Cổ phiếu ngân hàng không còn rẻ?
Trong những tháng gần đây, nhóm blue chip mà trọng tâm là CP ngân hàng trở thành CP dẫn dắt thị trường và có sự gia tăng mạnh. Sự gia tăng này khiến cho nhóm CP này không còn quá rẻ so với thị trường chung.

Theo thống kê, khối lượng giao dịch trên 2 sàn trong những phiên giao dịch gần đây có mức tăng đáng kể so với các thời điểm trước, nhưng nếu xét về giá trị giao dịch quy mô vẫn ở mức thấp. Chẳng hạn, nếu so sánh trung bình phiên trong tháng 2 với khối lượng giao dịch trung bình phiên trong 12 tháng liền trước mức tăng là 57,2%, nhưng nếu so về giá trị mức tăng chỉ ở 35,8%.
Điều này cho thấy sự sôi động của thị trường khiến nhiều mã có thị giá nhỏ đã thu hút được sự quan tâm của NĐT. Đây có thể coi là giai đoạn đầu cơ giá rẻ của thị trường. So với giai đoạn năm 2009, giá trị giao dịch hiện nay trên thị trường mới ở quy mô nhỏ và chưa phải là áp lực lớn với dòng tiền.
Tuy nhiên, sự khác biệt về bối cảnh kinh tế hiện nay, đặc biệt điều kiện về khả năng và chi phí tiếp cận vốn sẽ khiến thị trường khó có thể tạo được sự bùng nổ dài như giai đoạn 2009.
Không chỉ có khối nội, khi bức tranh dài hạn về hệ thống tài chính rõ nét hơn bởi việc xuất hiện các chính sách mới khiến NĐT nước ngoài mạnh dạn tham gia thị trường. Theo thống kê từ CTCK Bảo Việt, trong tháng 2, NĐT nước ngoài mua ròng 1.525 tỷ đồng, trong đó giá trị mua đạt 3.315 tỷ đồng, giá trị bán ở mức 1.790 tỷ đồng.
Tương tự khối nội, NĐT nước ngoài cũng thực hiện mua ròng ở phần lớn các ngành, trong đó giá trị mua ròng tập trung lớn nhất ở khối tài chính ngân hàng. Kế đến là nhóm CP bất động sản.
Trên thực tế, CP ngân hàng là nhóm CP đầu tiên tăng điểm và trở thành trung tâm thu hút sự quan tâm của NĐT. Kể từ đầu năm nay, nhiều CP ngân hàng như STB hay HBB đã có mức tăng giá cao hơn với mức tăng của VN Index và HNX Index. Giai đoạn đầu tăng điểm, mặc dù giá tăng nhanh nhưng giá trị giao dịch tăng không đáng kể.
Thời điểm này, nhóm CP ngân hàng vẫn chưa thu hút được sự quan tâm của NĐT. Chỉ đến khi có các thông tin liên quan đến việc hoạt động M&A giữa Sacombank và Eximbank, CP ngân hàng mới thực sự trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của NĐT. Có thể nói, đây là thương vụ thu hút được sự quan tâm, chú ý của nhiều NĐT bởi quy mô và lĩnh vực kinh doanh đặc thù.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, những biến động tích cực của nhóm CP ngân hàng không chỉ đến từ các thông tin liên quan đến M&A. Bởi ngoài những thông tin này, theo phân tích của CTCK Bảo Việt, việc tăng giá của các CP ngân hàng thời điểm này còn đến từ những thông tin tích cực: Quyết định phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng; kỳ vọng những thay đổi lớn về nội dung của Nghị định mới thay thế Nghị định 69/2007/NĐ-CP quy định về việc NĐT nước ngoài mua cổ phần của ngân hàng thương mại.
Bên cạnh đó còn là việc hàng loạt CP ngân hàng được chọn làm CP trong danh mục của các quỹ đầu tư chỉ số.
Hiện tại, xét về định giá, CP các ngân hàng trong nước đang được niêm yết không rẻ hơn định giá của các ngân hàng trên thế giới. Theo đó, CP ngân hàng nội đang giao dịch ở mức P/B khoảng trên 1,5x trong khi tại nhiều nước CP ngân hàng giao dịch bình quân ở mức 1,3x.
Chẳng hạn, CP của Morgan Standley đang giao dịch ở mức P/B là 1x. Chính vì vậy, nếu những thay đổi về chất lượng hoạt động kinh doanh của ngân hàng chưa thay đổi kịp, ngang với kỳ vọng của NĐT, biến động giá của nhóm CP này sẽ khó duy trì được sự tích cực như giai đoạn vừa qua.
KIM GIANG
sài gòn đầu tư tài chính



Xem bài viết: Cổ phiếu ngân hàng không còn rẻ?