tỷ lệ trúng thầu trái phiếu chính phủ trong phiên đấu thầu này chỉ còn 9.75% trong tổng 4,000 tỷ đồng được gọi thầu. Căng thẳng trên thị trường liên ngân hàng xuất hiện trở lại. Vào ngày 13.3.2012, sau khi NHNN chính thức áp trần lãi suất huy động xuống còn 13%/năm từ mức 14%/năm, lãi suất cho vay VND trên thị trường liên ngân hàng ở kỳ hạn 3 tháng trở lên đều tăng. Trong đó, lãi suất kỳ hạn 6 tháng đã tăng mạnh lên đến 21%/năm.
Những biện pháp rút tiền khỏi hệ thống ngân hàng trong thời gian tới có thể khiến cho tình hình thanh khoản của các NHTM căng thẳng trở lại. Trong khi đó, quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng vẫn đang được triển khai nên chưa sớm mang lại hiệu quả. TTCK vì vậy sẽ có những ảnh hưởng không tốt.
Thông tin của chủ đề
Users Browsing this Thread
Có 2 thành viên đang xem chủ đề này. (0 thành viên và 2 khách vãng lai)
Similar Articles
-
Thống đốc NHNN: TTCK "xanh đỏ" theo chính sách tiền tệ là sai
By tintucsukien in forum Thảo luận Tình hìnhTrả lời: 9Bài viết cuối: 23-11-2021, 04:50 PM -
Tác động của CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA đến tổng cầu của nền kinh tế???
By alehap12 in forum Nhận định Thị trườngTrả lời: 3Bài viết cuối: 12-09-2011, 10:28 PM -
Chính sách tiền tệ những tháng cuối năm: Đừng “đánh bùn sang ao”
By tintucsukien in forum Thảo luận Tình hìnhTrả lời: 9Bài viết cuối: 26-06-2011, 11:18 PM -
Chính sách tiền tệ có thể thắt chặt vì những mục tiêu mới
By vikki in forum Nhận định Thị trườngTrả lời: 1Bài viết cuối: 18-02-2010, 12:32 PM
Bookmarks